Cập nhật:  GMT+7

Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?

Hàng trăm cây gỗ có tuổi đời từ 50 đến 100 năm, trong đó nhiều cây đường kính gốc 0,8m đến 1m đã bị các đối tượng đốn hạ. Nhìn những vạt rừng nguyên sinh bị chặt phá la liệt, người dân thôn Hồ (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) rất buồn và xót xa, bởi rừng này được ông cha họ gìn giữ, bảo vệ từ nhiều thế hệ.

Xót xa thấy rừng “chảy máu”

Chúng tôi có mặt tại khu rừng bị tàn phá vào lúc giữa trưa ngày 26/10. Vị trí này thuộc lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 657A, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, có diện tích gần 1 ha. Để lên được đây phải vượt qua khoảng 2 km đường đất đỏ lầy lội, đồi dốc liên tục với đá núi lởm chởm, nhiều đoạn rất nguy hiểm. Tiếp đến phải đi qua vài ngọn đồi trơ trọi bóng cây, nhưng in hằn dấu tích của quá trình khai thác quặng.

Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?

Diện tích 0,890 ha rừng tự nhiên thôn Hồ với hàng trăm cây lâu năm bị tàn phá không thương tiếc- Ảnh: Q.H

Bước xuống bìa rừng, tôi khựng lại trước cảnh tượng hàng trăm cây gỗ tự nhiên cổ thụ bị chặt hạ, nằm la liệt. Đập ngay vào mắt là một cây vạng trứng có đường kính hơn 0,8m, thân dài khoảng 20m bị các đối tượng cưa thành nhiều đoạn, nằm vắt ngang ngọn đồi, trơ gốc lưng chừng trời. Bút tích đánh dấu còn rất rõ, ghi ngày 11/6/2024.

Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?

Một cây vạng trứng có đường kính gốc gần 1m, cao khoảng 30m bị cưa hạ- Ảnh: Q.H

Cạnh đó, hàng loạt cây lâu năm như ten mật, trâm, quế, mít nài, giổi, dẻ, sến... có đường kính từ 0,8m trở lên cũng bị đốn hạ, cắt thành nhiều phần.

Ngọn và cành cây bị chặt phá xếp chồng từng lớp, chất đống, qua thời gian đã rụng hết lá, tạo nên cảnh tượng hoang tàn giữa cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Gần chính giữa khu rừng bị tàn phá, một bảng thông báo bằng tôn trắng hình chữ nhật được dựng lên với dòng chữ: “Khu vực đang điều tra. Cấm: khai thác gỗ, chặt cây rừng, san, ủi trái phép”.

Theo nhận định của dân địa phương, những cây gỗ có giá trị như vạng trứng, giổi, sến, ten mật... được các đối tượng cưa thành nhiều khúc khả năng để thuận lợi cho việc vận chuyển ra khỏi rừng bán hoặc sử dụng, nhưng chưa kịp thì bị phát hiện nên còn nguyên tại hiện trường.

Người giữ rừng Hồ Văn Cươi (nhân vật đã được đổi tên, là thành viên Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Hồ, xã Hướng Sơn) dò đường đến từng gốc cây gỗ lớn bị chặt phá, dùng rựa phát quang để chúng tôi thấy rõ hơn kích thước của cây gỗ.

Cứ đến mỗi cây lớn bị chặt hạ, Cươi lại đưa tay sờ lên từng thớ gỗ còn hằn nguyên dấu vết cưa máy, như vỗ về và nói thay cho nỗi xót xa với cánh rừng mà anh cùng dân làng ra sức bảo vệ suốt bao năm nay.

Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?

Trước cảnh tượng hàng trăm cây rừng tự nhiên có tuổi đời cả trăm năm bị đốn hạ, ai cũng phải xót xa- Ảnh: Q.H

Ngồi bần thần bên gốc cây có đường kính gần 1m với hai nhát cưa máy đã úa màu gỗ vì nắng mưa, Cươi phóng tầm mắt qua bìa rừng sát đó tầm chục bước chân, trầm ngâm rồi nói: “Khi chưa bị phá, khu rừng này toàn cây cao đến 30m, đường kính từ 0,8m trở lên, như cây trâm đó. Để cao lớn như này, chúng phải chừng 50 năm đến cả trăm năm tuổi”.

Dứt lời, Cươi tiến đến đưa sải tay thị phạm ôm đo một gốc cây trâm cổ thụ, nói tiếp: “Khu vực này thung lũng nên cây rừng xanh tốt lắm, toàn cây cao lớn thôi. Dân làng không ngờ bị người ta tàn phá đến mức này, ai cũng buồn”.

Năm nay 44 tuổi thì Cươi đã có hơn 24 năm tham gia giữ rừng thôn Hồ. Cươi kể tầm giữa tháng 6 vừa qua, sau khi phát hiện rừng bị tàn phá, người dân trình báo kiểm lâm. Ngay sau đó, kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương vào hiện trường kiểm tra, xác minh.

Ngoài khu vực kể trên, còn hai vạt rừng tự nhiên khác gần đó của cộng đồng dân cư thôn Hồ cũng bị các đối tượng chặt phá, nhưng diện tích nhỏ hơn và không có nhiều cây lớn. Nhờ đó mà rừng thôn Hồ ngừng “chảy máu”.

Theo Cươi thì người dân từng nhiều lần phản đối việc doanh nghiệp vào cắt cây, phá rừng để khai thác quặng sắt ở làng Hồ.

Cần điều tra làm rõ ai đứng sau vụ phá rừng ?

Làm việc với phóng viên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa Bùi Văn Duẩn thông tin, vụ phá rừng xảy ra ở thôn Hồ được phát hiện từ hồi tháng 6/2024 thông qua thông tin tố giác tội phạm.

Trong báo cáo ngày 18/10 gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Hướng Hóa, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, ngày 18/6/2024, đơn vị nhận tin báo về việc rừng tự nhiên giao cho cộng đồng dân cư thôn Hồ bảo vệ và hưởng lợi bị chặt phá tại tiểu khu 657A.

Ngay ngày hôm sau, hạt phối hợp UBND xã Hướng Sơn, Ban cán sự thôn Hồ cùng xác minh hiện trường và xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hạt đã lập hồ sơ, thủ tục ban đầu và đưa vụ việc vào giải quyết tin báo về tội phạm theo đúng quy định.

Trong các ngày 8 và 9/8/2024, hạt phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Công an huyện Hướng Hóa, UBND và Công an xã Hướng Sơn tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng. Kết quả xác định có 3 khu vực rừng tự nhiên do cộng đồng dân cư thôn Hồ làm chủ bị xâm hại. Khu vực thứ nhất thuộc lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 657A xã Hướng Sơn với diện tích bị tàn phá là 0,890 ha.

Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?

Cận cảnh vạt rừng bị các đối tượng cưa hạ tại tiểu khu 657A xã Hướng Sơn- Ảnh: Q.H

Khu vực thứ 2 thuộc lô 3, khoảnh 2, tiểu khu 657A xã Hướng Sơn có diện tích 0,4772 ha. Khu vực thứ 3 thuộc lô 2, khoảnh 4, tiểu khu 657A xã Hướng Phùng, diện tích 0,1971 ha. Tất cả diện tích bị phá này đều rừng tự nhiên thứ sinh, rừng gỗ núi đất, lá rộng thường xanh và nửa lá rụng, mục đích rừng sản xuất.

Cả 3 khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá đều giáp ranh với khu vực thực hiện Dự án xây dựng công trình, khai thác, chế biến quặng sắt Làng Hồ, xã Hướng Sơn của Công ty TNHH Khoáng sản Quang Sơn Đức (địa chỉ tại đường Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà).

Quá trình điều tra, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã làm việc, lấy lời khai các cá nhân liên quan và bước đầu xác định 3 cá nhân gồm Trần Hữu Lực (trú thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa), Hồ Văn Đinh và Hồ Văn Minh (cùng trú thôn Của, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) là những người được thuê vào phát quang khu vực thực hiện Dự án xây dựng công trình, khai thác, chế biến quặng sắt Làng Hồ (chưa xác định vị trí 3 người này phát quang tại hiện trường). Đồng thời, xác định người thuê 3 cá nhân phát quang là ông Hiền (chưa xác định có phải người của Công ty TNHH Khoáng sản Quang Sơn Đức hay không).

Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cũng đã trưng cầu giám định và yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện xác định giá trị thiệt hại đối với từng diện tích rừng bị phá tại 3 khu vực nói trên. “Ngày 14/10, sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Hủy hoại rừng” theo quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã tiến hành khởi tố vụ án. Ngày 17/10, hạt chuyển toàn bộ hồ sơ kèm đồ vật tạm giữ cho Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hướng Hóa để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền”, ông Duẩn cho hay.

1,5 ha rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi với hàng trăm cây gỗ lớn, nguyên sinh bị đốn hạ đang gây bức xúc người dân thôn Hồ. Một vụ án phá rừng nghiêm trọng như thế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để đưa ra ánh sáng ai là kẻ chủ mưu, là người đứng sau khiến rừng “chảy máu”!

Quang Hải

Tin liên quan:
  • Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?
    Vụ phá rừng ở Đakrông: Hơn 18,6 ha rừng tự nhiên bị chặt hạ

    (QTO) – Sáng nay 22/4, thông tin từ UBND huyện Đakrông cho biết, liên quan đến vụ việc chặt phá rừng nghiêm trọng tại địa bàn xã Đakrông, ngày 21/4, đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương do Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đại Lợi làm trưởng đoàn đã đến thực tế tại hiện trường khu vực rừng bị xâm hại ở Tiểu khu 699 và 708, đồng thời có báo cáo cụ thể.

  • Ai đứng sau vụ phá hơn 1,5 ha rừng tự nhiên ở thôn Hồ?
    Hơn 10 ha rừng tự nhiên ở Đakrông bị tàn phá

    Nhiều thân cây rừng tự nhiên có đường kính từ khoảng 50 – 80 cm bị cưa hạ, cắt phần thân, chỉ còn gốc, sau đó được cưa xẻ thành hộp gỗ rồi đưa ra khỏi cửa rừng. Nhiều nơi có cây lớn nằm chồng lên các cây nhỏ bị đốn hạ còn nguyên trạng. Đó là tình trạng chặt phá rừng diễn ra ở khu vực thuộc quản lý của các thôn ở xã Đakrông, huyện Đakrông.


Quang Hải

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế
2025-01-18 15:14:00

(CAND) - Ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong thời gian ông Phương làm Hiệu...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long