{title}
{publish}
{head}
Nhiều năm là người có uy tín thôn Đá Bàn, xã Ba Nang, huyện Đakrông, ông Hồ Văn Pua luôn được người dân quý mến, bởi ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, đem lại sự đoàn kết, ấm no cho dân bản.
Vận động đưa ánh sáng về bản làng
Từ trung tâm xã Ba Nang, sau gần 30 phút men theo con đường bê tông nhỏ hẹp, rộng chỉ chừng 2 m chông chênh, uốn lượn theo những vách núi chúng tôi mới đến được thôn Đá Bàn khi chiều muộn.
Đón chúng tôi là những ánh đèn điện lung linh giữa những vườn trẩu, vườn mít. Thay cho không khí vắng lặng của bản vùng cao, giờ đây trong những ngôi nhà sàn là tiếng ti vi, tiếng nhạc rộn ràng. Có điện, trẻ em được học dưới ánh đèn, được tiếp xúc với máy vi tính...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn vững chãi, ông Hồ Văn Pua chậm rãi kể cho chúng tôi về quá trình vận động người dân hiến đất dựng cột, làm đường điện thắp sáng cho thôn bản. Theo ông Pua, trước năm 2023, thôn Đá Bàn không có điện lưới mặc dù đường dây điện đã được kéo đến sát thôn, cột điện, xi măng, cát sạn cũng đã được tập kết đầy đủ.
Ông Hồ Văn Pua (người đứng) luôn tận tâm truyền dạy các làn điệu truyền thống của dân tộc - Ảnh: L.A
Nguyên nhân là do hệ thống cột điện và đường dây phải đi qua diện tích đất ở của các hộ dân dẫn đến người dân không đồng ý cho phía đơn vị thi công đào hố trồng cột điện, chặt cây để kéo đường dây điện trong diện tích đất của mình.
Thậm chí có trường hợp còn yêu cầu đơn vị thi công phải chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó các dự án đưa điện về vùng cao không có kinh phí giải phóng mặt bằng, tất cả công trình đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
“Điện về bản thì ai cũng muốn nhưng khúc mắc quyền lợi là mọi việc lại nâng lên đặt xuống. Khó nhất là không có tiền bồi thường đất cho bà con. Rồi phải chặt bỏ cây cối trong vườn nhà để đảm bảo an toàn đường điện”, ông Pua nói.
Nhận thấy “nút thắt” cần tháo gỡ, ông Pua đã quyết định đi đến từng nhà, giải thích cho người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách Nhà nước, lợi ích của việc đưa điện lưới quốc gia về thôn bản. Những buổi gặp đầu tiên không mang lại kết quả như mong đợi.
Ông Hồ Văn Pua (thứ 5 từ trái sang) luôn tận tâm truyền dạy các làn điệu truyền thống của dân tộc - Ảnh: L.A
Không nản chí, hằng ngày, sau khi kết thúc công việc nương rẫy, ông lại tiếp tục đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trong việc hiến đất thực hiện công trình điện. Kiên trì nhiều tháng trời, “mưa dầm thấm lâu”, dần dần toàn bộ các hộ dân đã đồng thuận hiến đất, chặt cây bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đang quây quần bên mâm cơm dưới ánh sáng của những bóng đèn điện, anh Hồ Văn Cừm cho biết, gia đình anh đã tình nguyện chặt bỏ 9 cây trẩu đang cho thu hoạch trong vườn nhà để đặt cột điện, kéo đường dây điện. Việc này khiến gia đình anh mất đi một nguồn thu nhưng anh Cừm hiểu rằng, bản có điện thì gia đình anh cũng có điện. Điều đó có lợi hơn rất nhiều so với số tiền thu được từ bán trẩu.
“Trước đây cuộc sống của người dân bản khó khăn lắm vì vừa phải đi làm rẫy, vừa phải lo kiếm củi đun, củi bán lấy tiền mua dầu thắp đèn cho cho con cái học hành. Nhưng từ tết năm ngoái dân bản đã được đón tết trong ánh đèn điện, được ăn cơm nấu bằng nồi điện. Trẻ em học bài, người già nghe đài, xem ti vi. Cuộc sống dân bản Đá Bàn thực sự sang trang mới”, anh Cừm phấn khởi nói.
Chủ tịch UBND xã Ba Nang Hồ Văn My đánh giá rất cao công tác vận động, thuyết phục người dân đồng thuận hiến đất, hiến cây để kéo đường điện của ông Hồ Văn Pua.
Theo ông My, để kéo đường điện về thôn Đá Bàn đã có khoảng 30 hộ bị ảnh hưởng, ngoài trồng cột điện phải đào trong đất của dân thì mỗi hộ còn phải chặt bỏ từ 5 – 10 cây lâu năm như trẩu, xoan, mít, bưởi. Nếu bồi thường thì phải mất từ 300.000 – 500.000 đồng mỗi cây.
Do vậy, việc người dân đồng thuận hiến đất, hiến cây chính là nhờ công sức của ông Hồ Văn Pua. “Xuống dân thì phải nói đúng, làm đúng, người dân tin tưởng thì người dân sẽ ủng hộ. Đặc biệt thôn là 100% người dân tộc Vân Kiều, nếu như bà con ủng hộ, nhất trí, tin tưởng, chia sẻ thì sẽ làm được”, ông Hồ Văn My khẳng định.
Người truyền lửa
Thôn Đá Bàn hầu hết là người dân tộc Vân Kiều. Trước đây, hầu hết các hộ đều nghèo, tập tục sinh hoạt lạc hậu... Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông Hồ Văn Pua đã vận động bà con không phá rừng làm nương rẫy; xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay cưới xin; vận động bà con trồng lúa nước, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng; trẻ em đến tuổi phải được đi học; không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; cùng nhau đoàn kết làm ăn, xây dựng bản làng văn hoá, văn minh.
Để bà con tin lời nói của mình, ông gương mẫu, tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... mang lại nhiều hiệu quả.
Ông Pua cho biết, để sản xuất hiệu quả, cùng với việc tham gia học tập tại các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do huyện, xã tổ chức, ông còn tìm đến những hộ làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương để học hỏi thêm cách thức làm ăn, cách làm phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng mình sinh sống.
Ông Hồ Văn Pua hướng dẫn các cháu học bài dưới ánh đèn điện - Ảnh: L.A
Với những kiến thức được học, ông đã tìm những vùng đất ở gần khe suối để khai hoang làm ruộng nước; đào ao thả cá. Vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi trâu, bò; trồng rừng... mang lại thu nhập hằng năm từ 60 – 70 triệu đồng. Hiện tại, do tuổi cao, sức khỏe hạn chế, ông đã chuyển toàn bộ lại cho các người con của mình để tiếp tục phát triển sản xuất.
Không chỉ tận tâm trong phát triển kinh tế, ông Pua cũng rất tâm huyết trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Từng là cán bộ địa phương, thông thạo tiếng Vân Kiều và các phong tục tập quán, văn hoá, lễ hội của đồng bào Vân Kiều như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu... do vậy, ông thường xuyên tham gia hướng dẫn người dân các làn điệu dân ca của dân tộc Vân Kiều để giới thiệu văn hóa của đồng bào được hiệu quả hơn.
Ông cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ông Pua kể, từ hồi còn thanh niên ông đã biết nhiều về các lễ hội của dân tộc mình khi được theo cha, mẹ tham gia; biết ca hát, chế tác, chơi các loại nhạc cụ truyền thống.
Nhận thấy được những người hiểu biết về cồng chiêng, nhạc cụ, hát dân ca, lễ hội, nghề truyền thống ngày càng ít đi, trong khi người trẻ ngày càng ít quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông do chi phối bởi lối sống hiện đại, hoặc bị ảnh hưởng lối sống ngoại lai qua phim ảnh, mạng xã hội, ông đau đáu một ước muốn sẽ dành phần đời còn lại tiếp tục truyền dạy, cố gắng gìn giữ những vốn quý của dân tộc cho con cháu.
Với niềm đam mê, hiểu biết về các làn điệu, nhạc cụ dân tộc, ông bắt đầu sưu tầm, tập hợp một số người còn biết ca hát các làn điệu truyền thống, đánh cồng chiêng ... để luyện tập và cùng chơi, sinh hoạt sau những ngày lao động mệt nhọc.
Đồng thời, dốc hết tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ biết về nét sinh hoạt giàu bản sắc, nhân văn, về các lễ hội, sinh hoạt tập thể của dân tộc mình. Tuyên truyền, hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp nhận có chọn lọc cái mới, tiên tiến, trân trọng, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Với những việc làm đó, ông luôn được dân bản quý mến, tin tưởng.
“Giờ đây dù tuổi đã cao nhưng khi trực tiếp thổi tù và, đánh cồng chiêng và hát những làn điệu dân ca truyền thống, chúng tôi cảm thấy trẻ lại như tuổi đôi mươi, luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Đồng thời, chúng tôi còn sưu tầm, bảo tồn, giữ gìn các làn điệu truyền thống, các nhạc cụ và giữ gìn cẩn thận như báu vật trong nhà. Với chúng tôi, những thứ này rất giá trị, như “linh hồn” của bản làng”, ông Pua chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Ba Nang Hồ Văn My cho hay, thời gian qua, xã Ba Nang đã có nhiều kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Vân Kiều. Trong đó, có được những con người tâm huyết như ông Hồ Văn Pua là điều rất đáng quý trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Lê An
QTO - Các đội xung kích phòng, chống thiên tai luôn sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai (PCTT); nhanh chóng có mặt để triển khai...
QTO - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng bão số 6 đã làm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt, chia cắt, cô lập. Trong đó, huyện Vĩnh Linh là...
QTO - Bước qua lằn ranh sinh tử của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, ông Hồ Văn Xang, ở Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, cựu chiến binh người dân tộc...
QTO - Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn xảy ra các hình thái thiên tai khác nhau như...
QTO - Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận...
QTO - Dù mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung và suy tim bẩm sinh nhưng nhiều năm qua, một mình chị Lê Thị Thừa (51 tuổi), ở thôn Kinh Duy, xã Hải...
QTO - Chỉ với việc ngồi trước màn hình livestream, làm theo các yêu cầu của người xem để được nhận quà là hình thức kiếm tiền mới, được nhiều người dùng...
QTO - Qua 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, kỷ cương, trách nhiệm, vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc Nhân dân”...
QTO - Thời gian qua, phụ nữ Công an tỉnh Quảng Trị tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, trong đó có phong trào “Phụ nữ công an bản lĩnh, nhân văn, kỷ...
QTO - Tình trạng khó tuyển dụng lao động ngành may đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024, thị trường may mặc phục hồi, nhiều doanh nghiệp...
QTO - Thời gian qua, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh triển khai hiệu quả quy trình thương lượng, ký...
QTO - Với phương tiện, máy móc thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ trẻ, tận tâm, trách nhiệm, được đào tạo bài bản, Khoa Nội tim mạch, Bệnh...