Cập nhật:  GMT+7

Ghi nhận từ những phiên tòa xét xử lưu động tội phạm ma túy

Xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật phổ biến, mang lại hiệu quả cao. Các phiên tòa xét xử lưu động không chỉ mang tính chất răn đe, xử lý đối với đối tượng phạm tội mà còn nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Ghi nhận từ những phiên tòa xét xử lưu động tội phạm ma túy

Toàn cảnh một phiên tòa xét xử lưu động về tội phạm ma túy -Ảnh: D.T

Sáng ngày 15/11/2023, mặc dù thời tiết mưa gió do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhưng ngay từ sớm, rất đông bà con các xã biên giới tuyến Lìa, huyện Hướng Hóa (gồm 7 xã giáp biên với Lào) đã tập trung về Nhà văn hóa học tập cộng đồng xã Lìa để theo dõi phiên tòa xét xử lưu động 2 vụ án phạm tội về ma túy. Khi thư ký tòa đọc tên tuổi các bị cáo, nhiều người không khỏi xót xa bởi phần lớn bị cáo tuổi đời còn trẻ đã vướng vào vòng lao lý.

2 bị cáo Hồ Văn Thay và Hồ Văn Nhiên đều chỉ mới 19 tuổi, trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Tại phiên tòa, cả hai bị cáo thừa nhận đã sử dụng ma túy một thời gian. Vào ngày 16/6/2023, Thay rủ Nhiên đi mua ma túy về sử dụng. Cả hai đi xe máy rồi xuống đò, sang sông Sê Pôn thuộc địa phận nước Lào gặp một người đàn ông để hỏi mua ma túy.

Với số tiền 150 nghìn đồng, Thay và Nhiên được người đàn ông này giao cho 36 viên ma túy. Khi cả hai quay trở về, đến địa bàn xã Thanh thì bị tổ công tác Bộ đội biên phòng Thanh phối hợp với Công an xã Thanh tuần tra phát hiện.

Qua giám định, số ma túy thu giữ có khối lượng 3,4718g, là ma túy methamphetamine. Với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, tòa tuyên phạt Hồ Văn Thay 3 năm tù giam; Hồ Văn Nhiên 30 tháng tù giam.

Cùng với rất đông người dân theo dõi phiên xét xử ngày hôm đó, chị Hồ Thị Hương, một người dân xã Lìa, chia sẻ: Là người dân sống trên địa bàn, tôi thấy thời gian qua, tình trạng tội phạm ma túy rất phức tạp, các đối tượng hoạt động manh động nên rất lo lắng và bất an.

Hôm nay đến theo dõi phiên tòa giúp tôi hiểu rõ hơn về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, tố giác tội phạm. Bản án tòa tuyên đối với 2 bị cáo đúng người, đúng tội. Đây cũng là bài học để thanh thiếu niên trên địa bàn tránh xa ma túy.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Hướng Hóa cũng đã đưa ra xét xử vụ “Mua bán trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra vào ngày 8/5/2023.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa, khi tổ công tác của Công an huyện Hướng Hoá phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên địa bàn thì phát hiện trong nhà bà Hồ Thị Thử (thôn A Quan, xã Lìa) có 5 đối tượng gồm: Hồ Văn Kỷ (sinh năm 2002), Hồ Văn Loan (sinh năm 1995), Hồ Văn Thết (sinh năm 2006), Hồ Văn Dưa (sinh năm 2008), Hồ Văn Mia (sinh năm 2004) cùng trú tại xã Lìa, huyện Hướng Hoá, có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong người Hồ Văn Kỷ có tàng trữ 18 viên ma tuý. Kỷ và Loan đã bán ma tuý cho Mia, Dưa và một số đối tượng khác trên địa bàn...

Ngoài ra, hai đối tượng này có hành vi tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma tuý. Riêng Hồ Văn Loan còn có hành vi tổ chức cho Hồ Văn Thết sử dụng trái phép chất ma tuý. Quá trình làm việc với lực lượng công an, Kỷ đã tự nguyện giao nộp 207 viên ma tuý.

Phiên tòa xét xử kéo dài đến gần 13 giờ nhưng rất đông người dân vẫn nán lại để chờ nghe tòa tuyên án. Bởi tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào có những diễn biến phức tạp, đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Đáng chú ý số đối tượng sử dụng chất ma túy ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Bản án 13 năm tù giam dành cho Hồ Văn Loan; 9 năm tù giam dành cho Hồ Văn Kỷ với 2 tội danh mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là bản án thích đáng dành cho những đối tượng đã gieo rắc “cái chết trắng” trong cộng đồng.

Trong phần tranh luận tại các phiên tòa, hội đồng xét xử đã kết hợp lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về ma túy để người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy cũng như tác hại, hậu quả của tội phạm và tệ nạn ma túy đối với gia đình, cộng đồng.

Từ đó người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong tham gia đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm cũng như tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, cho biết: Phiên tòa lưu động là hình thức tuyên truyền trực quan nhất, giúp người dân hiểu rõ hơn phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội cũng như những quy định của pháp luật. Các mức án mà bị cáo phải nhận để trả giá cho sai lầm của mình cũng là lời cảnh tỉnh đối với mọi người về hệ lụy mà ma túy mang lại.

Việc tổ chức các phiên toà xét xử lưu động đã nhận được sự quan tâm của quần chúng nhân dân và sự phối hợp của các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy sự chung sức của toàn xã hội trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Diệu Thúy

Tin liên quan:
  • Ghi nhận từ những phiên tòa xét xử lưu động tội phạm ma túy
    Trăn trở xung quanh những phiên tòa xét xử tội “Hủy hoại rừng”

    Những năm gần đây, các vụ án “Hủy hoại rừng” và “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng” ở các huyện miền núi xảy ra ngày càng nhiều. Chỉ riêng huyện Hướng Hóa, trong năm 2022 có 10 vụ “Hủy hoại rừng”, 2 vụ “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng” bị khởi tố, đưa ra xét xử mà hầu hết đối tượng gây án là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những vụ án được đưa ra xét xử về tội danh này luôn khiến những người tiến hành tố tụng và tham gia phiên tòa phải trăn trở, bởi lẽ “động cơ” gây án của các bị cáo rất giản đơn nhưng hậu quả của hành vi lại rất nghiêm trọng. Nhiều diện tích rừng, trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị “chảy máu” bởi sự thiếu ý thức của người dân. Hành vi này gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường, đòi hỏi phải có hình thức xử lý nghiêm khắc.

  • Ghi nhận từ những phiên tòa xét xử lưu động tội phạm ma túy
    Hiệu quả từ một phiên tòa xét xử lưu động tại trường học

    Trong tháng 3/2021, TAND thành phố Đông Hà phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức phiên tòa lưu động tại Trường THPT Lê Lợi để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy, đối tượng phạm tội ở lứa tuổi thanh niên. Đây là lần đầu tiên một vụ án hình sự được đưa ra xét xử lưu động tại cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Đông Hà với mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan sinh động đến học sinh, mang lại hiệu quả thiết thực.


Diệu Thúy

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết