{title}
{publish}
{head}
Người dân thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, luôn ví già làng Hồ Phay như ngọn đuốc sáng, bởi những việc làm của ông luôn được xem là mẫu mực và đáng tin cậy. Ông tuyên truyền, vận động bà con chăm lo sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ nhiều hủ tục; là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền Tây Vĩnh Linh đã theo ngọn đuốc đó để học tập, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống...
Ông Hồ Phay luôn cập nhật thông tin của Đảng, Nhà nước để làm tốt vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Xung Phong - Ảnh: H.N
Gương mẫu trong phát triển kinh tế
72 năm tuổi đời, 33 năm tuổi Đảng, ông Hồ Phay vẫn còn rất khỏe mạnh, rắn rỏi. Tuổi đôi mươi, ông từng tham gia lực lượng dân quân địa phương, trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương. Từ năm 1979 đến đầu năm 2010, ông công tác tại UBND xã Vĩnh Khê và trải qua nhiều chức vụ.
Có tâm huyết, trách nhiệm nên ở cương vị nào ông Phay cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Là đảng viên, đồng thời là cán bộ của địa phương, ngoài công tác chuyên môn, ông Phay còn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình và nuôi dạy các con ăn học nên người để làm gương cho người dân noi theo.
“Năm 1996, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, già bắt đầu trồng cây cao su trên mảnh đất do chính tay mình khai hoang cách nhà khoảng 6 km. Bước đầu bắt tay vào trồng cao su, già cũng như bà con người Vân Kiều xã Vĩnh Khê, già gặp nhiều trở ngại lắm. Khó khăn nhân lên bội phần vì kiến thức trồng trọt còn hạn chế, cây vừa trồng lên đã bị gia súc thả rông đến phá.
Tuy nhiên, xác định khó ở đâu thì gỡ ở đó nên già tích cực học hỏi thêm kiến thức trồng, chăm sóc cây cao su qua những lớp tập huấn. Đồng thời, già vận động, tuyên truyền bà con thực hiện quản lý gia súc, không thả trâu bò vào khu vực trồng cao su”, ông Hồ Phay kể lại.
Khi lứa cây đầu tiên phát triển ổn định, những năm tiếp theo, ông Phay tiếp tục trồng thêm 5 ha cao su. Dù phải lo công việc ở cơ quan nhưng ông luôn tranh thủ thời gian và làm việc không ngừng nghỉ.
Giờ đây, khi nhắc lại, nhiều cán bộ, người dân địa phương vẫn khâm phục sự nỗ lực, cần cù và ý chí của ông trong hành trình phát triển kinh tế. Hiếm có một người lúc nào cũng luôn tay, luôn chân lao động như ông Phay. Lúc thì tập trung chăm sóc cao su, trồng rừng, về đến nhà thì xắn tay áo vào chăn nuôi lợn, gà, bò và trồng cây ăn quả trong vườn.
Con đường bê tông ở thôn Xung Phong được mở rộng nhờ sự đóng góp của già làng Hồ Phay và người dân - Ảnh: H.N
Vùng Vĩnh Khê ngày trước đất đai nhiều nhưng chưa có bàn tay con người cải tạo, khai hoang. Là người nhạy bén, ông Phay sớm nhận ra rằng, chỉ cần con người có quyết tâm và không ngại khó khăn, vất vả trong việc khai hoang, sản xuất nông nghiệp thì cuộc sống sớm thay đổi. Vì thế, năm 2003, ông tiếp tục khai hoang trồng thêm 3 ha rừng tràm, rồi tăng dần diện tích lên 5 ha.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp với 5 ha cao su, 5 ha rừng và nuôi bò, lợn, gà, cây ăn quả, trong giai đoạn 2010 - 2020, ông Phay thu nhập bình quân hàng năm trên 200 triệu đồng. Từ nguồn thu ổn định đó, ông đã xây dựng lại nhà cửa, mua sắm nhiều phương tiện đi lại, sinh hoạt trong gia đình và chăm lo cho con cái học hành được tốt hơn.
8 người con của ông Phay (3 trai, 5 gái) đều ngoan ngoãn, biết phấn đấu trong học tập cũng như trong việc vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Để có được điều đó, ông luôn dạy cho các con sự cần cù, chịu khó, biết vượt lên hoàn cảnh, nhất là làm gương trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.
Ông chia sẻ: “Khi các con trưởng thành và ra ở riêng, già động viên và cho các con đất để dựng nhà, hỗ trợ đất trồng cây cao su cùng vốn liếng để ổn định cuộc sống. Mong muốn lớn nhất của già là các con luôn biết yêu lao động, đẩy mạnh khai hoang phát triển kinh tế, giữ vững mục tiêu làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng bản làng, giúp đỡ bà con dân bản cùng vươn lên trong cuộc sống”.
Sáng mãi tinh thần “xung phong”
Sau khi chính thức nghỉ hưu vào đầu năm 2011, ông Phay được tin tưởng bầu làm già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn Xung Phong. Phát huy tinh thần xung phong đi trước, làm đầu của một đảng viên, ông tiếp tục cống hiến cho bản làng bằng nhiều việc làm thiết thực.
Ông Phay cho biết: “Lúc đầu đảm nhận công việc này, già rất lo lắng. Nhưng rồi già nghĩ, việc mình làm mang lại lợi ích cho cộng đồng thì không có gì phải lo. Nhờ thấu hiểu văn hóa, tập quán sinh sống và làm ăn của bà con nên việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dễ được người dân tiếp thu hơn. Mặt khác, già luôn xác định bản thân phải là người gương mẫu, nói được thì làm được để người dân tin tưởng”.
Ở xã Vĩnh Khê trước đây tình hình an ninh trật tự phức tạp, đời sống của bà con còn rất khó khăn. Đặc biệt, tình trạng thanh niên trong thôn bản tụ tập uống rượu rồi gây gổ nhau hoặc về nhà đánh vợ con xảy ra thường xuyên. Bằng sự khéo léo cùng những lời nói thấu tình đạt lý mà có “sức nặng” của mình, già làng Hồ Phay đã nhiều lần đến tận nhà khuyên nhủ, ngăn cản các vụ việc thanh niên gây gổ, đánh đập vợ con.
Những trường hợp tái diễn nhiều lần, đã trao đổi mà chưa tiến bộ già vẫn không bỏ cuộc mà kiên trì khuyên ngăn; phối hợp với lực lượng khác trong thôn cùng đến nhà vận động, giải thích cho người dân tầm quan trọng của việc chăm lo lao động kiếm tiền, phát triển kinh tế gia đình. Những năm gần đây, từ khi có lực lượng công an chính quy về xã, già làng Hồ Phay đã phối hợp với công an để giải quyết, xử lý nhiều vụ việc.
Ông Hồ Phay hạnh phúc khi những cống hiến lặng thầm của mình được ghi nhận - Ảnh: H.N
Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn Xung Phong, già Hồ Phay luôn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời động viên, khuyến khích người dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông luôn nỗ lực làm gương cũng như vận động Nhân dân hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng đường nông thôn.
Năm 2020, ông Phay và các con đã hiến 30 m2 và cây cối trên đất. Theo gương già làng, người dân trong thôn cùng đồng lòng hiến đất làm đường, người ít thì 20 m2 , người nhiều thì 40 m2 , góp phần tích cực trong việc đưa xã Vĩnh Khê về đích nông thôn mới vào năm 2023. Tin tưởng ông, mỗi khi có tâm tư, nguyện vọng, bà con thôn Xung Phong đều tìm đến già làng để trình bày, chia sẻ với mong muốn ý kiến của họ sẽ đến với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bà Hồ Thị Xường, một người dân thôn Xung Phong bày tỏ: “Già làng Hồ Phay là một người gương mẫu, vừa làm kinh tế giỏi, vừa nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội. Nhờ có già tuyên truyền, vận động, tôi và người dân thôn Xung Phong đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế cũng như kịp thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Gia đình tôi đã hiến khoảng 20 m2 đất và cây cối trên đất để hoàn thành con đường bê tông trong thôn theo lời vận động của già làng Hồ Phay. Con đường mang lại diện mạo mới cho thôn Xung Phong, người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều”.
Với những đóng góp tích cực của mình, ông Hồ Phay được các cấp, ngành trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được dân bản tin yêu, quý trọng. “Già nghĩ còn sức khỏe, còn làm được gì cho bản làng phát triển, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn thì cứ cống hiến”, già Hồ Phay nói.
Hoài Nhung
QTO - Cần mẫn và thầm lặng. Mỗi người mỗi việc khác nhau, những “anh nuôi” trên Tàu 390 - Hải quân Vùng 3 đã mang đến những bữa “cơm ngon, canh ngọt” phục...
QTO - Trong một lần được trò chuyện với ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, người viết rất thú vị khi ông Thịnh ví vùng đất cực nam của tỉnh...
QTO - Hà Nội những ngày này rộn ràng với lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 (1954-2024), nhưng trên những con phố cổ rêu phong vẫn có hình ảnh...
QTO - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng và tiếng gió vi vu thổi qua đại ngàn bao mùa mưa nắng, cô bé...
QTO - Nhớ lại 95 năm trước, ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ký quyết định thành lập thị trấn Đông Hà thuộc phủ Triệu Phong. Cho đến nay trong 63 tỉnh...
QTO - Chiều nay chợt thấy lòng man mác. Gió hát khúc giao mùa gọi sắc tím đong đưa. Bằng lăng soi bóng bên dòng nước trong lành, yên ả. Nhịp chèo khua mênh...
QTO - Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, sông Hiếu an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình...
QTO - Tôi là một đứa con của Đông Hà sinh ra trong chiến tranh, lớn lên cùng sắn khoai và gian lao, vất vả. Trưởng thành một chút, tôi đã cùng hòa giọng...
QTO - Mảnh đất Đông Hà có bề dày lịch sử hình thành và phát triển đã 95 năm và ngày 8/8/2024, thành phố Đông Hà được Chính phủ công nhận là đô thị loại II....
QTO - Ngoài cái tên đẹp mà ba mẹ đặt, Nguyễn Lê Đan Thy (sinh năm 2013), học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Đông Hà thường được mọi người gọi là:...
QTO - Không ngại đường sá xa xôi, nguy hiểm để giúp đỡ những bản làng nghèo của nước bạn Lào, dành thời gian để xóa mù chữ cho người dân trong thôn, cô gái...
QTO - Dưới cái nắng của một ngày cuối hạ, 3 cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 308 miệt mài đi từng hàng mộ chí ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Đường 9 để...