{title}
{publish}
{head}
Chỉ sau một đêm, cảnh vật yên bình, xanh tươi tại nhiều vùng quê ở Vĩnh Linh bị nhấn chìm trong nước lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 (TRAMI). Bao nhiêu tài sản mà người dân làm lụng, chắt chiu bấy lâu nay cứ thế bị cuốn theo con nước. Giữa lúc này, ngọn lửa tình người được thắp sáng trên mọi nẻo đường quê, kịp thời sẻ chia với những khó khăn mà người dân các xã bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hỗ trợ các suất cơm cho người dân bị cô lập tại thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long - Ảnh: T.P
Bộn bề sau lũ
Với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thí (sinh năm 1947), sống tại thôn Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, đêm 27/10 vừa qua là một đêm kinh hoàng. Mưa lớn, nước liên tục dâng cao khiến nhà ông bà gần như rơi vào tình thế bị cô lập.
May mắn vào khoảng 7 giờ tối, ông bà được các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đưa về trú ẩn tại nhà văn hóa thôn. “Tôi tưởng như ngất đi vì ướt, lạnh và sợ hãi. Sống bao nhiêu năm trên đời, đây là lần đầu tôi chứng kiến cơn lũ lớn như thế này, hơn cả trận lũ lịch sử năm 2020”, bà Thí nhớ lại.
Trở về nhà sau khi nước rút, thứ đón chào hai người già đáng thương này là căn nhà hoang tàn, ngập trong bùn non. May có 2 chiếc giường hôm trước ông bà nhờ người kê chồng lên nhau để bỏ đồ, giờ trở thành chỗ để ông nằm dưỡng bệnh cảm sốt do dầm mưa. Bếp ga, đồ điện hỏng; hơn một tạ lúa chìm trong nước; đàn gà hơn 50 con cùng bàn ghế, ly chén trôi sạch.
Ngại ngùng mời chúng tôi ngồi trên những chiếc đòn nhỏ lấm lem bùn, bà Thí rơm rớm nước mắt: “Vợ chồng tôi không có việc làm, mọi sinh hoạt trong nhà đều nhờ hết vào đàn gà nhưng chúng đã bị nước cuốn trôi”. “Sao bà không nhờ người kê dọn đồ đạc lên cao để giảm mức độ thiệt hại?”, tôi hỏi. “Rút kinh nghiệm từ trận lũ lịch sử năm 2020, vợ chồng tôi cũng đã cố gắng dọn dẹp và kệ gọn đồ lên cao nhưng không nghĩ nước lại lên cao chừng đó”, bà Thí ngậm ngùi.
Lũ rút, vợ chồng bà Thí phải đối mặt với bộn bề âu lo - Ảnh: T.P
Qua tìm hiểu từ người dân cho thấy, trước đây xã Vĩnh Thủy ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Năm nay, trước tình hình mưa lớn do hoàn lưu bão số 6 gây ra, nhận thấy nước có dấu hiệu dâng cao, chính quyền địa phương đã ngay lập tức di dời 40 hộ gia đình, 70 người dân về nơi cao ráo, an toàn. Mưa lớn khiến 200 ngôi nhà trên địa bàn xã bị ngập; 110 ha thủy sản mất trắng, 10 tấn lúa bị ướt...
Được xem là “rốn lũ” của huyện Vĩnh Linh, dù có sự phòng ngừa từ sớm, từ xa nhưng ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6 đã khiến hơn 600 hộ dân; 70 tấn lúa; 42 ha thủy sản trên địa bàn xã Vĩnh Long ngập trong nước lũ. Bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1958), sống tại thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long rớm nước mắt: “Rứa là mất hết rồi. Bao nhiêu dự định, tính toán cho cái tết năm nay trôi sạch theo nước lũ”. Chia sẻ với chúng tôi, bà cho biết tối ngày 27/10, nước càng lúc càng lên nhanh khiến tất cả người dân trong vùng không kịp trở tay. “Tôi cố đứng lên chỗ cao để tránh bị ướt và chờ chính quyền tới cứu trợ; nhiều nhà, trẻ con leo lên cả bàn thờ ngồi. Lúc đó người dân ai cũng hoảng sợ. Cũng may có sự giúp sức kịp thời của các chú công an”, bà Hạnh bộc bạch.
Ngọn lửa yêu thương
Thiên tai ập đến càn quét nhà cửa, ruộng vườn và cuốn đi nhiều của cải của người dân khiến họ lâm vào khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, ngọn lửa tình người được thắp sáng, mang đến tình cảm ấm áp và sự sẻ chia cho người dân vùng lũ.
Ngay trong đêm 27/10, ngoài lực lượng công an làm nhiệm vụ, nhóm Cano cứu hộ 0 đồng Quảng Trị qua nắm bắt thông tin từ chính quyền địa phương và mạng xã hội đã không ngần ngại lên đường vào tâm lũ Vĩnh Long để “giải cứu”, đưa người dân về nơi an toàn. Tiếp đó, sáng sớm ngày 28/10, UBND xã Vĩnh Thái đã chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể địa phương huy động 2 thuyền của ngư dân lên xã Vĩnh Long để hỗ trợ vận chuyển cơm, nước uống cùng nhu yếu phẩm cho các thôn bị ngập lụt nghiêm trọng.
Đại úy Hoàng Ngọc Minh, Trưởng Công an xã Vĩnh Thái cho hay: “Trước tình trạng nhiều thôn bị cô lập do nước lên cao như Gia Lâm, Phúc Lâm, sự hỗ trợ của xã Vĩnh Thái là hoàn toàn cần thiết. Hy vọng rằng chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Long nói riêng, các xã bị ảnh hưởng bởi bão số 6 nói chung sẽ sớm khắc phục khó khăn, tái thiết cuộc sống”.
Nước lũ nhấn chìm ruộng đồng, đường đi tại xã Vĩnh Long thời điểm hoàn lưu bão số 6 diễn ra - Ảnh: T.P
Trong những ngày mưa lũ diễn ra, phát huy vai trò của phụ nữ, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, bếp cơm của chị em phụ nữ huyện Vĩnh Linh liên tục đỏ lửa nhằm hỗ trợ những phần cơm ấm nóng cho người dân vùng bị cô lập. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết thông tin: “Với mong muốn hỗ trợ kịp thời những suất cơm nóng, đầy đủ chất dinh dưỡng cho người dân vùng lũ, phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã thay nhau nấu hàng nghìn phần cơm nghĩa tình suốt mấy ngày qua”.
Tại nhà hàng Giang Sơn ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, những ngày mưa lũ diễn ra ngay từ sáng sớm, mọi người đã tập trung cùng nhau hoàn thành 300 phần cơm đầy đủ dinh dưỡng với thịt kho, trứng, rau, canh, sẵn sàng lên đường vận chuyển miễn phí cho người dân sống ở vùng ngập lụt. Người góp gạo, người góp tiền, người góp sức, cứ như thế, từ bếp lửa này mỗi ngày có hàng trăm suất cơm miễn phí được nấu để “tiếp tế” cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Chị Nguyễn Thị Lam, chủ nhà hàng Giang Sơn cho biết: “Sống trong cảnh bốn bề mênh mông nước, nhiều gia đình không thể nhóm lửa để nấu ăn hằng ngày. Vì vậy, tôi và các chị em đã nghĩ ra cách này nhằm chia sẻ và góp phần lan tỏa tình yêu thương đến với đồng bào lúc khó khăn”.
Trên mạng xã hội, nhiều người cảm thấy xúc động và ấm lòng hơn khi đọc được nhiều status thể hiện sự sẵn sàng giúp đỡ người dân vùng lũ bằng việc mở cửa miễn phí xuyên đêm đón người già, trẻ nhỏ đến tránh lũ; kéo, cẩu đồ đạc miễn phí...
Nỗ lực tái thiết lại cuộc sống
Huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 6. Tuy không có thiệt hại về người song tổng thiệt hại về tài sản khá lớn. Nước lũ tuy đã rút nhưng để lại cho người dân bộn bề khó khăn. Hiện chính quyền, người dân và các lực lượng hỗ trợ đang dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long Trần Quốc Lương cho hay, trước mắt, xã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi Quảng Trị nhanh chóng sấy khô 30 tấn lúa bị ẩm ướt của người dân.
Ngay sau khi nước rút, địa phương sẽ huy động các lực lượng hỗ trợ người dân cào bùn, thu dọn rác, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu trùng khử độc, phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, xã cũng sẽ đề xuất với chính quyền các cấp hỗ trợ vật nuôi, cây trồng giúp người dân có điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống, sớm đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. “Lãnh đạo, chính quyền xã Vĩnh Long rất biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ hết sức của các xã bạn, các cá nhân, tổ chức hảo tâm.
Chúng tôi đã và đang làm hết sức mình để khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân, trước hết là cứu đói và phòng, chống dịch bệnh”, ông Lương khẳng định. Từ những kinh nghiệm rút ra, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho hay, ngoài sự cứu trợ kịp thời của lực lượng chức năng, việc di chuyển cục bộ người dân từ nhà có vị trí thấp sang nhà có vị trí cao cũng đã góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người tại địa phương. Do đó, thời gian tới, xã sẽ động viên người dân tích góp, xây dựng nhà cửa kiên cố, cao tầng để có sự chuẩn bị tốt hơn vào mùa mưa lũ.
Sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh thường rất lớn. Các vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh về đường ruột, hô hấp và bệnh ngoài da. Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường tại các địa phương vùng lũ lụt rất được quan tâm.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Lê Quang Hưng, phụ trách Trạm Y tế xã Vĩnh Long cho biết: Đối với các thôn đang bị ngập lụt, chưa thể đi lại như bình thường, chúng tôi cùng với đội ngũ y tế và cán bộ thôn hướng dẫn người dân sử dụng viên Aquatabs xử lý nước ngay tại chỗ, đảm bảo có được nước sạch sử dụng tạm thời. Đội ngũ cán bộ trạm y tế phối hợp thu gom, xử lý xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm.
“Khi nước rút hẳn, chúng tôi sẽ tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các hộ gia đình; hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ; hỗ trợ cung cấp thuốc, hoá chất để khử trùng nguồn nước sinh hoạt bằng Chloramin B, phèn chua, vôi bột tại vùng bị ngập lụt. Trạm Y tế xã cũng đã dự trù số lượng lớn thuốc điều trị các bệnh ngoài da, đỏ mắt, tiêu chảy để cấp phát kịp thời cho người dân”, bác sĩ Hưng thông tin.
Tại xã Vĩnh Thủy, theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Nguyễn Văn Quyết, đến nay nước lũ đã rút hẳn. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã đã vào cuộc cùng Nhân dân khắc phục thiên tai. “Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết như hiện nay, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân địa phương.
Đồng thời xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai một cách cụ thể, chi tiết hơn nữa; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn”, ông Quyết nói.
Tin tưởng rằng, với nỗ lực, tự vươn lên trong gian khó, cùng sự chung tay chung sức của cộng đồng, cuộc sống và sản xuất ở các vùng bị lũ lụt sẽ sớm ổn định.
Bão qua, lũ rút, một cuộc sống mới lại bắt đầu...
Trúc Phương
QTO - Đâu đó trong các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP. Đông Hà, có những người phụ nữ suốt mười mấy năm qua vẫn mưu sinh bằng nghề buôn bán cá, tôm được...
QTO - Bằng nhiệt huyết và sức sáng tạo của một người trẻ, Phạm Khánh Linh (sinh năm 1995), ở Phường 2, thị xã Quảng Trị, đã bền bỉ theo đuổi và thành công...
QTO - Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa to trong nhiều ngày qua, khiến các địa phương trong tỉnh bị ngập lụt trên diện rộng,...
QTO - Sau khi được người quen giới thiệu 2 tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình và có nhiều đóng góp đối với xã hội là anh Hồ Văn Tốt...
QTO - Người dân thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, luôn ví già làng Hồ Phay như ngọn đuốc sáng, bởi những việc làm của ông luôn được xem là mẫu...
QTO - Hà Nội những ngày này rộn ràng với lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 (1954-2024), nhưng trên những con phố cổ rêu phong vẫn có hình ảnh...
QTO - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng và tiếng gió vi vu thổi qua đại ngàn bao mùa mưa nắng, cô bé...
QTO - Nhớ lại 95 năm trước, ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ký quyết định thành lập thị trấn Đông Hà thuộc phủ Triệu Phong. Cho đến nay trong 63 tỉnh...
QTO - Chiều nay chợt thấy lòng man mác. Gió hát khúc giao mùa gọi sắc tím đong đưa. Bằng lăng soi bóng bên dòng nước trong lành, yên ả. Nhịp chèo khua mênh...
QTO - Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, sông Hiếu an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình...
QTO - Tôi là một đứa con của Đông Hà sinh ra trong chiến tranh, lớn lên cùng sắn khoai và gian lao, vất vả. Trưởng thành một chút, tôi đã cùng hòa giọng...
QTO - Mảnh đất Đông Hà có bề dày lịch sử hình thành và phát triển đã 95 năm và ngày 8/8/2024, thành phố Đông Hà được Chính phủ công nhận là đô thị loại II....