Bước ra từ các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, không nơi nào trên đất nước Việt Nam có mật độ nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) nhiều như ở Quảng Trị. Toàn tỉnh hiện có 157 NTLS với hơn 70.000 liệt sĩ là con em các tỉnh, thành cả nước đang yên nghỉ. Trong đó, có 2 NTLS quốc gia là Trường Sơn và Đường 9 được ví như bàn thờ liệt sĩ của Tổ quốc.
Tại đây, những ngọn nến tri ân vẫn cháy thâu đêm một cách thiêng liêng và ấm áp. Hoạt động đã thành nghĩa cử thường xuyên này vừa để thân nhân gia đình ở nơi xa của các liệt sĩ cảm thấy được an ủi và ấm lòng, vừa là phần việc ý nghĩa để các thế hệ đi sau luôn nhớ về công lao của các AHLS.
Những ngày cuối tháng 7 này, nhiều cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước về với Thành Cổ Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân hàng nghìn người con ưu tú của đất nước, phần lớn ở độ tuổi mười tám, đôi mươi gác lại những ước mơ và hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này vì độc lập, thống nhất đất nước.
Chị Hồ Thị Hiền Lương đến từ xã Rạch Kiến, tỉnh Tây Ninh xúc động: “Một cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời, nó cứ nghẹn lại, trước những chiến tích của thế hệ cha anh. Trong chuyến hành trình tháng 7, thay vì đến những địa điểm khác, tôi chọn Thành Cổ Quảng Trị để tri ân. Tới đây, tôi tự hứa với bản thân là phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của công dân mà các AHLS đã để lại cho thế hệ sau”.
Cùng cảm xúc, đại tá Nguyễn Thị Hường thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng bộc bạch: “Cảm giác khi bước vào đây lần nào cũng như lần đầu tiên, vô cùng xúc động. Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, hơn lúc nào hết tôi cảm thấy rất biết ơn và trân trọng công lao thế hệ cha ông, các AHLS đi trước đã không tiếc máu xương nằm xuống để Nhân dân có cuộc sống hòa bình tươi đẹp như hôm nay”.
Không chỉ chị Hiền Lương hay đại tá Nguyễn Thị Hường, nhiều người khi đến Thành Cổ Quảng Trị đều phải lắng đọng bởi không có nơi nào trên dải đất hình chữ S này, đất được giữ bằng một cái giá quá “đắt” như Cổ Thành. Người ta đã tính ra rằng, lượng thuốc nổ Mỹ dùng ở đây vào năm 1972 bằng 7 quả bom nguyên tử mà họ đã ném xuống TP. Hirosima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Báo chí lúc bấy giờ đã từng viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Và dòng sông Thạch Hãn còn có tên gọi thiêng liêng khác là dòng sông hoa lửa.
Chính vì thế, ở Quảng Trị, tháng 7 trở thành mùa tri ân, hành hương về cội nguồn để đánh thức ký ức một thời bom đạn sống lại trong hoà bình của công cuộc đổi mới. Và cũng trên mảnh đất thiêng thời hoa lửa này đã trở thành quê hương của biết bao liệt sĩ cả những người có tên, chưa biết tên và còn bao nhiêu người vẫn nằm sâu trong lòng đất.
Với Quảng Trị, tháng 7 hằng năm như là “Tháng tri ân”. Nơi đây, có những ngày có tới hàng vạn lượt khách thăm viếng, họ là những thân nhân, những đồng đội liệt sĩ, cựu chiến binh hay những đoàn thể, tổ chức và cả những du khách cùng Nhân dân cả nước. Mọi người đến đây để chiêm nghiệm giá trị của hòa bình khi chỉ trong 81 ngày đêm, mảnh đất nhỏ bé này phải gánh chịu lượng bom đạn khổng lồ khoảng 328 nghìn tấn, ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.
Khi đến đây, có ai đó đã nói, những người ngã xuống nơi này không phải vì để trở thành anh hùng, mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình. Chính vì thế, tháng 7 về, mang theo một nỗi niềm khắc khoải rất riêng ở mảnh đất Quảng Trị. Không phải cái nắng gay gắt hay những cơn mưa ào ạt, mà là một sự trầm lắng, thiêng liêng len lỏi trong từng ngọn cỏ. Nên những ngày này, trên tất cả bia mộ ở các NTLS, di tích lịch sử của tỉnh, màu áo xanh tình nguyện thắp lên những ngọn lửa ký ức bừng sáng. Và trong ánh sáng ấy, tuổi trẻ Quảng Trị vẫn đang lặng thầm viết tiếp những trang sử đẹp bằng tình yêu, sự biết ơn và khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.
Vượt hàng chục cây số để đến với NTLS quốc gia Đường 9 vào dịp tri ân, em Nguyễn Duy Anh, học sinh Trường THPT Lê Lợi ở phường Nam Đông Hà chia sẻ, đối với em hoạt động ý nghĩa nhất trong mỗi dịp nghỉ hè đó là cùng với các bạn đoàn viên đến vệ sinh, chăm sóc các phần mộ AHLS đúng vào dịp tháng 7 như này. Đến đây, chúng em còn tham gia nhiều chương trình ý nghĩa do các cấp, ngành tổ chức. Qua đó, chúng em càng hiểu rõ hơn ý nghĩa và lòng mang đầy tự hào với quá khứ, lịch sử hào hùng của cha ông đi trước. Và cũng thầm cảm ơn họ đã ngã xuống để chúng em có cuộc sống thanh bình hôm nay.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị Trần Thị Thu cho biết, từ đầu tháng 7 và cao điểm các ngày từ 20-27/7, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, quê hương Quảng Trị, như: Tổ chức thăm viếng, dâng hương, thắp nên tri ân tại các NTLS và khu di tích lịch sử; các hoạt động tình nguyện, dọn dẹp, làm sạch đẹp nghĩa trang, đài tưởng niệm; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ...
Đặc biệt, trong tối 25/7, đồng loạt các cơ sở đoàn toàn tỉnh tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các AHLS tại tất cả NTLS cấp tỉnh, xã với hơn 89.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia thắp hàng ngàn cây nến và dâng hương, hoa trên các phần mộ liệt sĩ.
Các chương trình, hoạt động ý nghĩa đó góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Đã qua rồi mảnh đất của hơn 50 năm trước mịt mù bom đạn, Quảng Trị đang trở thành một địa chỉ hành hương về nguồn của các thế hệ người Việt Nam và là một điểm đến ấn tượng thu hút nhiều du khách, bạn bè quốc tế.
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó trên mảnh đất này những nỗi đau rất thật, nằm sâu trong lòng đất mẹ, nó hằn trên da thịt và ký ức của mỗi con người ở lại. Chính vì lẽ đó có nhà thơ từng viết:
“Đất mênh mông, cỏ run mềm từng sợi
Những non tơ từ máu đỏ mà xanh”
Nội dung, hình ảnh và trình bày: Lê Trường – Lê Tú
3:23:07:2025:12:02 GMT+7