Cập nhật:  GMT+7

Đằng sau một lá thư thời chiến

Bài 2: Hành trình tri ân đồng đội

Là người duy nhất sống sót sau trận đánh tại Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, Gio Linh, ngày 16/10/1968, ông Hoàng Ngọc Bích được đồng đội đưa ra khỏi trận địa, bàn giao cho lực lượng dân quân du kích chuyển về bờ Bắc sông Bến Hải điều trị. Năm 1974, ông rời quân ngũ rồi đi học đại học và trở thành giảng viên Khoa Kế toán - Quản trị, Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Nhớ đến đồng chí, đồng đội hy sinh trên Cao điểm 21 năm xưa, ông Hoàng Ngọc Bích đau đáu, âm thầm thực hiện một hành trình dài tri ân.

Đằng sau một lá thư thời chiến

Nhà tưởng niệm 32 liệt sĩ Trung đội 6 tại Cao điểm 21 ở xã Gio Linh -Ảnh: T.Long

Bàn thờ chung cho đồng đội

Chiến tranh lùi xa 50 năm, trận đánh bi tráng trên Cao điểm 21, xã Gio Mỹ 57 năm về trước vẫn mãi là nỗi đau chưa bao giờ dịu lắng trong trái tim ông Hoàng Ngọc Bích. Đau đáu nhớ về đồng đội, cuối năm 1985, ông Hoàng Ngọc Bích lặng lẽ trở lại chiến trường xưa, tìm về Cao điểm 21, xã Gio Mỹ. Đứng trước mênh mông cát trắng, ông nhói lòng, dấu tích trận địa năm xưa không còn, thì việc tìm hài cốt đồng đội làm sao thực hiện được...

Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, thấm sâu vào cát bỏng. Rồi ông thắp nén tâm nhang cáo thổ thần đất đai và hương linh đồng đội xin bốc một bình cát trắng đưa về Hà Nội, lập bàn thờ chung các liệt sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 tại nhà riêng của mình. Hằng năm, cứ đến ngày 16/10 dương lịch, ông làm một mâm cơm “giỗ trận” cho người đã khuất. Cũng từ đó, ngôi nhà của ông Hoàng Ngọc Bích ở phố Thái Thịnh, phường Đống Đa trở thành nơi hội ngộ của những người lính Trung đoàn 270 một thời “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” và thân nhân liệt sĩ.

Ông Bích nhớ lại: “Một đêm tháng 7/1993, tôi nằm mơ, thấy một đồng đội trở về báo mộng rằng trong trận đánh ở Cao điểm 21 có 32 người hy sinh. Tỉnh dậy, tôi gọi điện cho các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 270 kể lại giấc mơ kỳ lạ này. Tôi lên bàn thờ chung các liệt sĩ thắp hương, xin ngày mai vào Quảng Trị để làm rõ thực hư.

Vào Quảng Trị, tìm gặp đại tá Võ Xuân Cánh, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270; nguyên Chánh Thanh tra Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị. Hạnh phúc tưởng chừng như vỡ òa khi thông qua đại tá Võ Xuân Cánh, tôi tiếp cận được một bản danh sách chép tay ghi rõ danh tính cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 270, trong đó có đầy đủ thông tin đúng 32 liệt sĩ hy sinh tại Cao điểm 21 ngày 16/10/1968”.

Trở về Hà Nội, ông Bích ra đường Láng thuê thợ làm một tấm bia ghi chiến công của Trung đội 6, mặt sau tấm bia khắc tên 32 liệt sĩ. Thời gian sau đó, căn cứ vào địa chỉ 32 liệt sĩ tại bản danh sách chép tay, ông lần lượt viết thư gửi cho UBND xã các địa phương- nơi có đồng đội mình hy sinh để kết nối với thân nhân của họ... Cuối cùng gia đình 32 liệt sĩ Trung đội 6 cũng khớp nối được với nhau và với ông Hoàng Ngọc Bích.

Ông Bích kể: “Ngày đồng đội đưa tôi ra khỏi Cao điểm 21, giao cho lực lượng dân quân du kích chuyển qua bờ Bắc sông Bến Hải điều trị, nằm trên cáng thương, tôi mang máng nhớ một nữ du kích đã cáng mình xuống bến đò. Những năm sau đó, mỗi lần vào Quảng Trị, tôi dò hỏi về nữ dân quân này nhưng không ai biết.

Năm 2008, trong dịp họp mặt CCB Trung đoàn 270 tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, không biết run rủi thế nào mà giữa hơn 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 270, có một người phụ nữ tìm đến bên hỏi chuyện. Chị hỏi đến đâu, tôi trả lời đến đó. Rồi chị khóc òa, bảo: “Bích ơi, chị Cúc đây!”.

Thì ra người phụ nữ tên Hoàng Thị Cúc, ở xã Vĩnh Thủy, chính là nữ du kích năm nào đưa ông Bích xuống thuyền qua sông Bến Hải. Trong buổi trùng phùng đầy duyên nợ, nước mắt họ đã rơi, những giọt nước mắt hạnh phúc, bồi bồi. Từ đó, họ kết thành chị em, chia sẻ buồn vui cuộc sống đời thường.

Giữa linh thiêng, giữa vùng đất một thời hoa lửa, giữa những nén tâm hương tưởng nhớ, bài thơ “Giỗ trận” của CCB bật lên, rưng rưng, như nhắn nhủ hậu thế đừng bao giờ quên: “Nào đâu có phải sinh cùng/Xót thương Trung đội giỗ chung một ngày/Kẻ Hà Tĩnh, người Hà Tây/Tuổi còn trẻ lắm, chưa đầy hai mươi/Thế mà mấy chục năm rồi/Thịt xương vùi khắp ngọn đồi không tên/Dương cằn, cỏ dại mọc lên/ Vẫn còn nguyên đó chiến công một thời/Giờ đây còn lại mình tôi/Thắp hương cúi lạy ngọn đồi gió bay”.

Cao điểm 21... vang mãi khúc tráng ca

Năm 2008, ông Hoàng Ngọc Bích dùng số tiền tiết kiệm 20 triệu đồng trở vào xã Gio Mỹ xin phép chính quyền cho xây dựng “Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ” tại Cao điểm 21. Từ đây, trận đánh bi tráng ngày 16/10/1968 tại Cao điểm 21 với sự hy sinh của 32 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 6 được ghi nhận và vinh danh.

Hành trình tri ân của ông Hoàng Ngọc Bích và đồng đội tiếp tục lan tỏa khi đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) quyết định vận động cán bộ, nhân viên đóng góp kinh phí xây dựng Nhà tưởng niệm 32 liệt sĩ Trung đội 6 tại Cao điểm 21 khang trang hơn, to đẹp hơn.

Đằng sau một lá thư thời chiến

Ông Hoàng Ngọc Bích gặp lại bà Hoàng Thị Cúc, nữ du kích năm xưa giúp đưa ông xuống thuyền qua bờ Bắc sông Bến Hải - Ảnh: T.Long

Ngày nay, trở lại Cao điểm 21, Gio Mỹ (nay là xã Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), Nhà bia tưởng niệm 32 liệt sĩ Trung đội 6 rất khang trang, tọa lạc trên diện tích hơn 1.000m2 với tổng kinh phí 5,2 tỉ đồng, hoàn thành vào năm 2011, trở thành nơi tri ân đồng đội, nơi người dân đến thắp hương tưởng nhớ, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi có chuyến đi cùng ông Hoàng Ngọc Bích và CCB Trung đoàn 270 khắp mọi miền Tổ quốc trở lại chiến trường xưa, tri ân các liệt sĩ hy sinh ở Cao điểm 21. Tại vùng đất thép Gio Linh, Đảng bộ, Nhân dân luôn tưởng nhớ sự hy sinh của những người lính tại Cao điểm 21 cách đây 57 năm về trước, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Càng trân quý hơn tình cảm của ông Hoàng Ngọc Bích và CCB Trung đoàn 270 đối với người hy sinh trên mảnh đất quê hương mình, như lời tự sự của ông Bích: “Đồng đội nằm lại vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Quảng Trị bao dung, để cho đất nước có ngày hôm nay”.

Ngô Thanh Long

Tin liên quan:
  • Đằng sau một lá thư thời chiến
    Đằng sau một lá thư thời chiến - Bài 1: Khúc tráng ca trên Cao điểm 21

    Cách đây 57 năm, giữa chiến trường Quảng Trị ác liệt, có một người lính viết thư cho anh trai cũng đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bức thư có đoạn: “Em vừa chiến đấu ra. Giờ đây đang nằm viện điều trị. Ngày 16/10/1968, em bị thương vì sập hầm, bị sức ép, cháy một phần hai mặt và một số mảnh phóng lựu ở tay... Trong trận chiến đấu vừa qua, em đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc... Một trung đội đánh với 35 xe tăng địch cộng với bộ binh. Em là người giữ trận địa đến cuối cùng. Nhiều đồng chí hy sinh rất dũng cảm...”. 57 năm sau, bức thư mới trở về với người viết - ông Hoàng Ngọc Bích (phường Đống Đa, TP. Hà Nội), nguyên chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Khu vực Vĩnh Linh.


Ngô Thanh Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khi nông dân “nghĩ lớn”

Khi nông dân “nghĩ lớn”
2025-07-19 05:00:00

QTO - Là những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy nhưng bằng ý chí và sự năng động, họ trở thành những điển hình tiên...

Mót đồng, những mùa thơ ấu còn sót lại

Mót đồng, những mùa thơ ấu còn sót lại
2025-07-18 05:20:00

QTO - Không biết từ bao giờ, hai chữ “mót đồng” lại neo đậu trong tôi như một phần của tuổi thơ, một mảng ký ức không thể gọi tên, mà chỉ có thể chạm đến...

Để mùa hè thực sự vui, bổ ích

Để mùa hè thực sự vui, bổ ích
2025-07-17 05:20:00

QTO - Không áp lực bài vở, được thỏa thích tham gia các hoạt động hè vui, bổ ích là mong muốn của rất nhiều trẻ em. Và trẻ chỉ thực sự có được mùa hè vui,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long