
{title}
{publish}
{head}
Cách đây 57 năm, giữa chiến trường Quảng Trị ác liệt, có một người lính viết thư cho anh trai cũng đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bức thư có đoạn: “Em vừa chiến đấu ra. Giờ đây đang nằm viện điều trị. Ngày 16/10/1968, em bị thương vì sập hầm, bị sức ép, cháy một phần hai mặt và một số mảnh phóng lựu ở tay... Trong trận chiến đấu vừa qua, em đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc... Một trung đội đánh với 35 xe tăng địch cộng với bộ binh. Em là người giữ trận địa đến cuối cùng. Nhiều đồng chí hy sinh rất dũng cảm...”. 57 năm sau, bức thư mới trở về với người viết - ông Hoàng Ngọc Bích (phường Đống Đa, TP. Hà Nội), nguyên chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Khu vực Vĩnh Linh.
Ẩn chứa đằng sau bức thư thời chiến ông Hoàng Ngọc Bích viết tại chiến trường Quảng Trị là câu chuyện bi tráng về một trận đánh lịch sử. Đó là trận đánh diễn ra ngày 16/10/1968 tại Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (nay là xã Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), làm 32 đồng đội của ông hy sinh, chỉ duy nhất một người sống sót chính là ông.
Các cựu chiến binh Trung đoàn 270 thăm lại chiến trường xưa - Ảnh: T.L
Những người lính “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”
Ngày 13/1/1954, Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 16-TNLD thành lập Trung đoàn 270 tại tỉnh Nghệ An. Tháng 8/1954, Trung đoàn 270 được giao nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời sông Bến Hải và Khu vực Vĩnh Linh. Trong suốt 18 năm (từ tháng 8/1954-2/1972), Trung đoàn 270 trở thành lực lượng nòng cốt cùng với quân và dân Vĩnh Linh hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bảo vệ giới tuyến, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tại Khu vực Vĩnh Linh. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, Trung đoàn 270 còn là lực lượng “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, đêm đêm vượt sông Bến Hải, đánh địch tại vùng đất Gio Linh, Quảng Trị.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng tại chiến trường Quảng Trị, ở hai bờ sông Bến Hải, đại tá Đoàn Ngọc Ninh (xã Quảng Ninh, Quảng Trị), Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 270 cho biết: “Trong 18 năm “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 270 liên tục vượt sông Bến Hải, đánh 1.265 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng nghìn quân địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ-ngụy. Sau khi tỉnh Quảng Trị giải phóng vào năm 1972, Bộ Quốc phòng quyết định điều động toàn bộ Trung đoàn 270 vào chiến đấu tại mặt trận B1, kết thúc nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời sông Bến Hải và Khu vực Vĩnh Linh”.
Cũng theo đại tá Đoàn Ngọc Ninh, cuộc chiến trở nên khốc liệt nhất giữa Trung đoàn 270 cùng quân và dân Gio Linh, Vĩnh Linh khi đối đầu với Mỹ-ngụy là giai đoạn từ 1968-1972, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh phản công nhằm tái chiếm những vùng đất đã mất trên khắp miền Nam. Ở chiến trường Quảng Trị, Mỹ-ngụy liên tục tổ chức các cuộc hành quân càn quét nhằm giành dân, giành đất, hô hào “Bắc tiến”, đẩy quân giải phóng ra khỏi bờ Nam sông Bến Hải.
Tháng 4/1968, lúc mới 19 tuổi, chàng trai Hoàng Ngọc Bích, quê quán xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tốt nghiệp lớp 10, có giấy gọi nhập học Trường đại học Mỏ-Địa chất nhưng vẫn quyết định gác lại sự nghiệp đèn sách, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện tân binh tại Đoàn 22, Quân khu 4 ở Thanh Hóa, cuối tháng 7/1968, Hoàng Ngọc Bích cùng đồng đội “Xẻ dọc Trường Sơn” hành quân vào Nam, trực tiếp chia lửa cho chiến trường Quảng Trị.
Được biên chế vào Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, tân binh Hoàng Ngọc Bích nhanh chóng lập công trong tổ bắn tỉa của Đại đội 2 chốt tại Cao điểm 21. Bức thư gửi cho anh trai Hoàng Ngọc Châu cách đây 57 năm, ông Hoàng Ngọc Bích viết: “Trong đợt chiến đấu vừa qua, em đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc... bắn tỉa vào đồn địch, diệt 14 tên với cự ly 300m, đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp một”.
Nhận xét về sự hy sinh bi tráng của 32 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 270 tại Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh ngày 16/10/1968, đại tá, PGS. TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ: “Sau này, chúng tôi nghiên cứu về trận đánh, thực sự rất đau lòng. Đau lòng ở chỗ 32 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh rồi mà kẻ địch còn điên cuồng dùng xe tăng chà đi xát lại để trả thù và xóa dấu vết tội ác. Vì thế, Cao điểm 21 ngày hôm nay được người dân Quảng Trị gọi là "đồi thiêng", thường xuyên thăm viếng, tri ân!”. |
Cuộc chiến trên Cao điểm 21
Cao điểm 21 thuộc xã Gio Mỹ, Gio Linh (cũ), là một đồi cát trắng cao 21m so với mực nước biển, cách Cao điểm 31 do địch chiếm giữ khoảng 800m về phía Đông Bắc. Ngày 15/10/1968, địch sử dụng 2 đại đội bộ binh và xe thiết giáp M-113 từ Cao điểm 31 đánh ra Cao điểm 21 do Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 chốt giữ. Sau một ngày quần nhau với địch, ta tiêu diệt 65 tên, buộc chúng phải rút về Cao điểm 31. Trận đánh kết thúc, Trung đội 4 được lệnh trở ra hậu cứ, nhường cho Trung đội 6 vào thay thế.
Ông Hoàng Ngọc Bích tại di tích lịch sử cầu Hiền Lương - Ảnh: T.L
Trong đội hình Trung đội 6 vào tiếp quản Cao điểm 21, ông Bích làm cán bộ liên lạc cho Trung đội trưởng Khương Văn Chi. Khoảng 9 giờ sáng ngày 16/10/1968, dưới sự yểm trợ của pháo binh và xe tăng, một tiểu đoàn địch từ Cao điểm 31 chia làm 3 mũi tấn công Cao điểm 21. Trận đánh không cân sức giữa ta và địch kéo dài đến khoảng 15 giờ chiều thì kết thúc, ta tiêu diệt hơn 100 quân địch và bắn cháy 5 xe thiết giáp M-113. Trung đội 6 gồm 33 chiến sĩ thì 32 người hy sinh, chỉ duy nhất ông Hoàng Ngọc Bích còn sống với thương tích đầy người. Đê hèn hơn, quân địch đã dùng xe tăng “cày đi, xới lại” trên Cao điểm 21, dùng máy bay thả bom na-pan đốt cháy trận địa.
Các cựu chiến binh Nguyễn Chiến Thắng (TP. Hà Nội), Nguyễn Hữu Ngạnh (xã Vĩnh Linh, Quảng Trị), nguyên chiến sĩ Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 nhớ lại: “Trận đánh không cân sức diễn ra trên Cao điểm 21 giữa Trung đội 6 và địch. Bộ đội không có pháo binh chi viện, chỉ có cối 60, B40, B41 và tiểu liên AK. 33 người lính của ta đối mặt với cả một tiểu đoàn và hàng chục xe tăng địch...
Khi đêm đến, trung đội chúng tôi vào tiếp cận Cao điểm 21 làm công tác tử sĩ. Cao điểm 21 tan hoang dưới bánh xích xe tăng. May mắn thay, dưới một căn hầm đổ nát, chúng tôi phát hiện ra và lôi Bích lên khỏi mặt đất. Lúc này, người anh không còn áo quần, gương mặt cháy đen vì bom na-pan. Cả một trung đội, chỉ còn Hoàng Ngọc Bích sống sót. Đau xót nào bằng!”.
Ngô Thanh Long
Bài 2: Hành trình tri ân đồng đội
QTO - Là người duy nhất sống sót sau trận đánh tại Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, Gio Linh, ngày 16/10/1968, ông Hoàng Ngọc Bích được đồng đội đưa ra khỏi trận...
QTO - QUẢNG TRỊ THÁNG 7 TRI ÂN
QTO - Chuyến phototour là chương trình nằm trong kế hoạch phối hợp giữa tỉnh Quảng Bình (cũ) và Hãng hàng không Vietnam Airlines nhằm quảng bá du lịch...
QTO - Là những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy nhưng bằng ý chí và sự năng động, họ trở thành những điển hình tiên...
QTO - Không biết từ bao giờ, hai chữ “mót đồng” lại neo đậu trong tôi như một phần của tuổi thơ, một mảng ký ức không thể gọi tên, mà chỉ có thể chạm đến...
QTO - Không áp lực bài vở, được thỏa thích tham gia các hoạt động hè vui, bổ ích là mong muốn của rất nhiều trẻ em. Và trẻ chỉ thực sự có được mùa hè vui,...
QTO - Ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Lộ, người dân đã thống nhất chung tay mang loại cây rù rì từ rừng về trồng, chăm sóc để làm đẹp cảnh quan thôn, xóm. Loại cây...
QTO - Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, đôi khi chỉ một hành động nhỏ bé, xuất phát từ trái tim nhân ái cũng đủ sức tạo nên những điều phi thường. Ở...