Cập nhật:  GMT+7

Hỗ trợ người cao tuổi bắt nhịp chuyển đổi số

Vượt qua những rào cản về tuổi tác, nhiều người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực tiếp cận với công nghệ số để phục vụ cuộc sống hằng ngày.

Hỗ trợ người cao tuổi bắt nhịp chuyển đổi số

Người cao tuổi ở thành phố Đông Hà được người thân hướng dẫn cách nghe, gọi và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh -Ảnh: H.T

3 năm trước, bà Nguyễn Thị Xuân (60 tuổi), ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà đã tự trang bị cho mình một chiếc điện thoại thông minh với mục đích giữ liên lạc và nhìn thấy được hình ảnh con cháu ở xa khi thực hiện cuộc gọi.

Ban đầu bà cũng thấy khó sử dụng bởi chiếc điện thoại mới có nhiều chức năng phức tạp hơn so với điện thoại cũ , nhưng được các con, cháu động viên, hướng dẫn nên bà đã từng bước làm quen và ngày càng sử dụng thành thạo hơn.

“Chiếc điện thoại có thể kết nối internet giúp tôi dễ dàng liên lạc, chia sẻ thông tin với bạn bè; nhìn thấy, trò chuyện được với con, cháu ở xa.

Từ ngày biết sử dụng điện thoại thông minh, tôi còn thường xuyên truy cập internet để xem các chương trình giải trí, sử dụng mạng xã hội, theo dõi thông tin thời sự, thời tiết...

Thậm chí, giờ đây tôi còn có thể tự mình thực hiện các thao tác chuyển, nhận tiền thông qua ứng dụng internet banking trên thiết bị điện thoại di dộng, hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm hằng ngày”, bà Xuân chia sẻ.

Còn đối với ông Phan Công Thanh (71 tuổi), hiện đang là Chủ tịch Hội NCT Phường 2, thị xã Quảng Trị, chiếc điện thoại thông minh cũng đã giúp ông cũng như nhiều hội viên, NCT trên địa bàn kết nối thường xuyên hơn với bạn bè, người thân, giúp đời sống tinh thần trở nên phong phú, vui vẻ hơn.

Đồng thời, việc sử dụng điện thoại thông minh và các tiện ích công nghệ còn giúp ông Thanh thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác hội tại địa phương.

Ông Thanh cho biết, hiện nay, hầu hết hội viên NCT trên địa bàn Phường 2 đều biết ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để trao đổi thông tin qua nhóm zalo, facebook, gmail, giúp NCT có thể dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, giảm thời gian, công sức đi lại.

Nhiều NCT còn bày tỏ quan điểm nhờ làm quen với công nghệ, mạng xã hội nên họ hiểu hơn về cách sống, suy nghĩ của thế hệ trẻ. Từ đó, gần gũi trò chuyện với con cháu, không còn khoảng cách giữa người già và người trẻ.

Hiện toàn tỉnh có trên 92 nghìn NCT, trong đó có trên 125 tổ chức hội NCT cơ sở cấp xã, phường, thị trấn; 810 chi hội ở thôn, bản, khu phố và 1.468 tổ hội với tổng số 85.125 hội viên.

Thời gian qua, nhiều hội viên, NCT đã từng bước tiếp cận và sử dụng được các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính để tìm hiểu kiến thức, ứng dụng các tính năng của mạng xã hội hoặc giao dịch một số dịch vụ cơ bản trên môi trường mạng, đồng thời biết ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để trao đổi thông tin qua nhóm zalo, facebook, gmail.

Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh Nguyễn Hà Phương thông tin: “Ngày nay, qua các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh đã lập nhóm zalo nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản, nghị quyết của tỉnh, hội; chia sẻ các hoạt động thường kỳ của hội một cách nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng.

Ngoài ra, nhóm zalo còn là nơi giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho NCT. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh đối với NCT đã trở thành một xu thế mới, giúp họ thay đổi cuộc sống, nhận thức nhanh chóng, bắt nhịp với thời đại công nghệ số 4.0, hòa nhập với giới trẻ để không bị lạc hậu. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích này, khi truy cập mạng xã hội cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Bởi vậy, Hội NCT tỉnh thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho hội viên cẩn trọng, tỉnh táo khi lựa chọn, khai thác thông tin trên mạng xã hội. Với những trang thông tin không chính thống, đăng tải những bài viết trái chiều, thông tin xấu, độc hại thì không nên nghe, không nên đọc và không chia sẻ; chỉ nên khai thác những thông tin lành mạnh, bổ ích...

Đồng thời, không lạm dụng khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình”.

Có thể thấy việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin đã hỗ trợ khá nhiều cho NCT trong cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Hơn nữa còn gắn kết tình cảm gia đình, giúp NCT sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Tuy nhiên, Quảng Trị là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; tỉ lệ NCT thuộc diện hộ nghèo còn khá cao nên việc mua sắm, trang bị các thiết bị công nghệ cho NCT để tiếp cận công nghệ còn gặp không ít hạn chế, trở ngại. Mặt khác, một bộ phận NCT khi tiếp cận và sử dụng điện thoại thông minh vẫn có tâm lý e dè, bỡ ngỡ do tuổi cao, thị lực kém, tai nghe không rõ, khả năng nắm bắt và trí nhớ giảm...

Ngoài ra, đặc thù tuổi tác đã khiến việc tiếp cận và sử dụng công nghệ trong quá trình làm các thủ tục dịch vụ công trực tuyến hiện nay với NCT gặp nhiều rào cản.

Thực tế, trong bối cảnh thời đại công nghệ số phát triển, khi mà internet phủ sóng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn đã giúp người dân không chỉ dễ dàng kết nối với nhau mà còn là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, trong đó có NCT. Mặc dù còn có những rào cản nhất định khi tiếp cận với công nghệ thông tin, nhưng nhìn chung phần lớn NCT đang cố gắng tìm tòi, sử dụng công nghệ và internet trong đời sống hằng ngày.

Thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực về chính sách, nguồn lực từ các cấp, các ngành trong việc chăm sóc, tạo mọi điều kiện để NCT được tiếp cận với công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống; sự vào cuộc của các tổ công nghệ số cộng đồng, các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các địa phương trong việc hỗ trợ NCT bắt nhịp cùng công cuộc chuyển đổi số

Đối tượng NCT cũng rất cần sự đồng hành, giúp đỡ từ phía gia đình và người thân, nhất là những người đã sử dụng công nghệ thành thạo, giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu và tự tin hơn trong việc tận dụng được các lợi ích của công nghệ số trong cuộc sống hằng ngày, vững tin hòa nhập trong xã hội số, góp phần xây dựng một xã hội số toàn diện.

Thu Hạ

Tin liên quan:
  • Hỗ trợ người cao tuổi bắt nhịp chuyển đổi số
    Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa

    (QTO) - “Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh về việc triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh Quảng Trị về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” đã góp phần tăng cường việc quảng bá, kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhanh để tránh tình trạng ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ...

  • Hỗ trợ người cao tuổi bắt nhịp chuyển đổi số
    Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ nông dân

    Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Một trong những hoạt động cụ thể của chương trình là thí điểm xây dựng thôn/xã NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội, đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh của địa phương lên các sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng công nghệ số, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn với thành thị.


Thu Hạ

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý