Cập nhật:  GMT+7

Tiết lộ hàng trăm tấn vàng được vận chuyển trái phép từ châu Phi sang UAE

Theo tờ Financial Times, một lượng vàng khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD đang được buôn lậu từ châu Phi đến UAE, phản ánh những lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng buôn bán trái phép kim loại quý tại Trung Đông.

Trong một nghiên cứu gần đây, Swissaid, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Thụy Sĩ, ước tính khoảng 435 tấn vàng trị giá 31 tỷ USD đã được chuyển ra khỏi châu Phi mà không tiến hành các thủ tục khai báo vào năm 2022 – tăng gấp đôi về khối lượng vàng vận chuyển bất hợp pháp chỉ trong vòng một thập kỷ.

Theo tổ chức này, UAE - quốc gia giữ vị trí là trung tâm thương mại hàng đầu tại Trung Đông với thị trường vàng rộng lớn bậc nhất - đang tiếp nhận đến 93% lượng vàng xuất khẩu không qua thủ tục khai báo từ châu Phi. Tiếp theo đó là Thụy Sĩ và Ấn Độ.

Tiết lộ hàng trăm tấn vàng được vận chuyển trái phép từ châu Phi sang UAE

Hàng trăm tấn vàng được vận chuyển trái phép từ châu Phi sang UAE. Ảnh: The Financial Times

Sau khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, các cơ quan đang tăng cường giám sát hoạt động khai thác trái phép tại những khu vực thường xuyên xảy ra xung đột như miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và Sudan.

Marc Ummel, chuyên gia tại Swissaid, cho biết Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính, cơ quan chống rửa tiền quốc tế, nên xem xét lại động thái loại UAE khỏi “danh sách xám”, ám chỉ những nước cần tăng cường giám sát hoạt động rửa tiền.

“UAE không nên bị loại khỏi danh sách khi có đến 400 tấn vàng tương đương hàng chục tỷ USD nhập khẩu trái phép vào đất nước này. Đây là một nguồn vàng khổng lồ từ một châu lục đang bị nhấn chìm trong vấn nạn rửa tiền, xung đột cũng như các cuộc khủng hoảng về nhân quyền” – ông nói.

Emirates Gold, một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất nước này, đã bị cấm tiếp cận thị trường vàng Dubai và London vào năm ngoái do liên quan đến hành vi rửa tiền. Vào thời điểm đó, nhà máy này cho biết họ bị cấm không phải do thực hiện hành vi bất hợp pháp trên, đồng thời khẳng định luôn tuân thủ pháp luật cũng như các quy định của thị trường.

Một quan chức UAE thừa nhận có những lo ngại liên quan đến hoạt động buôn lậu vàng vào Dubai, tuy nhiên cho biết nước này đang ban hành các quy định mới đối với sản xuất, buôn bán vàng và kim loại quý nhằm giảm thiểu rủi ro từ hoạt động bất hợp pháp này.

Dù đã tồn tại từ lâu, khai thác vàng thủ công – phương pháp khai thác sử dụng các dụng cụ thô sơ như mâm, chảo, gầu, cuốc, xẻng - chỉ thực sự bùng phát mạnh mẽ kể từ sau khi giá kim loại này tăng vọt. Giá vàng đã đạt mức kỷ lục 2.400 USD/ounce vào tháng 4, khi ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường mua vàng thỏi nhằm đa dạng hóa nguồn tài sản dự trữ và giảm phụ thuộc vào đồng USD. Hiện nay vẫn xảy ra nhiều cuộc tranh luận về tính hợp pháp của phương thức khai thác vàng thủ công do những rủi ro về sức khỏe.

Swissaid cho biết UAE là điểm đến chính của lượng lớn vàng thủ công được khai thác từ 18 quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột ở châu Âu.

Các quốc gia châu Phi đứng đầu về sản xuất vàng thủ công là: Mali, Zimbabwe và Bờ Biển Ngà.

Vào năm 2023, UAE đã ban hành các quy định mới liên quan đến những nhà máy luyện vàng, nhằm nâng cao khả năng thẩm định khi tìm nguồn cung ứng vàng, bao gồm sàng lọc và tiến hành thăm thực địa mỏ thủ công. Tuy nhiên, các quan chức của quốc gia vùng Vịnh này đã tranh cãi liệu việc chấp nhận khai thác thủ công sẽ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người đào vàng.

Một quan chức UAE cho biết nước này yêu cầu tất cả các nhà máy luyện vàng tuân thủ quy định thẩm định về nguồn cung ứng vàng đạt tiêu chuẩn, phù hợp với hướng dẫn của OECD.

Long Hải


Long Hải

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long