Cập nhật:  GMT+7

Thủ tướng Israel gặp thách thức lớn nếu ICC ban hành lệnh bắt giữ

Ngày 20/5, trưởng Công tố Karim Khan của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC xác nhận đang xin lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel với cáo buộc tội ác chiến tranh đối với người Palestine. Lệnh bắt giữ cũng bao gồm 3 thủ lĩnh Hamas là: Yahya Sinwar, Ismail Haniyeh và Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri.

Một hội đồng gồm ba thẩm phán sẽ xem xét về việc có nên ban hành lệnh bắt giữ hay không. Quá trình này dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng hai tháng.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng trái chiều. Trong khi Mỹ và Anh phản đối mạnh mẽ yêu cầu của trưởng công tố về lệnh bắt giữ ông Netanyahu và Gallant, một số quốc gia EU lại thể hiện sự đồng thuận.

Thủ tướng Netanyahu cho rằng động thái xin lệnh bắt giữ là hình thức bài trừ người Do Thái. Trong khi đó, Tổng thống Isaac Herzog chỉ trích ông Khan đang vượt quá giới hạn khi đưa ra yêu cầu này và điều đó sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống tư pháp quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với các thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã chỉ trích động thái trên của ICC. Họ cho rằng tòa án không có thẩm quyền xét xử vụ việc cũng như đe dọa sẽ trừng phạt nếu ICC không thay đổi quan điểm về việc bắt giữ ông Netanyahu.

Còn theo báo chí Anh, người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak khẳng định lệnh bắt giữ ông Netanyahu không giúp giải quyết xung đột, giải thoát con tin hay đảm bảo nguồn viện trợ nhân đạo đến với người dân Dải Gaza.

Do Israel không phải là thành viên của ICC cũng như không công nhận thẩm quyền của tòa án, nên ngay cả khi lệnh bắt giữ được ban hành, ông Netanyahu và ông Gallant cũng không phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố ngay lập tức.

Tuy nhiên, Yuval Shany, chuyên gia về luật quốc tế tại Đại học Do Thái và Viện Dân chủ Israel, một tổ chức tư vấn ở Jerusalem, cho biết vị thế quốc tế của Thủ tướng Israel sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu lệnh bắt giữ được ban hành. Chuyên gia này lý giải ông Netanyahu sẽ trở thành tâm điểm của nhiều luồng chỉ trích cũng như không thể tự do di chuyển đến các quốc gia khác. Ông nói thêm ngay cả khi ICC không ban hành lệnh bắt giữ, các quốc gia cũng sẽ lần lượt lên tiếng phản đối động thái của Israel tại Dải Gaza.

Còn theo Gissou Nia, luật sư nhân quyền và đang là Giám đốc mảng pháp lý tại Hội đồng Đại Tây Dương, nếu lệnh bắt giữ được chấp thuận, các quốc gia châu Âu là thành viên của ICC sẽ có nghĩa vụ giao ông Netanyahu và ông Gallant cho tòa án này nếu một trong hai người đến lãnh thổ của họ. Điều này sẽ hạn chế khả năng di chuyển của hai quan chức trên đến các quốc gia từng là đối tác của Israel.

Elise Baker, luật sư cấp cao tại the Strategic Litigation Project, cho biết đơn xin lệnh bắt giữ sẽ sớm thành công do ông Khan và đồng nghiệp có nhiều bằng chứng buộc tội Thủ tướng Netanyahu liên quan đến xung đột tại Dải Gaza.

Thủ tướng Israel gặp thách thức lớn nếu ICC ban hành lệnh bắt giữ

Thủ tướng Israel Benjamin

Cô cũng cho biết ICC hoàn toàn có thẩm quyền đối với những hành vi gây ra chiến tranh trên vùng đất thuộc Palestine. Viện dẫn một trường hợp tương tự là lệnh truy bắt của ICC đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến xung đột tại Ukraine, cô cho biết việc Israel không phải là thành viên của tòa án này cũng không gây ảnh hưởng đến quá trình bắt giữ ông Netanyahu.

Ông Netanyahu đã gặp rắc rối không chỉ về dư luận quốc tế. Các cuộc biểu tình trên đường phố Israel đã leo thang trong nhiều ngày qua với những thông điệp khác nhau. Một số cuộc xuống đường yêu cầu Israel cứu con tin đang nằm trong tay Hamas, số còn lại bày tỏ thái độ phản đối ông Netanyahu, yêu cầu bầu ra nhà lãnh đạo mới.

Không những vậy, ngày càng nhiều quốc gia lên tiếng phản đối động thái mà Israel thực hiện tại Dải Gaza. Kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái, quân đội Israel đã liên tục thực hiện các cuộc công kích vào Dải Gaza nhằm tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas đang trú ẩn tại khu vực này. Theo Bộ Y Tế Gaza, hơn 35.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, bao gồm hàng loạt phụ nữ và trẻ em.

Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, các cuộc công kích đã khiến khoảng 80% dân số phải di dời và khiến hàng trăm nghìn người đối diện với nạn đói khủng khiếp..

Trước thảm kịch nhân đạo tại Gaza, nhiều quốc gia EU lại bày tỏ sự tôn trọng đối với mọi quyết định của ICC.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết tôn trọng mọi quyết định của cơ quan này tuy nhiên lưu ý việc ban hành lệnh bắt giữ đồng thời cả lãnh đạo Hamas và các quan chức Israel có thể là một quyết định sai lầm. Dù vậy, Thủ tướng nước này Olaf Scholz tuyên bố sẽ hợp tác với cơ quan này nếu lệnh bắt giữ được chính thức ban hành.

Tờ Jerusalem Post trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho biết nếu lệnh bắt giữ được ban hành, Oslo có nghĩa vụ phải thực thi và sẽ bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nếu họ đến lãnh thổ Na Uy.

Bên cạnh đó, một số quốc gia khẳng định sẽ toàn lực hỗ trợ ICC trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib xem yêu cầu của công tố viên Khan là một bước đi tích cực nhằm hướng đến công lý. Quan chức này cam kết sẽ hỗ trợ ICC, đồng thời nhấn mạnh hành vi tàn sát tại Dải Gaza phải bị truy tố với mức án cao nhất, bất kể thủ phạm là ai.

Lâm Hải


Lâm Hải

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết