Cập nhật:  GMT+7

Tập trung thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách

Hôm nay 5/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp toàn thể về tình hình KT-XH, QP-AN và giao ban xây dựng cơ bản toàn tỉnh 9 tháng năm 2023.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh: H.T

Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp

Quán triệt phương châm hành động của Chính phủ: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Nhờ vậy, tình hình KT-XH của tỉnh có chuyển biến tích cực; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 ước tính tăng 6,29% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (4,24%) và đứng thứ 29 của cả nước.

So với cùng kỳ năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,5%, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn giảm 1,21% (ước đạt 588,125 triệu USD). Tỉnh cũng đã tích cực vận động, thu hút, kêu gọi đầu tư; làm việc với các nhà đầu tư chiến lược về các dự án đầu tư trọng điểm. Chú trọng triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Tập trung đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, đào tạo nghề; trong đó đã giải quyết việc làm cho là 12.817 lượt lao động, đạt 106,8% kế hoạch năm; tuyển sinh và đào tạo nghề cho 5.413 học viên. Nhiều chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đã được thực hiện đạt kết quả tốt; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có những tín hiệu tích cực, tiến bộ cho thấy nền kinh tế đã từng bước phục hồi và phát triển trở lại. Đời sống Nhân dân cơ bản ổn định. QP-AN được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế: một số ngành, lĩnh vực, địa bàn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp, trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng, có sức tác động và ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 30/9/2023 là 2.640 tỉ đồng/dự toán 4.050 tỉ đồng, đạt 65,2% dự toán địa phương và 66,4% dự toán trung ương, bằng 73,2% cùng kỳ năm 2022; các khoản thu về đất đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 15/9/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2023 của tỉnh là 1.059,305 tỉ đồng, đạt 33,7% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (51,38%).

Tập trung thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách

Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: H.T

Nguyên nhân ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công

Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao là 3.089,745 tỉ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết với số vốn 3.081,968 tỉ đồng, bằng 99,7% kế hoạch. Kế hoạch 2023 chưa phân bổ chi tiết là 60 tỉ đồng vốn nước ngoài. Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu phấn đấu tỉ lệ giải ngân hàng tháng của tỉnh cao hơn mức trung bình của cả nước; quyết tâm đến ngày 31/12/2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch các nguồn vốn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên tính đến ngày 15/9/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2023 của tỉnh là 1.059,305 tỉ đồng, chỉ mới đạt 33,7% kế hoạch. Dự ước đến ngày 30/9/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2023 của tỉnh là 1.241,242 tỉ đồng, đạt 40% kế hoạch.

Một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến kế hoạch thu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất; các dự án thuộc nguồn chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô nhỏ, được tổ chức nghiệm thu khi công trình hoàn thành, đồng thời tập trung ưu tiên giải ngân kế hoạch 2022 được kéo dài sang năm 2023 đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân kế hoạch 2023; các dự án ODA ngoài việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước còn phải thực hiện yêu cầu của nhà tài trợ cũng đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng nguồn cung chưa đảm bảo...

Tại phiên họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ các “điểm nghẽn”, nút thắt và các khó khăn, vướng mắc lớn nhất đang ở khâu nào. Trong đó, chú ý rà soát các khâu như: Giao vốn đầu tư; chuẩn bị đầu tư; việc tổ chức thực hiện; khâu nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán, hoàn tạm ứng khối lượng và quyết toán... Trên cơ sở đó, xác định rõ các tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương nào để tập trung xử lý. Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã giải trình, làm rõ kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; các chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh báo cáo giải trình nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục và kiến nghị, đề xuất cần tập trung tháo gỡ để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm 2023.

T hực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp để chung tay, góp sức khắc phục nhanh, hiệu quả các mặt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Đặc biệt cần tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Về nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn trong 3 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ. Tập trung xử lý các vướng mắc để kịp thời triển khai ngay đấu giá các dự án đất, các dự án đất dân cư dịch vụ, đất dự án khu nhà ở, khu thương mại...

Để tăng thu tiền sử dụng đất trong năm 2023 và năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh công tác trình, thẩm định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, phục vụ việc quyết định giá đất để giao đất và cho thuê đất. Khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm năng, các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Hoàn thành các thủ tục điều chỉnh kích thước chia lô các dự án phát triển quỹ đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu. Giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đối với các nhà thầu cố tình chây ỳ thi công, chậm tiến độ, thì căn cứ tình hình thực hiện của nhà thầu và nội dung hợp đồng đã ký kết để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hợp đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các phó chủ tịch UBND tỉnh căn cứ theo sự phân công ở từng lĩnh vực mà mình phụ trách để quyết liệt đốc thúc, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, phấn đấu giải ngân hết số vốn đầu tư công như quyết tâm của toàn tỉnh đã đặt ra ngay từ đầu năm 2023.

Hà Trang

Tin liên quan:
  • Tập trung thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách
    Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công

    Ngay từ những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu tỉ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công hằng tháng của tỉnh cao hơn mức trung bình của cả nước. Do đó đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm đến ngày 31/12/2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2023 (trừ những nguồn vốn được phép kéo dài hoặc nguồn vốn mới được bổ sung trong năm) và 100% kế hoạch năm 2022 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023.

  • Tập trung thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách
    Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

    Đến cuối tháng 6/2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh khá chậm. Tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 681,757 tỉ đồng, đạt 25% kế hoạch được UBND tỉnh phân bổ và đạt 18,7% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao. Do vậy, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn công trình, dự án chậm tiến độ là những vấn đề đang đặt ra rất cấp thiết.


Hà Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị

Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị
2023-10-05 14:12:00

QTO - Hôm nay 5/10, tại TP. Đông Hà, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị năm 2023 với chủ đề “Khai thác...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết