Cập nhật:  GMT+7

Sớm di dời nhà máy xay xát lúa ở thôn An Trung Đồng ra khỏi khu vực đông dân cư

Một nhà máy xay xát lúa ở thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong gây ô nhiễm môi trường nên người dân địa phương nhiều lần kiến nghị di dời đến nơi khác. Tuy nhiên, nhiều năm qua sự việc vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến nhiều hộ dân bức xúc, xảy ra xô xát, gây mất trật tự địa phương.

Sớm di dời nhà máy xay xát lúa ở thôn An Trung Đồng ra khỏi khu vực đông dân cư

Nhà máy xay xát lúa của bà Đoàn Thị Nguyệt ở thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong -Ảnh: LÊ MINH

2 lần xảy ra xô xát do nhà máy gây ô nhiễm

Ông Lê Tải (65 tuổi), ở thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong - người đại diện các hộ dân có đơn gửi đến Báo Quảng Trị cho biết, nhà máy xay xát lúa tại thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ thuộc sở hữu của bà Đoàn Thị Nguyệt (sinh năm 1971), ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Năm 2014, bà Nguyệt đến thôn An Trung Đồng nhận chuyển nhượng một thửa đất khoảng hơn 100 m2 để làm kho tập kết thu mua lúa. Chính vì vậy, các hộ dân sinh sống gần đó không có ý kiến gì.

Tuy nhiên, sau đó bà Nguyệt xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền xay xát lúa. Ban đầu chỉ quy mô nhỏ, dần dần bà Nguyệt nhận chuyển nhượng thêm một thửa đất liền kề mở rộng quy mô sản xuất khiến tình trạng ô nhiễm bụi mờ ngày càng nghiêm trọng. Ông Tải cho biết thêm, vào những ngày cao điểm, số lượng xe đầu kéo đến vận chuyển lúa gạo lên đến 2 - 3 chiếc, số lượng xe tải nhỏ đến nhập lúa vào nhà máy từ 10 - 15 chiếc. Điều này cho thấy quy mô và khối lượng xay xát của nhà máy rất lớn.

Nói về mức độ ô nhiễm bụi mờ, ông Lê Tải cho biết vào mùa gió Tây Nam - thời điểm cao điểm hoạt động xay xát của nhà máy, toàn bộ 14 hộ dân với gần 50 nhân khẩu ở xóm Miệu hứng chịu toàn bộ bụi mịn từ nhà máy thải ra. Để chống bụi bay vào nhà, các hộ dân phải đóng kín cửa nhà nhưng vẫn bị ô nhiễm. Một số người dân, đặc biệt là người già thường xuyên đau mắt hột, phải luôn đeo kính bảo vệ mắt. Ngoài ra, nhà máy còn xây bể chứa để lắng bụi mịn và xả thải trực tiếp ra sông Thạch Hãn.

Anh Nguyễn Ngọc Hùng (42 tuổi) ở xóm Miệu cho biết, trước đây khi nhà máy mới đi vào hoạt động, việc xay xát diễn ra liên tục từ 4 giờ sáng đến 23 giờ đêm, đặc biệt là thời điểm vào vụ mùa. Sau nhiều lần kiến nghị, nhà máy chuyển thời gian xay xát trong giờ hành chính, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm bụi mịn vẫn không được cải thiện. Do quá bức xúc vì kiến nghị di dời nhà máy trong nhiều năm không được thực hiện nên đã xảy ra xô xát giữa các hộ dân ở xóm Miệu và chủ nhà máy xay xát.

Cuối năm 2023, anh Nguyễn Ngọc Hùng đã có lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát với ông Võ Văn Đồng - chồng bà Đoàn Thị Nguyệt. Hậu quả là ông Đồng phải vào bệnh viện điều trị, anh Nguyễn Ngọc Hùng bị cơ quan chức năng xử phạt hơn 5 triệu đồng vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Chỉ hơn 4 tháng sau, xô xát tiếp tục xảy ra, nạn nhân đi điều trị tại bệnh viện vẫn là ông Võ Văn Đồng, 3 người gây ra xô xát là anh Nguyễn Ngọc Hùng, Cao Văn Hùng, Đinh Ánh Tiến bị cơ quan chức năng tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính hơn 10 triệu đồng.

Chủ nhà máy bị xử phạt 50 triệu đồng nhưng không nộp phạt

Liên quan đến kiến nghị của các hộ dân, phóng viên Báo Quảng Trị đã trao đổi với Chủ tịch UBND xã Triệu Độ Trương Thị Kim Cúc. Bà Cúc cho hay, địa phương liên tục nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân về vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhà máy xay xát của bà Đoàn Thị Nguyệt. Sau mỗi lần tiếp nhận đơn, chính quyền địa phương đã mời các bên liên quan để hòa giải nhưng không thành.

Chính vì vậy, UBND xã Triệu Độ đã kiến nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Phong về kiểm tra, đo đạc các thông số ô nhiễm. Về phía nhà máy cũng rất tích cực phối hợp và kịp thời khắc phục các thiếu sót, tồn tại mà cơ quan chức năng chỉ ra như đầu tư xây dựng bể lắng bụi, hệ thống lọc tạp chất, giàn phun sương, che chắn kín nhà máy, không để bụi phát tán ra bên ngoài. Tuy vậy, vẫn không đáp ứng được sự hài lòng của các hộ dân sinh sống xung quanh nhà máy.

Tháng 9/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các cơ quan chức năng để quan trắc, đo đạc thông số tỉ lệ ô nhiễm môi trường. Kết quả thông số bụi mịn vượt 1,5 lần; về tiếng ồn đảm bảo, không vượt thông số cho phép.

Trên cơ sở đó, ngày 29/9/2023, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đoàn Thị Nguyệt do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 50 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 3 tháng; buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu.

Tuy nhiên, phía đại diện nhà máy không đồng ý với kết quả và cho rằng không khách quan vì cán bộ đo đạc là người nhà của một trong số các hộ dân có đơn kiến nghị; thời điểm đo, tuyến đường DH46 đang thi công thảm nhựa.

Theo tài liệu của phóng viên thu thập được, Quyết định xử phạt vi phạm số 2545/QĐ-XPHC ngày 29/9/2023 do Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong ký thể hiện: Thông số tổng bụi lơ lửng của nhà máy vượt quá giới hạn cho phép theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 05: 2009/BTNMT tại vị trí 1 (K1) vượt 1,76 lần, tại vị trí 2 (K2) vượt 2,14 lần. Quyết định số 2545 yêu cầu bà Đoàn Thị Nguyệt phải nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước huyện Triệu Phong trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chủ nhà máy xay xát vẫn chưa chấp hành nộp phạt, điều này được đại diện nhà máy xác nhận. Bên cạnh đó, các hộ dân cho rằng, sau khi bị xử phạt, cơ sở không chấp hành hình thức phạt bổ sung mà vẫn tiếp tục hoạt động. Lý giải về nội dung này, bà Trương Thị Kim Cúc cho rằng, nhà máy chỉ tạm đình chỉ việc xay xát, còn các hoạt động mua bán, nhập kho, vận chuyển vẫn diễn ra bình thường.

UBND xã Triệu Độ cũng cung cấp cho phóng viên các giấy tờ liên quan đến hoạt động nhà máy xay xát của bà Đoàn Thị Nguyệt gồm một giấy phép kinh doanh, 1 bộ hồ sơ dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy xay xát lúa gạo năm 2021; bộ hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường và giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện Triệu Phong cấp năm 2021; 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất tại vị trí xây dựng nhà máy, với diện tích 309 m2.

Tuy nhiên, ghi nhận hiện trường của phóng viên, diện tích xây dựng nhà máy vượt diện tích ghi trên giấy CNQSD đất được cấp. Việc xây dựng vượt diện tích theo giấy CNQSD được cấp được đại diện nhà máy xác nhận, nhưng UBND xã Triệu Độ lại không nắm được.

Cần sớm di dời nhà máy xay xát ra khỏi khu dân cư

Ông Lê Thanh Đài (74 tuổi), ở thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ cho rằng, nguyện vọng của các hộ dân là di dời nhà máy ra xa khu vực dân cư để đảm bảo môi trường sống cho người dân, đồng thời tránh xảy ra các vụ việc xô xát trong thời gian tới.

Về nội dung này, bà Trương Thị Kim Cúc cho rằng, địa phương rất quan tâm đến kiến nghị của người dân, đặc biệt là vấn đề môi trường, sức khỏe người dân. Chính vì vậy, địa phương đã làm hồ sơ quy hoạch về đất thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, thời gian quy hoạch đến năm 2035.

Tuy nhiên, việc di dời nhà máy tại thời điểm này đối với địa phương là không thể vì nguồn lực đầu tư hạ tầng về đường giao thông, điện... vượt ngoài khả năng. Chính vì vậy, địa phương đã kiến nghị UBND huyện Triệu Phong nhưng vẫn không khả quan vì thiếu quỹ đất.

Anh Võ Thành Tuyên, đại diện nhà máy xay xát mong muốn được chính quyền sớm tạo quỹ đất, hỗ trợ doanh nghiệp di dời nhà máy. Doanh nghiệp đã lập dự án mới, làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để chọn địa điểm mới xây dựng nhà máy. Vị trí doanh nghiệp đề xuất tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Hiện nay, hồ sơ đang được các cơ quan chức năng xem xét quyết định.

Từ diễn biến sự việc cho thấy, việc nhà máy xay xát lúa của bà Đoàn Thị Nguyệt hoạt động tại thôn An Trung Đồng có gây ô nhiễm bụi mịn và liên tục bị người dân phản ánh. Kiến nghị di dời nhà máy của các hộ dân là chính đáng, cần được quan tâm giải quyết. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp giải quyết kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng.

Mặt khác, nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất của doanh nghiệp cũng cần được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Về phía doanh nghiệp cũng phải thực hiện đúng các quy định pháp luật. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát tốt các hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, trong trường hợp này cần sớm giải quyết nhu cầu di dời nhà máy của doanh nghiệp.

Có như vậy mới giải quyết hài hòa về việc vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân vừa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

Lê Minh

Tin liên quan:
  • Sớm di dời nhà máy xay xát lúa ở thôn An Trung Đồng ra khỏi khu vực đông dân cư
    Cần sớm di dời các cơ sở chế biến thủy, hải sản ở Cửa Việt ra khỏi khu dân cư

    Các cơ sở chế biến hải sản nằm xen trong khu dân cư vừa gây ô nhiễm môi trường vừa mất an toàn giao thông là một trong những thực trạng của nhiều địa phương ven biển, trong đó có thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Do đó, việc di dời các cơ sở chế biến hải sản trong các khu dân cư, ngoài vùng quy hoạch tại địa phương này vào các khu vực tập trung là giải pháp căn cơ nhằm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thủ công và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Hiện nay, chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, vận động các cơ sở vào khu sản xuất tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.

  • Sớm di dời nhà máy xay xát lúa ở thôn An Trung Đồng ra khỏi khu vực đông dân cư
    Tháo gỡ khó khăn trong di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được ...

    Thực hiện Nghị quyết số 160/2021/NQ - HĐND ngày 9/12/2021 về Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 160/2021/NQ - HĐND), các địa phương đã tổ chức thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, vấn đề di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ...

  • Sớm di dời nhà máy xay xát lúa ở thôn An Trung Đồng ra khỏi khu vực đông dân cư
    Đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí chăn nuôi gần đầu nguồn nước, khu dân cư

    Hôm nay 16/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng xác nhận, vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường.


Lê Minh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long