Cập nhật: Thứ 2, 25/01/2016 | 00:48 GMT+7

Giữ rừng bằng quy ước của làng

(QT) - Ông Lê Văn Quốc, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quả quyết rằng trong số 2.631,3 ha rừng tự nhiên được giao cho 13 cộng đồng thôn trên địa bàn hiện đang được bảo vệ, quản lý rất tốt. Ông Quốc nói rằng, bên cạnh các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng thì các quy ước của làng đóng vai trò rất quan trọng và cũng từ những quy ước của làng này mà hình thành nên những hương ước, quy ước giữ rừng trong mỗi cộng đồng dân cư thôn. Chúng tôi tìm vào bản Ruộng, xã Hướng Tân vào một ngày cuối đông tiết trời se sạnh. Mùa này, cánh rừng tự nhiên rộng hơn 100 ha bao quanh bản Ruộng đang vào thời kỳ mọc chồi non. Phía sau bản Ruộng là những thân cây cổ thụ vươn mình thẳng tắp, tán cây xõa rộng như mái tóc đen dài của những thiếu nữ Pa Kô, Vân Kiều. Rừng ở đây còn rất nguyên sơ, nhiều cây có đường kính rộng đến hai, ba vòng tay người lớn, dễ đến hàng trăm năm tuổi như dẻ, sao, trường, lội...

Người dân bản Ruộng tuần tra, bảo vệ rừng

Anh Hồ Văn Thắng (42 tuổi), làm trưởng bản Ruộng đã hai nhiệm kỳ nay cho biết: “Bản Ruộng có tất cả 105 hộ dân với 570 nhân khẩu, trong đó, số hộ nghèo chiếm đến hơn 50%. Năm 2006, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa và UBND xã Hướng Tân đã phối hợp bàn giao 101 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng bản Ruộng quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Thời gian qua, để bà con bản Ruộng không “ăn” vào rừng, bản làng đã đề ra quy ước chỉ truyền bằng miệng, nhưng bắt buộc mọi người đều phải tuân theo. Cũng nhờ những quy ước truyền bằng miệng này mà người dân bản Ruộng vẫn giữ được rừng và hưởng lợi chính đáng từ rừng”. Quy ước truyền bằng miệng về bảo vệ rừng mà trưởng bản Hồ Văn Thắng vừa nói cụ thể như sau: “Ai cần làm nhà cửa thì phải viết đơn trình bản, nếu xét thấy nhu cầu đó là chính đáng, bản sẽ trình đơn lên xã, lên Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa. Khi nào các cấp đồng ý thì mới được đốn cây làm nhà. Việc đốn cây sẽ do bản cử người đứng ra giám sát. Nếu ai dám tự tiện chặt cây thì sẽ bị phạt như sau: Chặt một cây nhỏ thì bị phạt một con lợn, chặt cây to, gỗ quý thì phạt một con trâu. Cứ thế nhân lên, đốn bao nhiêu cây thì phạt bấy nhiêu con…”. Già làng Tà Ngư (62 tuổi), ở bản Ruộng cho biết: “Hàng chục năm qua, nhờ những luật lệ nghiêm khắc đó nên rừng ở bản Ruộng không một ai dám xâm phạm. Dân bản vào rừng lấy củi thì luôn bảo ban nhau chỉ nhặt nhạnh củi khô hay những cành cây bị bão quật gãy mà thôi”. Trong suy nghĩ của già làng Tà Ngư và người dân bản Ruộng ý nghĩa của việc bảo vệ rừng chỉ đơn giản như thế, nhưng xem ra lại gần gũi, thiết thực biết bao . Rời bản Ruộng, chúng tôi vượt gần 40 km để tìm đến thôn Mới, xã Hướng Sơn. Già làng Hồ Văn Dưi (60 tuổi) cười thật tươi khi cho chúng tôi biết chuyện 47 hộ dân thôn Mới vừa nhận được số tiền 3,7 triệu đồng/hộ do Nhà máy thủy điện Rào Quán chi trả cho chi phí dịch vụ môi trường rừng mà theo quy định của pháp luật, người dân thôn Mới được hưởng. Được biết, năm 2013, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã giao cho thôn Mới 500 ha rừng đầu nguồn sông Rào Quán để bà con quản lý, bảo vệ. Những năm qua, bên cạnh những quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, người dân thôn Mới cũng có những quy ước riêng do các vị cao niên trong làng lập ra nhằm răn đe, cấm đoán việc xâm phạm, chặt phá rừng. Già làng Hồ Văn Dưi chia sẻ: “Ở thôn Mới từ người già đến con trẻ đều biết được những quy định của bản làng đề ra để bảo vệ và không xâm hại vào rừng. Trước đây nếu dân bản phát hiện ra người nào đó chặt phá rừng trái phép, chúng tôi đều căn cứ theo lệ làng để xử phạt nghiêm khắc. Nhưng nay có khác trước, nếu bây giờ phát hiện ra đối tượng phá rừng, bên cạnh lệ làng, chúng tôi sẽ trình báo cho các cấp chính quyền và kiểm lâm địa bàn biết để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Không những sử dụng quy ước của làng để răn đe, xử phạt các hành vi làm phương hại đến rừng, bà con đồng bào Vân Kiều ở thôn Mới còn áp dụng lệ làng vào việc phân định trách nhiệm, công việc cho người đi tuần tra và bảo vệ rừng. Không chỉ ở thôn Mới mà trong mỗi cộng đồng dân cư ở huyện Hướng Hóa đều lập nên một đội tuần tra, bảo vệ rừng (số lượng từ 10- 20 người) là những người có uy tín, có sức khỏe nhất trong bản. Nếu tham gia vào đội tuần tra, bảo vệ rừng này thì những người đó sẽ được miễn các công việc bắt buộc khác của làng. Trong một tháng đội tuần tra, bảo vệ rừng đi thăm rừng từ 3- 4 lần nên rất hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu chặt phá và quản lý được sự phát triển của rừng. Nhắc đến đến những quy ước của làng tồn tại trong đời sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, nhiều người cứ nghĩ đến sự hà khắc, lạc hậu nhưng cũng có những quy ước đã ngăn chặn được sự phá hoại của con người trước thiên nhiên. Những quy ước của làng truyền miệng giữa đại ngàn về việc bảo vệ rừng, sống chung với rừng mà chúng tôi có dịp ghi lại ở huyện miền núi Hướng Hóa là một ví dụ để minh chứng cho điều này. Bài, ảnh: ĐỨC NGHĨA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mãi xanh rừng cát Cu Hoan
07:19 28/12/2024

Nếu chưa một lần đặt chân đến, khó có thể hình dung trên vùng cát bỏng ở làng Cu Hoan, thôn Thiện Tây, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, có một khu rừng nguyên sinh ...

Giữ rừng, giữ thác mãi xanh
22:50 06/05/2025

Trước đây, cuộc sống của người dân thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa gắn liền với nương rẫy và khai thác lâm sản. Tuy nhiên, nhận thấy giá ...

Thôn Prin Thành giữ lấy rừng xanh
22:10 20/02/2023

Hàng chục năm nay, người dân thôn Prin Thành, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cùng nhau gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng trên địa bàn. Từ cánh rừng tự nhiên sản xuất ...

Dân làng biển giữ rừng phi lao
23:40 11/02/2024

Là “bức bình phong” chở che dân làng trước thiên tai khắc nghiệt, tạo không gian và cảnh quan xanh mát, nên bao đời nay, những cánh rừng phi lao ven biển ở xã ...

“Giữ rừng là giữ cuộc sống”
22:25 25/10/2024

Câu nói ấy được nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông chia sẻ với tôi trong lúc ...

Hiệu quả mô hình nuôi vịt trên sàn lưới

Hiệu quả mô hình nuôi vịt trên sàn lưới
10:05 tối Thứ 6

QTO - Với những ưu điểm vượt trội như thời gian nuôi ngắn hơn, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với...

Từ đôi đũa quê đến thương hiệu quốc gia

Từ đôi đũa quê đến thương hiệu quốc gia
10:00 tối Thứ 6

QTO - Không phải công nghệ cao hay sản phẩm lạ lẫm, Lê Thanh Triển chọn bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ... đôi đũa gỗ. Giản dị, bền bỉ và đậm đà hồn quê,...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long