Cập nhật:  GMT+7

Giữ rừng, giữ thác mãi xanh

Trước đây, cuộc sống của người dân thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa gắn liền với nương rẫy và khai thác lâm sản. Tuy nhiên, nhận thấy giá trị to lớn của những cánh rừng không chỉ nằm ở nguồn lợi kinh tế trước mắt, chính quyền địa phương và cộng đồng đã cùng nhau xây dựng hướng đi mới là bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Giữ rừng, giữ thác mãi xanh

Thành viên Ban Quản lý và Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng tích cực tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: BẢO BÌNH

Nằm về phía Bắc đỉnh Sa Mù hùng vĩ, với độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, thôn Trăng - Tà Puồng tựa như một viên ngọc bích giữa vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Nơi đây có địa hình độc đáo với dãy núi đá vôi sừng sững xen kẽ những cánh rừng tự nhiên nguyên sơ, trù phú.

Được giao bảo vệ, quản lý 230 ha rừng tự nhiên, 22 thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng đã nêu cao trách nhiệm giữ rừng. Lật giở từng trang trong sổ nhật ký giám sát định kỳ công tác bảo vệ rừng của thôn, Trưởng Ban Quản lý và Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng Hồ Văn Giỏi chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi tháng, anh chị em trong ban phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tuần tra rừng đều đặn ba lần. Trong quá trình tuần tra, chúng tôi phát dọn thực bì, nhiều lần phát hiện dấu vết của các loại động vật quý như lợn rừng, nai, voọc đen, voọc chà vá...

Có lần, chúng tôi phát hiện cả đàn voọc chà vá với số lượng 12 con và kịp thời báo cáo với kiểm lâm địa bàn. Ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, các thành viên cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đốt nương làm rẫy, không tiếp tay cho kẻ xấu phá rừng, hướng dẫn cho người dân biết cách phòng cháy, chữa cháy rừng”.

Cùng với bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng đã nêu gương để người dân trong thôn nối tiếp truyền thống trồng cây vào rừng tự nhiên của cha ông, xem đó như một sự “trả nghĩa” với núi rừng. Ngoài thời gian tuần tra, bảo vệ rừng, các thành viên chú trọng đến việc trồng rừng, phát triển rừng tự nhiên, bền vững.

Anh Hồ Văn Thăm, thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng cho biết: “Từ xưa đến nay, người dân trong thôn vẫn có thói quen trồng cây bản địa, chủ yếu là cây bồ kết rừng và bồ hòn vào rừng, thấy chỗ nào đất trống thì trồng ở đó. Mấy năm gần đây, việc trồng cây vào rừng có quy mô, bài bản hơn. Chỉ riêng tháng 3/2024, cả thôn đã trồng được 1.500 cây bản địa”.

Khắp các khu vực rừng phòng hộ Trăng - Tà Puồng giờ đây được phủ xanh bởi những hàng bồ kết và bồ hòn được trồng xen kẽ một cách bài bản . Với chu kỳ sinh trưởng trên năm năm, hai loại cây này không chỉ phủ xanh những cánh rừng mà còn tự tái tạo một cách bền vững. Hạt cây rụng xuống đất sẽ nảy mầm thành cây mới, giúp người dân tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức trong việc ươm giống, chăm sóc và vận chuyển.

Hiệu quả của mô hình bảo vệ rừng cộng đồng ở thôn Trăng - Tà Puồng cũng mở ra những cơ hội lớn cho phát triển du lịch cộng đồng. Những cánh rừng xanh mướt, đa dạng sinh học, hệ thống hang động và thác nước Tà Puồng với vẻ đẹp kỳ vĩ cùng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Anh Hồ Văn Giỏi, ngoài vai trò Trưởng Ban Quản lý và Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng vẫn luôn trăn trở trước việc làm thế nào để khai thác tiềm năng du lịch của thác Tà Puồng, phục vụ du khách gần xa.

“Vẻ đẹp thiên nhiên ở thác Tà Puồng thực sự cuốn hút, làm say lòng bất cứ ai đặt chân đến. Thế nhưng trước đây, nơi này lại thiếu vắng sự quản lý và khai thác bài bản. Du khách đến rồi đi một cách tự do, không có người hướng dẫn, cũng chẳng có dịch vụ nào đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi... Chính những suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi cùng một vài hộ dân mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương cho phép khai thác du lịch tại đây”, anh Giỏi tâm sự.

Tổ du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng ra đời từ năm 2021, quy tụ 22 hộ gia đình cùng chung tay khai thác du lịch, trong đó có 3 người đảm nhận vai trò quản lý. Người dân địa phương đã khéo léo tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có như tranh, tre, nứa để dựng nên những lán trại, phục vụ du khách đến dừng chân nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng và thưởng thức các sản vật đặc trưng của địa phương như gà bản, xôi nếp than, măng rừng.... Dịp lễ 30/4, 1/5/2025, anh Giỏi đã mời các nghệ nhân người Vân Kiều ở thôn Trăng Tà Puồng biểu diễn khèn, sáo a mam, trống, chiêng, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách tham quan.

Theo chia sẻ của anh Giỏi, nguồn thu từ dịch vụ ẩm thực và các khoản chi phí khác sau khi được cân đối sẽ chia đều cho các thành viên trong tổ. Nhờ đó, mỗi hộ dân có thêm thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng. Tổ cũng dành một phần kinh phí để hỗ trợ các hoạt động cộng đồng khác tại địa phương. Việc cùng nhau tham gia vào hoạt động khai thác du lịch đã giúp người dân thêm đoàn kết và gắn bó mật thiết hơn, từ đó càng nêu cao ý thức bảo vệ rừng.

Tâm đắc với thành quả của người dân khi cùng nhau giữ rừng, giữ thác mãi xanh, ông Hồ Xuân Lương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trăng - Tà Puồng bày tỏ: “Khách nước ngoài khi đặt chân đến Tà Puồng đều vô cùng thích thú và không khỏi thán phục. Họ ngạc nhiên bởi vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của thác, dường như không có sự can thiệp của con người hay máy móc.

Đặc biệt, khi khám phá hệ thống rừng nơi đây, họ càng ngỡ ngàng trước những thành quả mà người dân bản địa đã dày công gìn giữ, để Trăng - Tà Puồng luôn là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa”.

Bảo Bình

Tin liên quan:
  • Giữ rừng, giữ thác mãi xanh
    Mãi xanh rừng cát Cu Hoan

    Nếu chưa một lần đặt chân đến, khó có thể hình dung trên vùng cát bỏng ở làng Cu Hoan, thôn Thiện Tây, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, có một khu rừng nguyên sinh đặc hữu còn được gìn giữ vẹn nguyên đến vậy. Ở khu rừng này hiện còn nhiều loài cây cổ thụ lớn đến vài người ôm. Rừng Cu Hoan được người dân địa phương xem là báu vật và hết lòng bảo vệ. Bởi người dân quan niệm rằng, “dân giữ rừng thì rừng giữ làng”. Rừng chính là lá chắn bảo vệ dân làng trong chiến tranh loạn lạc, trong thiên tai và cung cấp nguồn nước tưới mát đồng ruộng tự bao đời.

  • Giữ rừng, giữ thác mãi xanh
    Thôn Prin Thành giữ lấy rừng xanh

    Hàng chục năm nay, người dân thôn Prin Thành, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cùng nhau gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng trên địa bàn. Từ cánh rừng tự nhiên sản xuất rộng hàng chục héc ta đến khu “rừng ma” với những cây gỗ trắc quý hiếm luôn được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt. Với họ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giữ lấy rừng xanh.

  • Giữ rừng, giữ thác mãi xanh
    Trả nợ rừng xanh

    Gần 40% - 50% thành viên các tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông từng một thời trực tiếp/gián tiếp vào rừng đốn gỗ, săn bắt thú rừng hoặc có vợ đang phải chấp hành án phạt tù trong vụ án “Hủy hoại rừng”. Bây giờ, tất cả họ đều trở thành những thành viên nòng cốt, nhiệt tình trong các tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.


Bảo Bình

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lợi ích kép từ trồng rừng FSC

Lợi ích kép từ trồng rừng FSC
2025-05-04 07:10:00

QTO - Dù rừng gỗ lớn có thời gian đến kỳ khai thác lâu hơn nhưng lại cho lợi nhuận cao hơn từ 2-3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Bên cạnh đó, rừng gỗ lớn...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long