
{title}
{publish}
{head}
Trong cấu trúc đời sống xã hội, hương ước, quy ước từ lâu đã là thiết chế văn hóa mềm, có vai trò bổ trợ hiệu quả cho hệ thống pháp luật nhà nước. Việc HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 118/2024/NQ-HĐND, quy định mức hỗ trợ kinh phí xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, không chỉ là một chính sách tài chính đơn thuần mà còn là một cam kết chính trị - văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm phục hồi và phát huy tinh thần tự quản, giá trị văn hóa cộng đồng trong quản lý xã hội từ cơ sở.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hương ước có giá trị trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Cú hích để nâng tầm thiết chế tự quản
Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 799 thôn, bản, tổ dân phố có hương ước, quy ước (HUQU) đã được phê duyệt và thực hiện. Để HUQU phù hợp với các quy định theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ và đặc điểm tình hình KT-XH của địa phương, cộng đồng dân cư thường xuyên tổ chức đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Tuy nhiên, những năm qua, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc xây dựng (sửa đổi, bổ sung, ban hành mới) HUQU ở cộng đồng dân cư không có. Do đó, việc tiến hành xây dựng HUQU ở cộng đồng dân cư gặp không ít những khó khăn, hạn chế.
Tìm hiểu được biết, việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các HUQU theo đúng quy định của Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ, năng lực soạn thảo còn hạn chế, quy trình lấy ý kiến cộng đồng còn hình thức. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Nghị quyết số 118/2024/NQ-HĐND với mức hỗ trợ kinh phí tối thiểu 2 triệu đồng/lần xây dựng và 1 triệu đồng/năm để thực hiện HUQU là một động thái chính sách kịp thời, cần thiết và giàu tính nhân văn.
Không chỉ đơn thuần là hành lang pháp lý hay biện pháp hỗ trợ tài chính, Nghị quyết số 118/2024/NQ-HĐND còn thể hiện rõ quan điểm nhất quán của tỉnh trong việc khơi dậy, phát huy nội lực văn hóa - xã hội của người dân ở cơ sở. HUQU không chỉ điều chỉnh các mối quan hệ cộng đồng trong đời sống thường nhật mà còn góp phần duy trì bản sắc văn hóa, ràng buộc cộng đồng vào một hệ giá trị được đồng thuận.
Đó là các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, ứng xử trong cộng đồng, tương thân tương ái... được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc nhưng giàu sức lan tỏa, dễ nhớ, dễ làm theo và dễ giám sát. HUQU còn là công cụ thể chế hóa các giá trị đạo đức truyền thống, chuẩn hóa hành vi ứng xử cộng đồng, định hình văn hóa địa phương.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Hướng Hóa, Đakrông, HUQU có giá trị đặc biệt trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ nghi dân tộc và giữ gìn tài nguyên rừng, nguồn nước... Với người dân vùng biển, HUQU còn răn dạy con cháu lễ nghĩa trong ra khơi, vào lộng, giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Từ nghị quyết đến hành động
Từ sau khi Nghị quyết số 118/2024/NQ-HĐND được ban hành vào tháng 12/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập kế hoạch xây dựng, sửa đổi HUQU tại những khu dân cư có nhu cầu, đồng thời lồng ghép tuyên truyền trong các chương trình nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Dù còn ở giai đoạn khởi động, nhưng sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ cấp tỉnh tới cơ sở là cơ sở quan trọng để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị quyết số 118/2024/NQ-HĐND được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục các tồn tại kéo dài trong việc xây dựng, thực hiện HUQU như: nội dung sơ sài, hình thức sao chép, thiếu tính đặc thù; quy trình thiếu sự tham gia rộng rãi của người dân; chưa có quy định rõ ràng về mức chi, dẫn đến bị động trong thực hiện. Mức hỗ trợ được đưa ra bảo đảm phù hợp với khả năng ngân sách địa phương, đồng thời, tạo động lực cho cộng đồng dân cư chủ động rà soát, cập nhật các vấn đề mới trong đời sống xã hội vào nội dung HUQU.
Nghị quyết cũng tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền các cấp tăng cường giám sát, thẩm định và hướng dẫn việc ban hành HUQU đúng trình tự, hợp hiến, hợp pháp, tránh tình trạng quy định sai lệch với luật pháp hiện hành như: phạt tiền, phạt vật chất, thu các khoản không đúng quy định...
Phát huy giá trị cộng đồng từ gốc rễ văn hóa
Việc triển khai thực hiện nghị quyết trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi đội ngũ cán bộ văn hóa mỏng, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, hoặc HUQU cũ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Tuy nhiên, nếu có hướng đi đúng, cách làm sáng tạo và phát huy tốt vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, người uy tín trong cộng đồng, nghị quyết sẽ thực sự trở thành “chất xúc tác” giúp nâng cao chất lượng quản trị xã hội từ cơ sở.
Về lâu dài, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về giá trị, vai trò của HUQU trong đời sống hiện đại. Việc xây dựng nội dung cần bám sát thực tiễn, linh hoạt trong thể hiện, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; phát huy trí tuệ tập thể, sự đóng góp của cộng đồng. Đồng thời, cần có thêm các lớp tập huấn chuyên sâu, biên soạn tài liệu mẫu, hướng dẫn chi tiết quy trình, kỹ năng xây dựng HUQU nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp thực hiện ở cơ sở.
Nghị quyết số 118/2024/NQ-HĐND không chỉ là giải pháp kịp thời cho những vướng mắc thực tiễn, mà còn thể hiện một triết lý quản trị mang tính nhân văn sâu sắc: muốn quản lý xã hội hiệu quả, cần bắt đầu từ cộng đồng; muốn giữ gìn kỷ cương xã hội, phải khơi dậy và phát huy văn hóa tự quản. Khi những quy ước cộng đồng được hình thành từ chính nhu cầu, ý chí và giá trị của người dân, được thể hiện bằng sự đồng thuận, niềm tin và sự tự nguyện, đó chính là nền móng vững chắc để xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, kỷ cương từ gốc.
Trần Tuyền
QTO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm bồi đắp, thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp...
QTO - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Quảng Trị có nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như: lễ hội truyền thống, ngành nghề truyền thống, các giá...
QTO - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động là hoạt động được tỉnh tổ chức thường niên nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người lao động,...
QTO - Ở những bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn hôm nay, điện thoại thông minh không chỉ là phương tiện thông tin liên lạc mà còn dẫn dắt những thế hệ phụ...
QTO - Thời gian gần đây, một số dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trở lại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỉ lệ tiêm vắc xin giảm sút....
QTO - Vào đầu tháng 3/2025, Bệnh viện Mắt đã bàn giao và đưa vào sử dụng khu nhà Kỹ thuật cao với quy mô 4 tầng, trong đó có Khu phẫu thuật mới từ nguồn...
QTO - Những ngày xạ trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dù rất mệt, ông Trần Văn Thu (sinh năm 1946), trú tại Khu phố 2, Phường 1, TP. Đông Hà, vẫn vào ra thăm...
QTO - Mỗi mùa thi đến, áp lực thi cử trở thành nỗi bận tâm thường trực không chỉ của học sinh mà còn của phụ huynh và thầy cô giáo. Trước thực trạng ấy,...
QTO - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Sách, nguyên Xã đội phó xã Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) từng trực tiếp...
QTO - Dù hằng ngày làm việc cho các công ty lớn ở nước ngoài nhưng một số bạn trẻ vẫn được ở trong chính ngôi nhà của mình. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa...
QTO - Song song với việc triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình can thiệp cộng đồng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) vùng dân tộc thiểu số và miền núi...