Cập nhật:  GMT+7

Chàng trai chăn bò đỗ Tiến sĩ trên đất Nhật

Anh Lê Tiến Triển (sinh năm 1987) xuất thân trong gia đình thuần nông ở làng hiếu học Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Vượt lên nhiều khó khăn trong quá trình 17 năm học tập và lập nghiệp ở Nhật Bản, anh hiện là Tiến sĩ, CEO của 3 công ty công nghệ, nơi tạo ra phần mềm VinaCAD - một giải pháp tiên phong với khát vọng cống hiến cho sự phát triển của ngành xây dựng nước nhà.

Chàng trai chăn bò đỗ Tiến sĩ trên đất Nhật

Anh Lê Tiến Triển trao đổi tại một ngày hội việc làm ở Nhật Bản -Ảnh: NVCC

Trong lớp thực hành tin học tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn năm 2002, có một nam sinh đến từ thôn Lệ Xuyên loay hoay không biết cách khởi động chiếc máy vi tính để bàn - thứ anh chưa từng có cơ hội tiếp xúc trước đó - như thế nào. Nam sinh này phải nhờ người bạn ngồi bên cạnh giúp, dù rất xấu hổ. Đó chính là Lê Tiến Triển - người đỗ Tiến sĩ ngành Điện tử Viễn thông và Công nghệ Thông tin tại Nhật Bản vào năm 2018.

“Học kỳ 1 năm lớp 10 trường chuyên, tôi có điểm trung bình 4,8 môn Tin học”, anh Triển chia sẻ. Ba năm sau, khi đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Toán và được tuyển thẳng đại học, anh quyết ghi danh vào ngành Điện tử Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Vào năm thứ hai đại học, anh nhận học bổng du học toàn phần của Chính phủ Nhật Bản (học bổng MEXT).

Vượt qua giới hạn của bản thân

Anh Triển sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em. Mẹ anh mắc bệnh tim từ năm 1995. Mọi nguồn thu của gia đình phụ thuộc vào cha anh - ông Lê Trọng (sinh năm 1958). Là con trai cả, từ nhỏ, anh Triển luôn ý thức mình phải phụ giúp cha từ những việc lặt vặt trong nhà cho đến công việc đồng áng, chăn bò; từ chăm sóc mẹ cho đến chỉ bảo các em. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, anh vẫn là niềm tự hào của cha mẹ khi có thành tích học tập xuất sắc nhiều năm liền.

Năm lớp 9, sau khi đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh, anh Triển được các thầy cô khuyến khích thi vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Nhưng anh do dự vì nghĩ rằng mình cần học gần nhà để đỡ đần cho gia đình. Ông Trọng là người khiến con trai thay đổi suy nghĩ. “Chỉ có con đường học tập mới khiến cuộc đời con khác đi”, ông nói với con trai.

Câu nói đó khiến anh Triển quyết tâm thi vào trường chuyên. Hè năm 2002, gia đình vui sướng nhận tin anh đỗ vào lớp chuyên Toán (khóa 2002 - 2005). Đó cũng là niềm tự hào với làng quê Lệ Xuyên vì ở thời điểm đó vẫn chưa có nhiều người theo học trường chuyên lớp chọn như bây giờ.

Chàng trai quê lên phố học trường chuyên năm đó trải qua rất nhiều bỡ ngỡ. Anh nói rằng những chuyện như không biết cách dùng máy vi tính trong giờ tin học chỉ là một phần rất nhỏ thể hiện điểm xuất phát thấp của mình so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng anh chưa bao giờ nản chí. Với niềm đam mê toán học được truyền từ người thầy chủ nhiệm, anh ngày đêm hăng say học tập để từng bước rút dần khoảng cách với các bạn trong lớp.

Chàng trai chăn bò đỗ Tiến sĩ trên đất Nhật

Đại diện Công ty TGL Solutions nhận giải thưởng Sao Khuê về chuyển đổi số xây dựng năm 2024 -Ảnh: H.L

Toàn bộ thu nhập của ông Trọng chỉ đủ để lo chuyện thuốc men cho vợ và ăn uống trong nhà, chưa kể phải nuôi 4 chị em còn lại ăn học. Anh Triển lên thành phố học với hai bàn tay trắng, không nhận bất kỳ khoản chu cấp nào từ gia đình trong suốt 3 năm. Anh tự lo cho mình bằng những khoản để dành được từ tiền học bổng và làm gia sư.

Dù nhiều lo toan, anh nhanh chóng vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu, bắt kịp các bạn học và duy trì thành tích học tập xuất sắc trong những năm PTTH. Năm lớp 12, anh Triển đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Toán cấp quốc gia, sau đó được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. “Trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12 lần thứ hai, tôi đạt 6 điểm 10 qua 6 lần thi khác nhau. Với tôi, đó là kết quả của quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ, không nản chí để vượt qua giới hạn của bản thân”, anh Triển nhớ lại.

Vừa đi học, vừa nuôi em

Năm 2007, anh Triển bắt đầu hành trình du học ở xứ Phù Tang sau khi giành học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản. Nhưng chỉ vài tháng sau khi đặt chân đến Nhật, anh nhận được tin từ gia đình báo rằng bệnh tình của mẹ trở nặng. Anh vẫn nhớ như in cha đã nói rằng mẹ có thể không qua khỏi nhưng khuyên anh đừng vội về. “Tôi thẫn thờ sau cuộc điện thoại. Ý nghĩ rằng mình có thể sẽ không còn được gặp lại mẹ nữa khiến tôi bật khóc”, anh Triển nhớ lại.

May mắn, khi nhập viện, mẹ anh được các bác sĩ chẩn đoán vẫn có thể sống nếu thực hiện phẫu thuật thay van tim. “Nó như một phép màu vậy. Nhưng vui mừng chưa được lâu, gia đình chúng tôi phải đối mặt với thực tế là lấy đâu ra 100 triệu đồng để cho mẹ mổ tim”, anh Triển nói. Trong hoàn cảnh đó, anh Triển biết rằng cha mẹ chỉ có thể trông cậy vào mình anh. Anh bắt đầu tận dụng mọi mối quan hệ để vay mượn tiền.

“Khi nghe hoàn cảnh của tôi, nhiều bạn bè đã chủ động cho mượn. Một số du học sinh nước ngoài tuy tiếp xúc không lâu vẫn sẵn sàng tin tưởng để tôi vay tiền. Nhớ lại, tôi thấy biết ơn vô cùng”, anh Triển bộc bạch. Cuối cùng, anh cũng lo đủ 100 triệu đồng để gửi về cho gia đình. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ đã đưa mẹ anh trở về từ cõi chết.

Chàng trai chăn bò đỗ Tiến sĩ trên đất Nhật

Vợ chồng anh Lê Tiến Triển đang sinh sống tại Nhật Bản - Ảnh: NVCC

Câu chuyện đó đến bây giờ vẫn còn sống động trong trí nhớ của Lê Bê Ly (sinh năm 1995, em gái út của anh Triển). “Phép màu đã không đến nếu không có anh tôi”, Ly nói. Trong thời gian học tập ở Nhật, anh Triển vừa đi học, vừa đi làm thêm để có tiền gửi về cho gia đình. Anh vẫn luôn tự hào về những công việc mình đã trải qua thời đại học: đầu bếp và rửa bát ở quán thịt nướng, lập trình viên ở một công ty IT, chuyên viên kiểm thử phần mềm ở một công ty Nhật. Tất cả đều trở thành hành trang quý giá cho sự nghiệp của anh sau này.

Vừa đi học vừa đi làm, Lê Tiến Triển vẫn giữ được thành tích học tập tốt: nhiều lần đoạt giải thưởng nghiên cứu xuất sắc ở trường đại học, liên tục được gia hạn học bổng MEXT trong 11 năm liền (năm 2007-2018). Năm 2018, chàng trai đạt điểm trung bình 4,8 môn Tin học năm nào nhận bằng Tiến sĩ ngành Điện tử Viễn thông và Công nghệ thông tin tại Nhật Bản, sau đó trở thành nghiên cứu viên cao cấp ở Trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Hitachi.

Trong hơn 3 năm làm việc ở Hitachi, anh có 14 phát minh được công bố, trong đó có 6 phát minh đã được cấp bằng sáng chế. Trong quá trình này, anh vẫn gửi tiền nuôi các em. “Tiền ăn học trong 4 năm đại học của tôi và các anh chị đều do anh lo liệu”, Bê Ly cho biết.

Ước mơ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á

Tháng 7/2019, khi đang là nghiên cứu viên ở Tập đoàn Hitachi, anh Triển thành lập Công ty skyACE chuyên về các giải pháp công nghệ tại Tokyo, Nhật Bản. Đến tháng 9/2019, anh mở công ty con TGL Solutions ở TP. Hồ Chí Minh với khẩu hiệu “Smart & Speed Solutions” (nghĩa là tạo ra các giải pháp thông minh nhất, với tốc độ nhanh nhất).

Năm 2022, công ty tiếp tục mở thêm công ty con tại TP. Đà Nẵng chuyên về chuyển đổi số cho ngành xây dựng. Hiện tại, anh quản lý ba công ty với hơn 130 nhân sự, tập trung vào các giải pháp công nghệ cao cho Nhật Bản và Việt Nam.

Năm 2018, Lê Tiến Triển lấy bằng Tiến sĩ ngành Điện tử Viễn thông và Công nghệ thông tin tại xứ Phù Tang. Năm 2024, công ty do anh thành lập nhận được hai giải thưởng Sao Khuê - giải thưởng uy tín của ngành công nghệ thông tin Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) trao tặng. Đó là những cột mốc quan trọng nhất trong hành trình học tập và khởi nghiệp của anh Triển.

Công ty mới mở thì COVID-19 ập đến, những thử thách liên tục xuất hiện: đồng Yên giảm mạnh, các cộng sự lần lượt rời khỏi công ty. Nhưng với bản lĩnh đã được trui rèn qua nhiều thử thách, anh Triển vẫn chèo lái 3 doanh nghiệp đứng vững trong “bão tố”. Tổng doanh thu hằng năm của 3 công ty tăng trưởng khoảng 50%/năm.

Khởi đầu như nhiều startup công nghệ khác, TGL Solutions ban đầu tập trung gia công phần mềm cho các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, với khát vọng tạo ra giá trị bền vững cho quê hương, công ty nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm và phát triển các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước. Trong đó, các phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng được coi là trọng tâm chiến lược.

"Nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tôi đã tận mắt chứng kiến những bước tiến vượt bậc về công nghệ, cơ sở hạ tầng nơi đây. Điều đó thôi thúc tôi phải làm gì đó để góp phần thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam”, anh Triển chia sẻ.

Với sự dẫn dắt của anh, TGL Solutions đã chinh phục thị trường ngách “chuyển đổi số xây dựng”, mở ra cơ hội ứng dụng công nghệ hiện đại vào ngành kiến trúc và xây dựng tại Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm hợp tác với các đối tác Nhật Bản trong nhiều năm, công ty đã phát triển VinaCAD - phần mềm BIM/CAD tiên tiến, không chỉ hỗ trợ thiết kế mà còn tích hợp toàn diện các chức năng quản lý, bảo trì và tối ưu hóa trong suốt vòng đời của một dự án xây dựng.

“VinaCAD không chỉ là phần mềm thông thường, mà là hệ sinh thái toàn diện xoay quanh bản vẽ kỹ thuật. Chúng tôi tối ưu hóa từ biện pháp thi công, quản lý vật tư, tiến độ, chi phí đến vận hành và giao tiếp giữa các bên liên quan”, anh Triển nhấn mạnh.

Tháng 5/2024, TGL Solutions nhận giải thưởng Sao Khuê “Dịch vụ chuyển đổi số xây dựng” và được xếp hạng 5 sao tại lễ trao giải Sao Khuê 2024. Theo anh Triển, đây là dấu mốc quan trọng của công ty, bước đệm vững chắc để vươn lên vị trí dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực chuyển đổi số xây dựng.

Huệ Lâm

Tin liên quan:
  • Chàng trai chăn bò đỗ Tiến sĩ trên đất Nhật
    Chàng tiến sĩ miền đất lửa và hành trình chinh phục nước Nhật

    Một chàng trai quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bằng những nỗ lực không ngừng đã vượt qua những giới hạn của bản thân để trở thành Phó Giáo sư - Tiến sĩ trẻ nhất được nhận vào làm giảng viên ngành mạng máy tính tại Đại học Aizu (Nhật Bản).

  • Chàng trai chăn bò đỗ Tiến sĩ trên đất Nhật
    Tấm lòng chàng trai Quảng Trị ở vùng động đất Nhật Bản

    Đầu năm mới 2024, một trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Nhật Bản gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Sang nước bạn sống, làm việc, nhiều người lao động Việt Nam, trong đó có người dân Quảng Trị đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Với tấm lòng sẻ chia, anh Hoàng Văn Hậu (sinh năm 1997), ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hiện đang sống ở TP. Kanazawa, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đã luôn hướng trái tim yêu thương về những người gặp hoạn nạn và có sự tiếp sức ấm tình đồng hương.


Huệ Lâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lan tỏa tình yêu sách

Lan tỏa tình yêu sách
2025-01-28 07:15:00

QTO - Tự tin tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2024, Nguyễn Hồ Hoàng Dung, học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Triệu Phong) xuất...

Về Quảng Trị ăn Tết

Về Quảng Trị ăn Tết
2025-01-28 07:05:00

QTO - Về nhà, về quê, về Quảng Trị ăn Tết - những âm thanh ấy dù ngắn gọn, súc tích nhưng rất đỗi thiêng liêng, ấm cúng. Nó mắc kẹt vào nỗi nhớ của tôi...

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Quê hương nghĩa nặng tình sâu
2025-01-26 13:46:00

QTO - Hơn mười năm qua, người ta biết đến ông Nguyễn Viết Hải là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Quảng Bình với những con đường...

Bên ni, bên nớ Hiền Lương

Bên ni, bên nớ Hiền Lương
2025-01-26 06:20:00

QTO - Trong ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng chạp năm Giáp Thìn, tôi đi dọc theo con đường bê tông đê tả Bến Hải để tìm về những vùng đất anh hùng của Vĩnh...

Trưởng thành cùng đất nước thống nhất

Trưởng thành cùng đất nước thống nhất
2025-01-26 06:15:00

QTO - Tuy mỗi người một hoàn cảnh, công việc, tính cách... nhưng anh Nguyễn Phi Bảo, Thượng tá Nguyễn Văn Hồng và Nhà giáo ưu tú Trần Thị Châu lại gặp nhau...

Xuân ấm áp trong ngôi nhà đại đoàn kết

Xuân ấm áp trong ngôi nhà đại đoàn kết
2025-01-25 07:24:00

QTO - Những năm qua, phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị quan...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long