{title}
{publish}
{head}
Vào trưa ngày 7/7/1997, một câu chuyện có sức lan tỏa sâu rộng trong ngành giáo dục và đào tạo cũng như cả nước, đó là tình huống cô giáo Trần Thị Nở, giáo viên Trường Mầm non Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã dũng cảm bắt rắn độc, cứu các cháu mầm non khi đang ngủ trưa. 28 năm sau, một ngày cận tết Ất Tỵ, tôi lên Khối 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tìm gặp cô Trần Thị Nở để nghe cô kể lại những thời khắc đáng nhớ đó.
Cô giáo Trần Thị Nở (thứ nhất, từ trái qua) dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI - năm 2000 tại Thủ đô Hà Nội -Ảnh: NVCC
Tay không bắt rắn dữ
“Đến hôm nay, tôi vẫn còn rùng mình khiếp sợ khi nhớ lại giờ phút hiểm nguy ấy. Và tôi cũng rất phấn khởi, vui mừng vì mình đã có một hành động nhanh, dứt khoát trong thời khắc quyết định để cứu các cháu ở Trường Mầm non Khe Sanh, Hướng Hóa khi đứng trước nguy cơ bị rắn độc cắn 28 năm trước”, cô Trần Thị Nở mở lời với tôi khi bắt đầu cuộc trò chuyện trong căn nhà ấm cúng của cô nơi thị trấn vùng biên Hướng Hóa.
Cô Nở kể: “Tôi vẫn nhớ như in trưa 7/7/1997, sau buổi học bổ túc văn hóa, tôi trở lại Trường Mầm non Khe Sanh để chăm giấc ngủ cho các cháu. Vừa đến sân trường, tôi thấy ngoài phòng ngủ của các cháu có một số người dân đang nhốn nháo, hoảng sợ. Tôi nhanh chóng chen giữa mọi người, bước vào cửa phòng ngủ của các cháu thì kinh hoàng khi nhìn thấy một con rắn hổ mang rất to nằm vắt ngang trên mình ba cháu nhỏ đang ngủ say trong chiếc cũi gỗ. Con rắn đang phùng mang, giương mắt như đang muốn vồ lấy các cháu.
Hổ mang thuộc loài rắn cực độc. Người bị rắn hổ mang cắn thì nguy cơ tử vong rất cao. Hơn nữa, con rắn này được một thương lái mua từ rừng sâu mang về nhốt để bán. Quá trình nhốt chắc đã lâu nên khi sổng chuồng, rắn tỏ ra rất hung hãn. Rắn trườn qua hàng tường rào, vượt khoảng sân rộng và nhằm phòng ngủ của các cháu cuộn mình phóng tới.
Khi rắn mới bắt đầu chui vào phòng ngủ, có một anh cán bộ thuế phát hiện được. Anh vừa hô hoán mọi người, vừa túm được đuôi rắn để kéo ra. Không may, một con chó thấy rắn cũng xông vào sủa dồn dập và cắn một phát mạnh vào chân anh cán bộ thuế, buộc anh phải buông tay ra. Thế là con rắn theo đà trườn nhanh vào chỗ các cháu đang nằm ngủ. Do đã bị tấn công nên con rắn lúc này rất hung hãn. Khi bò vắt ngang trên mình ba cháu nhỏ, rắn ngẩng đầu lên, phun nọc độc phì phì. Ngay trước mặt con rắn, 15 cháu nhỏ đang ngủ, một cháu đã ngồi dậy trong cũi.
Phải cứu lấy các cháu! Khi suy nghĩ mới thoáng qua trong đầu, tôi đã nhào vào ngay trong phòng ngủ các cháu, chụp lấy con rắn, tay phải nắm chặt cổ rắn, tay trái kéo nhanh các cháu từ trong cũi gỗ ra giữa sàn nhà. Không may là tôi không đủ sức để nắm thật chặt cổ nên rắn cuộn mình, quay đầu cắn vào tay trái của tôi. Dù cảm nhận được cơn đau từ vết thương đang mỗi lúc mỗi tăng vì nọc độc bắt đầu ngấm dần vào cơ thể, nhưng tôi quyết không buông tay. Tay tôi vẫn siết chặt cổ rắn và miệng rắn cũng cắn chặt lấy tay trái tôi. Cuối cùng, khi cảm thấy các cháu đã an toàn, tôi dùng hết sức bình sinh buông tay quẳng mạnh con rắn nặng gần 4 kg, dài gần 2 m ra sân. Ngoài sân, mọi người xúm lại đánh chết con rắn độc. Trước khi chết, con rắn còn kịp phun hơi từ nọc độc làm nhiều người mặt mày bị xây xẩm, sưng vù.
Về hưu, cô Trần Thị Nở vẫn luôn đọc tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức -Ảnh: Đ.T
Rắn độc đã chết, 16 cháu đã an toàn, tôi khụy xuống giữa sân trường. Mọi người nhanh tay thắt ga rô 3 đoạn trên tay trái tôi để ngăn nọc độc nhưng toàn thân tôi tê mỏi, rã rời. Những cơn đau thắt cả gan ruột như từng đợt sóng dậy lên trong cơ thể làm tôi ngất lịm đi, tay chân, mặt mũi bị sưng vù, mắt không thể mở được.
Giữa lúc sống - chết cận kề, chồng là bộ đội đang đi công tác xa, các con còn nhỏ, tôi được bạn bè, đồng nghiệp, nhất là các phụ huynh tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ; các thầy thuốc ở Bệnh viện Hướng Hóa hết lòng cứu chữa. Đặc biệt là các bậc cao niên người dân tộc Vân Kiều từ trong bản làng heo hút có bài thuốc hay về chữa rắn cắn, nghe tin cũng đã lội bộ qua bao suối, bao rừng tìm đến để chữa cho tôi...
Dù rất nhiều nỗ lực nhưng vết thương lại trở nặng, da thịt ở cánh tay hoại tử dần, người váng vất lúc tỉnh, lúc mê, trên giường bệnh, tôi chỉ có một mong muốn tột bậc là chấp nhận mất một cánh tay nhưng vẫn được sống, được trở về với đàn cháu mầm nom thân thương nơi thị trấn Khe Sanh, về với mái ấm của mình, với người chồng đang tại ngũ và các con còn nhỏ của tôi.
Sau gần 2 tháng chữa trị tại Bệnh viện Hà Lan ở Đông Hà, may mắn là cánh tay tôi đã trở nên lành lặn. Tôi trở về nhà, về lại nơi thân thương của mình và rơi nước mắt trước sự quan tâm, chăm sóc của mọi người”...
Một đốm lửa sưởi ấm cả chặng đường đời
Chị Nở kể tiếp với giọng xúc động: “Ngay khi còn nằm trên giường bệnh, câu chuyện bắt rắn cứu các cháu mầm non của tôi đã được mọi người lan truyền trong cộng đồng, được báo chí loan tin và xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tôi nhớ mãi có lần một đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Trị - một nhà giáo khả kính đến thăm tôi tại bệnh viện và hỏi: “Sao em lại dám một mình tay không bắt rắn để cứu các cháu”?
Tôi trả lời: “Thưa thầy! Tại thương các cháu nên em không sợ chết”.
Thầy nhìn tôi trìu mến một lúc rồi ôn tồn nói: “Đúng là như vậy. Nhưng có lẽ cội nguồn sâu xa vẫn là do em sinh ra trên vùng đất lửa Quảng Bình, nơi mà qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, có rất nhiều nữ anh hùng đã rạng danh trong sử sách. Em lại được giáo dục dưới mái trường XHCN, đặc biệt em đã có 6 năm trong quân ngũ, 6 năm làm giáo viên mầm non và đang làm vợ, làm mẹ...Tất cả những yếu tố đã bồi đắp trong em những phẩm tính đáng quý, sự dũng khí, tình thương bao la đối với các cháu. Một hành động của em diễn ra trong khoảnh khắc nhưng là dấu son của cả cuộc đời em đó”...
Bây giờ nghĩ lại, câu nói của thầy lúc bấy giờ đã vận vào cuộc đời tôi rất cảm động. Sau khi bình phục trở lại trường, tôi được ngành giáo dục đặc cách vào biên chế, được tạo điều kiện trong việc nâng cao trình độ văn hóa, được quy hoạch, bổ nhiệm làm cán bộ quản lý, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen, giấy khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Một niềm vinh dự lớn trong cuộc đời tôi đó là được chọn là đại biểu chính thức cùng 3 đại biểu của tỉnh Quảng Trị dự và trình bày tham luận tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI - năm 2000 tại Thủ đô Hà Nội”.
Lặng thầm cống hiến
Chị Nở kể tiếp mạch câu chuyện: “Hạnh phúc nhất đối với tôi là luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến từ các bậc phụ huynh và thấy các cháu Trường Mầm non Khe Sanh được nuôi dạy, khôn lớn nơi mái trường mà tôi gắn bó.
Cô giáo Trần Thị Nở (bên trái) với các cháu Trường Mầm non Khe Sanh -Ảnh: NVCC
Sức khỏe bình phục, về lại trường công tác, tôi tiếp tục cống hiến không ngừng, luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong của người giáo viên, say mê, nhiệt tình với nghề nghiệp, nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực sư phạm để không phụ lòng tin yêu của các cấp lãnh đạo, các đồng nghiệp và các bậc phụ huynh đã dành cho tôi.
Tôi lần lượt được bổ nhiệm chức vụ hiệu phó Trường Mầm non Tân Lập, quyền hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh và Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Lập, về hưu năm 2016".
Tôi tò mò hỏi chị Nở: “Tôi thấy trong phòng khách nhà chị có bức chân dung chị mang quân phục rất đẹp. Chị vào quân ngũ được bao lâu ạ?”
Chị Nở cười: “Tôi chưa kể với chú, quê tôi ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Lớn lên vào bộ đội, huấn luyện ở Trung đoàn 853 rồi được biên chế vào Sư đoàn 342 đóng tại Cam Lộ, sau đó có thời gian công tác ở Trường Quân chính Quân khu 4. Sau khi ra quân thì lên Khe Sanh lấy chồng, lập nghiệp cho đến bây giờ.
Chồng tôi cũng là bộ đội về hưu. Bây giờ các con đã trưởng thành, cuộc sống an nhàn, bình lặng. Vậy nhưng, mỗi lần có dịp đi ngang qua các trường mầm non, nghe thấy tiếng bi bô của các cháu, trong lòng tôi lại trào dâng cảm xúc thật đặc biệt.
Tôi nhớ một câu nói rất hay về nghề giáo: “Càng yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu”.
Có lẽ trong tôi “lửa của tình yêu người, yêu nghề” chưa bao giờ tắt”.
Đan Tâm
QTO - Chị lặng lẽ làm việc, cống hiến hết mình để được nhìn thấy thành quả từnhững phong trào của hội viên, của Nhân dân nơi mình phụ trách. Những cống...
QTO - Hơn mười năm qua, người ta biết đến ông Nguyễn Viết Hải là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Quảng Bình với những con đường...
QTO - Thành phố Đông Hà cũng như mọi miền quê khác ở Quảng Trị đang rực rỡ sắc màu mừng Đảng, mừng Xuân cùng nhiều niềm vui, kỳ vọng về chặng đường phát...
QTO - Trong ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng chạp năm Giáp Thìn, tôi đi dọc theo con đường bê tông đê tả Bến Hải để tìm về những vùng đất anh hùng của Vĩnh...
QTO - Tuy mỗi người một hoàn cảnh, công việc, tính cách... nhưng anh Nguyễn Phi Bảo, Thượng tá Nguyễn Văn Hồng và Nhà giáo ưu tú Trần Thị Châu lại gặp nhau...
QTO - Nhân dịp đón xuân Ất Tỵ 2025, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động vui...
QTO - Những năm qua, phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị quan...
QTO - Đón năm mới 2025 và tết Ất Tỵ, người dân thành phố Đông Hà đang hân hoan bởi thành phố vừa được “nâng tầm” lên đô thị loại II. Một đô thị ở phía Đông...
QTO - Những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ thành phố Đông Hà xuôi về phía mặt trời mọc đã cảm nhận được sự nhộn nhịp, phấn khởi, tươi vui của...
QTO - Một mùa xuân mới lại về với không khí rộn rã trên khắp mọi nẻo đường. Hòa cùng sinh khí của đất trời đang chuyển mình vào xuân, tỉnh Quảng Trị đã và...
QTO - Điện châm là phương pháp được nhiều người lựa chọn để điều trị một số căn bệnh phổ biến liên quan đến các bệnh lý xương khớp, thần kinh, tiêu hóa và...
QTO - 6 năm qua, chị Nguyễn Thị Đằng (sinh năm 1968) ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, phải ngày đêm chống chọi với căn bệnh viêm khớp...