Cập nhật:  GMT+7

Từ Hiroshima và Nagasaki, người trẻ nghĩ về hòa bình

Cùng 48 nhà lãnh đạo trẻ trên thế giới, Đào Mạnh Nghĩa (sinh năm 1997), một người con Quảng Trị đã có mặt ở thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản. Trải nghiệm nơi vẫn còn hằn in nỗi đau do vũ khí hạt nhân gây ra giúp Nghĩa và các lãnh đạo trẻ khác ý thức sâu sắc hơn vai trò của mình trong giữ gìn hòa bình cho đất nước và nhân loại.

Từ Hiroshima và Nagasaki, người trẻ nghĩ về hòa bình

Các nhà lãnh đạo trẻ chụp ảnh lưu niệm với đại diện Tổ chức Liên Hợp Quốc và lãnh đạo thành phố Nagasaki - Ảnh: NVCC

Chuyến đi của sự tỉnh thức

Trong tháng cuối cùng của năm 2024, Mạnh Nghĩa chỉ mong một ngày có thêm 24 giờ để kịp chạy đua với những dự định, kế hoạch. Trước chuyến đi Nhật Bản theo chương trình do Quỹ Nhà lãnh đạo trẻ vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân (Youth Leader Fund for a World Without Nuclear Weapons) tổ chức, Nghĩa đã thu xếp đâu vào đó mọi công việc. Thế nhưng, những lịch trình vẫn nảy sinh và chờ đợi cậu. Vậy mà, khi nghe đề nghị chia sẻ về trải nghiệm vừa qua, Nghĩa vẫn vui vẻ nhận lời.

Theo Nghĩa, Quỹ Nhà lãnh đạo trẻ vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân ra đời vào tháng 12/2023. Trong các hoạt động của mình, đáng chú ý là quỹ đã xây dựng chương trình học tập, đổi mới sáng tạo do Văn phòng Giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc điều phối, được Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Qua chương trình, những người xây dựng quỹ mong muốn kết nối và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, thôi thúc họ cùng hành động để loại bỏ vũ khí hạt nhân. “Sau khi nắm thông tin và nộp hồ sơ, tôi cùng 99 bạn trẻ ở nhiều nước đã được chọn lựa, tham gia một khóa học trực tuyến kéo dài 6 tháng có nội dung về hòa bình, giải trừ quân bị và chống vũ khí hạt nhân. Tôi rất vinh dự khi tiếp tục được chọn là 1 trong 49 nhà lãnh đạo trẻ lên đường đến Nhật Bản học tập, trải nghiệm”, Nghĩa kể.

Trong một tuần ở Nhật Bản, Nghĩa và các nhà lãnh đạo trẻ khác đã có nhiều trải nghiệm. Khởi đầu chuyến thăm, qua video, các lãnh đạo trẻ đã nghe Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ về những đau thương, mất mát do bom nguyên tử gây ra. Đến nay, gần 80 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản mong muốn các nhà lãnh đạo trẻ nói riêng, thanh thiếu niên nói chung góp sức giữ gìn sự bình yên cho nhân loại. Cũng từ mong muốn này, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tài trợ cho Quỹ Nhà lãnh đạo trẻ vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Từ Hiroshima và Nagasaki, người trẻ nghĩ về hòa bình

Mạnh Nghĩa từng đến nhiều nước trên thế giới để tham dự các chương trình, sự kiện lớn - Ảnh: NVCC

Một tuần ở thành phố Hiroshima và Nagasaki, các lãnh đạo trẻ càng hiểu sâu sắc hơn chia sẻ của Thủ tướng Nhật Bản. Nghĩa kể, trong chuyến đi, đến đâu, đoàn cũng nhận được sự tiếp đón thịnh tình của lãnh đạo, người dân. Lãnh đạo thành phố Hiroshima và Nagasaki luôn lắng nghe, tích cực trao đổi, thảo luận với thành viên trong đoàn.

Tại hai thành phố, đoàn đều có dịp gặp gỡ, chuyện trò với các nhà lãnh đạo trẻ của Nhật Bản, đại sứ thanh niên, tình nguyện viên hòa bình... Không những thế, họ được đến tham quan nhiều địa điểm, trong đó có Công viên Hòa bình và Bảo tàng Bom nguyên tử. “Sau chuyến đi, chúng tôi đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia, tổ chức trên thế giới nói không với vũ khí hạt nhân, nâng cao vai trò, tiếng nói giới trẻ trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh toàn cầu”, Nghĩa cho biết.

Nghĩ lớn và hành động lớn

Đến Nhật Bản, mỗi khi bắt gặp một sự kiện, nhân chứng lịch sử nào đó, Đào Mạnh Nghĩa lại liên tưởng đến quê hương mình. Cũng như Hiroshima và Nagasaki, Quảng Trị là mảnh đất chịu nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh. Tính riêng trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành Cổ Quảng Trị từng hứng chịu 328.000 tấn bom, đạn pháo, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. “Cũng như các Hibakusha, nhiều người dân Quảng Trị vẫn nhắc đến quá khứ. Việc làm đó không phải để nuôi thù hận mà là trân quý hơn các giá trị của hiện tại, cùng nhau hướng tới tương lai”, Nghĩa chia sẻ.

Sinh ra, lớn lên ở huyện Cam Lộ, từ nhỏ, Nghĩa đã được người thân gieo vào lòng tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng hòa bình. Khác với một số bạn, cậu sớm quan tâm đến những vấn đề lớn. Mỗi lần theo dõi thời sự, thấy tình hình bất ổn xảy ra ở một số quốc gia, Nghĩa lại đặt ra những câu hỏi.

“Càng lớn, tôi càng hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Tôi cũng biết rằng, nhân loại đang bước vào những “cuộc chiến không tiếng súng” nhưng gây ra hậu quả khủng khiếp, đơn cử như biến đổi khí hậu. Vì thế, những người trẻ cần đoàn kết và hành động”, Nghĩa bộc bạch.

Từ Hiroshima và Nagasaki, người trẻ nghĩ về hòa bình

Mạnh Nghĩa chụp ảnh với các em học sinh trong chuyến tham quan Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima - Ảnh: NVCC

Chính suy nghĩ “trưởng thành sớm” ấy đã giúp Nghĩa tự tin hơn khi hội nhập quốc tế. Sau này, theo học Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, rồi tham gia các chương trình quốc tế, cậu vui mừng nhận ra, có nhiều bạn trẻ cũng chung mối quan tâm như mình. Từ đây, cậu có thêm động lực để “nghĩ lớn và hành động lớn”.

Đó cũng là một trong những lý do giúp Nghĩa được chọn làm đại sứ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) MY World và giành giải thưởng The Diana Award. Năm 2018, khi đang là sinh viên, Nghĩa thành lập Sáng kiến DMN để góp phần thúc đẩy 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có hòa bình và các vấn đề quốc tế. Nhiều chương trình, hoạt động đã được Nghĩa tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, dẫu bận rộn với công việc nhưng Nghĩa vẫn thu xếp thời gian để tham gia các chương trình, hoạt động quốc tế. Thấy mình còn “nhỏ bé giữa thế giới rộng lớn”, Nghĩa tìm kiếm và nhận được nhiều học bổng toàn phần của Liên minh Châu Âu, Chính phủ Thụy Điển, Chính phủ New Zealand... Sau khi cân nhắc, Nghĩa đã chọn học bổng toàn phần của Liên minh Châu Âu, Chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus luật quốc tế về an ninh, hòa bình và phát triển toàn cầu. Với học bổng này, cậu có cơ hội học tập ở ít nhất 3 nước gồm: Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan trong vòng 2 năm. Hiện tại, Nghĩa đang sinh sống, học tập tại Anh.

Mong muốn bắc một nhịp cầu

Trong các hoạt động do Quỹ Nhà lãnh đạo trẻ vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân tổ chức, Nghĩa đã lồng ghép thông tin, giới thiệu về mảnh đất, con người Quảng Trị, đặc biệt là Lễ hội Vì Hòa bình cho bạn bè quốc tế. Điều khiến cậu rất vui là chia sẻ ấy thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Đối với Nghĩa, ấn tượng sâu sắc nhất chuyến đi là được gặp mặt, chuyện trò với các nhân chứng lịch sử về vụ thả bom nguyên tử năm 1945. Nhiều năm đã trôi qua, gương mặt các Hibakusha (tên gọi chung của các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki) vẫn hiện rõ sự kinh hoàng khi nhắc đến ngày đầy ám ảnh. Vụ nổ đã cướp đi gần như mọi thứ quý giá của họ. Một số người thậm chí không dám lập gia đình. “Tôi thấu cảm nỗi đau trong từng lời kể, giọt nước mắt của các Hibakusha. Họ lo lắng khi mình mất đi, không biết ai sẽ nói cho thế giới biết sự thật về vụ ném bom nguyên tử. Các Hibakusha mong chúng tôi cùng chung tay để không còn thảm kịch nào xảy ra”, Nghĩa kể.

Hồi đáp thông tin của Nghĩa, một số đại biểu cho biết, hiện nay, nhiều thị trưởng ở Nhật Bản và các nước trên thế giới đang tham gia Sáng kiến “Thị trưởng vì hòa bình”. Đây là chương trình kết nối giữa các thị trưởng, cùng nhau hành động vì mục tiêu hòa bình nhân loại. Ở Việt Nam, lãnh đạo của 7 tỉnh, thành phố đã tham gia sáng kiến này. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Hiroshima và Nagasaki rất ngạc nhiên trước sự tương đồng giữa lịch sử thành phố mình và quê hương Nghĩa. Ai cũng mong có cơ hội đến Quảng Trị để chiêm nghiệm giá trị của hòa bình. Biết đâu, từ những cái bắt tay, nhiều chương trình hợp tác sẽ ra đời, Quảng Trị có thể trở thành thành viên tiếp theo của Sáng kiến “Thị trưởng vì hòa bình”.

Từ những câu chuyện nhỏ ấy, Nghĩa mong muốn có thể góp sức thúc đẩy Quảng Trị tham gia Sáng kiến “Thị trưởng vì hòa bình”, xa hơn là trở thành nhịp cầu để đưa các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình đến quê hương.

Bởi cậu biết, chỉ khi “đắm mình” vào câu chuyện lịch sử của một đất nước, vùng đất, ta mới có những hiểu biết sâu sắc. Điều đó sẽ làm “tỉnh thức”, mang lại sự đổi thay trong suy nghĩ và hành động mỗi người. Cũng giống như khi đến Hiroshima và Nagasaki, Nghĩa cùng các nhà lãnh đạo trẻ khác đều hiểu hơn giá trị của hòa bình. Dẫu không nói ra nhưng trái tim ai cũng thêm gắn kết, cùng hướng đến những mục tiêu tốt đẹp.

Quang Hiệp

Tin liên quan:
  • Từ Hiroshima và Nagasaki, người trẻ nghĩ về hòa bình
    Từ Quảng Trị, người Mỹ ước nguyện về hòa bình

    Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và mang nặng nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, ngày càng nhiều người Mỹ đến Quảng Trị, nhất là thời gian gần đây. Họ cảm nhận sâu sắc những gì đã xảy ra và mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, ước nguyện nhân loại được mãi mãi sống trong hòa bình qua những câu chuyện dưới đây.

  • Từ Hiroshima và Nagasaki, người trẻ nghĩ về hòa bình
    Từ những mầm cây hòa bình...

    Được vun trồng từ đôi bàn tay của các tập thể, cá nhân yêu chuộng hòa bình, những mầm xanh ở Lâm viên Hữu nghị Đông Hà đã và đang vươn lên, tạo thành một không gian yên bình, tươi đẹp giữa thành phố. Mỗi gốc cây ở lâm viên là một câu chuyện đẹp về tình hữu nghị.


Quang Hiệp

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lan tỏa tình yêu sách

Lan tỏa tình yêu sách
2025-01-28 07:15:00

QTO - Tự tin tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2024, Nguyễn Hồ Hoàng Dung, học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Triệu Phong) xuất...

Về Quảng Trị ăn Tết

Về Quảng Trị ăn Tết
2025-01-28 07:05:00

QTO - Về nhà, về quê, về Quảng Trị ăn Tết - những âm thanh ấy dù ngắn gọn, súc tích nhưng rất đỗi thiêng liêng, ấm cúng. Nó mắc kẹt vào nỗi nhớ của tôi...

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Quê hương nghĩa nặng tình sâu
2025-01-26 13:46:00

QTO - Hơn mười năm qua, người ta biết đến ông Nguyễn Viết Hải là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Quảng Bình với những con đường...

Bên ni, bên nớ Hiền Lương

Bên ni, bên nớ Hiền Lương
2025-01-26 06:20:00

QTO - Trong ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng chạp năm Giáp Thìn, tôi đi dọc theo con đường bê tông đê tả Bến Hải để tìm về những vùng đất anh hùng của Vĩnh...

Trưởng thành cùng đất nước thống nhất

Trưởng thành cùng đất nước thống nhất
2025-01-26 06:15:00

QTO - Tuy mỗi người một hoàn cảnh, công việc, tính cách... nhưng anh Nguyễn Phi Bảo, Thượng tá Nguyễn Văn Hồng và Nhà giáo ưu tú Trần Thị Châu lại gặp nhau...

Xuân ấm áp trong ngôi nhà đại đoàn kết

Xuân ấm áp trong ngôi nhà đại đoàn kết
2025-01-25 07:24:00

QTO - Những năm qua, phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị quan...

Đông Hà vững bước cùng mùa xuân

Đông Hà vững bước cùng mùa xuân
2025-01-25 07:22:00

QTO - Đón năm mới 2025 và tết Ất Tỵ, người dân thành phố Đông Hà đang hân hoan bởi thành phố vừa được “nâng tầm” lên đô thị loại II. Một đô thị ở phía Đông...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long