{title}
{publish}
{head}
Phát huy truyền thống tốt đẹp của những người con mang họ Bác Hồ, có không ít đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ luôn trăn trở, tâm huyết, tìm phương pháp gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Với nhiều cách làm thiết thực, ý nghĩa, họ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc phù hợp với quá trình đổi mới của quê hương, đất nước.
“Bảo tàng sống” của người Pa Kô
Đảng viên, Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức hướng dẫn người trẻ cách sử dụng nhạc cụ truyền thống - Ảnh: K.S
Sinh ra và lớn lên ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông từ thời thơ ấu còn nằm trên lưng bố, mẹ, ông, bà, Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức đã được truyền lửa tình yêu văn hóa của người thân qua những làn điệu dân ca, thanh âm du dương, trầm bổng mê hoặc lòng người của các loại nhạc cụ truyền thống. Sau này, được làm cán bộ văn hóa tại UBND xã Tà Rụt, Kray Sức có thêm điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn văn hóa của dân tộc.
Ông lặn lội đến nhiều bản làng xa xôi để tìm hiểu, ghi chép lại cội nguồn bản sắc văn hóa của ông cha, sưu tầm, dịch thuật được nhiều nét văn hóa đặc trưng mà bao đời người Pa Kô để lại. Ông tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chương trình, dự án khảo sát, sưu tầm, dịch thuật các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, sáng tác lời dân ca, truyền dạy dân ca, cách sử dụng nhạc cụ... của dân tộc Pa Kô nhằm phục hồi những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Đặc biệt, ông đã cùng một số người tâm huyết ở địa phương sưu tầm, chụp ảnh lưu lại hình ảnh thiên nhiên, vật dụng, đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán... xây dựng nên những tác phẩm ảnh quý về thiên nhiên, mảnh đất, con người và văn hóa truyền thống của người Pa Kô.
Từ đây, ông xây dựng đề án “Trưng bày hình ảnh thiên nhiên và cộng đồng dân tộc Pa Kô tại Quảng Trị” và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cấp phép triển lãm vào cuối năm 2018. Ông tham gia nhiều chương trình, hội thảo, giao lưu liên quan đến văn hóa, văn nghệ của đồng bào DTTS trong nước do các ngành ở trung ương và tỉnh tổ chức. Năm 2015, ông được kết nạp vào Nhóm Tiên Phong “Vì tiếng nói người dân tộc thiểu số”.
Khi nghỉ hưu, Kray Sức duy trì tốt việc truyền dạy dân ca, sử dụng nhạc cụ truyền thống cũng như giới thiệu về những phong tục, tập quán của dân tộc Pa Kô cho học sinh, người dân. Tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng, địa phương chia sẻ kiến thức văn hóa dân tộc, xây dựng nội dung, kịch bản phục hồi nhiều lễ hội lớn của người Pa Kô, trong đó, với sự đóng góp của ông, Lễ hội Ariêu Piing của người Tà Ôi (Pa Kô) ở huyện Đakrông và Hướng Hóa được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023.
Bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ
Đảng viên, cô giáo Hồ Thị Tư truyền dạy hát dân ca tiếng Pa Kô cho học sinh -Ảnh: NVCC
Quyết tâm không để tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS bị mai một, gần 20 năm nay, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa Hồ Thị Tư nghiên cứu, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ trong trường học và trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc làm ý nghĩa của cô đã lan tỏa tình yêu gìn giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết của người DTTS đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và Nhân dân ở địa phương.
Là người mang trong mình hai dòng máu, bố là người Vân Kiều, mẹ người Pa Kô nên cô giáo Tư khá am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ của cha mẹ đẻ. Với quan niệm: “Muốn lãnh đạo tốt các hoạt động của nhà trường nói chung, giáo dục văn hóa dân tộc nói riêng, bản thân phải đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn ngôn ngữ của người DTTS”, cô cùng cấp ủy chi bộ, ban giám hiệu nhà trường triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Thường xuyên lồng ghép giáo dục văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục phổ thông. Giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc thông qua các hoạt động phong trào văn nghệ - TDTT, chủ đề, chủ điểm. Đặc biệt, vào ngày thứ Hai đầu tuần, học sinh toàn trường mặc trang phục truyền thống dân tộc.
Trong nội dung sinh hoạt dưới cờ có sự lồng ghép giới thiệu cho học sinh tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô... Tổ chức dạy học tiếng Brũ-Vân Kiều cho học sinh. Hiện nay, Trường PTDTNT Hướng Hóa là trường học duy nhất trong tỉnh duy trì dạy tiếng, chữ viết đồng bào Brũ-Vân Kiều cho học sinh khối 6, 7 theo đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo (năm 2016).
Hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc như: Tham quan bảo tàng - nhà truyền thống văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; các di tích lịch sử tại địa phương; gặp gỡ nghệ nhân tìm hiểu về nghề truyền thống, các loại hình dân ca, nhạc cụ, trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô... Bản thân cô trực tiếp giảng dạy tiếng Brũ-Vân Kiều miễn phí cho học sinh. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân văn hoá nhằm tuyên truyền, hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục văn hoá dân tộc.
Hiện thức hóa dự án du lịch cộng đồng
Đảng viên Hồ Thị Thương (bên phải) hướng dẫn phụ nữ xã Tà Long cách giới thiệu nông sản của địa phương -Ảnh: V.T.H
“Em đã chuyển giao tour du lịch cho phụ nữ thôn quản lý rồi chị ạ, họ làm tốt lắm”, nghe câu nói đó từ Thương, tôi hiểu được ý nghĩa lan tỏa và mục đích lớn lao mà người phụ nữ dân tộc Vân Kiều Hồ Thị Thương theo đuổi. Chị là đảng viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long, huyện Đakrông. Đảng viên là người đi trước, Hồ Thị Thương không thôi trăn trở phải làm gì đó cho phụ nữ đồng bào DTTS quê mình có thu nhập từ thế mạnh vùng đất mình đang sống.
Cơ duyên đến từ cuộc thi “Tìm hiểu ý tưởng khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức năm 2019 mà chị đã đoạt giải Đặc biệt. Hiện thực hóa dự án, Thương toàn tâm, toàn ý xây dựng Tour du lịch 199K dựa trên thế mạnh của suối A Lao. Để đồng hành với mình trong công việc cũng như “đào tạo nghề” cho phụ nữ nơi đây làm du lịch, Thương vận động phụ nữ trong thôn cùng tham gia thực hiện Tour du lịch 199K kết hợp giới thiệu nông sản của các hội viên phụ nữ xã. Khai thác thế mạnh hoang dã của suối ngàn, để hấp dẫn du khách, Thươngthiết kế đưa vào các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều để du khách trải nghiệm như: tắm suối, bắt cá bằng dụng cụ truyền thống của dân bản, chế biến ngay tại suối, được ăn những món đặc sản của địa phương hay mặc trang phục dân tộc để “hóa thân” thành người Vân Kiều; tham quan nhà sàn, tìm hiểu văn hóa của đồng bào Vân Kiều...
Nhờ đó, tour du lịch khám phá suối A Lao chẳng mấy chốc thu hút du khách đến trải nghiệm. Từ hoạt động này, Thương và những phụ nữ nơi đây đã đưa du khách tìm hiểu, thụ hưởng về văn hóa đồng bào Vân Kiều mà họ kỳ công gìn giữ, bảo tồn và áp dụng phù hợp trong việc đưa bản sắc văn hóa vào phát triển du lịch. Việc kết hợp du lịch với giới thiệu nông sản địa phương đến với du khách cũng là cách làm hay mà Hồ Thị Thương và chị em phụ nữ xã Tà Long thực hiện mang lại hiệu quả khá.
Chị Hồ Thị Thương cho biết: “Hội Phụ nữ xã chung tay cùng tổ dịch vụ du lịch cộng đồng thôn Tà Lao không ngừng hoàn thiện tour du lịch này, nghiên cứu đưa vào các sản phẩm văn hóa truyền thống và những trải nghiệm mới để thu hút du khách.
Sau khi chuyển giao, tôi tiếp tục kêu gọi Tổ chức Plan hỗ trợ về đào tạo nghề phục vụ, nấu ăn, đồng thời, hỗ trợ một số cơ sở vật chất để hoàn thiện các yêu cầu phục vụ khách tốt hơn. Điều quan trọng hơn nữa là tạo được sự tự tin cho phụ nữ nơi đây để vun đắp, xây dựng cuộc sống cho gia đình và cộng đồng đồng bào DTTS ngày càng tốt đẹp hơn.
Đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm
Đảng viên Hồ Thị Nghim (bên trái) giới thiệu sản phẩm mới là túi xách may bằng vải thổ cẩm - Ảnh: V.T.H
Sinh ra ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung, huyện Đakrông, lớn lên đi học đại học ở thành phố lớn, bao mẫu mã thời trang hiện đại bủa vây nhưng cô gái trẻ người Pa Kô Hồ Thị Nghim lại có cuốn hút lạ thường với thời trang thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. Nghim hiểu rõ từng hoạ tiết trên tấm thổ cẩm mang bản sắc văn hóa của đồng bào mình và trong thời hiện đại này, sản phẩm thổ cẩm tiếp thu thêm cái mới gì để phù hợp với thời trang hiện đại mà vẫn giữ nét văn hóa truyền thống.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Chính trị năm 2016, niềm đam mê trang phục truyền thống thôi thúc Nghim trở về với bản làng khi biết có một dự án hỗ trợ xã khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Nghim về địa phương tích cực hoạt động hội đoàn thể, đứng vào hàng ngũ của Đảng và đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Hội LHPN xã A Bung, trực tiếp phụ trách Tổ dệt thổ cẩm của xã. Nghim phát huy hết năng lực, sở trường của mình trong việc lên kế hoạch, thiết kế mẫu mã, tổ chức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt thổ cẩm. Dự án Plan hỗ trợ các thành viên trong tổ dụng cụ dệt nên có thể dệt tập trung hoặc đưa về nhà dệt lúc rảnh rỗi.
Chị Hồ Thị Nghim cho hay: “Tôi thường xuyên thiết kế mẫu mã, mặt hàng mới như: túi xách, mũ, cà vạt... Ngay cả trang phục váy và áo trên cơ sở nền hoạ tiết truyền thống, tôi cũng thiết kế thêm một số hoạ tiết mới, đính đá để làm tăng thêm tính thẩm mỹ và phù hợp với thời trang mới. Nhờ luôn sáng tạo nên sản phẩm dệt thổ cẩm của tổ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Tôi cũng luôn tìm tòi mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm thổ cẩm ở các điểm du lịch và nhờ sự hỗ trợ của một số chính sách địa phương như quy định mặc trang phục truyền thống dân tộc trong công chức, học sinh, giáo viên... nên việc tiêu thụ sản phẩm dệt thổ cẩm khá tốt, mang lại thu nhập khá cho thành viên của tổ”.
Hiện Hồ Thị Nghim đang theo đuổi ý tưởng thiết kế váy cô dâu, áo chú rể để phục vụ trong việc cưới hỏi của người Vân Kiều, Pa Kô. Ý tưởng này có tính khả thi cao bởi thực tế trang phục truyền thống đang dần trở lại trong các nghi lễ quan trọng của đồng bào.
Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền, sự tiếp sức của các chương trình, dự án, trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô đang được khôi phục trở lại thể hiện sức sống mới của một nét văn hóa truyền thống mà người Vân Kiều, Pa Kô luôn gìn giữ và phát huy, trong đó có sự nỗ lực, tiên phong của đảng viên trẻ Hồ Thị Nghim.
Giữ lấy nghề truyền thống
Đảng viên Hồ Văn Chòm (thứ 2 bên phải qua) trao đổi kinh nghiệm làm chổi đót với những người lành nghề ở địa phương - Ảnh: K.S
Là người trẻ, năng động, có ý chí vượt khó, yêu văn hóa, văn nghệ, nghề truyền thống nên đảng viên Hồ Văn Chòm, Phó Trưởng thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa được người dân ở địa phương tin yêu, lấy làm tấm gương học tập và làm theo.
Từ khi còn rất nhỏ tuổi, Chòm đã theo bố mẹ, ông bà vào rừng tìm hoa đót, cây mây, tre để về làm chổi phục vụ sinh hoạt của gia đình. Mỗi lần thấy người thân thực hiện từ công đoạn làm chổi, Chòm chăm chú quan sát, phụ việc và tập làm, dần thạo nghề lúc nào không hay. Trưởng thành, lập gia đình, anh vẫn duy trì tốt việc đan chổi đót.
Vào các dịp Tết, gia đình anh và bà con trong thôn tăng thu hái đót làm chổi để có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần duy trì, phát triển nghề cha ông để lại. Là đảng viên, phó trưởng thôn, anh tích cực tham mưu cấp ủy chi bộ thôn các giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm chổi đót; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhận thấy sợi mây rừng đan thân chổi ngày càng hiếm dần, anh cùng với ban điều hành thôn hướng dẫn bà con sử dụng thêm loại sợi đan chổi bằng chất liệu nilon, khắc phục được sự khan hiếm về nguồn sợi mây rừng nhưng vẫn giữ cho sản phẩm bền, chắc, đẹp. Nhờ vậy, việc sản xuất chổi đót có thể thực hiện quanh năm, duy trì tốt thu nhập của người dân.
Đánh giá về đảng viên tiêu biểu ở thôn, Bí thư Chi bộ thôn Hà Lệt Trần Thị Kim Quyên cho biết: “Hồ Văn Chòm là thành viên tích cực của CLB Đan lát Hà Lệt. Cùng với thành thạo đan chổi đót, anh khéo tay trong việc đan các vật dụng sinh hoạt hằng ngày bằng mây tre.
Nhờ vậy, không chỉ gia đình anh có thu nhập khá từ việc đan lát mà phần lớn người dân Hà Lệt có nguồn sống ổn định với nghề cha ông. Chòm còn là một “cây” văn nghệ, tham gia nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống ở thôn, anh đã góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua ở địa phương”.
Võ Thái Hòa- Kô Kăn Sương
Bài 4: Giữ lửa “món ăn” tinh thần
Chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình công tác của một số nguyên lãnh đạo cấp cao, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Thủ...
QTO - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động...
NDO - Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 theo Nghị...
QTO - Xác định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền vùng đồng bào dân tộc...
QTO - Bằng những cách làm sáng tạo, nội dung thiết thực, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ...
QTO - Tối 25/8, tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 - 2024), đón nhận Huân chương...
QTO - Sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Trị kết tinh bao đời vô cùng phong phú và đa dạng, mang đậm đà...
QTO - Từ một vùng quê bị chiến tranh hủy diệt, phải xây dựng lại cơ đồ từ đói nghèo, lạc hậu sau ngày hòa bình, Vĩnh Linh đã từng bước làm nên điều kỳ diệu...
QTO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo tài năng, có cống hiến đặc biệt xuất sắc về lý luận của Đảng, nhà văn hoá lớn, người cộng sản trung...
QTO - Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới...
QTO - Trải qua 70 năm (1954-2004) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an Vĩnh Linh đã đồng hành với quê hương, đất nước trong sự nghiệp đấu...
QTO - Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời. Lúc này, Vĩnh Linh là...