Cập nhật:  GMT+7

Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 2: Đánh thức linh hồn dân tộc

Xác định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Quảng Trị có giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực, không chỉ làm “sống lại” mà còn tạo nên điểm nhấn về những giá trị đặc sắc của văn hóa các DTTS vùng miền núi của tỉnh.

Phát huy “cái nôi” văn hóa

Xã Tà Rụt, huyện Đakrông là mảnh đất sinh ra những người con của núi rừng với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Dưới sự định hướng của Huyện ủy, Đảng ủy xã Tà Rụt lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào DTTS, xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Tháng 7/2023, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn xã gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

“Mục tiêu chúng tôi hướng đến là tiếp tục bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong phát triển giá trị văn hóa của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục và tệ nạn xã hội. Đồng thời, phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch nhằm nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng đặc biệt khó khăn”, Bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt Hồ Văn Ngơn cho hay.

Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 2: Đánh thức linh hồn dân tộc

Lễ nối dây ân linh thần núi được duy trì tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông - Ảnh: K.S

Bằng sự quyết tâm cao, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể ở địa phương đạt nhiều kết quả đáng kể. Thông qua các hoạt động điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, truyền dạy, hiện toàn xã thống kê được 6 loại hình dân ca: ca lơi, cha chấp, xiêng, tăng ư têr a téc, ru a cay...; 1 loại hình dân vũ là múa; 9 loại hình dân nhạc: khèn, thanh la, trống, cồng chiêng, đàn ta lư, tu va, ty rel, sar, ta ngạc... và nhiều loại nhạc cụ khác; các điệu múa trong các lễ hội và dân gian như: xi xĩa (lễ đám tang), pa lư/điệu a van/ca lơi (cổ vũ), k-yea (khách vào xông nhà), âr zook (phấn khính), ku ru (diễn lúc lễ đâm trâu).

Duy trì và phục dựng nghi thức các lễ hội đúng theo truyền thống tốt đẹp và độc đáo từ lâu đời như: Lễ hội Arieupiing, a za, cưới hỏi, đám ma, lễ cúng thần linh... Xã Tà Rụt còn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, giao lưu văn hóa các dân tộc. Thành lập đội văn nghệ dân gian, xây dựng nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc. Tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ tại các thôn, bản...

“Phần lớn các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ các DTTS trong tỉnh, trong nước đều do đoàn văn nghệ quần chúng ở Tà Rụt tham gia biểu diễn, đoạt nhiều giải thưởng cao. Tiêu biểu như: tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, đoạt 2 giải A; 3 giải B và 1 Huy chương Đồng môn thể thao truyền thống kéo co nam, nữ phối hợp; tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III năm 2022, đoạt 2 giải A”, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ A Duân tự hào nói.

Tiếp sức cho tiếng cồng chiêng vang mãi

Bản Pa Nho (nay là Khối 6), thị trấn Khe Sanh là mảnh đất có nhiều nghệ nhân tâm huyết bảo tồn nhạc cụ, điệu múa truyền thống; lưu giữ khá nhiều nhạc cụ độc đáo như: cồng, chiêng, tù và, thanh la, khèn bè, sáo, đàn môi, đàn la lư...

Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 2: Đánh thức linh hồn dân tộc

CLB Cồng chiêng thị trấn Khe Sanh tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống ở địa phương - Ảnh: KS

Sống đoàn kết, luôn truyền lửa cho nhau tình yêu hát, múa, sử dụng cồng chiêng nên hơn 50% người dân trong khối biết hát các làn điệu dân ca và múa các điệu múa truyền thống; người sử dụng trang phục truyền thống ở khối chiếm số đông. Bà con nơi đây tự thành lập nên đội cồng chiêng để sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân Khối 6, tháng 9/2022, UBND thị trấn Khe Sanh quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng thị trấn Khe Sanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển du lịch. Các thành viên CLB đều là nghệ nhân ở Khối 6.

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “CLB được thành lập thuận lợi hơn rất nhiều trong việc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống; chính quyền tạo điều kiện xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS, hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền dạy sử dụng nhạc cụ, hát dân ca... Đây là động lực để chúng tôi đoàn kết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống mới”.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ nhân nói riêng, Nhân dân ở địa phương nói chung góp sức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh, huyện, gần đây nhất là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021: “Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình, xã hội...”; Nghị quyết 02-NQ/ HU, ngày 28/10/2021 của Huyện ủy về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đảng ủy thị trấn chỉ đạo các chi bộ trực thuộc chủ động tuyên truyền các hoạt động văn hóa - văn nghệ phù hợp, gắn với phong trào thi đua.

Chỉ đạo UBND thị trấn khảo sát, có kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa của đồng bào DTTS. “Qua thực tế cho thấy, phong trào văn hóa, văn nghệ ở thị trấn lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Điển hình, nhiều năm nay, CLB Cồng chiêng luôn đi đầu trong giữ gìn, phát huy đặc trưng văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở địa phương, là hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ truyền thống, tích cực tham gia nhiều hoạt động lễ hội trong và ngoài tỉnh”, Bí thư Đảng ủy thị trấn Khe Sanh Nguyễn Đăng Thái nhận xét.

Giữ lấy nghề dệt truyền thống

Bao đời nay, người Pa Kô ở A Bung, huyện Đakrông vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm do cha ông để lại. Tuy nhiên, nghề này phát triển còn manh mún, nghệ nhân lành nghề ngày càng ít, hiệu quả kinh tế mang lại từ sản phẩm dệt chưa cao.

“Trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm đang có nguy cơ mai một, Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương quan tâm, có kế hoạch khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chung tay bảo tồn và phát triển nghề dệt độc đáo của dân tộc mình. Chỉ đạo UBND xã, các ban ngành, đoàn thể phối hợp với các chương trình, dự án hỗ trợ mở các lớp học nghề cho người dân trong xã tham gia; hỗ trợ các thiết bị, vật liệu dệt thổ cẩm; thành lập “Tổ dệt thổ cẩm A Bung”, Bí thư Đảng ủy xã A Bung Hồ Văn Pườm cho biết.

Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 2: Đánh thức linh hồn dân tộc

Nghề dệt thổ cẩm ở xã A Bung đang có chiều hướng phát triển tốt - Ảnh: V.T.H

Để nghề dệt thổ cẩm ở địa phương ngày càng phát huy có hiệu quả, UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các nghệ nhân tham gia truyền dạy nghề cho người dân ở địa phương; phối hợp với các cấp, ngành, chương trình dự án tổ chức tập huấn dạy nghề dệt cho người dân.

Phối hợp thành lập Tổ dệt thổ cẩm A Bung, các thành viên của tổ tham gia dệt tập trung hoặc dệt tại nhà những lúc nhàn rỗi. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong tổ trừ chi phí còn bình quân 80.000 đồng/người/ngày. Nếu có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, nghề dệt cũng mang lại thu nhập cho người dân ở xã A Bung trong thời gian nông nhàn.

Tuy nhiên, do dệt bằng thủ công, chưa được đầu tư máy móc nên việc làm ra một sản phẩm mất nhiều thời gian. Phần lớn các thành viên của tổ dệt có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không có vốn đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

“Để tạo động lực cho nghề dệt truyền thống phát triển bền vững, ngoài tăng cường quảng bá sản phẩm, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã quy định cán bộ, công chức, viên chức xã mặc trang phục truyền thống đi làm việc vào sáng thứ Hai hằng tuần, trong các ngày lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước, chào cờ đầu tháng. Cán bộ công chức tự mua sắm trang phục truyền thống cho mình.

Đối với các đơn vị trường học, giáo viên trường tiểu học, THCS mặc trang phục truyền thống vào ngày thứ Tư hằng tuần. Xã khuyến khích các trường học xây dựng, nhân rộng mô hình học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường, góp phần nuôi dưỡng tình yêu trang phục truyền thống cho các em; tiêu thụ sản phẩm dệt thổ cẩm, duy trì, phát triển nghề truyền thống bền vững” Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hiền cho hay.

Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch

Thời gian gần đây, nhiều khách du lịch tìm đến xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều; khám phá cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng hùng vĩ, thác Chênh Vênh trong xanh, nép mình dưới những tán cây rừng mát rượi...

Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 2: Đánh thức linh hồn dân tộc

Người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh trưng bày nông sản đặc trưng, quảng bá văn hóa, du lịch cộng đồng - Ảnh: K.S

Đặc biệt, Chênh Vênh là 1 trong 2 khu rừng cộng đồng đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC) vào cuối năm 2021. Điều này tạo động lực cho người dân nơi đây được giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa phong phú, nông sản đặc trưng, danh thắng đẹp của quê hương ngày càng rộng khắp. Không những vậy, họ có thêm việc làm, tăng thu nhập từ những sản vật do chính mình làm ra, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi.

Bên cạnh những thuận lợi về các điều kiện tự nhiên, xã Hướng Phùng và thôn Chênh Vênh còn có vị trí thuận lợi để phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng động như: hệ thống giao thông trên trục đường Hồ Chí Minh, hệ thống nhà sàn truyền thống cách tân đủ điều kiện phục vụ lưu trú (homestay), có hệ thống suối lớn, nhỏ, thác phục vụ du lịch trải nghiệm.

Thôn vẫn giữ được nét giao thoa bản sắc văn hóa dân tộc về lễ hội, trang phục, làng nghề, ẩm thực phong phú của người Bru-Vân Kiều và Kinh. Gắn kết với việc xây dựng hàng rào, khuôn viên các tuyến đường hoa dã quỳ tại thôn Chênh Vênh và hoa dã quỳ ở các tuyến đường trung tâm xã. Có lượng khách người nước ngoài đi du lịch theo hình thức “phượt” trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng Hồ Văn Khưn trao đổi: “Trên cơ sở Nghị quyết 02-NQ/HU, ngày 28/10/2021 của Huyện ủy về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô ở địa bàn huyện Hướng Hóa, Đảng uỷ, UBND xã Hướng Phùng tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, chương trình, dự án tuyên truyền, xây dựng các mô hình bảo tồn các giá trị văn hóa của người DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn về bảo tồn văn hoá của đồng bào DTTS, ưu tiên người trẻ tuổi”.

Hiện trên địa bàn xã Hướng Phùng thành lập 1 đội văn nghệ tại thôn Chênh Vênh với 14 thành viên tham gia, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch... “Được sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, UBND xã Hướng Phùng quyết định thành lập Tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng sinh thái Chênh Vênh với 21 thành viên.

Nhiệm vụ của tổ là tiếp đón, hướng dẫn khách tham quan danh lam thắng cảnh, trải nghiệm nhà sàn, trang phục truyền thống, văn hóa văn nghệ, tắm suối, xúc cá ở suối, thả diều, cắm trại. Ngay sau khi thành lập, mô hình đã có nhiều lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo tồn văn hóa ở địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho hay.

Kô Kăn Sương - Võ Thái Hòa

Bài 3: Đảng viên đi trước

Tin liên quan:
  • Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 2: Đánh thức linh hồn dân tộc
    Chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 1: Giữ ...

    Sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Trị kết tinh bao đời vô cùng phong phú và đa dạng, mang đậm đà bản sắc dân tộc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, do ảnh hưởng nhiều yếu tố tác động nên một số nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây có nguy cơ bị mai một. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát triển văn hóa, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa và có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm khơi dậy phong trào gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS.


Kô Kăn Sương - Võ Thái Hòa

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh

Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh
2024-08-26 12:30:00

QTO - Tối 25/8, tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 - 2024), đón nhận Huân chương...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long