Cập nhật:  GMT+7

Các thôn, bản nghèo cần được tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới

Từ lâu, cả hệ thống chính trị và người dân Quảng Trị đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đặt nền móng cho xây dựng nông thôn mới (NTM) bắt đầu từ thôn, bản. Tuy nhiên, điều mà hầu như ai cũng hiểu và dồn sức thực hiện ấy lại là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với bà con ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Các thôn, bản nghèo cần được tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới

Cán bộ xã Lìa, huyện Hướng Hóa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân - Ảnh: T.L

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Đến nay, phần lớn người dân các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh nói chung, bà con ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa nói riêng đều hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng họ vẫn chưa tìm ra cách giúp địa phương mình đạt chuẩn.

Nhắc đến điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Thứ cho biết, dù đã rất nỗ lực nhưng xã chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM. Sau sáp nhập, toàn xã có 10 thôn, bản. Tuy nhiên, vẫn chưa có thôn, bản nào đạt chuẩn NTM. “Là một xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lại mới sáp nhập nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Tại các thôn, bản, nhiều gia đình vẫn còn “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Vì thế, riêng việc góp sức để thôn, bản đạt chuẩn về thu nhập đã không hề dễ dàng”, ông Thứ nói.

Tại huyện miền núi Đakrông, A Vao là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì thế, việc đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM có thể nói đã là một kết quả đáng khích lệ đối với xã. Để phát huy kết quả ấy, thời gian qua, cán bộ, người dân xã A Vao xác định phải xây dựng NTM tuần tự từng bước.

Trong đó, việc cần ưu tiên là gỡ khó để thôn, bản đạt chuẩn trước, từ đây mở lối cho xã. Tính toán là vậy nhưng khi bắt tay thực hiện, cán bộ xã A Vao mới nhận thấy rõ những thách thức. Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đang thiếu đất sản xuất; nhà cửa tạm bợ, xuống cấp; không có thu nhập ổn định... Vì thế, họ khó toàn tâm, toàn ý chung tay xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND xã A Vao Hồ Văn Nhiếp cho biết: “Người dân trong xã hiểu rõ về ý nghĩa và rất quyết tâm xây dựng NTM. Thế nhưng, “cái khó bó cái khôn”. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân”.

Thực tế ở xã Lìa và A Vao cũng là hiện trạng chung của nhiều xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. So với các địa phương khác trên địa bàn, việc xây dựng NTM ở những xã này gặp nhiều thử thách hơn. Dù rất nỗ lực nhưng cán bộ, người dân địa phương vẫn rất vất vả để đáp ứng các tiêu chí như: thu nhập; giao thông; thủy lợi... Trong những nếp nhà, chuyện cơm ăn, áo mặc vẫn đang là nỗi lo của nhiều hộ dân. Vì thế, dù mong muốn, bà con vẫn khó có thể đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng NTM.

Tình hình chung ở xã đã vậy nên thách thức đối với việc xây dựng NTM tại thôn, bản còn lớn hơn. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 178 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh mới chỉ có 4/178 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Xây dựng NTM từ thôn, bản

Từ khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, cán bộ, người dân trong tỉnh sớm nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM. Thực tế, việc xây dựng NTM sẽ nhanh và vững chắc hơn nếu khởi đầu từ thôn, bản.

Cuối năm 2021, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đưa ra trong nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 40% thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM.

Tháng 8/2022, UBND tỉnh ban hành quyết định về bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, toàn tỉnh có 81 thôn, bản đạt chuẩn NTM gồm: Hướng Hóa 38 thôn; Đakrông 24 thôn; Vĩnh Linh 10 thôn và Gio Linh 9 thôn.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu trên gặp rất nhiều khó khăn. So với mặt bằng chung, các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có xuất phát điểm thấp. Ngay việc vận động, tuyên truyền người dân nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM đã cần nhiều thời gian. Mặc dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên nhưng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi... ở nhiều thôn, bản vẫn chưa đảm bảo. Nếu chỉ phát huy nội lực, chắc chắn các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó tự vươn lên đạt chuẩn NTM.

Trước thực tế trên, sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan đối với thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là hết sức cần thiết. Để sự hỗ trợ này càng có hiệu quả, trước tiên, UBND các huyện liên quan cần tập trung chỉ đạo các xã rà soát hiện trạng của các thôn, bản, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, các địa phương cần xây dựng lộ trình cụ thể giúp các thôn, bản đạt chuẩn NTM đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Việc phân công các cơ quan, phòng ban cấp huyện hỗ trợ, đỡ đầu cho các xã, thôn, bản vùng khó là hết sức cần thiết. Các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp thôn; có sự động viên, khen thưởng kịp thời...

Đặc biệt, việc huy động mọi nguồn lực, sự hỗ trợ và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn là hết sức cần thiết để giúp các thôn, bản vùng khó sớm đạt chuẩn NTM.

Tây Long

Tin liên quan:
  • Các thôn, bản nghèo cần được tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới
    Các xã vùng khó cần tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới

    Đối với các xã miền núi, việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vốn đã khó, nên khi áp vào Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, việc xây dựng NTM lại càng khó khăn hơn do có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. Để đạt mục tiêu xây dựng NTM theo lộ trình đề ra, rất cần sự hỗ trợ của cấp trên, sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa của các cấp chính quyền và người dân.

  • Các thôn, bản nghèo cần được tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới
    Tiếp sức cho vùng khó trong xây dựng nông thôn mới

    Đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương đúng đắn của cấp trên nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành đối với việc giúp các thôn, xã hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình xây dựng NTM.

  • Các thôn, bản nghèo cần được tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới
    “Tiếp sức” cho xã khó khăn xây dựng nông thôn mới

    Sau gần 2 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đỡ đầu, giúp xã khó khăn xây dựng nông thôn mới (NTM), các đơn vị được phân công đã có những hoạt động hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực. Nhưng do những địa phương trong diện được đỡ đầu đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu, đời sống của người dân khó khăn nên hành trình xây dựng NTM còn rất gian nan, cần tiếp tục được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa.


Tây Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Động lực mới, cơ hội mới cho Quảng Trị

Động lực mới, cơ hội mới cho Quảng Trị
2024-04-09 10:48:00

QTO - Quy hoạch tỉnh được kỳ vọng giải quyết tình trạng các quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn của các quy hoạch chuyên ngành đã tồn tại thời gian qua, và tạo...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết