Cập nhật:  GMT+7

Bao giờ huân chương, huy chương kháng chiến của đối tượng chính sách được cấp đổi?

15 năm trước, hàng trăm bằng khen, huân chương, huy chương của đối tượng chính sách ở tỉnh Quảng Trị được địa phương gửi các cấp thẩm quyền đề nghị thực hiện việc cấp đổi, cấp lại do bị hư hỏng hoặc rách nát, thất lạc. Thế nhưng, đến nay việc cấp đổi, cấp lại chưa được thực hiện. Mặc dù, chính quyền địa phương và các đối tượng chính sách nhiều lần kiến nghị, nhưng vấn đề vẫn đang bỏ ngỏ.

Bao giờ huân chương, huy chương kháng chiến của đối tượng chính sách được cấp đổi?

Chưa thể nhận lại bằng khen, huân chương kháng chiến gửi cấp đổi, ông Nguyễn Anh Trung chỉ còn giữ lại giấy chứng nhận được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Kỷ niệm chương chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Mòn mỏi đợi chờ “thành quả kháng chiến” được cấp đổi

Năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc đến những ký ức về mặt trận Trị Thiên Huế (B5), Thành Cổ Quảng Trị... ông Nguyễn Anh Trung, ở thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong vẫn nhớ rõ ràng từng chi tiết để kể lại cho con cháu. Ông Trung tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, từng chiến đấu ở mặt trận B5 và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tham gia giải phóng tỉnh Quảng Trị và bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Sau ngày hòa bình, trở về quê hương, ông Trung được tặng hai bằng khen của mặt trận B5 và một Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Thời gian trôi qua, hiện vật là niềm tự hào một thời oanh liệt của ông Trung bị hư hỏng. Do đó, vào năm 2009, khi nghe thông tin từ chính quyền địa phương có thể cấp đổi bằng khen, huân chương, huy chương, ông Trung đã nhờ con cháu đưa đến chính quyền xã để nộp xin cấp đổi.

Thế nhưng, đến nay đã hơn 15 năm trôi qua, “thành quả kháng chiến” của ông Trung không những chưa được cấp đổi, mà bản gốc bằng khen và huân chương giờ ở cơ quan, ban, ngành nào giữ ông cũng không hay biết. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng mỗi khi có các cuộc tiếp xúc cử tri, ông Trung đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình đến đoàn đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh. Nhưng rồi, ông Trung vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

“Tôi giờ đã ở vào tuổi xế chiều, chưa biết rời xa cõi đời lúc nào. Cho nên, mong ngóng lớn nhất của tôi lúc này chính là nhận lại hai tấm bằng khen và huân chương của mình, dù có cấp đổi được hay không. Vì đó là niềm tự hào về một thời chiến đấu oanh liệt bằng cả mồ hôi và xương máu ở tuổi thanh xuân của bản thân, là hiện vật vô giá tôi muốn để lại nhằm giáo dục lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho con cháu”, ông Trung bày tỏ hy vọng.

Cũng tại xã Triệu Hòa, trường hợp tương tự cũng xảy ra với ông Trần Văn Nghệ, năm nay 67 tuổi ở thôn An Lộng. Cách đây 15 năm, từ thông báo của chính quyền địa phương, ông Nghệ đưa Huân chương Chiến sĩ vẻ vang ông được tặng do có thành tích xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1975-1981 nộp cho xã để làm thủ tục cấp đổi.

Theo ông Nghệ, tấm bằng chứng nhận huân chương của ông vẫn còn y nguyên phần nội dung, nhưng phần viền do ảnh hưởng mưa lũ qua các năm khiến bằng bị ẩm mốc và rách nát nên ông mới phải xin cấp lại. Tưởng đâu việc này đơn giản sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn nhưng rồi chờ mãi, nay đã qua hơn 15 năm vẫn chưa nhận lại được hiện vật quan trọng này.

“Trong thời gian đợi chờ cấp lại huân chương, tôi đành phải chịu thiệt thòi do không đủ thủ tục để đề nghị các chế độ chính sách theo quy định. Từ đó đến nay, tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần, nhưng giờ vẫn chưa có câu trả lời. Tôi hy vọng, nếu vướng mắc về quy định không cấp lại được thì hãy trả lại bản gốc cho tôi để cất giữ”, ông Nghệ bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa Nguyễn Văn Đức thông tin, toàn xã hiện còn rất nhiều trường hợp tương tự ông Nguyễn Anh Trung và Trần Văn Nghệ. Có một số trường hợp hơn 15 năm xin cấp đổi, cấp lại huân chương, huy chương nhưng đến nay chưa được giải quyết dù đối tượng chính sách đã mất.

Cũng theo ông Đức, từ phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên và thời gian qua, UBND huyện Triệu Phong đã gửi nhiều văn bản đến UBND tỉnh, Ban Thi đua -Khen thưởng tỉnh, Sở Nội vụ, Đoàn ĐBQH tỉnh để đề nghị sớm giải quyết cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Vướng mắc ở đâu?

Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, thực hiện theo nguyện vọng của nhiều đối tượng chính sách, người có công cách mạng trên địa bàn, địa phương đã lập danh sách, gửi kèm hồ sơ tới Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét, đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cấp đổi, cấp lại các bằng khen, huân chương, huy chương bị mất, hư hỏng hay rách nát. Ngoại trừ các trường hợp đã được cấp lại, hiện nay toàn huyện còn 57 trường hợp tồn đọng chưa thực hiện.

Để sớm giải quyết, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người dân, UBND huyện Triệu Phong đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết. Trường hợp vướng quy định không thể cấp đổi, cấp lại thì hãy trả lại hồ sơ, bản gốc các huân chương, huy chương cho đối tượng chính sách. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.

Thông tin từ Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, sau khi có kiến nghị của UBND huyện Triệu Phong, đơn vị đã rà soát, tìm hiểu và có các văn bản gửi cấp có thẩm quyền để trả lời địa phương. Theo đó, nguyên nhân khiến hàng chục trường hợp đối tượng chính sách ở Triệu Phong chưa thể cấp đổi, cấp lại các huân chương, huy chương là do vướng mắc ở trung ương.

Vào ngày 28/5/2024, Bộ Nội vụ có văn bản gửi Đoàn ĐBQH tỉnh về việc trả lời kiến nghị của UBND huyện Triệu Phong. Theo đó, 57 trường hợp đề nghị cấp đổi, cấp lại huân chương, huy chương kháng chiến tại địa phương được UBND tỉnh Quảng Trị tổng hợp và trình đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xem xét, giải quyết vào năm 2016 và thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Theo đó, vào tháng 9/2016 và tháng 7/2017, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có các thông báo nêu rõ lý do chưa cấp đổi, cấp lại huân chương, huy chương kháng chiến là do dừng đóng dấu.

Cụ thể, tại Thông báo số 1901/TB-BTĐKT ngày 22/9/2016 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, nêu rõ: “Từ trước đến nay, việc cấp đổi, cấp lại bằng của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua cấp nhà nước đang được thực hiện bằng cách phục chế lại bằng cũ tại thời điểm tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Tuy nhiên, ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, trong đó, tại Khoản 3, Điều 6 quy định nghiêm cấm sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng và Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7358/VPCP-HC ngày 1/9/2016 về việc dừng sử dụng các con dấu đã hết giá trị. Vì vậy, việc cấp đổi, cấp lại bằng tạm thời dừng chưa giải quyết...”.

Cũng theo văn bản của Bộ Nội vụ, một nguyên nhân khác khiến việc thực hiện cấp đổi, cấp lại các huân chương, huy chương kháng chiến chưa thể thực hiện là do chưa xác nhận được tính pháp lý mẫu chữ ký của các lãnh đạo nhà nước có thẩm quyền ký các hình thức khen thưởng qua các thời kỳ trước đây.

Vấn đề này đang được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sớm có căn cứ pháp lý về mẫu chữ ký phục vụ xây dựng mẫu bằng khen cấp đổi, cấp lại. Trường hợp cá nhân chưa được giải quyết cấp đổi, cấp lại bằng, huân chương, huy chương kháng chiến, để kịp thời giải quyết chế độ chính sách đối với người có công cách mạng thì cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng các cấp có trách nhiệm xác nhận thông tin khen thưởng.

Liên quan tới hồ sơ, văn bản Bộ Nội vụ cho biết, đã gửi trả lại hồ sơ và bằng gốc của các trường hợp chưa được giải quyết cho Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Quảng Trị và đề nghị UBND huyện Triệu Phong liên hệ để nhận hồ sơ, hiện vật hoàn trả cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Trần Thắng Bình thông tin, những năm qua, ban đã tiếp nhận khoảng 2.000 hồ sơ của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trong toàn tỉnh đề nghị cấp đổi, cấp lại các bằng, huân chương, huy chương kháng chiến và một số hình thức khen thưởng khác. Lý do là hầu hết các hiện vật của hình thức khen thưởng này đã bị cũ, hư hỏng, rách nát hoặc thông tin bị mờ.

Với trách nhiệm của mình, đơn vị đã rà soát, lập danh sách và gửi trình Ban Thi đua khen thưởng Trung ương để đề nghị cấp đổi, cấp lại theo nguyện vọng của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới khoảng 1/3 số hồ sơ được giải quyết. Phần còn lại đang vướng mắc các quy định của trung ương, tương tự hàng chục trường hợp ở huyện Triệu Phong.

Khi được hỏi về hồ sơ gốc của người dân đã được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoàn trả tại Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, sao người dân chưa nhận được, ông Trần Thắng Bình lý giải, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ mới gửi trả lại hồ sơ của những trường hợp còn tồn chưa giải quyết, riêng hiện vật là các bằng, huân chương, huy chương thì vẫn đang được bảo quản tại Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Lê Trường

Tin liên quan:

Lê Trường

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết