Cập nhật:  GMT+7

Thúc đẩy công tác đoàn bằng tinh thần sáng tạo

Thúc đẩy công tác đoàn bằng tinh thần sáng tạo

Nêu cao tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã có nhiều mô hình tốt, hoạt động hay, thiết thực để hỗ trợ người dân. Trong bức tranh đa sắc màu ấy, Đoàn Thanh niên xã Phong Bình, huyện Gio Linh là một điểm sáng. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với anh TRẦN THAO, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phong Bình về những nỗ lực vượt khó xây dựng phong trào, hỗ trợ người dân bằng sự đổi mới, sáng tạo.

Sáng tạo để giúp người dân nhiều hơn

- Trước tiên, xin cảm ơn anh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Quảng Trị. Được biết, Đoàn Thanh niên xã Phong Bình vừa tổ chức chương trình “Điều ước số 7”, nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân. Đề nghị anh chia sẻ về chương trình ý nghĩa này?

- Cảm ơn Báo Quảng Trị đã quan tâm đến hoạt động của tuổi trẻ xã Phong Bình. Đến giờ, khi nhắc tới chương trình “Điều ước số 7”, tôi vẫn còn mang cảm xúc đặc biệt. “Điều ước số 7” là chương trình do Đoàn Thanh niên phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức. Với chương trình này, mục tiêu của chúng tôi là giúp 7 hộ dân thuộc diện đối tượng chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... ở 7 thôn được cải tạo, sửa chữa nhà ở, hệ thống điện. Từ đây, bà con có thể vơi đi nỗi lo lắng, yên tâm hơn trong mùa mưa bão.

Thực ra, việc tổ chức hỗ trợ 1, 2 hộ cải tạo, sửa chữa nhà ở không khó đối với cán bộ, người dân xã Phong Bình. Đây cũng chính là hoạt động thường niên của tuổi trẻ xã nhà. Thế nhưng, triển khai 7 công trình gần như cùng một thời điểm lại khác. Chúng tôi phải huy động khá nhiều sức người, sức của và bỏ ra không ít thời gian. Vì thế, khi chương trình “Điều ước số 7” diễn ra thành công, tôi và những người khác rất vui mừng. Niềm vui nhân lên khi chương trình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao. Từ nguồn quỹ ban đầu chỉ vỏn vẹn 14 triệu đồng, chúng tôi đã huy động thêm được hơn 36 triệu đồng để biến điều ước của các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thành hiện thực.

- Điều gì thôi thúc anh tổ chức chương trình “Điều ước thứ 7”?

-Sống tại xã Phong Bình, điều mà tôi và nhiều cán bộ, người dân rất trăn trở là khó khăn vẫn đang đeo bám một số hộ dân. Hiện nay, một số gia đình đang sống trong những căn nhà hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, bà con không thể tiến hành cải tạo, sửa chữa. Khi chúng tôi đến khảo sát, điều ước chung của người dân là được sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện để không còn âu lo mỗi khi mưa gió. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tổ chức chương trình “Điều ước số 7”. Với chương trình này, chúng tôi đã mang lại làn gió mới, nhân lên ý nghĩa xã hội cho một hoạt động thường niên của xã đoàn. Cách thức tổ chức của chương trình cũng mới mẻ hơn. Nhờ thế, chương trình đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao.

Thúc đẩy công tác đoàn bằng tinh thần sáng tạo

Cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên xã Phong Bình tham gia chương trình “Điều ước số 7”, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà - Ảnh: T.L

- Ngoài chương trình ý nghĩa này, thời gian qua, tuổi trẻ xã Phong Bình còn có nhiều hoạt động tình nguyện mới mẻ, sáng tạo khác, thiết thực hỗ trợ người dân. Mong anh chia sẻ thêm thông tin này?

- Thời gian qua, tuổi trẻ xã Phong Bình đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào để phát huy sức trẻ trong xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn chú ý đến việc phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và tính sáng tạo của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên. Sự sáng tạo ở đây được thể hiện qua nhiều phương diện. Nó không nhất thiết phải là việc chưa ai từng thực hiện, quá lớn lao mà có thể bắt đầu từ những sự đổi mới rất nhỏ trong cách nghĩ, cách làm. Đơn cử, trong mùa mưa bão, bên cạnh cứu trợ người dân bằng nhu yếu phẩm, chúng tôi huy động kinh phí mua ca nô và thành lập đội hình ứng cứu bà con 24/24 giờ. Trong những nỗ lực sáng tạo, chúng tôi cũng chủ trương tìm “tiếng nói mới” cho các hoạt động mang tính thường niên, vốn đã quen thuộc. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ trương sáng tạo các hoạt động, phong trào phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương. Chương trình “Điều ước số 7” là một ví dụ.

Hiện nay, việc huy động nguồn quỹ để tổ chức các hoạt động từ thiện - xã hội nói chung, công tác đoàn, phong trào thanh niên nói riêng gặp khá nhiều khó khăn. Vì thế, tuổi trẻ xã Phong Bình còn sáng tạo, đa dạng hóa hình thức gây quỹ như: rửa xe; tổ chức đêm nhạc vì người nghèo; phát huy sức mạnh của mạng xã hội... Mỗi đợt gây quỹ đều được chúng tôi gắn với một hoạt động cụ thể, có sự đổi mới trong cách thức tổ chức.

Không để “cạn nguồn sáng tạo”

- Những nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phong trào của tuổi trẻ xã Phong Bình đã mang lại kết quả đáng mừng gì, thưa anh?

- Kết quả đáng mừng nhất là sự thay đổi rõ rệt trong đời sống của các hộ dân được hỗ trợ. Từ sự hỗ trợ của đoàn, bà con đã vơi bớt những nỗi lo toan, khó khăn trong cuộc sống. Trường hợp gặp biến cố, hoạn nạn được trợ giúp kịp thời. Không dừng lại ở đó, nhờ sự đổi mới, sáng tạo, phong trào thanh niên trong xã cũng ngày càng phát triển, thu hút sự tham gia đông đảo của đoàn viên, thanh niên, tạo nên sức mạnh đoàn kết và nhân lên tinh thần tình nguyện. Nhờ thế, Đoàn Thanh niên xã Phong Bình từng nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng. Mới đây nhất, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, chúng tôi vinh dự nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc do Tỉnh đoàn trao tặng.

- Từ thực tế địa phương, theo anh, sự sáng tạo có ý nghĩa như thế nào đối với công tác đoàn, phong trào thanh niên nói chung, các hoạt động từ thiện - xã hội nói riêng?

- Theo tôi, sự sáng tạo là yếu tố quyết định thành công trong công tác đoàn, phong trào thanh niên. Nó giúp chúng tôi tìm ra những cách thức mới mẻ, hiệu quả hơn để thu hút sự tham gia của thanh niên và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trong các hoạt động từ thiện - xã hội, sự sáng tạo giúp chúng tôi tiếp cận, giải quyết các vấn đề một cách linh hoạt, hiệu cao cao. Đây cũng chính là cách để Đoàn Thanh niên xã Phong Bình thu hút thêm nhiều nguồn lực thực hiện những công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa. Đó là lý do mà chúng tôi luôn nỗ lực để không “cạn nguồn sáng tạo”.

- Trong quá trình dồn sức phát huy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, anh rút ra được những kinh nghiệm, cách làm hay gì?

- Từ thực tế địa phương, trước tiên, chúng tôi luôn nỗ lực để phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Mỗi người góp một vài ý tưởng sáng tạo thì chúng tôi đã có đến có hàng trăm ý tưởng. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn xác định, sáng tạo phải bắt đầu từ thực tiễn và giải quyết những vấn đề thực tiễn mà địa phương đặt ra. Sự sáng tạo đó càng trở nên ý nghĩa khi gắn liền với những hoạt động vì cộng đồng. Trên con đường cống hiến bằng sự sáng tạo, chúng tôi cũng luôn nhắc nhủ nhau không ngừng học tập, trau dồi. Chúng tôi ý thức rõ tầm quan trọng của việc học tập, sau đó làm mới các mô hình, công trình, phần việc mà mình từng biết đến.

- Về phía cá nhân, việc phát huy tinh thần sáng tạo đã mang lại điều gì ý nghĩa cho anh?

- Tôi nghĩ, những người trẻ sẽ trở nên già nua nếu thiếu sự đổi mới, sáng tạo. Vì thế, bản thân luôn nỗ lực làm mới mình để dẫn dắt phong trào tốt hơn. Nỗ lực ấy đã được đền đáp. Tôi từng vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen, trong đó có giải thưởng Lý Tự Trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Không dừng lại ở đó, nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo, tôi nhận được khá nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương. Cùng với nhau, chúng tôi đã làm nên những điều ý nghĩa bằng sự sáng tạo. Điều đó đã góp phần mang lại những kết quả tốt đẹp cho địa phương, đồng thời tạo động lực cho tôi tiếp tục cống hiến.

Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ: Hãy luôn giữ vững tinh thần sáng tạo, đam mê và nhiệt huyết. Hãy mạnh dạn thử sức với những điều mới, góp phần làm nên các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có thể tạo nên thay đổi lớn trong cuộc sống.

- Xin cảm ơn anh!

Tây Long (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Thúc đẩy công tác đoàn bằng tinh thần sáng tạo
    Thúc đẩy tinh thần cống hiến từ phong trào thi đua lao động sáng tạo

    Trong những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được triển khai sâu rộng trên địa bàn, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia hưởng ứng. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước do các cấp công đoàn phát động, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong các đơn vị, doanh nghiệp. Từ phong trào này, nhiều sáng kiến hay đã ra đời, được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh, không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

  • Thúc đẩy công tác đoàn bằng tinh thần sáng tạo
    Phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào sản xuất, ...

    Nông dân là lực lượng lao động chiếm tỉ lệ 69,9% lao động trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, các cấp hội nông dân trên toàn tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất- kinh doanh (SX-KD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết