{title}
{publish}
{head}
Đối với Nguyễn Như Hải Hòa, giấc mơ không đơn thuần chỉ hiện diện trong những đêm nồng yên ả. Nó chính là thứ mà đã, đang và sẽ không cho phép Hải Hòa ngủ say. Nhờ thức cùng những giấc mơ, Hòa đã gặt hái nhiều thành tựu dẫu xuất phát điểm chỉ là một cô bé quê, sinh ra, lớn lên trong gian khó.
Hải Hòa chụp ảnh với gia đình trong ngày lễ tốt nghiệp đầy ý nghĩa - Ảnh: NVCC
Mở lối cho chính mình
Không chỉ người thân, thông tin Nguyễn Như Hải Hòa (sinh năm 2000) tốt nghiệp thủ khoa và thuận lợi tìm được một công việc phù hợp với năng lực, sở trường tại TP. Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, rất vui mừng. Hải Hòa không có nhiều thời gian ở quê. Từ lúc 10 tuổi, Hòa đã rời nhà để theo đuổi những giấc mơ lớn của đời mình. Vậy mà, trong tâm trí nhiều người dân xã Hải Chánh vẫn in đậm hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn, có đôi mắt thẳm sâu như chứa đầy ắp những dự định, hoài bão...
Một thời, ở xã Hải Chánh, nhắc đến gia đình Hải Hòa, người ta liên tưởng ngay đến sự khó khăn, thiếu thốn. Ba mẹ Hòa là những người nông dân chân chất, mộc mạc. Để lo cho 7 người con, ông bà phải vất vả với việc bán buôn nhưng vẫn không thể gánh gồng hết những lo toan thường nhật. Sinh ra, lớn lên trong cảnh khó, Hải Hòa sớm quen với cái khổ. Ngay những bữa cơm của gia đình cô cũng hiếm khi đầy đủ thành viên. Nhiều hôm về nhà, ba mẹ Hải Hòa chỉ kịp ăn vội bát cơm, rồi đặt lưng xuống ngủ. Chiếc áo đẫm ướt mồ hôi của ba mẹ là hình ảnh thân thuộc nhưng lại làm Hòa nhói lòng mỗi khi nhớ đến.
Nghĩ khó thay đổi cuộc sống nếu chỉ quẩn quanh ở miền quê nghèo, các anh chị của Hải Hòa sớm rời lũy tre làng. Năm 10 tuổi, Hòa nối bước con đường của anh chị. Sau 3 năm học tập tại Huế, cô bé người Quảng Trị lên chuyến tàu vào TP. Hồ Chí Minh để viết tiếp những giấc mơ.
“Em vào mảnh đất phương Nam xa xôi với chiếc ba lô chứa đầy hoài bão. Thế nhưng, bản thân chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu... Lúc ấy và mãi đến bây giờ, chị gái Như Hải Yến, giảng viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh là chỗ dựa đầy tin tưởng đối với em. Không chỉ lo liệu cho việc sinh hoạt, học tập, chị còn định hướng cho em con đường phía trước”, Hòa chia sẻ.
Hải Hòa chụp ảnh lưu niệm tại chương trình “Vinh danh thủ khoa” năm 2023 - Ảnh: NVCC
Sự định hướng mà Hải Hòa nhắc đến khởi điểm bằng lời động viên cô học múa. Thực ra, từ nhỏ, Hòa đã yêu thích bộ môn này. Theo thời gian, những lo toan của cuộc sống đã vùi lấp tình yêu ấy. Vì vậy, khi đến với múa, Hòa có cảm giác như đang sống trong mơ.
Tuy nhiên, buổi đầu, đó không phải là giấc mơ đẹp. Cô gái người Quảng Trị phải học cùng các bé chỉ 4, 5 tuổi. So với học viên khác, cơ thể Hải Hòa cứng hơn nhiều. Không ít lần, Hòa ứa nước mắt vì muốn chinh phục một động tác khó nhưng không thể. Dẫu vậy, trong đầu cô chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc. Ngược lại, Hòa khổ luyện nhiều hơn, dần lột xác, rồi tự tin thi và đỗ vào Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh.
Lấy giấc mơ nhỏ nuôi giấc mơ lớn
Từ ngày bước chân vào ngôi trường mơ ước, Hải Hòa như tìm thấy chính mình. Những áp lực vì vừa phải hoàn thành chương trình múa, vừa học văn hóa trở nên bé nhỏ đối với cô. Hải Hòa cũng dần làm quen với những bài tập khó, buổi tập luyện cường độ cao và cả... chấn thương. Khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, Hòa gây bất ngờ vì xin bảo lưu kết quả học tập.
Nói về quyết định này, Hải Hòa bộc bạch: “Múa là giấc mơ và là đam mê lớn của em. Thế nhưng, đây không phải là giấc mơ duy nhất và lớn nhất. Trong điều kiện còn khó khăn, em nghĩ mình cần tạm gác những giấc mơ nhỏ để nuôi một giấc mơ lớn hơn”.
Giấc mơ lớn mà Hải Hòa chia sẻ ở đây chính là trở thành sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Trong tháng ngày học múa, Hòa vẫn luôn mong muốn khai phá, hoàn thiện bản thân để sau này có nhiều cơ hội cống hiến hơn. Đó là một trong những lý do thôi thúc Hải Hòa chọn ngành Quản lý văn hóa. Ngày thi vào trường, Hòa dùng điệu múa kết tinh từ giấc mơ thời thơ bé và những giọt mồ hôi khổ luyện để chinh phục hội đồng tuyển sinh và giành được tấm vé bước tiếp.
Mở ra cánh cửa để có thể thực hiện song hành hai giấc mơ, dẫu còn nhiều vất vả nhưng con đường phía trước của Hải Hòa đã trở nên thuận lợi, thênh thang hơn. Vậy mà, cô gái giàu nghị lực lại tự làm “khó” mình bằng quyết định sống tự lập.
Đó là năm Hòa mới 18 tuổi. Sau khi đỗ đại học, cô xin phép chị gái ra riêng, tự lo liệu cuộc sống và việc học tập. Quyết định của Hòa khiến chị Như Hải Yến không khỏi lo lắng. Lâu nay, trong mắt chị, Hòa vẫn luôn là cô em gái bé nhỏ, cần được bảo vệ, chở che. Thế nhưng, từ những trải nghiệm bản thân, chị Yến biết đây là dấu mốc khởi đầu, vô cùng cần thiết cho sự trưởng thành của em gái.
Tình yêu đối với bộ môn múa đã giúp Hải Hòa nuôi nấng, thực hiện một giấc mơ lớn khác của đời mình - Ảnh: NVCC
Đối với một cô sinh viên hiền lành, cuộc sống tự lập ở thành phố lớn đầy rẫy những thử thách. Với 3 triệu đồng mỗi tháng, Hải Hòa phải tự tìm tòi và học cách quản lý tài chính. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, cô tất bật đi dạy múa và chạy show để có thu nhập. Tháng nào số tiền làm ra nhiều hơn khoản chi tiêu, Hòa chấp nhận sống cảnh “thắt lưng, buộc bụng”. Nhiều khi mệt mỏi, áp lực đè nặng đến mất ngủ nhưng cô không cầu viện bất cứ ai và chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình. Theo thời gian, mọi việc ổn dần. Hải Hòa tốt nghiệp Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh, xếp loại giỏi và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Áp lực tạo kim cương
Không chỉ thúc giục mưu sinh, những áp lực trong cuộc sống tự lập còn thôi thúc Hải Hòa lao vào đèn sách. Trân quý số tiền mình bỏ ra để hoàn thành các khoản thu nộp, Hòa luôn học hành đến nơi, đến chốn. Đối với cô, mỗi ngày đến trường là một ngày “thu hồi” số tiền mồ hôi, công sức đã bỏ ra. Kết quả, không chỉ làm tốt việc “thu hồi vốn”, Hòa còn liên tục “săn” được học bổng. Trong 4 năm sinh viên, học kỳ nào cô cũng giành được học bổng. Khoản tiền ấy được Hòa dành để đầu tư lại cho mình.
Không dừng lại ở những suất học bổng, Hải Hòa còn vươn lên, gặt hái nhiều thành tựu khi còn là sinh viên. Trên ghế giảng đường, Hòa từng được trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen... ghi nhận những thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Cô cũng là nhân tố tích cực trong các hoạt động xã hội, dự án tình nguyện, chương trình nghệ thuật. Chính những nỗ lực không ngừng đã giúp Hải Hòa vinh dự được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, cô đã hoàn thành một cách rực rỡ giấc mơ của mình là trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh với điểm GPA 3.76/4.
Nói về điều ít dám chia sẻ với ai suốt 4 năm về trước, Hải Hòa kể, khi còn là sinh viên năm nhất, cô từng nghe những lời phát biểu rất ấn tượng từ một thủ khoa của trường trong buổi lễ tốt nghiệp. Bấy giờ, Hòa cảm thấy ngưỡng mộ và đặt mục tiêu sẽ trở thành người tiếp bước. Mục tiêu ấy cuối cùng đã trở thành hiện thực.
“Ngày tốt nghiệp, em rất vui khi làm được một việc mà mình ấp ủ từ lâu là “tài trợ” cho ba mẹ và các thành viên trong gia đình một chuyến vào TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm, gia đình em mới lại có một tấm ảnh chung, đủ đầy, khác xa hình ảnh những bữa cơm thiếu vắng bóng hình ba mẹ, anh chị thời nhỏ”, Hòa xúc động chia sẻ.
Hiện tại, Hải Hòa đang theo học thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Hòa luôn mong muốn được tiếp tục học tập, nghiên cứu và làm việc để sớm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Hải Hòa biết, đó là một giấc mơ lớn, không dễ thực hiện. Dẫu vậy, cô luôn tin rằng, trong khó khăn, thử thách, vẫn và sẽ luôn có một lối mở để những người trẻ thực hiện giấc mơ dù nó có cao vời, tưởng chừng không thể thực hiện...
Quang Hiệp
QTO - Cần mẫn và thầm lặng. Mỗi người mỗi việc khác nhau, những “anh nuôi” trên Tàu 390 - Hải quân Vùng 3 đã mang đến những bữa “cơm ngon, canh ngọt” phục...
QTO - Trong một lần được trò chuyện với ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, người viết rất thú vị khi ông Thịnh ví vùng đất cực nam của tỉnh...
QTO - Mới bước sang tháng 5, nắng nóng khốc liệt đã diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân vì thế ngày một...
QTO - Từ Hàn Quốc, một nhóm tình nguyện viên gồm 9 bạn trẻ đã đến Quảng Trị để cắt tóc, làm đẹp cho các phụ huynh, trẻ em khuyết tật. Tuy giản dị nhưng...
QTO - Chiến tranh ngày càng ác liệt trên chiến trường Quảng Trị nên thời gian bên nhau của Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Kiệm với người vợ mới cưới không được...
QTO - Hơn ba mươi năm trước tôi và những người bạn lần đầu về Cửa Việt. Hồi đó tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, bạn bè có người như tôi, có người đã đi làm...
QTO - 49 mùa xuân trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tiếp nối mạch nguồn...
QTO - Trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trắng trái phép ở đồi cát của các địa phương nằm trên tuyến đường Trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông...
QTO - Khi chỉ mới 15 tuổi, Hoàng Thị Thương Huyền (sinh năm 2002) đã lặn lội từ quê nhà Vĩnh Long, Vĩnh Linh vào TP. Huế tham gia và đoạt giải Ba cuộc thi...
QTO - Cũng như nhiều cô bé, từ nhỏ, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 2005), một người con Quảng Trị đang sống, học tập tại TP. Hồ Chí Minh từng ước mơ một...
QTO - Tôi đến Seoul, thủ đô của Hàn Quốc vào cuối Thu, đầu Đông. Là thành viên đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài thời gian làm việc với Hội Nhà báo...
QTO - Dọc miền biên ải từ Bắc chí Nam, tôi hay dừng lại ở những thị trấn ven sông, nhất là những dòng sông phân định ranh giới quốc gia. Cái cảm giác bồi...