Cập nhật:  GMT+7

Những trang thư không im lặng

Chiến tranh ngày càng ác liệt trên chiến trường Quảng Trị nên thời gian bên nhau của Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Kiệm với người vợ mới cưới không được bao nhiêu. Ông Kiệm chinh chiến khắp các chiến trường, người vợ ở lại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh vừa tham gia sản xuất, vừa chiến đấu. Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi đôi vợ chồng chỉ biết gửi gắm cho nhau trong hơn 100 lá thư kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc. Những lá thư ấy là nguồn năng lượng dồi dào, sợi dây buộc chặt tình yêu để hai người luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp chút sức mình cho ngày toàn thắng của dân tộc.

Những trang thư không im lặng

Ông Hoàng Văn Kiệm bên các kỷ vật chiến tranh mà ông nâng niu hằng ngày -Ảnh: TÚ LINH

Cuộc tình lãng mạn

Câu chuyện tình yêu của vợ chồng ông Hoàng Văn Kiệm (sinh năm 1943) và bà Nguyễn Thị Sang (sinh năm 1944) không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, vợ chồng mà là tình yêu của một thế hệ, một thời kỳ đất nước cùng ra trận.

Lùi lại 60 năm trước, tình yêu của hai người bắt đầu từ những lần sinh hoạt thanh niên địa phương ngày đêm đào giao thông hào và hầm chữ A để tránh bom đạn trên mảnh đất Vĩnh Linh. Một lần bà Sang không may bị ốm nên ông giấu mọi người chăm sóc bà. Kiếm được một hộp dầu cao sao vàng của đơn vị bộ đội tặng, ông trao cho bà để chống cảm cúm. Cách chăm sóc chân tình ấy của ông không ngờ bén duyên cho cuộc tình của hai người. Năm 1965, ông Kiệm lên đường nhập ngũ, một năm sau, nhờ sự xuất sắc, thông minh, ông được đưa ra đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân ở Hà Nội. Tốt nghiệp loại xuất sắc, trường giữ ông lại làm giáo viên huấn luyện.

Tháng 4/1969, Trường Sĩ quan Lục quân cho ông được nghỉ phép 2 tuần để về thăm quê hương và cưới vợ. Bốn năm rời xa Vĩnh Linh, khi trở lại nhìn hình ảnh quê hương tan hoang, xơ xác trước bom đạn quân thù, lòng ông đau như cắt.

Một cái lán đơn sơ của vợ chồng người anh con bác đã dành lại cho ông Kiệm trong thời gian chuẩn bị lễ cưới. Lán nằm dưới lòng đất, phía trên lợp tranh phòng khi mưa nắng, phía dưới có 4 tấm ván kê lên để nằm ngủ.

Sáng hôm sau bà Sang mới biết tin người chồng sắp cưới vừa về đến quê hương nên vội tìm đến lán. Hai người dành cho nhau nụ hôn đầu đời sau 4 năm chờ đợi yêu thương.

Những trang thư không im lặng

Những lá thư như có lửa của ông bà Hoàng Văn Kiệm và Nguyễn Thị Sang là những con chữ không hề im lặng -Ảnh: TÚ LINH

Chiều hôm đó, hai người đến UBND xã Vĩnh Sơn đăng ký kết hôn, định ngày tổ chức hôn lễ là 16/4/1969.

Theo quy định, hôn lễ không được tổ chức quá 20 người vì sợ quân địch dễ phát hiện khi tập trung đông người. Ngày chúc phúc của hai người diễn ra trong tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Quà cưới là 2 thùng bánh quy Hungary và 2 tút thuốc lá Điện Biên ông mua về từ Hà Nội cùng một số kẹo Hải Hà được đơn vị gửi tặng và một thùng nước chè xanh.

Đêm ấy trong lán nhỏ, hai chiếc đèn bão được thắp để đủ ánh sáng và không bị lọt ra bên ngoài vì sợ máy bay địch phát hiện. Đủ 20 người đến dự, Bí thư Chi đoàn thôn Nam Sơn tuyên bố lý do lễ chúc phúc của hai người.

Một điều bất ngờ xảy ra, thanh niên xung phong, bộ đội dù không được mời cũng tìm đến nên có gần 100 người tập trung trong lán nhỏ, tất cả cùng âm thầm cầu chúc cho hai người trăm năm đầu bạc răng long. Sau hôm cưới, đôi vợ chồng trẻ ở lại với nhau thêm ba hôm nữa rồi ông Kiệm trở lại đơn vị vì đã hết thời gian nghỉ phép.

Thời buổi không có phương tiện liên lạc nào khác ngoài những bức thư thì giữa những khoảng thời gian ấy là nỗi nhớ thương vời vợi. Trước thử thách lớn nhất của chiến tranh là đạn bom và cái chết, tình yêu của họ trở nên mãnh liệt, độ lượng và vị tha.

Lá thư ngày 8/11/1970 ông viết gửi vợ: “Sang em thương nhớ! Em ở lại hậu phương cố gắng tham gia sản xuất và chiến đấu giỏi. Quê hương ngày đêm đang rên xiết dưới bom đạn của quân thù. Anh ở ngoài này giờ phút nào cũng nhớ về em và bà con của mình. Anh quyết tâm huấn luyện cho các chiến sĩ trở thành những tay súng giỏi để trả thù cho quê hương. Anh luôn chờ đợi ngày quê mình sạch bóng quân thù. Anh yêu thương em nhiều...”.

Ở lại công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân đến năm 1971, ông Kiệm được biên chế sang Sư đoàn 304 vào miền Nam chiến đấu với tư cách giáo viên thực địa tại chiến trường. Lúc này ông được phiên vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, tham gia giải phóng Đông Hà, giải phóng Quảng Trị.

Trong một trận chiến, ông bị thương. Nhận được tin, ngày 14/5/1972 bà Sang viết thư động viên: “Ngày anh vác ba lô cùng đơn vị từ Hà Nội lên đường vào giải phóng Quảng Trị, em chỉ được gặp anh một lần khi đơn vị của anh hành quân ngang qua Bãi Hà của Vĩnh Linh.

Thực tình lúc đó em rất muốn níu anh ở lại, nhưng vì tiếng gọi của miền Nam thân yêu nên em nuốt nước mắt để anh vững tâm tiến bước.

Tình yêu của chúng ta là bất diệt nhưng cũng phải nằm trong khuôn khổ. Biết tin anh bị thương phải đưa ra tuyến sau điều trị, em thương anh nhiều lắm. Cảnh nắng gay gắt của mùa hè, bom đạn ác liệt ngày đêm xối xả nhưng anh cùng đồng đội vẫn bám lấy công sự chiến đấu. Anh cố gắng yên tâm điều trị cho khỏi bệnh. Dù ngày trở về anh không may bị thương cụt chân, tay, anh vẫn là người chồng của em.

Vất vả gian lao, cái chết luôn kề bên nhưng em tin ở anh vì sự bình yên của mảnh đất quê hương, vì hạnh phúc của Nhân dân, của chúng mình, anh sẽ đạp phăng tất cả trên đầu thù để mang lại hòa bình và sự tự do cho đất nước”.

Dâng tặng kỷ vật quý báu của người lính

Giải phóng tỉnh Quảng Trị chưa được bao lâu, trước tình hình và nhiệm vụ mới, ông Kiệm cùng đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vào năm 1972. Tình yêu vợ chồng, những ngày gian khổ giúp ông có thêm niềm tin mãnh liệt để chiến đấu anh dũng và ông mang niềm tin ấy đi qua suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ khốc liệt. Trong chiến dịch 81 ngày đêm, ông Kiệm là Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, bị thương đến 3 lần. Mỗi lần được đưa ra tuyến sau để điều trị, chưa dứt vết thương ông lại tình nguyện xung phong vào trận địa.

Những trang thư không im lặng

Ông Thân Trọng Dũng (bên trái), Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn nhận các kỷ vật được ông Hoàng Văn Kiệm tặng -Ảnh: TÚ LINH

Kết thúc chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị, đơn vị chưa kịp tổng kết, ông chưa kịp về thăm gia đình thì nhận được lệnh trở về Trường Sĩ quan Lục quân tiếp tục công tác đào tào cán bộ, chiến sĩ. Những bài giảng của ông được đúc kết từ chiến trường, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng bộ binh, xe tăng vào thực tế chiến tranh một cách khoa học nhất, phù hợp với điều kiện của từng vùng địa hình chiến lược nên được nhà trường đánh giá rất cao.

Ông Kiệm chia sẻ tình yêu của ông bà luôn được đặt lại phía sau tình yêu đất nước. Cả một đời binh nghiệp ông hầu như không ở nhà, dành toàn bộ tuổi trẻ cho sự nghiệp chiến đấu. Ông bà là đại diện lớp lớp người hy sinh hạnh phúc riêng tư cho nhiệm vụ chung lớn lao là giải phóng dân tộc. Bà Sang là một người vợ, một người mẹ vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ, cùng gia đình vượt qua những năm tháng bom đạn của chiến tranh cũng như thời gian đầu sau khi đất nước thống nhất.

Hai người cưới nhau từ năm 1969, đến năm 1972, trên đường hành quân, đơn vị ông Kiệm ở lại một đêm tại Bãi Hà để sáng mai tiếp tục vào Nam. Tổ chức biết chuyện sắp xếp cho hai người được gặp nhau ở một lán nhỏ dưới cánh rừng cao su.

Sau đêm ấy bà mang thai nhưng đứa trẻ không được chào đời vì hoàn cảnh chiến tranh, người mẹ suốt ngày vác súng trên vai vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong vai trò trung đội trưởng dân quân du kích.

Đến năm 1977, ông có dịp về phép một tháng thì bà mới có thai và sinh ra đứa con trai đầu tiên vào năm 1978. Ông trở lại Trường Sĩ quan Lục quân cho đến năm 1983 được xuất ngũ, trở về quê hương hạnh phúc bên người vợ thương yêu của mình khi tuổi đời đã 40 và mang thương tích hạng 2/4. Ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Sơn cho đến năm 2005 mới chính thức nghỉ ngơi. Ba người con của ông bà gồm một người con trai và hai người con gái nay đã có gia đình, công việc ổn định.

Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, ông bà tự nhận mối tình của mình mang cảm hứng lãng mạn cách mạng. Hai người luôn cùng nhận thức, quan điểm sống nên dễ hiểu và đồng cảm cho nhau. Những bài học cùng yêu, cùng sống, cùng trưởng thành của ông bà luôn là hình ảnh đẹp trong cuộc sống hôm nay của người dân thôn Nam Sơn. Xuyên suốt cuộc tình lãng mạn 60 năm qua là những yêu thương của hai người, ông hết mực chiều vợ, động viên, lo lắng; bà bao dung cho những đức tính rất đàn ông của chồng mình.

Ông Kiệm và bà Sang không chỉ là vợ chồng, là ba mẹ của ba người con ngoan, mà còn là đồng chí và những người bạn đời, vì tình yêu, vì gia đình, luôn trân trọng những điều tốt đẹp của nhau mà cả đời nỗ lực vun đắp.

Tất cả hơn 100 lá thư ông bà gửi cho nhau trong mọi tình huống được hai người giữ gìn cẩn thận. Ông nâng niu đóng thành tập thư thời chiến với tiêu đề “Những bức thư tình của năm tháng xa cách”.

Thi thoảng ông bà lại mang những lá thư vàng úa ra đọc cho nhau nghe rồi nhìn nhau tình cảm như tình yêu của họ đang ở tuổi đôi mươi. Những trang thư như có lửa của ông bà là những con chữ không im lặng kể về tình yêu, khí phách của những con người Quảng Trị trong quá khứ hào hùng và cả thời đại mà chúng ta đang sống.

Ngoài tập “Những bức thư tình của năm tháng xa cách” ông còn tập hồi ký “Những chặng đường đầy ắp kỷ niệm” ghi chép cẩn thận thời gian trong quân đội, từng trận đánh oanh liệt mình tham gia khắp các chiến trường.

Hôm chúng tôi gặp cũng là lúc ông tổ chức tặng đợt 1 những kỷ vật quý báu của chiến tranh cho chính quyền xã Vĩnh Sơn để ủng hộ Bảo tàng huyện Vĩnh Linh. Đó là chiếc bi đông, gô đựng cơm, hộp đựng thuốc chữa bệnh, võng, thắt lưng... được ông sử dụng trong thời gian tham gia chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị, được ông giữ cẩn thận. Trên mỗi kỷ vật ông ghi lý lịch chi tiết để thế hệ hôm nay mỗi khi may mắn được tiếp xúc sẽ hiểu hơn những thời khắc lịch sử quý báu đầy hào hùng mà rất đỗi gian lao của cha ông trong cuộc trường chinh giữ nước.

Câu chuyện tình yêu của vợ chồng ông Kiệm khiến nhiều người biết được vô vùng thán phục. Ông bà dường như dành cả cuộc đời mình để yêu thương chia sẻ, dâng hiến lòng dũng cảm, mang đến hạnh phúc cho mình và cho nhiều người.

Tú Linh

Tin liên quan:
  • Những trang thư không im lặng
    Những “bông hoa” thầm lặng

    Trong mỗi chiến công vẻ vang của lực lượng vũ trang tỉnh nhà luôn có bóng dáng của những con người với các công việc thầm lặng. Đó là câu chuyện của những nữ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang vượt lên khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức mình làm nên những chiến công.

  • Những trang thư không im lặng
    Thầm lặng sau những chiến công

    Mặc dù không phải là lực lượng đấu tranh trực tiếp với các loại tội phạm nhưng trên hành trình “loại trừ cái ác”, quá trình điều tra, khám phá các vụ án, chuyên án đều có những đóng góp thầm lặng của họ. Với phương châm khách quan, tỉ mỉ, chính xác và nhanh chóng, công việc của lực lượng đặc biệt này đã trở thành “chìa khóa” giúp các đơn vị điều tra mở ra “cánh cửa sự thật”. Họ chính là lực lượng kỹ thuật hình sự.


Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nhật ký Trường Sa

Nhật ký Trường Sa
2024-12-09 05:25:00

QTO - Trong 7 ngày, từ ngày 27/4 - 3/5/2024, Đoàn công tác của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt...

Chân trời chân sóng

Chân trời chân sóng
2024-04-29 05:40:00

QTO - Hơn ba mươi năm trước tôi và những người bạn lần đầu về Cửa Việt. Hồi đó tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, bạn bè có người như tôi, có người đã đi làm...

Nối tiếp mạch nguồn cách mạng

Nối tiếp mạch nguồn cách mạng
2024-04-27 05:53:00

QTO - 49 mùa xuân trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tiếp nối mạch nguồn...

Thương Huyền, “Ngôi sao tương lai”

Thương Huyền, “Ngôi sao tương lai”
2024-04-13 05:00:00

QTO - Khi chỉ mới 15 tuổi, Hoàng Thị Thương Huyền (sinh năm 2002) đã lặn lội từ quê nhà Vĩnh Long, Vĩnh Linh vào TP. Huế tham gia và đoạt giải Ba cuộc thi...

Đường đến vương miện

Đường đến vương miện
2024-04-06 05:00:00

QTO - Cũng như nhiều cô bé, từ nhỏ, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 2005), một người con Quảng Trị đang sống, học tập tại TP. Hồ Chí Minh từng ước mơ một...

Seoul - mùa hoa ngân hạnh

Seoul - mùa hoa ngân hạnh
2024-04-02 18:40:00

QTO - Tôi đến Seoul, thủ đô của Hàn Quốc vào cuối Thu, đầu Đông. Là thành viên đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài thời gian làm việc với Hội Nhà báo...

Soi mặt dòng Sê pôn

Soi mặt dòng Sê pôn
2024-03-31 06:30:00

QTO - Dọc miền biên ải từ Bắc chí Nam, tôi hay dừng lại ở những thị trấn ven sông, nhất là những dòng sông phân định ranh giới quốc gia. Cái cảm giác bồi...

Thầm lặng làm việc không lương

Thầm lặng làm việc không lương
2024-03-23 05:00:00

QTO - Tuy không lương thưởng, phụ cấp nhưng thời gian qua, 8 đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG ở Quảng Trị đã dồn toàn tâm, toàn sức cho công việc. Sinh...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long