Cập nhật:  GMT+7

Chúng tôi yêu Quảng Trị!

Từ những quốc gia châu Âu xa xôi, một nhóm bạn trẻ đã đến Quảng Trị để thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ. Tại đây, họ đã có khoảnh khắc thật yên bình trên những bản làng ở miền Tây Quảng Trị; nhâm nhi ly cà phê đượm hương núi rừng và thưởng thức các món ăn của người dân địa phương. Mang theo những trải nghiệm đáng nhớ này, khi trở về đất nước mình, theo dòng thư chứa chan cảm xúc, họ cùng chung cảm nhận: Chúng tôi yêu Quảng Trị!

Chúng tôi yêu Quảng Trị!

Kristiina bên cô gái Vân Kiều ở Hướng Phùng - Ảnh: H.H

Trải nghiệm độc đáo

Tôi thường có những giấc mơ về miền quê tôi đã đi qua trong chuyến thực tập tại Việt Nam mùa hè năm đó. Lá thư này tôi muốn gửi lời chào đến tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Quảng Trị, đến những vườn cà phê nơi chúng tôi ghé thăm và những người nông dân trồng cà phê ở xã Hướng Phùng”.

Từ nước Đức, qua email, Lisa Sprenger đã chia sẻ những dòng cảm xúc như vậy. Cô cùng nhóm bạn trẻ Kristiina, Sine Vinther - Nielsen, Vittoria Favari đến từ các quốc gia: Hà Lan, Đức, Đan Mạch đã có một mùa hè thật ý nghĩa tại Quảng Trị. Trong hành trình này, Lisa Sprenger đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau của Việt Nam nhưng Hướng Phùng, Quảng Trị vẫn là điểm đến ấn tượng nhất đối với cô.

“Khi chúng tôi đến, dù bất đồng ngôn ngữ nhưng người dân địa phương rất hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Mọi người trả lời tất cả các câu hỏi mà chúng tôi đưa ra. Điều này thật ấm áp với khách phương xa”, Lisa Sprenger bày tỏ.

Cùng chung quan điểm, Sine Vinther - Nielsen đến từ Đan Mạch - người cùng làm luận văn thạc sĩ với Lisa - cho biết: “Không chỉ ở Hướng Phùng mà tại Đông Hà, nơi đâu mọi người cũng rất quan tâm đến chúng tôi. Càng ý nghĩa hơn khi tôi được tìm hiểu về văn hóa của người dân tộc Vân Kiều ở Hướng Phùng. Đó là một trải nghiệm thú vị”.

Ngoài việc thu thập các tài liệu cần thiết cho khóa học, Sine tranh thủ tham quan các địa danh lịch sử tại Quảng Trị. Cuốn sổ tay xinh xắn của cô gái trẻ này ghi lại đầy ắp thông tin và cảm xúc về những nơi mình đặt chân đến. “Tôi thấy một số địa điểm rất đông khách du lịch, nhiều trong số đó là người địa phương. Điều này mang lại sự thích thú cho tôi vì được làm quen, tìm hiểu các thông tin bổ ích từ họ”, Sin ebày tỏ.

Kristiina đến từ nước Đức nhưng theo học đại học ở Thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, chuyên ngành Khoa học môi trường. Quá trình thực hiện luận văn Thạc sĩ về Quản lý rừng và thiên nhiên, cô đã có dịp đến Quảng Trị. Đề tài của cô là nghiên cứu về tập quán canh tác cà phê và điều kiện kinh tế, xã hội của các cộng đồng nông dân ở xã Hướng Phùng, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa), nay là xã Hướng Phùng, tỉnh Quảng Trị. Đây là quãng thời gian Kristiina yêu thích vì lần đầu tiên được đặt chân đến Việt Nam. Cũng như các bạn trẻ khác ,cô ngạc nhiên trước sự thân thiện của người dân Quảng Trị.

Vốn hướng nội, Kristiina đặc biệt yêu thích những nương rẫy cà phê ở Hướng Phùng. “Khu vực này nằm giữa núi non và đồng lúa, rất yên tĩnh. Tôi ở trong khu Bungalows do một cặp vợ chồng quản lý. Họ làm những món ăn Việt Nam ngon nhất mà tôi từng thử. Là người yêu thích cà phê Arabica (được trồng nhiều ở Hướng Phùng) nên mỗi ngày tôi uống ba ly”, cô kể. Trở về Đức, Kristiina bày tỏ qua dòng thư ngắn: “Thật dễ thương khi người dân nơi tôi đến rất yêu thích karaoke và cà phê. Ở mọi góc phố của Đông Hà đều có những quán cà phê nhỏ xinh. Giờ đây, nhớ lại việc ngồi trên chiếc xe máy len lỏi khắp phố phường, tôi vẫn có cảm giác thích thú”.

Chúng tôi yêu Quảng Trị!

Sine Vinther-Nielsen check in tại Năm mùa Bungalows ở xã Hướng Phùng, tỉnh Quảng Trị -Ảnh: H.H

Cà phê là điểm nhấn

Đề tài của nhóm sinh viên trên đều liên quan đến cà phê. Hướng Hóa được coi là “thủ phủ” cà phê của Quảng Trị với lịch sử gần 100 năm, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi các bạn trẻ này lại chọn cà phê làm đề tài nghiên cứu.

Lisa Sprenger và Sine Vinther-Nielsen tìm hiểu về sinh kế của nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ và phân tích điểm hòa vốn trong sản xuất cà phê quy mô hộ nhỏ. Qua nghiên cứu thực tế, cả hai nhận thấy sinh kế của người dân ở các xã này phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất cà phê nhưng chưa thực sự bền vững; có sự khác biệt về phương thức cũng như diện tích canh tác cà phê giữa nông dân người Kinh và người dân tộc thiểu số.

“Qua khảo sát, tôi thấy biến đổi khí hậu đang tác động rõ rệt đến nông dân ở Hướng Phùng, khiến sản xuất của người dân gặp rủi ro. Vì thế, việc giúp nông dân chuyển đổi sang mô hình nông - lâm kết hợp và cung cấp cây giống cà phê mới sẽ tác động tích cực đến sản lượng cà phê trong tương lai”, Lisa Sprenger bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, dự án nghiên cứu của Kristiina nhằm mục đích đánh giá nông dân ở một số xã miền núi tỉnh Quảng Trị có sử dụng cây che bóng trong vườn cà phê không và nếu có thì họ sử dụng những cây này để làm gì. Đồng thời, cô tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy hoặc hạn chế việc sử dụng cây che bóng.

Qua khảo sát các vườn cà phê, Kristiina nhận thấy nhiều nông dân ở huyện Hướng Hóa (cũ) quan tâm đến việc có thêm cây che bóng để cải thiện thu nhập, nguồn lương thực và cung cấp bóng mát cho cà phê. Tuy nhiên, một số nông dân lại bày tỏ lo ngại vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu.

Quá trình thu thập tư liệu, Kristiina giải thích để người dân biết cây che bóng được chứng minh là cải thiện hệ sinh thái (ví dụ như chất lượng đất tốt hơn, cải thiện khả năng điều chỉnh nhiệt độ, ít xói mòn hơn), góp phần kéo dài tuổi thọ của cây cà phê. “Nếu trồng cây che bóng, nông dân trồng cà phê hạn chế bớt rủi ro do biến đổi khí hậu. Vì thế, tôi nghĩ cần thuyết phục nông dân trồng thêm cây che bóng, như là một khoản đầu tư cho tương lai. Sau này, tôi sẽ nghiên cứu hoạt động phục hồi rừng nhiệt đới nên có cơ hội để quay lại Quảng Trị lần nữa”, Kristiina cho biết.

Chúng tôi yêu Quảng Trị!

Kristiina gặp gỡ người dân địa phương để thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu của mình -Ảnh: H.H

Cũng liên quan đến cây cà phê, Vittoria Favari chọn đề tài phân tích an ninh lương thực với mục tiêu đánh giá an ninh lương thực hộ gia đình, nhất là đối với các hộ trồng cà phê. Khi tiến hành phân tích sơ bộ, kết quả nghiên cứu của cô cho thấy tỉ lệ mất an ninh lương thực ở các hộ trồng cà phê ở xã Hướng Phùng khoảng 43%. Nghiên cứu của cô nhấn mạnh mức độ phổ biến của tình trạng mất an ninh lương thực theo mùa gắn liền với thời kỳ thu hoạch cà phê.

Theo đó, mức độ dễ bị tổn thương cao nhất xảy ra vào tháng 4, 5, trùng với mùa thu hoạch cà phê cao điểm; giảm đáng kể vào khoảng tháng 10, 11, ngay sau thời kỳ thu hoạch cà phê. Đáng chú ý, việc mất đất canh tác do lở đất là mối đe dọa đáng kể đối với cả an ninh lương thực và tạo thu nhập.

Từ nghiên cứu đó, Vittoria Favari đề xuất: “Cần nghiên cứu thực tiễn và đề xuất chính sách để bảo vệ người dân khỏi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở đất và hạn hán. Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình phục hồi đất nông nghiệp bị mất và bồi thường cho các gia đình bị ảnh hưởng có thể cải thiện đáng kể cả an ninh lương thực và sinh kế của nông dân trồng cà phê” .

Còn nhớ trước lúc chia tay, tôi hỏi Kristiina: Bạn có biết câu nói “Make coffee, not war” (Làm cà phê chứ không phải chiến tranh) không? Cả bốn bạn trẻ đều đồng thanh nói, đó là slogan của tour du lịch cà phê Khe Sanh. Và họ hứa sẽ mang thông điệp này, cùng ký ức đẹp về vùng đất Hướng Phùng để giới thiệu với bạn bè muôn nơi.

Trong lời giới thiệu đó, hẳn sẽ có mùa hoa cà phê dịu dàng, sâu lắng; có hơi thở nồng đượm của núi rừng và nụ cười hồn hậu, chân chất của người dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị.

Phan Hoài Hương

Tin liên quan:
  • Chúng tôi yêu Quảng Trị!
    “Tôi có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất Quảng Trị”

    Là nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, chuyên làm clip xoay quanh chủ đề về du lịch, văn hóa, lịch sử, ĐÀO MINH TIẾN (sinh năm 1995), quê ở Thái Bình đã có cơ hội đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Tuy nhiên Quảng Trị vẫn là vùng đất để lại trong anh nhiều ấn tượng, tình cảm đặc biệt. Vừa qua, anh một lần nữa trở lại Quảng Trị và thực hiện các clip ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025). Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc gặp gỡ để lắng nghe chia sẻ của anh về mảnh đất và con người Quảng Trị.

  • Chúng tôi yêu Quảng Trị!
    Quảng Trị ơi, tôi nhớ!

    Có lẽ trong ký ức của tôi, địa danh cầu Hiền Lương đến trước khi tôi biết tỉnh Quảng Trị. Tôi sinh ra trong một gia đình cả ba mẹ đều là cán bộ miền Nam tập kết. Ba mẹ tôi công tác ở báo Nhân Dân. Năm 1957 ba tôi được cử vào tuyến lửa đặc khu Vĩnh Linh làm phóng viên thường trú. Cứ mấy tháng ba tôi lại đạp xe đạp về Hà Nội một lần. Lúc đó tôi mới 2 tuổi chưa biết gì về công việc của ba tôi. Sau này đọc hồi ký của ba, mới biết ông đã ở bờ Bắc cầu Hiền Lương, từng viết khá nhiều về những câu chuyện hai bên bờ vĩ tuyến, viết về Cồn Cỏ, khu phi quân sự, chụp hình hai người lính hai chiến tuyến cùng gác cầu.


Phan Hoài Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“ Mùa quả ngọt” của Duy Anh

“ Mùa quả ngọt” của Duy Anh
2025-07-06 05:30:00

QTO - Tuy còn trẻ nhưng cái tên Nguyễn Duy Anh (sinh năm 1991), công tác tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị (cũ) đã gắn liền với nhiều danh...

Dưới ánh trăng đêm hè

Dưới ánh trăng đêm hè
2025-07-02 05:15:00

QTO - Những đêm hè quê tôi luôn thấm đượm ánh trăng vàng óng. Khi mặt trời tắt nắng, bầu trời tối dần cũng là lúc mặt trăng lặng lẽ nhô lên từ phía rặng...

Giữ “hồn” Pa Kô theo cách riêng

Giữ “hồn” Pa Kô theo cách riêng
2025-06-28 05:00:00

QTO - Trân quý giá trị cha ông để lại, nhiều chàng trai, cô gái Pa Kô hôm nay đang âm thầm gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân...

Nhớ một chuyến đi rừng

Nhớ một chuyến đi rừng
2025-06-21 10:20:00

QTO - Đọc những bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng của ngành kiểm lâm phát đi liên tục, giữa những ngày tháng 6 nắng đổ lửa, chúng tôi chợt nhớ một kỷ niệm...

Băng rừng tìm...lâm tặc

Băng rừng tìm...lâm tặc
2025-06-21 10:00:00

QTO - Chuyến đi rừng đầu tiên của nghề báo của tôi là viết về tình trạng khai thác rừng gỗ lớn tại miền Tây huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Đó là chuyến...

“Sống chậm” trên đất Lào

“Sống chậm” trên đất Lào
2025-06-21 06:15:00

QTO - Đặt chân lên đất nước Triệu Voi xinh đẹp và mến khách từ cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo/ Quảng Trị - Densavanh/Savannakhet, hành trình khám phá những...

“Lửa nghề” của những phóng viên trẻ

“Lửa nghề” của những phóng viên trẻ
2025-06-21 05:40:00

QTO - Dù mang lại nhiều trải nghiệm thú vị song nghề báo chưa bao giờ là một nghề dễ dàng, nhất là với những phóng viên trẻ mới bước vào nghề. Thế nhưng,...

Hai nhà báo trẻ, một mạch nguồn tình quê

Hai nhà báo trẻ, một mạch nguồn tình quê
2025-06-21 05:05:00

QTO - Tuy mỗi người một xuất thân, hoàn cảnh, cá tính... nhưng nhà báo Nguyễn Quốc Nam và Nguyễn Đặng Hạnh Phúc lại gặp nhau ở khá nhiều điểm chung. Đặc...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long