{title}
{publish}
{head}
Cũng như nhiều cô bé, từ nhỏ, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 2005), một người con Quảng Trị đang sống, học tập tại TP. Hồ Chí Minh từng ước mơ một lần được đội lên đầu chiếc vương miện danh giá. Trên hành trình hoàn thiện bản thân, ước mơ của Ánh Tuyết đã trở thành hiện thực.
Ánh Tuyết nhận danh hiệu hoa khôi tại cuộc thi Nét đẹp sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: NVCC
Giúp ba mẹ bằng đam mê
Theo dõi vòng chung kết cuộc thi Nét đẹp sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh được phát trực tiếp trên mạng xã hội, nhiều người dân ở huyện Vĩnh Linh rất ngạc nhiên, vui mừng khi nhìn thấy sự xuất hiện rạng rỡ của Nguyễn Thị Ánh Tuyết trên sân khấu. Khác với hình ảnh bình dị thường ngày, Tuyết như hóa thành một nàng công chúa kiêu sa trong những bộ váy áo lộng lẫy. Nhìn thấy Ánh Tuyết, các em nhỏ liên tưởng ngay đến hình ảnh cô bé Lọ Lem bước ra từ câu chuyện cổ tích. Đặt nhiều kỳ vọng nên ai cũng vỡ òa khi cuối chương trình, tên của Tuyết được xướng lên ở ngôi vị hoa khôi.
Đến giờ, nhiều người dân Vĩnh Linh vẫn nhớ đến hình ảnh Ánh Tuyết của những ngày đã xa. Tuyết sinh ra, lớn lên ở Đội 1, thôn Tiên Mỹ 1, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Trước đây, ba Ánh Tuyết là thợ nề, còn mẹ mở một tiệm làm tóc nhỏ. Sau nhiều năm bươn bả làm công, ba Tuyết trở thành một chủ thầu trong xã. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình không khấm khá lên là bao. Vốn dĩ, ở vùng nông thôn, việc lo liệu cho 4 người con ăn học tử tế không hề dễ dàng.
Là con thứ hai trong gia đình, từ nhỏ, Ánh Tuyết đã hiểu những vất vả, hy sinh của ba mẹ. Thế nên, ngoài nỗ lực học tập, Tuyết luôn thu xếp thời gian để đảm đương việc nhà. Lên lớp 9, muốn có thêm thu nhập để phụ giúp ba mẹ, Tuyết xin vào làm tại Trung tâm Nghệ thuật Á Đông ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Công việc của Tuyết là tập luyện, tham gia những chương trình nghệ thuật, hội thi, hội diễn... và phục vụ các đám cưới ở quê. Dù công việc không phải lúc nào cũng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng Ánh Tuyết chưa bao giờ than vãn. Hơn 3 năm qua, niềm vui của Tuyết là hằng tháng đưa lương, cát xê về cho mẹ.
Ngoài mong muốn kiếm tiền phụ giúp ba mẹ, động lực thôi thúc Ánh Tuyết đến với Trung tâm Nghệ thuật Á Đông còn bắt nguồn từ đam mê vũ đạo, đặc biệt là bộ môn múa. Sinh ra, lớn lên ở miền quê khó nghèo nhưng Tuyết lại có tình yêu đặc biệt với bộ môn này. Cô có thể bỏ hàng tiếng đồng hồ để xem các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn.
Từ theo dõi, Tuyết bắt đầu tự tập luyện. Thế nhưng, qua thời gian, cô nhận ra nếu có một người thầy hỗ trợ thì con đường đến với đam mê của mình sẽ thuận lợi hơn. Vì thế, Ánh Tuyết đã quyết định tìm đến cô giáo Võ Liên, người thành lập Trung tâm Nghệ thuật Á Đông để có cơ hội vừa học, vừa làm. “Từ ngày được chắp cánh đam mê, cuộc sống của em có thêm nhiều sắc màu tươi vui. Em rất biết ơn cô Liên và những người đã hỗ trợ mình”, Tuyết chia sẻ.
Hai lần trở thành hoa khôi
Làm việc cho Trung tâm Nghệ thuật Á Đông, Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã có nhiều trải nghiệm rất quý giá. Cô tìm thấy niềm hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu phục vụ khán giả. Đặc biệt, mỗi lần khoác lên mình những bộ váy áo lộng lẫy, đội chiếc vương miện dù chỉ là tượng trưng nhưng lòng Tuyết vẫn trào dâng xúc cảm. Cô nhớ ước mơ thời thơ bé là được một lần đội chiếc vương miện danh giá.
Ánh Tuyết xuất hiện đầy kiêu sa trong cuộc thi Nét đẹp sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: NVCC
Trên hành trình chinh phục giấc mơ thời thơ ấu, Ánh Tuyết từng có cơ hội tham gia cuộc thi “Nét đẹp áo dài Việt Nam” do Trường THCS&THPT Bến Hải tổ chức. Lúc đó, Tuyết không có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm.
Thế nhưng, với vẻ đẹp trong trẻo, năng khiếu và sự thông minh, cô đã giành được ngôi vị cao nhất. Từ đó, thầy cô và các bạn thường gọi Tuyết bằng nhiều cái tên như: “Hoa khôi của trường”, “Người đẹp áo dài”, “Hot girl”... Chính tình yêu thương và sự cổ vũ của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Tuyết sống miệt mài hơn với đam mê và thi đỗ vào Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Bước chân vào ngôi trường hằng mơ ước, thời gian đầu, Ánh Tuyết không khỏi lo lắng. Nhìn ở đâu, cô cũng thấy những gương mặt xinh đẹp, giỏi giang, tài năng.
Đặc biệt, các bạn theo học chuyên ngành tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật cùng với Tuyết đều rất thông minh, năng động. Dù là một trong các thí sinh có điểm thi năng khiếu cao và để lại ấn tượng ngay những ngày đầu nhưng Tuyết vẫn có phần tự ti. Đó là chưa kể những thử thách không nhỏ khác trong cuộc sống của một tân sinh viên lần đầu xa gia đình. “Điều giúp em vượt qua giới hạn trong lòng mình chính là sự quyết tâm. Em nghĩ, đã đến đây rồi, mình không thể mãi tự ti, càng không thể bỏ cuộc”, Tuyết chia sẻ.
Suy nghĩ đã thông nên Ánh Tuyết từng ngày vươn lên khẳng định mình trong môi trường mới. Cùng với những đổi thay tích cực của Tuyết, thầy cô, bạn bè càng biết đến và dành cho cô nhiều tình cảm hơn. Vì thế, khi hay tin nhà trường tổ chức cuộc thi Nét đẹp sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Vẻ đẹp vì cộng đồng”, các bạn đã động viên, cổ vũ Tuyết tham gia. Kết quả vượt trên cả sự kỳ vọng, cô sinh viên năm nhất được xướng tên ở ngôi vị hoa khôi trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.
Nỗ lực hoàn thiện bản thân
Vòng chung kết cuộc thi Nét đẹp sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã khép lại nhưng những ngày qua, Ánh Tuyết vẫn nhận được rất nhiều lời chúc mừng. Sự quan tâm của mọi người khiến cô rất hạnh phúc. Tuyết cho biết, thực ra, mình đến với cuộc thi chủ yếu để trải nghiệm.
Bởi, cô biết, những thí sinh cùng thi đều là những gương mặt đẹp, tiêu biểu của trường. Vì thế, ngay từ khi nhận được tấm vé vàng của ban giám khảo, đặc cách vào thẳng vòng bán kết, Ánh Tuyết đã rất hạnh phúc. Cảm xúc ấy nhân lên khi cô đoạt giải Nhất phần thi tài năng tại vòng thi này.
Hình ảnh Ánh Tuyết gắn liền với những điệu múa đẹp mắt - Ảnh: NVCC
Nhìn thấy Tuyết tự tin bước qua các vòng thi, nhiều người cho rằng cô có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thậm chí nhận được sự hậu thuẫn của ai đó.
Thế nhưng, thực tế, đến bộ áo quần mặc trong những vòng thi đầu, Tuyết cũng phải đi thuê, mượn. Cô cũng tự lo liệu việc trang điểm của mình. May mắn đối với Tuyết là càng tiến sâu vào vòng trong, cô và các thí sinh khác càng nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ ban tổ chức, ban giám khảo, nhà tài trợ...
Hôm vòng chung kết diễn ra, Tuyết muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã quan tâm, hỗ trợ mình bằng cách thể hiện tốt nhất trên sân khấu. Có lẽ chính điều đó đã góp phần giúp cô chinh phục ban tổ chức, ban giám khảo và bước tới ngôi vị cao nhất.
Sau hôm thực hiện được ước mơ, Ánh Tuyết nghĩ nhiều thêm đến con đường phía trước. Cô tự nhủ cần nỗ lực hơn để hoàn thiện mình, xứng đáng với danh hiệu vinh dự được trao. Hiện tại, cô gái người Quảng Trị đang lên kế hoạch triển khai dự án “Hạnh phúc xanh”, kêu gọi mọi người chung tay, góp sức làm sạch những dòng sông, con kênh, cống rãnh ở TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Tuyết ấp ủ mong muốn trở lại, giúp đỡ các em nhỏ mắc bệnh xương thủy tinh ở nơi mà mình và các thí sinh tham gia cuộc thi Nét đẹp sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh từng có cơ hội đến.
Nói về con đường phía trước, Ánh Tuyết cho biết, hiện cô vẫn chưa có dự định chinh phục các cuộc thi sắc đẹp khác. Tuyết sẽ tập trung học tập, rèn luyện và cống hiến nhiều hơn. Thời thơ ấu, Ánh Tuyết thường mơ đến chiếc vương miện và vầng hào quang của nó.
Tuy nhiên, theo từng ngày khôn lớn, Tuyết dần nhận ra, điều quý giá nhất mà chiếc vương miện mang lại là trên hành trình chinh phục nó, mọi cô gái sẽ ngày càng hoàn thiện và sống đẹp, sống có ích hơn.
Quang Hiệp
QTO - Đâu đó trong các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP. Đông Hà, có những người phụ nữ suốt mười mấy năm qua vẫn mưu sinh bằng nghề buôn bán cá, tôm được...
QTO - Bằng nhiệt huyết và sức sáng tạo của một người trẻ, Phạm Khánh Linh (sinh năm 1995), ở Phường 2, thị xã Quảng Trị, đã bền bỉ theo đuổi và thành công...
QTO - Tôi đến Seoul, thủ đô của Hàn Quốc vào cuối Thu, đầu Đông. Là thành viên đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài thời gian làm việc với Hội Nhà báo...
QTO - Dọc miền biên ải từ Bắc chí Nam, tôi hay dừng lại ở những thị trấn ven sông, nhất là những dòng sông phân định ranh giới quốc gia. Cái cảm giác bồi...
QTO - Với kỹ năng diễn xuất linh hoạt, sống hết mình trong từng nhân vật để mang đến cảm xúc chân thật nhất cho khán giả, Ngô Quang Tuấn (sinh năm 1985),...
QTO - Những ngày cuối tháng 3, vùng biển bãi ngang xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tấp nập thuyền làm nghề cào ốc ruốc (còn gọi là ốc gạo, ốc...
QTO - Tuy không lương thưởng, phụ cấp nhưng thời gian qua, 8 đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG ở Quảng Trị đã dồn toàn tâm, toàn sức cho công việc. Sinh...
QTO - Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận, từ mặt trận Cánh Đồng Chum... Tôi chiến đấu thực thụ ở đây...
QTO - Từng bôn ba làm đủ nghề để mưu sinh, thậm chí đi làm việc theo diện hợp đồng lao động ở nước ngoài nhưng đều không thành công, phải đến khi khởi...
QTO - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tích cực triển khai công tác hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân...
QTO - Cũng như nhiều bạn trẻ, Nguyễn Minh Đình Thiên (sinh năm 2007), học sinh lớp 11C, Trường THPT Đông Hà từng lo sợ và không muốn đối diện với thất bại....
QTO - Cô chị có duyên với kinh doanh, cô em lại có niềm đam mê với nấu nướng, từng ấy “vốn liếng” là động lực to lớn để hai chị em Lê Tố Uyên (sinh năm...