{title}
{publish}
{head}
Khi được hỏi về những đóng góp của mình cho sự phát triển của địa phương, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều chung một quan điểm rằng lời họ nói, việc họ làm đều chỉ là “chuyện nhỏ”. Thế nhưng chúng tôi hiểu, từ những “chuyện nhỏ” ấy, hàng chục năm qua, những người này đã thầm lặng góp sức, từng bước thay đổi nếp nghĩ của đồng bào mình trong xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Họ chính là “cầu nối” vững chắc giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân ở những bản làng vùng cao.
Gia đình no đủ thì bản làng giàu mạnh
Câu nói ấy được ông Hồ Đức Diệp (sinh năm 1960), người uy tín tại thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông, nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong suốt quá trình trò chuyện với chúng tôi. Vốn là người dân tộc Pa Kô, sinh ra và lớn lên ở bản làng vùng cao xa xôi nhưng ông nói tiếng Kinh rất lưu loát.
Ông Diệp chăm chỉ làm kinh tế để người dân trong bản noi theo - Ảnh: T.P
Trong câu chuyện của ông Diệp, thôn Kỳ Ne đổi thay từng ngày và sự đổi thay đó có phần đóng góp công sức của gia đình ông. “Kỳ Ne từng là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã biên giới A Ngo. Người dân trước đây sinh sống phụ thuộc vào canh tác nương rẫy nên cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu. Không cam tâm bị nghèo đói đeo bám, tôi tự tìm tòi, nghiên cứu rồi bắt tay vào làm kinh tế gia đình để người dân trong thôn nhìn thấy, học theo”, ông Diệp hồi tưởng.
Ban đầu, ông Diệp khai hoang trồng 3.000 m2 lúa nước, 5 ha rừng, 4,3 ha các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi trâu, dê để tăng thu nhập. Sau đó ông xung phong cùng 5 hộ gia đình khác thực hiện chăm sóc, bảo vệ 20 ha rừng phòng hộ.
Đáng nhớ nhất là năm 2001, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn thôn Kỳ Ne, gia đình ông Diệp đã gương mẫu thực hiện di dời nhà ở và vận động 21 hộ gia đình khác cùng di dời để tạo mặt bằng trồng lúa nước.
Ông bộc bạch: “Không chỉ họp thôn, tôi còn đi đến từng hộ gia đình nói chuyện, giải thích với người dân lợi ích khi có ruộng lúa nước lớn ở gần nhà. Người dân ở đây có tập tục người thân phải chung sống gần nhau nên việc thuyết phục di dời mất nhiều thời gian”.
Ruộng lúa nước được hình thành, ông Diệp tiếp tục xung phong trồng thí điểm cây lúa nước bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ và hướng dẫn các hộ gia đình khác cách bón phân hữu cơ cho lúa nước. Người dân thôn Kỳ Ne từ già đến trẻ vẫn nhắc đến công lao của ông vì nhờ đó, trong thôn có hơn 8,7 ha ruộng lúa nước, sản xuất 2 vụ/năm.
Người dân cơ bản đã đảm bảo được an ninh lương thực cho cả năm, không thiếu hụt lương thực trong mùa giáp hạt. Dưới sự tuyên truyền của ông Diệp, nhiều mô hình sản xuất như nuôi bò sinh sản, thâm canh cây lúa nước, trồng mây dưới tán rừng đã phát huy hiệu quả và giúp nhiều hộ gia đình ở thôn Kỳ Ne vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tập tục du canh du cư, đốt phá rừng làm rẫy cũng đã “hằn sâu” vào tiềm thức của người dân tộc Bru - Vân Kiều nơi đây. Hệ lụy của điều này chính là việc người dân không có nhà cửa, ruộng nương hay bất kể tài sản nào đáng giá ngoài ốm đau, bệnh tật và những ngày thiếu đói.
Để xóa bỏ tập tục này, ông Hồ Thủy (sinh năm 1945), người uy tín tại thôn Xà Lời đã chủ động trồng lúa, trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình để lấy mình làm gương, sau đó cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu; tạo mọi điều kiện để người dân trong vùng phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó mà đến nay, tập tục du canh du cư trên địa bàn thôn Xà Lời nói riêng, xã Vĩnh Ô nói chung đã hoàn toàn được xóa bỏ; người dân có lúa, có rừng, đời sống ngày càng khởi sắc.
Xóa hủ tục để xây nếp sống mới
Xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh hiện có 7 người uy tín, trong đó, bà Hồ Thị Hoa (sinh năm 1959), hiện đang sống tại thôn Xóm Mới.
Bà Hoa là một trong 2 người uy tín là nữ giới. Bà Hoa vẫn được người dân trong vùng gọi bằng cái tên thân thương là cô Hoa vì có quãng thời gian dài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Có điều kiện tiếp cận với văn minh, tiến bộ ở nhiều nơi nên người phụ nữ này luôn đau đáu với những hủ tục lạc hậu đang tồn tại ngay trong từng nếp nhà sàn trên bản làng mình.
Bà Hoa (bên trái) vận động người dân trong thôn bãi bỏ hủ tục lạc hậu - Ảnh: T.P
Bà kể, cách đây khoảng 20, 25 năm về trước, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong xã xảy ra thường xuyên. “Tại những nơi có người dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống vẫn phổ biến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết như con cô, con cậu lấy nhau hay hủ tục “nối dây”.
Tục “nối dây” là kiểu hôn nhân mà khi người chồng hoặc vợ qua đời, người còn lại muốn tái hôn buộc phải lấy một người trong gia đình vợ hoặc chồng, có thể là em gái vợ, em trai chồng. Điều đó khiến nhiều cặp vợ chồng này sinh ra con cái có thể trạng yếu ớt, bị khuyết tật...
Chứng kiến điều này, lòng tôi không khỏi đau đớn”, bà Hoa tâm sự. Thế nên khi được bầu làm người có uy tín trong thôn Xóm Mới, bà luôn tâm niệm bằng mọi giá ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Xác định bài trừ hủ tục là một “cuộc chiến” dài hơi, vì vậy tranh thủ mọi buổi họp thôn, ngày đại đoàn kết ở khu dân cư hay cả trong những lần đi chợ mua con cá, mớ rau hằng ngày, bà Hoa đều tích cực tuyên truyền đến người dân về hệ quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giải thích cho người dân hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Ban đầu người dân không nghe, không tin nhưng “mưa dầm thấm lâu”, với sự nỗ lực của mình, bà Hoa đã góp phần giúp tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn giảm đi đáng kể. “Nghe lời cô Hoa khuyên, ba mẹ cho tôi tiếp tục đi học, đến khi nào đủ tuổi mới lấy chồng.
Nhờ đó mà giờ tôi đã có kiến thức, có công việc cùng thu nhập ổn định để chăm sóc cho gia đình”, chị H.T.L, một người trước đây suýt chút nữa trở thành “nạn nhân” của nạn tảo hôn, chia sẻ.
Gắn bó gần 80 năm với vùng cao Vĩnh Ô, hơn ai hết, ông Thủy hiểu được rằng chừng nào những phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại dai dẳng, chừng đó quê hương sẽ khó phát triển. Dưới sự tuyên truyền, vận động của ông, việc cưới xin, ma chay trên địa bàn thôn Xà Lời đã được rút gọn đi đáng kể.
“Không còn những đám cưới, đám ma kéo dài từ 3 - 5 ngày với nhiều thủ tục rườm rà, tổ chức ăn uống linh đình, nhiều gia đình không còn phải chịu cảnh khốn khổ, tiêu điều. Để người dân địa phương nghe theo, là người uy tín, trước hết mình phải làm gương”, ông Thủy vừa nói, vừa chỉ tay về hướng ảnh cưới của các con.
Đám cưới của các con, ông Thủy tổ chức gọn nhẹ, chủ yếu báo tin vui cho cả làng. Đi đâu, ông cũng vận động bà con thực hiện nếp sống mới văn minh, không nên hoang phí vô ích, vì quê mình còn nghèo. Đến nay nhận thức của nhiều người đã được nâng cao, tiết kiệm hơn trong chi tiêu; các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi được lược gọn.
Chỗ dựa của người dân
Ở thôn Kỳ Ne, ông Diệp luôn nhận được sự yêu quý và tôn trọng của người dân, ngay cả khi ông chưa được bầu làm người uy tín mà là một cán bộ địa chính xã. Phát huy vai trò của mình, ông không ngừng vận động, tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với ban cán sự thôn, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở, không để phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, góp phần bảo vệ an ninh biên giới vững chắc. Ông cũng là người đại diện đưa những ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến gần hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Thủy (bên trái) là “cầu nối” của người dân bản làng và chính quyền địa phương - Ảnh: T.P
Với bà Hoa và ông Thủy, mỗi người tuy có một cách thức tuyên truyền khác nhau nhưng đều đạt được mục đích chung là phần nào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đang cản trở sự văn minh, tiến bộ của quê hương. Đặc biệt ông Thủy đã chủ động hiến đất 1.000 m2 đất để làm đường bê tông; kêu gọi con cháu, người dân trong thôn đóng góp của cải, ngày công chung tay xây dựng nông thôn mới.
Nhìn thấy tấm gương của ông, một người, hai người rồi toàn thôn cùng học tập và làm theo. “Đạt chuẩn nông thôn mới là kết quả cho sự nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn thể Nhân dân. Tôi vui vì được góp một phần nhỏ trong thành tích chung này”, ông Thủy nói.
Những năm qua, ông và bà Hoa đã nhận được sự ghi nhận của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó không thể sánh được với lòng tin yêu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn dành cho họ.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho hay: “Bà Hoa, ông Thủy cùng 5 người uy tín khác của xã đều làm tốt vai trò của mình, vận động, tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động loại bỏ dần các hủ tục đang đè nặng lên cuộc sống. Họ cũng là lực lượng quan trọng góp công, góp sức... tạo điều kiện cho địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ông Diệp, bà Hoa hay ông Thủy là “chỗ dựa” đáng tin cậy, “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tạo động lực phát triển KT-XH khu vực miền núi, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trúc Phương
BTO- Quyết định chấp thuận đầu tư số 2158/QĐ-UBND, ngày 11/12/2024 do Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng ký ban hành đã Quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với Liên danh Công ty...
QTO - Để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp, thành phố Đông Hà đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, qua đó tạo động lực thúc đẩy...
QTO - Hiện nay, khởi nghiệp đã trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ trong tuổi trẻ Quảng Trị. Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian...
QTO - Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH ở các huyện nghèo là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG)...
QTO - Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... thì việc phát triển kinh tế tuần...
QTO - Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng...
QTO - Từ những ngày đầu tháng 8 đến nay, người dân sống lân cận các khu vực rừng phòng hộ ở huyện Hướng Hóa, nhất là ở xã Hướng Tân - nơi tập trung diện...
QTO - Xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) là một chủ trương đúng đắn để thúc đẩy công nghiệp ở khu vực...
QTO - Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cùng với nhiều phương thức hỗ trợ, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác...
QTO - Nhằm từng bước hiện đại hóa lưới điện, đẩy mạnh việc tự động hóa trong công tác vận hành và kinh doanh điện năng, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC...
QTO - Nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, những năm qua, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng...
QTO - 2 năm qua, tuy gặp những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất trên...