Cập nhật:  GMT+7

Indonesia thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân

Trong nỗ lực định hình lại ngành năng lượng, Indonesia đang thúc đẩy dự án năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Kế hoạch đầy tham vọng

Indonesia đã công bố kế hoạch đầy tham vọng tại COP29 ở Baku với mục tiêu tăng hơn 100 GW công suất điện trong 15 năm, bao gồm 75% sẽ từ các nguồn năng lượng tái tạo và sạch, trong đó 5 GW từ hạt nhân.

Hashim Djojohadikusumo, anh trai của Tổng thống Prabowo, đã nhấn mạnh cam kết của Indonesia trong việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng sạch, với kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, trong đó một nhà máy lớn sẽ nằm ở miền Tây Indonesia, dự kiến ​​sản xuất tới 2 GW. Ngoài ra, các “lò phản ứng mô-đun nhỏ” với công suất dưới 300 MW sẽ phục vụ cho ngành công nghiệp nhỏ.

Indonesia thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân

Indonesia đang thúc đẩy các dự án năng lượng hạt nhân. Ảnh: SCMP

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nhà máy điện hạt nhân trong nước, chính phủ cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế. Tổng thống Prabowo đã thảo luận với Nga về việc hợp tác cùng Rosatom để xây dựng lò phản ứng mô-đun nhỏ. Ngoài ra, Mỹ cũng tham gia dự án nghiên cứu trị giá 2,3 triệu USD phát triển lò phản ứng mô-đun tại Tây Kalimantan. Ông Prabowo cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp Brazil đầu tư vào sáng kiến ​​​​này tại hội nghị G20 gần đây ở Rio de Janeiro.

Chuyên gia Harun Ardiansyah, tiến sĩ ngành kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ, coi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển hạ tầng năng lượng hạt nhân.

Cũng bày tỏ sự ủng hộ, Djarot Wisnubroto, cựu lãnh đạo Hiệp hội Hạt nhân Indonesia (HIMNI), nhấn mạnh kế hoạch này cần được triển khai trong thực tế thay vì chỉ dừng lại ở các tuyên bố.

Những người ủng hộ cho rằng năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định cho các ngành công nghiệp lớn. Họ mong muốn Indonesia tiếp tục phát triển thêm đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đủ khả năng vận hành nhà máy hạt nhân.

Nhiều ý kiến phản đối

Mặc dù vậy, kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân cũng vấp phải những ý kiến phản đối. Các nhà hoạt động môi trường lo ngại về tính an toàn sau các thảm họa hạt nhân trên toàn cầu, như: Chernobyl và Fukushima.

Hadi Priyanto, một nhà hoạt động về khí hậu, cho rằng Indonesia đang đi ngược xu thế toàn cầu khi nhiều quốc gia phát triển như Đức đã bỏ năng lượng hạt nhân. Ông nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này nên tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, vốn rẻ hơn và phát triển nhanh hơn.

Một trong những mối đe dọa lớn là khả năng quản lý chất thải phóng xạ. Hadi cảnh báo nếu không được xử lý đúng cách, chất thải hạt nhân có thể gây ô nhiễm nước và đất. Ông cũng hoài nghi về việc liệu Indonesia có đủ nguồn lực tài chính để duy trì công việc quản lý chất thải trong thời gian dài hay không.

Deon Ainaldo, Giám đốc chương trình tại Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR) ở Jakarta, cho biết dù năng lượng hạt nhân là đáng tin cậy nhưng lại tốn kém chi phí và phải mất nhiều thời gian để triển khai. Ông cho rằng Indonesia có thể đạt được các mục tiêu năng lượng bền vững mà không cần phụ thuộc vào hạt nhân, khi mà công suất năng lượng mặt trời và gió đã lên đến với 3.600 GW.

Và những thách thức

Indonesia đã vận hành ba lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục tiêu nghiên cứu, tuy nhiên chưa xây dựng nhà máy hạt nhân nào. Lò phản ứng này bao gồm lò Triga 2000 ở Bandung (do Mỹ xây dựng), đã hoạt động từ những năm 1960 và 1980 mà không xảy ra sự cố lớn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố khi động đất ập đến.

Những người ủng hộ hạt nhân cho rằng việc minh bạch hóa thông tin và đảm bảo an toàn là yếu tố quan trọng để giảm bớt những nguy cơ có thể ập đến. Djarot đề xuất các khu vực ít chịu tác động của động đất như Batam và Bangka Belitung có thể là địa điểm thích hợp cho việc xây dựng các nhà máy trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng Indonesia cần xây dựng một hệ thống cân bằng năng lượng, kết hợp cả hạt nhân và năng lượng tái tạo để tối ưu hóa lợi ích kinh tế và môi trường. Nếu được triển khai minh bạch và hiệu quả, hạt nhân có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng bền vững của Indonesia.

An Thái


An Thái

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long