{title}
{publish}
{head}
Ngày 19/5/1959, đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường chiến lược để đưa người và vận chuyển hàng vào phục vụ cuộc chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đồng thời thành lập Binh đoàn 559 để phục vụ trên tuyến đường và đặt tên là Đường 559 hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Ảnh: T.L
Trong ký ức của tướng Võ Bẩm một trong những gười khai sinh ra con đường 559, đó là một lối đi nhỏ len lỏi giữa lau lách và rừng rậm Trường Sơn mà miền Bắc dùng để đưa người và hàng vào chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam với cột mốc “số 0” ở Bến Tắt-nơi thượng nguồn con sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
Còn những ai là lính của Binh đoàn 559, hoặc ai đã từng đi qua đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì lại nghĩ đó là một hệ thống đường chiến lược dọc ngang trên dải Trường Sơn hùng vĩ, một mạng lưới đường mỗi ngày một rộng ra, dài thêm với cột mốc “số 0” ở Tân Kỳ, Nghệ An.
Với riêng tôi, sự cảm nhận và hiểu rõ về con đường mòn được bắt đầu từ tháng 5/1970 khi chiếc xe tải có mui bằng vải bạt chở đoàn cán bộ dân chính từ Trạm điều dưỡng cán bộ “B” K15 ở thị xã Hà Đông, thủ phủ của tỉnh Hà Tây vào tận Làng Ho, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ đây chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ dọc theo con đường mòn. Tôi không nhớ rõ mình đã vượt qua bao nhiêu rừng rậm, bao nhiêu đèo dốc, suối khe và núi non hiểm trở mới đến được Khu ủy Trị-Thiên.
Tôi vào lại chiến trường sau khi Mỹ thất bại nặng nề trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Vì vậy mà những đợt B52 rải thảm; bom tọa độ; rồi đèn dù, pháo sáng từ máy bay C130 cũng gia tăng. Nhưng vượt qua tất cả, những đoàn xe tải chở hàng phủ kín lá ngụy trang, chỉ lộ ra dòng chữ: “Xe ta thêm một vòng quay, miền Nam bớt được một ngày đau thương”, mà các chiến sĩ lái xe đã viết lên thành xe của mình vẫn len lỏi lăn bánh trên con đường mòn huyền thoại.
Đêm mắc võng nghỉ lại trên đỉnh đồi 1.001, xuyên qua tán lá rừng tôi ngắm nhìn vầng trăng hạ tuần màu sữa như một tấm khăn voan chầm chậm thả xuống thung lũng vừa trải qua những trận oanh kích của không lực Hoa Kỳ còn hắc mùi khói bom. Trước cảnh sắc hùng vĩ và sự bao dung của đại ngàn Trường Sơn, tôi ngẫm về câu thơ của Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, quả là một minh chứng sống động trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Vào Khu ủy Trị-Thiên được 2 tháng, tôi được phân công về Báo Cứu Nước, cơ quan của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Trị, đang đóng tại Nam Hướng Hóa-nơi có con sông Tà Rụt quanh co với làn nước trong xanh rất thơ mộng và có khá nhiều tôm, cá.
Đây cũng là địa điểm để anh em trong các Ban của Tỉnh ủy gặp nhau mỗi khi đi tăng gia tự túc về vừa tắm giặt, câu cá; vừa nắm tình hình chiến sự ở đồng bằng. Bởi sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tăng cường đàn áp cơ sở cách mạng, tăng cường càn quét, bắn phá nên những chuyến “rời cứ” về đồng bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Còn ở Trường Sơn lúc này hầu như đông người hơn, rạo rực hơn trong khí thế “chỉnh quân, chỉnh cán”, đặc biệt là trên các tuyến đường mòn, những đoàn người vẫn hối hả hành quân, những đoàn xe chở lương thực, vũ khí vẫn rì rầm lăn bánh theo các hướng chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch mới...
Tình hình cứ thế trôi đi và đến chiều ngày 1/5/1972, chúng tôi nhận được tin vui khi tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Vậy là tất cả được lệnh chuyển về đồng bằng từ đấy. Đã bao nhiêu năm hút bóng thời gian, sự lãng mạn chợt lặng lẽ chìm khuất dưới những nhọc nhằn lo toan cho cuộc sống, không còn mấy ai nghĩ đến con đường.
Thế rồi đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh bỗng bừng sáng trở lại kể từ ngày 5/4/2000 khi Nhà nước tổ chức trọng thể lễ khởi công xây dựng lại tuyến đường này và đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh huyền thoại giờ đây đã trở nên thênh thang hơn.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này tôi có dịp trở lại với Trường Sơn để đi trên con đường huyền thoại. Theo vòng tay lái điêu luyện của “lính xế” đưa chúng tôi đi dọc đường Trường Sơn từ Bến Tắt lên Đakrông vào Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt, đến A Lưới, Kon Tum...
Và dòng ký ức về một con đường đã trở lại trong tôi xao động, một ký ức vẫn vang vọng âm hưởng hào hùng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Con đường mòn nhỏ, len lỏi dưới những tán rừng năm xưa giờ đã rộng lớn, đã được thảm nhựa phẳng lì, hút tắp thênh thang, rừng hai bên đường vừa xanh trở lại sau những cơn mưa đầu mùa, dòng Đakrông rộn ràng tiếng nước ào qua bờ đá, tung bọt trắng reo vui...
Đang lướt nhanh trên con đường êm thuận và trong tầm nhìn sâu thẳm, anh Phạm Cầu - một “lính xế” đã nhiều năm gắn bó với tuyến đường để tham gia chương trình đưa điện về vùng sâu vùng xa, thốt lên: “Muốn miền núi phát triển phải bắt đầu từ những con đường”.
Vâng, phải bắt đầu từ những con đường. Mấy mươi năm chiến tranh, bắt đầu của chúng ta là những con đường dọc ngang chạy suốt miền Tây len lỏi giữa đại ngàn, chìm lấp dưới bóng lá, men theo suối khe những chuyến xe chi viện cho chiến trường miền Nam, những con đường băng qua tháng năm máu lửa với hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong đã góp sức làm nên đường Hồ Chí Minh vươn rộng dài qua những núi cao rừng rậm, vượt ChưYangpa, Chưyang Sinh, nối tận Đắc Min, Lang Biang đến Đồng Xoài... Để có một ngày về Sài Gòn rực rỡ cờ hoa chiến thắng.
Từ năm 1959 đến năm 1975, suốt 16 năm liên tục đã có hơn 4 triệu lượt người đi qua đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh vào Nam chiến đấu và cũng ngần ấy năm đã có hơn 1,5 triệu tấn hàng được vận chuyển vào chiến trường trên tuyến đường này. Cũng trên tuyến đường này đã diễn ra cuộc đọ sức lịch sử. Kẻ thù đã dội xuống tuyến đường hàng triệu tấn bom, mìn; đạn pháo và hóa chất độc...
Thế nhưng không thể ngăn cản được bước chân của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong tiếp lương tải đạn với khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cũng ngay trên tuyến đường này, bộ đội công binh đã khắc phục 56.750 quả bom phá hỏng đường, thảo gỡ và phá hủy 12.600 quả bom từ trường, 85.000 quả mìn vướng, đắp hơn 10 triệu m3 đất, đá để san lấp hố bom kịp thông xe cho những đoàn quân ra mặt trận.
Có lẽ vì thế mà Tạp chí “Tuần Tin Tức” Mỹ, đã thốt lên rằng: “Chúng ta (Mỹ) có thể làm cho việc vận chuyển của họ bị chậm lại, bắt họ phải trả giá cao, nhưng chắc chắn chúng ta không thể ngăn cản được họ...”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì viết: “Trong thành công to lớn của bộ đội Trường Sơn đã chứa đựng lời đáp về câu hỏi vì sao một dân tộc nhỏ như Việt Nam lại đánh thắng một đế quốc to như Mỹ...”.
Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh như dải lụa ôm lấy các triền núi, con đường của khát vọng hòa bình, thống nhất mấy chục năm trước nay đã hồi sinh để bước tới ấm no, hạnh phúc. Những phố xá bây giờ là những bản làng thâm u của hàng trăm năm trước. Đất lành chim đậu, con người tụ hội về mà nên phố nên làng.
Đến nay sau 24 năm xây dựng lại và đưa vào khai thác, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã thực sự phát huy tác dụng đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng sâu vùng xa, đã đánh thức tiềm năng và phát huy nội lực, phân bố lao động trong khu vực có trên 30 triệu dân, 10 triệu ha đất, tạo tiền đề cho công cuộc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
Để xây dựng đường Trường Sơn công nghiệp hóa, Chính phủ đã có chính sách huy động nguồn vốn, nguồn nhân lực, trí tuệ, khoa học-kỹ thuật và sức mạnh tổng hợp của cả nước, làm cho con đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại một lần nữa lại âm vang, bởi đây không chỉ là con đường huyết mạch quan trọng của đất nước thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của mở cửa và hội nhập, là một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, một hiện tượng thần kỳ của chiến tranh nhân dân trong thế kỷ XX mà nó còn là con đường nối quá khứ vào tương lai, con đường bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa bất diệt và trường tồn của dân tộc.
Còn nhớ, trong sổ vàng truyền thống của bộ đội Trường Sơn, Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã viết: “Đường trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng, đó là con đường nối liền Nam-Bắc thống nhất nước nhà. Đó cũng là con đường đoàn kết của dân tộc ba nước Đông Dương, đường Trường Sơn nhất định sẽ kéo dài và mở rộng, chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó cho đến thắng lợi hoàn toàn...”.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ý tưởng đưa con đường mòn Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã trở thành hiện thực và như vậy tuyến đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn công nghiệp hóa đã đóng vai trò trục dọc thứ hai đảm bảo vận tải Bắc-Nam liên tục và đang từng bước hòa mạng với hệ thống đường xuyên Á.
Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân Việt Nam đã xây đắp nên con đường Việt Nam không hề khuất phục trước bạo lực, cường quyền. Và tôi tin, hôm qua đã như thế, hôm nay và ngày mai vẫn sẽ như thế, cho dù toàn cầu hóa và thế giới có nhiều biến động thì những con dân nước Việt Nam vẫn nhất quyết đi trọn con đường mà tiền nhân đã khai mở, đặt những bước khởi đầu sáng tạo để đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn công nghiệp hóa mãi mãi là một con đường huyền thoại của dân tộc.
B út ký Phan Sáu
QTO - Lẽ ra những đàn chim di cư đến Rú Lịnh (thuộc địa bàn 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh) trú ẩn sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để góp phần làm...
QTO - Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị nói riêng rất phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Trong đó, nhiều...
QTO - Đối với Nguyễn Như Hải Hòa, giấc mơ không đơn thuần chỉ hiện diện trong những đêm nồng yên ả. Nó chính là thứ mà đã, đang và sẽ không cho phép Hải...
QTO - Mới bước sang tháng 5, nắng nóng khốc liệt đã diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân vì thế ngày một...
QTO - Từ Hàn Quốc, một nhóm tình nguyện viên gồm 9 bạn trẻ đã đến Quảng Trị để cắt tóc, làm đẹp cho các phụ huynh, trẻ em khuyết tật. Tuy giản dị nhưng...
QTO - Chiến tranh ngày càng ác liệt trên chiến trường Quảng Trị nên thời gian bên nhau của Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Kiệm với người vợ mới cưới không được...
QTO - Hơn ba mươi năm trước tôi và những người bạn lần đầu về Cửa Việt. Hồi đó tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, bạn bè có người như tôi, có người đã đi làm...
QTO - 49 mùa xuân trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tiếp nối mạch nguồn...
QTO - Trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trắng trái phép ở đồi cát của các địa phương nằm trên tuyến đường Trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông...
QTO - Khi chỉ mới 15 tuổi, Hoàng Thị Thương Huyền (sinh năm 2002) đã lặn lội từ quê nhà Vĩnh Long, Vĩnh Linh vào TP. Huế tham gia và đoạt giải Ba cuộc thi...
QTO - Cũng như nhiều cô bé, từ nhỏ, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 2005), một người con Quảng Trị đang sống, học tập tại TP. Hồ Chí Minh từng ước mơ một...
QTO - Tôi đến Seoul, thủ đô của Hàn Quốc vào cuối Thu, đầu Đông. Là thành viên đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài thời gian làm việc với Hội Nhà báo...