Cập nhật:  GMT+7

Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến

Là người dân tộc Vân Kiều, cả cuộc đời gắn bó với bản làng vùng cao Hướng Hóa, già làng Hồ Vai (74 tuổi), ở thôn Làng Vây, xã Tân Long luôn là người đi đầu, nhiệt tình với mọi công việc ở địa phương. Với ông, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để dựng xây quê hương ngày thêm đổi mới là niềm vui, niềm tự hào nhất của cuộc đời mình.

Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến

Ông Hồ Vai bên công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Làng Vây được xây dựng trên diện tích mà gia đình ông đã hiến tặng -Ảnh: H.T

Sống mẫu mực, trách nhiệm với cộng đồng

Trong ngôi nhà sàn ấm nồng mùi thơm của lúa mới, già làng, cựu chiến binh Hồ Vai hồ hởi chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện về sự đổi thay của bản làng, quê hương mình. Ông Hồ Vai vốn quê ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa, năm 1968 đi bộ đội, tham gia chiến đấu đến năm 1974 thì xuất ngũ. Năm 1996, ông cùng vợ con đến dọn mảnh đất đầy rẫy bom mìn ở Làng Vây khai hoang, lập nghiệp rồi ở ổn định mấy chục năm nay. Chăm chỉ làm ăn, sống mẫu mực, trách nhiệm với cộng đồng, ông Hồ Vai đã được bà con tin tưởng bầu làm già làng của bản.

“Cách đây gần 30 năm, thôn Làng Vây vẫn là dải đất hoang sơ, nghèo nàn, chỉ toàn bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Giao thông cách trở, hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu, đồng bào trong thôn đa số thuộc diện hộ nghèo. Nhưng đến nay, thôn Làng Vây đã trở thành “điểm sáng” của xã Tân Long nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an ninh trật tự.

Dân bản cũng phát huy ý chí tự lực, tự cường, biết học hỏi, tiếp thu và xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập của gia đình... Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tại địa phương đã góp phần giúp bản làng “thay da, đổi thịt” với nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa; nguồn nước sinh hoạt được dẫn từ núi về tận bản; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; người dân khi ốm đau đã đến trạm y tế chăm sóc sức khỏe...” ông Hồ Vai chia sẻ.

Thôn Làng Vây có 100% người dân là đồng bào dân tộc Vân Kiều, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy nên hầu hết đều khó khăn. Là già làng và cũng là đảng viên lâu năm, ông Hồ Vai luôn trăn trở tìm cách giúp bà con vượt qua đói, nghèo. Muốn người dân tin tưởng, làm theo, ông đã tiên phong vận động gia đình, người thân đẩy mạnh tăng gia, sản xuất để nâng cao thu nhập.

Ông Hồ Vai cho biết, khi có chủ trương của huyện Hướng Hóa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông đã nắm bắt cơ hội, triển khai xây dựng các mô hình kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như trồng chuối, trồng sắn, nuôi dê... Nhờ chăm chỉ làm ăn, đời sống gia đình ông ngày càng ổn định.

Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam (thứ 2 từ trái sang) thăm, tặng quà cho ông Hồ Vai nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 - Ảnh: H.T

Không chỉ nỗ lực thoát nghèo cho bản thân và gia đình, già làng Hồ Vai còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Mặt khác, là một đảng viên gương mẫu, một người có uy tín trong cộng đồng, ông Hồ Vai luôn là cầu nối tích cực, kịp thời tiếp thu, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân trong thôn bản, vận động mọi người cùng tham gia như xây dựng đường giao thông, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới với mong muốn cuộc sống của đồng bào ngày một ấm no hơn, bản làng ngày một khởi sắc hơn.

Đất và tiền chỉ là của mình, nhưng nhà văn hóa là của cả cộng đồng”

Làng Vây là địa điểm ghi dấu trận đánh đầu tiên của Binh chủng Tăng - Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến trường miền Nam và lập chiến thắng vang dội, có ý nghĩa then chốt. Theo đó, ngày 7/2/1968, Tiểu đoàn xe tăng số hiệu 198 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực và quân dân địa phương đồng loạt nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây của địch.

Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng của quân đội ta tham gia. Và chiến thắng Làng Vây đã phá vỡ vị trí then chốt trên tuyến phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh của Mỹ - ngụy, góp phần chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa vào ngày 9/7/1968. Tri ân mảnh đất ghi đậm dấu ấn truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng - Thiết giáp anh hùng, năm 2023, Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã đồng ý hỗ trợ xây dựng ngay tại thôn Làng Vây một nhà sinh hoạt cộng đồng, làm nơi gắn kết bản làng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Khi nhận được thông tin trên, cán bộ ở xã Tân Long đã có mặt ở thôn Làng Vây để tìm đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Một số hộ dân ở bản cũng đã ngỏ ý hiến đất, nhưng diện tích nhỏ, không phù hợp, có nơi vị trí lại không thuận lợi giao thông đi lại.

Mặc dù tuổi cao sức yếu, gia đình lại đông con, nhu cầu về đất ở và đất sản xuất rất lớn nhưng ông Hồ Vai đã không ngần ngại, tự nguyện hiến tặng 651 m2 đất ở vị trí đắc địa, không xa Quốc lộ 9, gần cửa ngõ vào bản, khá bằng phẳng, rộng rãi và đang trồng nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao của gia đình để địa phương cùng nhà tài trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Xúc động hơn, trước kia, ông Hồ Vai cũng đã từng hiến trên 300 m2 đất để địa phương thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn”.

Tuổi ngày càng già đi, mảnh đất nơi ông Hồ Vai khai hoang lập nghiệp nay ngày càng thu hẹp diện tích bởi cứ thấy có việc cần là ông lại tự nguyện hiến đất. Điều này khiến người dân ở bản Làng Vây càng thêm yêu mến, kính nể ông.

Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến

Ông Hồ Vai luôn là cầu nối tích cực, kịp thời chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong thôn, bản - Ảnh: H.T

Ông Hồ Vai bộc bạch: “Biết tin xã đang cần đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho bản làng, tôi đã bàn bạc với gia đình và đến gặp trực tiếp lãnh đạo xã để nêu nguyện vọng xin được hiến một phần diện tích đất sản xuất mà mình đã khai hoang gần 30 năm trước để làm nơi sinh hoạt cho người dân. Đất sản xuất cũng cần và nếu bán sẽ có thêm nhiều tiền, nhưng làm sao ý nghĩa bằng việc hiến mảnh đất đó để xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng khang trang, phục vụ cho hàng trăm dân bản.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ nhà sinh hoạt cộng đồng không chỉ người dân trong thôn được hưởng lợi mà gia đình tôi, các thế hệ con cháu tôi sau này cũng sẽ được hưởng lợi. Tôi là đảng viên, là già làng và người có uy tín trong cộng đồng nên việc hiến đất để xây nhà sinh hoạt cộng đồng cũng như các công trình, thiết chế văn hóa khác tại địa phương là việc nên làm để người dân tin tưởng và làm theo, từ đó chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm, già làng Hồ Vai không chỉ là đảng viên lão thành, hàng chục năm làm bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua ở địa phương mà còn là tấm gương mẫu mực trong sinh hoạt và đời sống, thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần tích cực trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, được dân bản tin tưởng, quý trọng và noi theo.

Kịp thời biểu dương, ghi nhận những đóng góp của ông, các cấp, các ngành đã trao tặng già làng Hồ Vai nhiều giấy khen, bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

“Phần thưởng lớn nhất, hạnh phúc nhất của tôi chính là niềm tin của Đảng, của dân bản, là sự ấm no, đổi mới từng ngày trên quê hương, đất nước. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của một đảng viên lão thành, người đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tròn 40 năm tuổi Đảng như tôi khi được đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, phục vụ cho lý tưởng vẻ vang và cao đẹp của Đảng, vì sự tiến bộ, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân ”, già làng Hồ Vai khẳng định.

Hà Trang

Tin liên quan:
  • Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến
    Tự nguyện hiến đất, tài sản gần 300 triệu đồng để làm đường

    Công trình nâng cấp đường nội thị Khóm 2, thị trấn Bến Quan là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 - 2024), được quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 8/2023. Quá trình giải phóng mặt bằng, hộ gia đình ông Trần Trọng Tưởng nằm ngay vị trí mở đầu tuyến đường bị ảnh hưởng lớn nhất khi một phần đất, nhà ở, quán kinh doanh cùng các công trình phụ trợ đều thuộc diện phải giải tỏa. Dù giá trị hiệt hại tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng ông đã thuyết phục gia đình đồng thuận, tiên phong hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường.

  • Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến
    Người con của bản làng

    Anh Hồ Văn Quân, sinh năm 1982, người dân tộc Pa Kô, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa, vinh dự là đại diện duy nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bà con quý mến, gọi anh là người con của bản làng.

  • Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến
    Hiến đất xây dựng quê hương

    Huyện Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM các địa phương trên địa bàn huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sức dân, đặc biệt người dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản để xây dựng công trình nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, huyện có 13/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.


Hà Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tận tụy làm công bộc của dân bản

Tận tụy làm công bộc của dân bản
2024-09-19 05:30:00

QTO - Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã có dịp đi về trên những bản làng vùng cao Quảng Trị, tiếp xúc với những người cán bộ cơ sở lặng thầm đóng góp...

Thời tiết