{title}
{publish}
{head}
Những ngày này, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh chuẩn bị kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2024). Khoảng thời gian này, nhiều sự kiện ý nghĩa được tổ chức ở đây, tạo nên không khí rộn ràng và khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho lớp cháu con. 70 năm truyền thống của mảnh đất Vĩnh Linh đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, góp phần thống nhất non sông và xây dựng lại quê hương ngày thêm đổi mới. Ngày nay, thế hệ tiếp bước đang nỗ lực xây nên những “lũy hoa” xinh đẹp và trù phú trên miền đất thép anh hùng.
Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh ngày càng đổi mới - Ảnh: TÚ LINH
Biến đất cằn thành rừng xanh
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ- ngụy từng cuồng vọng tuyên bố “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”... nhưng đất thép Vĩnh Linh- tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã rất cảnh giác và có đủ sức mạnh cùng ý chí quyết tâm chặn đứng âm mưu của kẻ thù. Không những thế, Vĩnh Linh đã tập trung xây dựng để trở thành hậu phương trực tiếp, chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Qua từng giai đoạn lịch sử, Vĩnh Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng, giành lại độc lập, thống nhất cho đất nước. Kết thúc chiến tranh, từ hầm hào, địa đạo đi lên, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh đã biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm xây dựng lại quê hương. Từ “vùng đất chết”, Vĩnh Linh đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành huyện trọng điểm của tỉnh trên nhiều lĩnh vực.
Chúng tôi cùng ông Lê Đa Kiểu (ngoài 80 tuổi) nguyên là Trung đội trưởng Trung đội súng máy phòng không 12,7 mm của dân quân ở thôn Linh Hải, xã Vĩnh Thủy năm xưa thăm lại trận địa cách đây gần 60 năm, ông cùng đồng đội bắn rơi máy bay của địch. Ông Kiểu là người trực tiếp tham gia trận chiến đấu bắn rơi 6 máy bay Mỹ ngày 11/11/1966 nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, ông không kể nhiều về chiến tranh, bởi theo ông “đó đã là chuyện của quá khứ”.
Chỉ tay vào cánh rừng bạt ngàn cây tràm và cao su xanh ngát, ông Kiểu tự hào khoe đó là gia tài mình có được. Sau chiến tranh, cũng như bao người lính khác, ông Kiểu trở về cuộc sống đời thường.
Từ hai bàn tay trắng, ông cùng vợ lao động xây dựng kinh tế gia đình, nuôi 6 người con trưởng thành. Những tháng ngày khai hoang, vỡ đất ở vùng gò đồi thôn Linh Hải, xã Vĩnh Thủy để tăng gia sản xuất, nuôi sống gia đình cũng vất vả không kém gì những năm tháng tham gia chiến đấu.
Bởi lẽ hồi đó cuộc sống còn khó khăn, phương tiện hỗ trợ lao động không có, gia đình ông hầu như khai hoang, vỡ đất bằng đôi bàn tay. Biết bao mồ hôi, công sức đổ xuống cho đất cằn được hồi sinh.
“Chỉ có ý chí được hun đúc trong những năm tháng chiến tranh mới giúp tôi có được nghị lực để chinh phục vùng gò đồi này. Nay đất đã cho “quả ngọt”. 8 ha đất rừng trồng tràm, cao su đi vào khai thác mang lại giá trị kinh tế cao”, ông Kiểu chia sẻ. Dưới tán rừng trồng, ông còn chăn thả 50 con dê thịt. Nay tuổi già sức yếu, ông Kiểu giao lại “gia tài” này cho các con quản lý. Nối tiếp sự cần mẫn của cha, các con ông Kiểu ngày ngày chăm chỉ vun xới để đất tiếp tục xanh tươi, trù phú, cho cây trồng có năng suất cao.
Ông Lê Đa Kiểu bên vườn cam của gia đình -Ảnh: TÚ LINH
Tại vùng quê cách mạng này, cũng như ông Kiểu, nhiều gia đình giàu lên từ đất đai, trong đó có ông Hoàng Xuân Văn ở thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy. Gia đình ông Văn có 10 ha cao su đã cho khai thác, trung bình mỗi ngày cạo mủ cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Chưa kể diện tích rừng trồng gần 1.600 ha, hơn 1.000 ha cao su tiểu điền đã mang lại cho người dân Vĩnh Thủy nguồn thu nhập đáng kể.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Chiến cho biết: không chỉ làm nên những chiến công lẫy lừng trong chiến đấu, người dân Vĩnh Thủy hôm nay tiếp tục phát huy những phẩm chất cần mẫn, chăm chỉ của mình, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Vĩnh Thủy vinh dự trở thành xã đầu tiên của huyện Vĩnh Linh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây cũng là một trong những địa phương của huyện Vĩnh Linh đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, huyện Vĩnh Linh đã quy hoạch, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ đắc lực trong việc sử dụng, khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất đai để phát triển kinh tế.
Đối với các địa phương thuộc vùng gò đồi như: thị trấn Bến Quan, các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn, Vĩnh Chấp hay 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà..., huyện tạo điều kiện để các địa phương được tiếp cận nhiều chương trình, dự án, nguồn vốn, chuyển giao công nghệ.
Các địa phương ở vùng gò đồi đã triển khai đầu tư sản xuất với những mô hình kinh tế phù hợp, tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích.
Đến nay, tổng diện tích cây cao su của huyện là 6.485 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 6.242 ha. Tổng diện tích hồ tiêu 1.317 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.293 ha. Diện tích rừng trồng hơn 20.000 ha, trong đó diện tích cho khai thác hơn 15.000 ha, độ che phủ rừng đạt trên 51%.
Xã đứng đầu về nuôi tôm nước lợ
Xã Vĩnh Sơn nằm ven sông Bến Hải. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết, Vĩnh Sơn là xã đi đầu của tỉnh về sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, nhất là nuôi tôm nước lợ.
Câu chuyện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, bị nhiễm mặn, phèn sang nuôi trồng thủy sản ở xã này bắt đầu từ năm 2000. Các thôn Phan Hiền, Huỳnh Thượng, Huỳnh Xá Hạ nằm sát sông Bến Hải nên ruộng lúa luôn bị chua phèn, nhiễm mặn, năng suất trồng lúa rất thấp. Những ngày đó đời sống người dân 3 thôn này rất khó khăn khi chỉ biết trông chờ vào cây lúa.
Xã Vĩnh Sơn đi đầu trong phát triển mô hình nuôi tôm hiệu quả và trở thành địa phương nuôi tôm nổi tiếng của tỉnh - Ảnh: L.A
Không để người dân mãi chịu cảnh nghèo khó, lãnh đạo xã Vĩnh Sơn tìm tòi, học hỏi cách làm ăn khắp nơi để rồi sau đó đi đến quyết định biến ruộng nhiễm mặn thành hồ tôm. Năm 2000, xã Vĩnh Sơn thí điểm 3 ha ruộng lúa ở thôn Huỳnh Xá Hạ bị nhiễm mặn đào hồ nuôi tôm sú.
Gần 4 tháng sau, vụ tôm đầu tiên cho thu hoạch, tổng sản lượng tôm thu về được 800 kg. Qua vụ thứ hai, xã thí điểm thêm 5 ha, nâng diện tích chuyển đất lúa sang nuôi tôm thành 8 ha. Kết quả này mang đến niềm tin về mở ra hướng làm ăn góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống cho nhiều người dân trong xã.
Ông Thân Trọng Dũng nhớ lại, trước thực tiễn cuộc sống đặt ra, xã quyết định triệu tập phiên họp, bàn bạc vấn đề giảm đất lúa để nuôi tôm rồi thống nhất đưa vào Nghị quyết của HĐND xã. Cụ thể, xã điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển thủy sản, thống nhất chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, nhiễm mặn, phèn vùng sát sông Bến Hải sang nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú với diện tích 100 ha. Thế nhưng vì sức hút của việc nuôi tôm, bà con chuyển đổi vượt diện tích cho phép, đưa diện tích nuôi tôm lên hơn 160 ha.
Hiện Vĩnh Sơn trở thành xã đứng đầu cả tỉnh về diện tích nuôi tôm, bình quân tổng trị giá nuôi tôm mang lại cho người dân nơi đây hơn 33 tỉ đồng mỗi năm. Anh Trần Vĩnh Hoài ở Đội 4, thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn là một trong những hộ nuôi tôm thành công của xã.
Với diện tích hơn 12.600 m2 mặt nước, anh Hoài thả tôm thẻ chân trắng 2-3 vụ mỗi năm theo mô hình ao đất bán thâm canh và công nghệ cao. Năng suất đạt gần 1 tấn/1.000 m2 với nuôi tôm ao đất, 3 tấn/1.000 m2 với diện tích nuôi công nghệ cao. Sản lượng mỗi năm đạt khoảng từ 12-15 tấn, ước tính thu về gần 2 tỉ đồng/năm, trừ mọi chi phí anh Hoài thu lãi cao.
Huyện Vĩnh Linh có 3 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đó là: Nhân dân và cán bộ xã Vĩnh Thủy; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải; Trường THPT Vĩnh Linh. Vĩnh Linh tự hào là một trong 2 huyện của tỉnh Quảng Trị được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. |
Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Vĩnh Linh đạt hơn 885 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 316 ha. Không chỉ nuôi trồng, một trong những thế mạnh của huyện Vĩnh Linh là đánh bắt hải sản trên biển.
Cuối dòng sông Bến Hải về phía bờ Bắc là thị trấn Cửa Tùng, nơi đang có những đội tàu vươn khơi bám biển. Ngày trước cha ông của họ là những dân quân cùng với lực lượng các xã ven biển Vĩnh Linh ngày đêm vận chuyển vũ khí ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày nay, đội tàu của ngư dân thị trấn Cửa Tùng tiếp tục vươn khơi xa.
Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng Nguyễn Quang Hưng cho biết, đội tàu khai thác biển của thị trấn hiện có hơn 235 chiếc, giải quyết việc làm gần 1.000 lao động, góp phần đáng kể vào phát triển KT-XH địa phương.
Ông Hồ Minh Tiến ở khu phố Hòa Lý Hải, chủ tàu cá xa bờ có công suất 720CV, giải quyết việc làm thường xuyên gần 10 lao động. Không chỉ khai thác ở vùng biển Quảng Trị, tàu của ông Tiến và các ngư dân còn vươn đến các ngư trường vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa... làm giàu cho mình và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Để có một Vĩnh Linh tươi đẹp, trù phú
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Vĩnh Linh luôn thể hiện khí chất bất khuất của mình để nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ của trung ương, địa phương và bạn bè khắp nơi, Vĩnh Linh đã viết tiếp bài ca anh hùng để biến “lũy thép” năm xưa thành “lũy hoa” thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Ông Nguyễn Thiên Tùng phác họa thế mạnh phát triển của huyện Vĩnh Linh với các điểm nhấn đáng chú ý: thị trấn Bến Quan, thị trấn trung tâm Hồ Xá, thị trấn ven biển Cửa Tùng là những lợi thế riêng biệt, năng động của huyện với 3 trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - du lịch. Trong đó việc phát triển kinh tế gò đồi được xác định là một trong những thế mạnh của huyện. Mục tiêu phát triển nền kinh tế toàn diện, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng gò đồi được huyện đặc biệt quan tâm.
Vĩnh Linh đã có sự nghiên cứu, quy hoạch, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ đắc lực trong việc sử dụng, khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất đai để phát triển kinh tế, khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thử nghiệm các đối tượng nuôi trồng mới, chú trọng phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi trang trại. Với diện tích cây cao su tiểu điền, hồ tiêu hiện có hằng năm mang đến nguồn thu rất lớn cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2023 đạt hơn 60 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện Vĩnh Linh cũng đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng cơ sở, hạ tầng các cụm công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá để thu hút đầu tư phát triển gắn với từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ - du lịch.
Thời điểm này, Vĩnh Linh đã đủ điều kiện để đề xuất Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, huyện đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng huyện, làm cơ sở cho Vĩnh Linh vững vàng phát triển trong thời gian tới.
Những miền quả ngọt, cây xanh, những vùng đất trù phú và tính cách chịu thương, chịu khó của người dân Vĩnh Linh tiếp tục làm nên dấu ấn trong thời hòa bình.
Tú Linh-Minh Đức-Thanh Hải
Chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình công tác của một số nguyên lãnh đạo cấp cao, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Thủ...
QTO - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động...
Ưu tiên thời gian để Tổng Bí thư tập trung điều trị tích cực, Bộ Chính trị phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của BCH TW Đảng, Bộ...
QTO - Câu chuyện “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” sau gần nửa thế kỷ vẫn như vẹn nguyên trong ký ức của những người dân Vĩnh Linh. Sau khi sông Bến Hải được...
QTO - Gặp nhau tại trụ sở UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, sau khi nghe tôi chia sẻ cảm xúc vừa đi qua những làng quê thanh bình, xe bon bon như trôi trên...
QTO - Đó là cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí...
QTO - Ngày 21/7/1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 ở tỉnh Quảng Trị được chọn làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam...
QTO - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, qua các kỳ đại hội, MTTQ các cấp tiếp tục được củng cố và mở rộng, không...
QTO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc phấn...
QTO - “Mắt Thần” là tên gọi yêu thích của người dân phường Đông Lương khi nói về mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm” được triển khai trên địa...
QTO - Là đơn vị đầu tiên trong tỉnh và trên toàn quốc tổ chức thí điểm lớp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên...
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Quang Thuận