{title}
{publish}
{head}
Ngày 21/7/1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 ở tỉnh Quảng Trị được chọn làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Nhưng lời hẹn 2 năm sau tổng tuyển cử thống nhất nước nhà theo Hiệp định Giơ - ne- vơ đã bị chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm dưới sự bảo trợ của đế quốc Mỹ phá bỏ. Cả dân tộc Việt Nam phải bước vào cuộc đấu tranh đằng đẵng 21 năm trời với bao gian khổ, hy sinh mới nối lại nhịp cầu Hiền Lương bắc qua dòng Bến Hải. Miền đất giới tuyến hôm nay đã có nhiều đổi thay nhưng những ngày tháng lịch sử đó không thể xóa nhòa trong ký ức bao người dân.
Nhà văn Nguyễn Tuân nhiều lần đến vĩ tuyến 17 trong những năm tháng chiến tranh đã quặn thắt gọi cầu Hiền Lương là “cầu ma” vì “tuyệt nhiên không có bóng bộ hành qua lại” trên cầu (bút ký Cầu ma), gọi sông Bến Hải là “dòng sông không đủ hai bờ” (bút ký Sông Tuyến). Còn Nhân dân hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải sau khi Mỹ - Diệm tuyên bố “khóa tuyến”, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta thì nghẹn ngào gọi Bến Hải là dòng sông một bờ, bởi người bờ bên này không qua được bờ bên kia. Những câu thơ “Hiền Lương một lạch hai dòng/Người tuy bên nớ mà lòng bên ni”, “Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”... chứa chất nỗi đau chia cắt thuở nào.
Cầu Hiền Lương lịch sử được phục dựng lại nguyên bản năm 1954 - Ảnh: N.T.H
Chia đôi dòng Bến Hải
Sông Bến Hải dài hơn 100 km, bắt nguồn từ đỉnh Động Chân trên dãy Trường Sơn chảy về phía Đông băng qua những cánh rừng đại ngàn đến cầu đường sắt Tiên An, xã Vĩnh Sơn, đi giữa vùng đồng bằng hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đổ ra biển Cửa Tùng, trên thực địa dòng sông gần trùng với vĩ tuyến 17, trở thành dòng sông giới tuyến. Thuở trước, sông có tên gọi Minh Lương hay Rào Thanh, chảy đến xã Vĩnh Sơn gọi là sông Bến Hải, chảy qua làng Hiền Lương thì gọi sông Hiền Lương và về Cửa Tùng thì gọi sông Cửa Tùng.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong 2 năm để tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam. Ngày 25/8/1954, khi người Pháp cuối cùng rút khỏi Vĩnh Linh qua cầu Hiền Lương cũng là lúc dòng sông Bến Hải chính thức chia đôi hai miền Nam - Bắc.
Dẫn chúng tôi ra thăm di tích Cây đa Miếu thờ bà Chúa phi nhà Nguyễn ở thôn Nam Sơn, bờ Bắc sông Bến Hải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Sơn Nguyễn Văn Dũng giới thiệu, tại di tích này Đại đội 1 Công an vũ trang Vĩnh Linh gồm 100 cán bộ, chiến sĩ ra mắt ngày 14/8/1954.
Đơn vị này chuẩn bị các điều kiện để tiếp quản khu vực Vĩnh Linh ở 10 đồn công an giới tuyến dọc theo sông Bến Hải vào ngày 25/8/1954. Trước Cây đa Miếu thờ bà Chúa phi nhà Nguyễn là Bến Rèn (có lò rèn); đối diện bờ Nam phía làng Giang Phao người dân gọi Bến Lội, là nơi cạn nhất sông Bến Hải ở vùng đồng bằng, có thể lội qua khi thủy triều xuống.
Hai bên bờ sông Bến Hải từ cầu Hiền Lương trở lên đến vùng rừng núi phía Tây, trước năm 1954 thuộc về xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, nên bà con họ hàng thường xuyên qua lại thăm thân nhau. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, sông Bến Hải trở thành ranh giới tạm thời chia cắt hai miền, bà con cùng một xã chia đôi, bên nớ thuộc huyện Gio Linh, bên ni thuộc huyện Vĩnh Linh.
Nhiều gia đình cha mẹ, vợ chồng, anh chị em qua về sông Bến Hải thăm bà con sau khi Mỹ - Diệm “khóa tuyến” bỗng chốc trở thành người Bắc, người Nam, cách một con sông nhưng không thể gặp được nhau, vò võ nỗi nhớ mong.
Nhân dân bờ Nam sống trong vòng kìm kẹp của địch vẫn một lòng hướng về bà con, đồng bào miền Bắc. Để nhìn thấy người thân ở bờ bên kia, các mẹ, các chị lấy lý do mang áo quần, lưới ra bờ sông mà giặt, mà phơi, tay giặt mà mắt mãi kiếm tìm: “Đem áo ra sông mà giặt/Áo mòn, dạ vẫn trinh nguyên/Đem lưới xuống bến mà phơi/ Lưới khô, mắt thì đẫm huyết”.
Cuộc đấu tranh chính trị thống nhất nước nhà của Nhân dân hai bên bờ sông Bến Hải, với cây cầu Hiền Lương nối hai miền Nam - Bắc, kéo dài đến năm 1967 thì đế quốc Mỹ thả bom đánh sập cầu Hiền Lương và thực hiện chiến dịch “bạch hóa khu phi quân sự”, dồn dân lập “vành đai trắng” ở bờ Nam sông Bến Hải, ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Từ đây, cuộc chiến đấu bước vào giai đoạn ác liệt với dã tâm của Mỹ - ngụy muốn “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, đưa Vĩnh Linh trở về thời kỳ đồ đá.
Bến Rèn, nơi diễn ra sự kiện ngày 20/5/1967 Mỹ - ngụy xả súng giết hàng chục người dân bờ Nam chạy sang bờ Bắc sông Bến Hải - Ảnh: N.T.H
Ông Nguyễn Văn Dũng rưng rưng kể: “Biết được kế hoạch trận càn của địch ngày hôm trước, cấp trên chỉ đạo cán bộ, dân quân thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn triển khai các phương án đánh địch và đón bà con từ bờ Nam sang bờ Bắc tại khu vực Bến Rèn, nơi dòng sông cạn nhất. Dân quân thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn với tổng số hơn 70 người chia thành tiểu đội trực dọc bờ sông giúp dân.
Tiểu đội sơ cấp cứu và vận chuyển thương binh ra tuyến sau; tiểu đội trực chiến đấu bắn máy bay địch và tiểu đội thu hút máy bay địch lên phía các ngọn đồi để hỗ trợ đồng bào qua sông. Nhưng suốt cả ngày 19/5/1967, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào, pháo từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra liên tục không ngớt, nước thủy triều thì lên cao nên người dân không qua sông được.
Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 20/5/1967, khi thủy triều rút xuống, với sự giúp đỡ của các tiểu đội dân quân thôn Nam Sơn, hơn 1.000 người dân từ bờ Nam nhằm hướng miền Bắc tràn qua sông tuyến. Địch tổ chức bắn pháo và đưa máy bay trực thăng bay sát bờ sông xả súng máy xuống dòng người qua sông, giết hại mấy chục người, khiến dòng Bến Hải đổi màu trở thành dòng sông máu và nước mắt”.
Cuộc chiến đấu nối nhịp đôi bờ cầu Hiền Lương
Nếu dòng Bến Hải chia đôi như sự phân ly hai miền Nam - Bắc, thì cầu Hiền Lương bắc qua nối đôi bờ sông Bến Hải là biểu tượng của sự gắn kết. Không chỉ có vị trí đặc biệt, cầu Hiền Lương còn là biểu tượng khát vọng thống nhất non sông đằng đẵng 21 năm trời.
Ở hai bờ giới tuyến, câu chuyện nỗi đau chia cắt không bao giờ cũ. Chỉ cách con sông rộng gần 100 m, nhưng nhiều gia đình cha xa con, vợ mất chồng, anh em biệt nhau ròng rã hơn hai chục năm vì từ bờ sông bên này không sang được bờ bên kia.
Câu chuyện của ông Dương Thế Thú (sinh năm 1937), ở khu phố An Du Nam 1, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, là một nỗi niềm như thế. Năm 1954, ông Thú tham gia lực lượng công an vũ trang giới tuyến, làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, chiếm lĩnh các vị trí dọc giới tuyến ở bờ Bắc sông Bến Hải, còn ba mẹ ông thì ở bờ Nam thuộc Cửa Việt, huyện Gio Linh.
“Vì đặc thù nhiệm vụ, mọi hoạt động của tôi và các chiến sĩ trong lực lượng công an giới tuyến khu vực Vĩnh Linh lúc bấy giờ đều trong vòng bí mật, hoặc phục vụ tại các đồn dọc giới tuyến. Mỗi khi có nhiệm vụ phải tuần tra qua bờ Nam sông Bến Hải, chúng tôi đều phải cải trang và không được để lộ danh tính, bởi nếu địch biết có công an vũ trang xuất hiện thì bắn ngay chứ không bắt hay giam, khám”, ông Thú kể lại.
Lực lượng công an giới tuyến như ông Thú luôn đối mặt với hiểm nguy trong những lần vừa tuần tra kiểm soát giới tuyến vừa đánh trả địch ném bom phá hoại, hay những lần phải vượt sông cấp tốc đưa thông tin liên lạc từ bờ Bắc trao đổi với cảnh sát bờ Nam và ngược lại.
Ông Dương Thế Thú từng là một chiến sĩ công an vũ trang giới tuyến Vĩnh Linh - Ảnh: M.Đ
Năm 1962, ông Thú nên duyên với một người con gái ở bờ Bắc sông Bến Hải. Sau đám cưới, ông và vợ đã chia xa, gác lại tình riêng để cùng chung vai vun đắp cho khối “tình chung” - tình yêu Tổ quốc. Điều giúp họ khỏa lấp nỗi nhớ nhung, động viên nhau vượt qua bao gian khổ của chiến tranh chính là những cuộc gặp chóng vánh khi ông đi làm nhiệm vụ, tạt qua nơi bà làm việc.
Những cánh thư chan chứa lý tưởng, niềm tin, sự lạc quan và cả niềm thương nỗi nhớ đã nuôi lớn tình yêu của họ đến ngày đoàn tụ. Mãi cho đến năm 1973, khi Quảng Trị giải phóng, ông Thú mới được về thăm nhà, thăm ba mẹ sau gần 2 thập kỷ đằng đẵng nhớ thương.
Ông tâm sự: “Tôi sẽ không nhắc nhiều đến hy sinh, gian khổ trong chiến tranh, bởi thế hệ chúng tôi lúc đó chỉ có một lý tưởng là làm sao cho nước nhà được thống nhất. Với tôi, được chiến đấu và sống trong hòa bình lúc này là niềm hạnh phúc so với những đồng đội đã ngã xuống khi chưa kịp nhìn thấy dòng Hiền Lương nối đôi bờ.”
Chiến tranh leo thang ra miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành địa đầu đối mặt trực tiếp với bom đạn hủy diệt của quân thù. Người già, trẻ nhỏ được lệnh sơ tán ra các tỉnh miền Bắc theo các chiến dịch K8, K10. Người có sức khỏe ở lại trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Dưới mưa bom bão đạn, bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh hứng chịu 7 tấn bom Mỹ dội xuống, đối mặt với sự lựa chọn sinh tử “tồn tại hay không tồn tại”, nhưng quân và dân Vĩnh Linh đã sáng tạo tuyệt vời đưa làng quê vào lòng địa đạo để sống và chiến đấu, biến Vĩnh Linh trở thành lũy thép anh hùng.
Trên dòng sông tuyến, đêm đêm các bến đò A (bến Cửa Tùng), bến đò B (bến Tùng Luật), bến đò C (bến Lũy), bến đò Thượng Đông và bến đò Dục Đức ở bờ Bắc vẫn hoạt động vận chuyển đạn dược, đưa những đơn vị bộ đội lặng lẽ vượt sông vào Nam đánh địch. Ở cuối dòng Bến Hải, những đoàn thuyền của Nhân dân Vĩnh Linh từ các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch vẫn vượt sóng gió và đạn bom quân thù tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.
Thanh Hải - Minh Đức - Tú Linh
Bài 2 : Ký ức hào hùng những ngày 'ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam"
Chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình công tác của một số nguyên lãnh đạo cấp cao, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Thủ...
QTO - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động...
QTO - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, qua các kỳ đại hội, MTTQ các cấp tiếp tục được củng cố và mở rộng, không...
QTO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc phấn...
QTO - “Mắt Thần” là tên gọi yêu thích của người dân phường Đông Lương khi nói về mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm” được triển khai trên địa...
QTO - Là đơn vị đầu tiên trong tỉnh và trên toàn quốc tổ chức thí điểm lớp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên...
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Quang Thuận
QTO - Trong niềm vui hân hoan của những ngày đầu lập lại tỉnh, ngày 13/7/1989, báo Quảng Trị xuất bản số báo đầu tiên. Kể từ đó, bạn đọc không chỉ dõi theo...
QTO - Những năm qua, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn được giữ vững và ngày càng phát triển sâu...
QTO - Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố vững chắc là chủ trương mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng,...
QTO - Nhân đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019 - 2024, Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài...
QTO - Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và để lại nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá...