{title}
{publish}
{head}
Câu chuyện “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” sau gần nửa thế kỷ vẫn như vẹn nguyên trong ký ức của những người dân Vĩnh Linh. Sau khi sông Bến Hải được chọn làm ranh giới chia cắt tạm thời đất nước, chiến tranh vào hồi ác liệt, những người dân Vĩnh Linh bám trụ quê hương, trở thành những người lính trinh sát, dân quân tự vệ pháo binh, công an vũ trang giới tuyến... Họ ngày ngày vào chiến trường miền Nam thực hiện nhiệm vụ, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng khí thế sục sôi đánh Mỹ, vì một khát vọng chung là đưa nước nhà đến ngày thống nhất.
Người lính trinh sát năm xưa- ông Nguyễn Văn Trợ kể cho con cháu nghe về ký ức một thời “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” - Ảnh: M.Đ
Những chuyến “công tác” đặc biệt
Ông Nguyễn Văn Phong ở thôn Tiên Mỹ 1, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, nay đã bước qua tuổi 88. Tuy sức khỏe có phần giảm sút, đôi lúc nhớ nhớ, quên quên nhưng mỗi khi nghe nhắc đến “Khẩu đội pháo binh ĐKZ 75 ly”, ông trở nên minh mẫn lạ thường. Bởi lẽ, những tháng ngày “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” cùng đồng đội đã mãi đọng lại trong ký ức của ông.
“Năm 1954, tôi tham gia lực lượng dân quân địa phương, đến năm 1965 thì được cấp trên tin tưởng giao đảm nhận nhiệm vụ Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo binh ĐKZ 75 ly xã Vĩnh Lâm. Khẩu đội có 12 chiến sĩ với nhiệm vụ cùng người dân địa phương ban ngày sản xuất nông nghiệp, ban đêm canh gác, bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm, bảo vệ khu vực Vĩnh Linh, đầu cầu giới tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa; làm nhiệm vụ chắc tay súng, vững tay cày”, ông Phong mở đầu câu chuyện.
Mùa xuân năm 1968, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh tại chiến trường Quảng Trị nhằm thu hút lực lượng chủ lực của địch ra đường 9 để giam chân chúng, trực tiếp phối hợp và tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn trên toàn miền Nam. Ông Phong và các chiến sĩ Khẩu đội pháo binh ĐKZ 75 ly xã Vĩnh Lâm được giao nhiệm vụ vượt sông Bến Hải vào mặt trận Gio - Cam để phối hợp với các lực lượng, phong tỏa dài ngày đoạn sông từ Cửa Việt, huyện Gio Linh lên Đông Hà đánh tàu chiến của địch.
Sau khi tổ chức huấn luyện kỹ càng, ông Phong cùng 11 chiến sĩ trong khẩu đội mang vác vũ khí, lương thực vượt sông Bến Hải lúc 12 giờ đêm để vào Cửa Việt. Trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, sau một ngày đêm ròng rã thì khẩu đội đến địa phận xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Ban ngày, toàn khẩu đội phải tạm nghỉ để tránh sự theo dõi của địch, ban đêm hành quân và dừng chân tại xã Gio Mai.
Từ Vĩnh Linh vào Gio Linh tìm trận địa, không thông thuộc địa bàn nhưng ông Phong vẫn nhanh chóng bố trí lực lượng sao cho vừa thuận lợi, vừa an toàn để bắn tàu địch hiệu quả. Lúc bấy giờ, tàu địch từ cửa biển Cửa Việt theo sông Hiếu lên Đông Hà rất nhiều. Trong vai trò chỉ huy, ông Phong nghiên cứu kỹ và truyền lệnh cho các chiến sĩ phải lựa chọn chính xác mục tiêu, bắn cho trúng vì đạn rất hạn chế, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn về lực lượng.
“Sau khi tìm được nơi ẩn nấp và tấn công đợt đầu tiên, pháo ĐKZ của ta phun lửa ở cả 2 đầu nên lá chuối, lá tre khu vực xung quanh bị vàng cháy khiến trực thăng địch phát hiện. Chúng thả hàng chục quả pháo để san bằng trận địa của ta. Lúc bấy giờ, tôi và 2 chiến sĩ nữa sập hầm và bị thương, gãy mất báng súng, mất luôn cả dép. Dẫu những ngày sau đó phải đi chân trần để chiến đấu, nhưng nhờ vậy, những lần tiến đến sát bên chỗ địch đang ngồi ăn, nghỉ mà chúng không phát hiện ra”, ông Phong nói.
Trong 5 ngày chiến đấu, Khẩu đội pháo binh ĐKZ 75 ly xã Vĩnh Lâm đã bắn 8 quả đạn, làm chìm 5 chiếc tàu chiến của Mỹ. Đến ngày thứ 6, nhận thấy vị trí ẩn nấp đã bị quân địch phát hiện, được lệnh cấp trên, ông Phong cùng các chiến sĩ rút quân trở về bờ Bắc. Chiến công bắn chìm 5 tàu chiến Mỹ của Khẩu đội pháo binh ĐKZ 75 ly xã Vĩnh Lâm được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 chiến sĩ được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì và 10 chiến sĩ được khen thưởng.
Ông Nguyễn Văn Phong - Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo binh ĐKZ 75 ly xã Vĩnh Lâm luôn khắc ghi trong tâm khảm những tháng ngày chiến đấu hào hùng -Ảnh: M.Đ
Bằng tài thao lược khôn khéo, những lần qua bờ Nam trực tiếp chiến đấu, ông Phong luôn phán đoán được tình hình địch, lên kế hoạch tấn công và cùng đồng đội lập thêm nhiều chiến công như: năm 1971, tham gia đánh nhiều trận tại Cồn Tiên, Dốc Miếu làm cháy 1 kho xăng, 1 trực thăng, đánh sập toàn bộ đài quan sát của địch, tiêu diệt 10 lính Mỹ, ngụy; góp phần đập tan hàng rào điện tử McNamara. Khẩu đội tiếp tục được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 người được tặng Huy hiệu Bác Hồ và 8 người được tặng bằng khen. Giờ đây, những đồng đội năm xưa chung khẩu đội với ông Phong người còn, người mất. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những chuyến vượt sông đánh giặc với nhiều chiến công sẽ mãi là một phần ký ức hào hùng không thể nào quên của người lính “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” nơi đất lửa anh hùng.
Gặp gỡ chúng tôi trong những ngày tháng 7, khi miền giới tuyến Vĩnh Linh đang tưng bừng trong không khí Lễ hội Vì Hòa bình, ông Nguyễn Văn Trợ (sinh năm 1943), ở thôn Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh không khỏi bồi hồi, xúc động. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là chiến sĩ của C24 trinh sát đặc công, Trung đoàn 270 (Trung đoàn giới tuyến) sát cánh cùng quân và dân Vĩnh Linh bảo vệ giới tuyến quân sự và khu vực Vĩnh Linh, chống địch dụ dỗ, cưỡng ép Nhân dân di cư vào Nam.
Trong ký ức của ông Trợ, mỗi lần từ bờ Bắc sông Bến Hải sang bờ Nam làm nhiệm vụ đều là một chuyến công tác “đặc biệt”. Tháng 4/1966, ông được giao nhiệm vụ vượt sông Bến Hải sang căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu để nắm thực lực, tình hình hoạt động của địch. Trong lần đầu thực hiện nhiệm vụ, vì không thông thuộc địa hình ở bờ Nam nên ông Trợ cùng đồng đội phải dò đường theo dòng nước, băng rừng vừa thăm dò, vừa tránh mìn.
Đoạn qua xã Gio An, quân địch nghi ngờ có bộ đội Việt Nam đi nắm tình hình nên xả đạn liên tục vào nhiều vị trí. Người đồng đội đi cùng ông lúc ấy trúng đạn và ngã xuống ngay phía sau. “Lần đầu tiên chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh cách mình vài bước chân, tôi không khỏi bàng hoàng. Điều đó cũng đã khiến lòng căm thù và quyết tâm đánh Mỹ trong tôi càng thêm lớn.
Sau khi báo với các mũi trinh sát khác để đưa đồng đội trở về, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục huấn luyện thêm, phối hợp chặt chẽ với cán bộ cơ sở ở bờ Nam để thực hiện tiếp nhiều chuyến trinh sát khác”, ông Trợ nói.
Những hy sinh khó nói hết bằng lời...
Từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975, với tinh thần “Chiến trường cần gì, Vĩnh Linh sẵn sàng đáp ứng”, quân và dân Vĩnh Linh đã hết lòng, hết sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường Trị - Thiên ruột thịt. Quân, dân các địa phương sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Đằng sau những chiến công ấy là muôn vàn gian khổ, hy sinh và nhiều nỗi niềm không đong đếm được.
Bà Ngô Thị Thọ (đứng sau) và đồng đội là bà Lê Thị Xảo ôn lại những ký ức một thời trực chiến tại bến đò B Tùng Luật năm xưa -Ảnh: M.Đ
Mỗi lần nhận nhiệm vụ sang bờ Nam chiến đấu, ông Trợ đều lường trước được tình hình chiến trường rất ác liệt, biết chắc mình sẽ cận kề cái chết. Có lần, trước lúc đi chiến đấu, ông nói với gia đình: “Con đi, có khi không trở về, ba mẹ có cơm muối hay củ khoai, củ sắn chi thì đưa ra ăn chơ biết khi mô mới ngồi lại được với nhau để ăn một bữa cơm nhà”.
Từ năm 1967, trong cương vị Trung đội trưởng Trung đội Lê Hồng Phong, ông Trợ nhiều lần trực tiếp chỉ huy đơn vị vào nắm tình hình tại địa bàn các xã Gio Quang, Gio Châu, Gio Sơn (huyện Gio Linh)... Dù ông đặc biệt cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc, đảm bảo an toàn cho mình và đồng đội nhưng một lần, khi đang thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn xã Gio Sơn thì mũi trinh sát bị quân địch phát hiện và xả súng kinh hoàng.
Ông lập tức cùng các đồng đội chống trả quyết liệt, hô to “sẵn sàng chiến đấu, không sợ hy sinh” và tiêu diệt 4 lính địch. Sau chuyến trinh sát ấy, ông bị thương nặng và phải về hậu cứ để điều trị. Sau 4 tháng điều trị, dù chưa lành hẳn, ông vẫn báo cáo với cấp trên là vết thương đã khỏi, đủ sức khỏe để tiếp tục lên đường vào Nam...
“Kể ra, tôi vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người khác. Bởi “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” rồi vẫn an toàn trở về. Có những người, bữa cơm cuối cùng của họ trên đất Bắc nhưng thân xác nằm lại bờ Nam”, ông Trợ bùi ngùi.
Bến đò B Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh nằm cuối dòng Bến Hải. Bến đò lịch sử này chứng kiến gương hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do của biết bao người con miền đất lũy thép. Chúng tôi gặp bà Ngô Thị Thọ (sinh năm 1947), từng là một dân quân làm nhiệm vụ trực chiến tại bến đò B Tùng Luật từ năm 1967 đến năm 1973.
Bà Thọ kể lại: “Lúc đó, tôi được vào một 1 tiểu đội gồm 12 người, trong đó có 6 nữ đều là những người bơi, chèo giỏi. Tiểu đội có nhiệm vụ ban ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu, ban đêm chèo thuyền vận chuyển vũ khí, lương thực, đưa bộ đội chủ lực vượt sông Bến Hải vào chiến trường miền Nam; đưa thương binh, liệt sĩ về tuyến sau”.
Nhìn bà Thọ đi lại khó khăn, chúng tôi hỏi ra mới biết bà từng nhiều lần bị thương trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có những lần cận kề cái chết. Năm 1968, trong một chuyến đò đưa bộ đội qua sông, khi bà và 1 đồng chí nam trở về bờ Bắc thì bị địch tấn công. Thấy máy bay địch trút bom xuống quá gần, bà bàn với đồng đội lặn xuống sông, chỉ dùng tay đẩy thuyền để tránh địch nhìn thấy. Thuyền vừa vào tới bến thì một mảnh bom phạt xuống ngay dưới chân bà. Mặc dù bị thương nhưng bà cố giấu, chỉ báo với đơn vị là bị một vết thương nhỏ để được tiếp tục làm nhiệm vụ. Bà Thọ xúc động kể: “Nói làm sao hết nỗi niềm của những thanh niên vừa mười tám, đôi mươi lúc đó. Có những lần chở thương binh, liệt sĩ từ chiến trường trở về, tôi không khỏi xúc động, bàng hoàng khi nhìn những khuôn mặt chiến sĩ rất trẻ, điển trai nhưng đã lạnh ngắt, trên cơ thể chằng chịt vết thương. Biết họ là những sinh viên miền Bắc viết đơn xin nhập ngũ, có lẽ chưa từng một lần được nắm tay con gái, tôi khẽ nắm tay từng đồng chí như một lời vĩnh biệt”.
Mặc dù thường xuyên hứng chịu bom đạn của địch nhưng tại bến đò B Tùng Luật, quân và dân xã Vĩnh Giang đã đưa đón hàng ngàn lượt người từ bờ Bắc sang bờ Nam. Tại đây cũng đã chuyên chở hàng trăm thương binh, tử sĩ và người dân từ bờ Nam sang bờ Bắc; vận chuyển nhiều chuyến hàng ra đảo Cồn Cỏ. Những nữ dân quân như bà Thọ đã làm việc không quản ngày đêm với cái chết cận kề. Họ chỉ nung nấu một quyết tâm duy nhất: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những hy sinh của quân dân Vĩnh Linh nói riêng, cả nước nói chung được đền đáp sau hơn 20 năm đằng đẵng đấu tranh. Sau khi Hiệp định Pa-ri ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, cây cầu Hiền Lương bằng bê tông cốt thép được xây dựng và hoàn thành năm 1974 đã chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất ngày 30/4/1975. Sông Bến Hải từ đó mới được trả lại đôi bờ như những dòng sông hiền hòa trên dải đất Việt Nam.
Minh Đức - Thanh Hải - Tú Linh
Bài 3: Xây “lũy hoa” trên vùng đất thép anh hùng
QTO - Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân...
QTO - Tết cổ truyền của dân tộc năm 2025 đang đến gần, để bảo đảm an toàn tuyệt đối về an ninh trật tự cho Nhân dân trên địa bàn thị xã vui xuân, đón Tết,...
QTO - Gặp nhau tại trụ sở UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, sau khi nghe tôi chia sẻ cảm xúc vừa đi qua những làng quê thanh bình, xe bon bon như trôi trên...
QTO - Đó là cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí...
QTO - Ngày 21/7/1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 ở tỉnh Quảng Trị được chọn làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam...
QTO - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, qua các kỳ đại hội, MTTQ các cấp tiếp tục được củng cố và mở rộng, không...
QTO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc phấn...
QTO - “Mắt Thần” là tên gọi yêu thích của người dân phường Đông Lương khi nói về mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm” được triển khai trên địa...
QTO - Là đơn vị đầu tiên trong tỉnh và trên toàn quốc tổ chức thí điểm lớp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên...
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Quang Thuận
QTO - Trong niềm vui hân hoan của những ngày đầu lập lại tỉnh, ngày 13/7/1989, báo Quảng Trị xuất bản số báo đầu tiên. Kể từ đó, bạn đọc không chỉ dõi theo...
QTO - Những năm qua, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn được giữ vững và ngày càng phát triển sâu...