Cập nhật: Thứ 2, 12/11/2018 | 05:44 GMT+7

Áp lực quốc tế gia tăng lên Arab Saudi sau vụ sát hại nhà báo

QĐND - Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí Arab Saudi cần phải làm sáng tỏ cái chết của nhà báo người Arab Saudi Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao các đoạn ghi âm liên quan đến cái chết của nhà báo này cho châu Âu nhằm duy trì áp lực quốc tế với Riyadh.

Theo RT, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 10-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Ankara đã cho Mỹ, Arab Saudi, Pháp, Đức, Anh nghe các đoạn ghi âm có liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán của Arab Saudi ngày 2-10 tại Istanbul. Ông Erdorgan nói rằng: “Họ đã nắm được toàn bộ sự việc do họ đã nghe toàn bộ các cuộc hội thoại và tất cả mọi thứ”.

Tổng thống Erdogan không nói chi tiết nội dung các đoạn ghi âm nhưng theo hai nguồn tin trả lời Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều đoạn ghi âm bao gồm quá trình vụ án diễn ra và các đoạn hội thoại trước đó mà nước này phát hiện được. Theo Reuters, những bằng chứng này khiến Ankara đưa ra kết luận vụ ám sát đã được lên kế hoạch, dù ban đầu Arab Saudi phủ nhận có thông tin, hay liên quan đến vụ án.

Phản đối hành động sát hại nhà báo Khashoggi bên ngoài Đại sứ quán Arab Saudi ở thủ đô London (Anh). Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cáo buộc Arab Saudi biết rõ về hung thủ đã xuống tay với ông Khashoggi nằm trong nhóm 15 nghi phạm đã tới Istanbul một ngày trước khi vụ giết người xảy ra và rời đi vài giờ sau đó. Tổng thống Erdogan khẳng định, “những kẻ sát nhân chắc chắn nằm trong 15 hoặc 18 người đó, không cần phải tìm đâu xa”. Chính quyền Riyadh thông báo đã bắt giữ 18 người Arab Saudi liên quan đến vụ này, đồng thời mở cuộc điều tra theo hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, vụ việc đã được lên kế hoạch từ trước.

Nhà báo Khashoggi đã biến mất một cách bí ẩn sau khi đi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul lấy giấy tờ để đăng ký kết hôn. Vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nhà báo này đã bị giết hại và nói rằng họ có bằng chứng là các đoạn ghi âm có đầy đủ chi tiết những giây phút cuối đời của ông Khashoggi.

Trước đó, truyền thông nước này đã đưa tin về nội dung đoạn ghi âm, dẫn nguồn tin nói rằng, thi thể ông Khashoggi đã bị phân ra thành các phần khác nhau.

Arab Saudi ban đầu bác bỏ mọi sự liên quan tới cái chết của ông Khashoggi, khẳng định nhà báo này đã rời khỏi lãnh sự quán sau khi xong việc. Sau hơn hai tuần, họ thừa nhận rằng ông Khashoggi đã chết trong một âm mưu được tính toán và lên kế hoạch. Riyadh nhấn mạnh rằng, họ đang điều tra người đứng sau chỉ đạo vụ việc.

Al Jazeera dẫn một nguồn tin từ Văn phòng công tố Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, giới chức Arab Saudi bị nghi là đã sử dụng axit hydrofluoric và các chất hóa học khác để thủ tiêu thi thể nhà báo Khashoggi sau đó tiêu hủy dưới dạng chất lỏng. Theo nguồn tin, dấu vết của các chất này được tìm thấy bên trong một giếng nước tại nơi ở của Tổng lãnh sự Arab Saudi Mohammed al-Otaibi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Cái chết của ông Khashoggi, nhà báo viết cho tờ Washington Post, đã gây sốc và phẫn nộ trên thế giới. Tuy nhiên, các cường quốc thế giới cho đến nay được cho là đã không đưa ra nhiều hành động cứng rắn chống lại Arab Saudi, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ngày 10-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cùng nhất trí giới chức Arab Saudi cần phải làm sáng tỏ hoàn toàn cái chết của nhà báo Khashoggi. Theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng, các bên liên quan không nên để vụ việc khiến tình hình Trung Đông thêm bất ổn.

Arab Saudi, quốc gia dẫn đầu liên minh Hồi giáo chống phiến quân Houthi tại Yemen, hiện đang vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế khi thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ, song không cho biết thi thể nhà báo đang ở đâu. Trước thời điểm bị sát hại, nhà báo này được cho là đang có kế hoạch tiết lộ việc Arab Saudi sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tại Yemen. Cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước là đồng minh của Arab Saudi bày tỏ quan ngại về vụ việc này và cảnh báo về các hạn chế trong quan hệ song phương.

XUÂN PHONG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nguy cơ Ruxit đe dọa châu Âu

Nguy cơ Ruxit đe dọa châu Âu
00:40 10/11/2018

QĐND - Tổng thư ký Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) Thorbjørn Jagland mới đây lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Ruxit, chỉ việc Nga rời khỏi Hội đồng châu Âu (EC). Nếu Ruxit xảy...

Thời tiết

25°C - 34°C
Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long