Cập nhật: Thứ 3, 06/11/2018 | 06:45 GMT+7

“Cơn sóng thần” trên chính trường Mỹ?

QĐND - Gần hai năm sau cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính và bất ngờ, chính trường nước Mỹ lại bước vào một cuộc đua được dự báo cũng gay cấn không kém: Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào hôm nay (6-11).

Không chỉ là cuộc tái đấu tranh giành kiểm soát lưỡng viện giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cuộc bầu cử lần này còn được coi là “chiến dịch tranh cử tổng thống thứ hai” với cá nhân ông Donald Trump.

Dù không phải là năm bầu cử tổng thống, song có thể thấy sự quan tâm của cử tri Mỹ đối với cuộc bầu cử giữa kỳ lên cao một cách bất thường. Bằng chứng là số cử tri đi bầu cử sớm lớn hơn rất nhiều so với những lần trước đây. Ở cuộc bầu cử lần này, cử tri sẽ bỏ phiếu chọn 35 thượng nghị sĩ, 36 thống đốc bang và toàn bộ 435 thành viên của Hạ viện, cũng như các quan chức lập pháp địa phương.

Trong khi mục tiêu của đảng Cộng hòa hiển nhiên là tiếp tục giữ được đa số ghế tại Quốc hội Mỹ, thì đảng Dân chủ cũng chỉ chờ cơ hội này để lật ngược thế cờ và lấy lại sự cân bằng về cán cân quyền lực trong lưỡng viện Quốc hội, từ đó kiềm chế quyền hành và các quyết sách khó lường của Tổng thống Donald Trump.

Ảnh minh họa / Reuters

Từ nhiều tháng qua đã xuất hiện những dự báo về kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, trong đó phần lớn đều nghiêng về khả năng đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục chiếm ưu thế ở Thượng viện, trong khi các ứng viên đảng Dân chủ sẽ “leo dốc” thành công để chiếm vai trò đa số tại Hạ viện. Nhiều cuộc thăm dò cũng khẳng định các đảng viên Dân chủ hiện đang lấy lòng được nhiều cử tri và những người dân Mỹ không ủng hộ những quyết sách của ông Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa trong gần hai năm qua. Dĩ nhiên, kết quả thăm dò đó không có nghĩa là chắc chắn những người “bất mãn” với chính quyền của ông Donald Trump sẽ tạo nên sự khác biệt khi cầm lá phiếu trên tay.

Trong lịch sử bầu cử tại Mỹ, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ thường là tin xấu đối với đảng đang kiểm soát Nhà Trắng. Nhưng nên nhớ rằng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, hầu hết các phương tiện truyền thông và cơ quan nghiên cứu đều dự đoán cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton chứ không phải tỷ phú Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Do đó, kết quả của mọi cuộc thăm dò suy cho cùng chỉ mang tính chất tham khảo và không thể bảo đảm cho một chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử lần này.

Khi cơn sốt bầu cử đang gia tăng từng giờ, từng phút, gần đây nước Mỹ lại phải chứng kiến những vụ việc động trời. Điển hình trong số đó là vụ xả súng vào đám đông đang cầu nguyện ở một giáo đường Do Thái tại thành phố Pittsburgh khiến 11 người thiệt mạng và trước đó là một loạt bom thư do một kẻ tình nghi gửi cho các chính trị gia nổi tiếng của Mỹ, trong đó có cả hai cựu Tổng thống Barack Obama và Bill Clinton. Thêm vào đó, trước thềm bầu cử, hoạt động tội phạm liên quan tới các phát ngôn gây hận thù cũng có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên nước Mỹ.

Những sự kiện đó chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý của cử tri Mỹ trong ngày bỏ phiếu và phía đảng Dân chủ cũng nhân cơ hội này để chỉ đích danh Tổng thống Donald Trump là người “chia rẽ nước Mỹ một cách có chủ ý”.

Nhưng không vì thế mà nỗ lực giữ thế đa số tại lưỡng viện Quốc hội của đảng Cộng hòa suy yếu, bởi trong cái rủi luôn có cái may. Chỉ ít ngày trước “giờ G”, Bộ Lao động Mỹ đưa ra những số liệu có lợi với chính quyền của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa. Theo đó, thu nhập của người lao động Mỹ tăng thêm 3,1% so với năm ngoái và là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức thấp nhất sau gần nửa thế kỷ là 3,7% và chỉ trong tháng 10 vừa qua đã có thêm 250.000 việc làm mới được tạo ra.

Chưa rõ sự tăng trưởng đó kéo dài bao lâu, song điều quan trọng là nhiều cử tri nói rằng, những tín hiệu khả quan đó đủ để họ bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường được xem là phép thử hay một cuộc trưng cầu dân ý đối với sự điều hành của tổng thống đương nhiệm và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Bởi với cá nhân Tổng thống Donald Trump, cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống sẽ là cơ hội để kiểm chứng những lựa chọn chiến lược sau gần hai năm nắm quyền, đồng thời là “chỉ dấu” để xem liệu ông có thể tiếp tục điều hành Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020 hay không?

Thế nên, dù không có tên trong phiếu bầu ở cuộc bầu cử ngày 6-11, trong những ngày qua ông Donald Trump đã tham gia rất nhiều vào chiến dịch vận động tranh cử với vai trò hệt như “ứng cử viên trưởng” của đảng Cộng hòa. Đích thân ông Donald Trump đã tới hết bang này đến bang khác với hy vọng dùng ảnh hưởng của mình để hỗ trợ các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và tiếp thêm năng lượng đến những người ủng hộ trên khắp cả nước. Tại các khu vực có mức độ cạnh tranh phiếu bầu cao, thông điệp mà ông Donald Trump cố gắng truyền tải đều xoay quanh kết quả tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng với đó là những tuyên bố hùng hồn về kế hoạch ngăn chặn dòng người nhập cư vào Mỹ.

Thông qua những chuyến vận động “marathon” và việc chi phối gần như toàn bộ các bản tin hằng ngày trên toàn nước Mỹ, chạm đến nhiều khía cạnh của đời sống chính trị của xứ cờ hoa, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy tầm ảnh hưởng của mình trong nội bộ đảng Cộng hòa và chứng tỏ ông vẫn có tác động rất lớn đến quyết định bỏ phiếu của các cử tri Mỹ.

Liệu các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ thành công trong việc tạo ra “cơn sóng thần” để thay đổi tình thế hay hy vọng “lật đổ” của họ tiếp tục bị nhấn chìm bởi “nhân tố Donald Trump”, qua đó đặt ông chủ Nhà Trắng vào một vị thế tốt để tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai? Câu hỏi đó cũng chính là điều tạo nên sự hấp dẫn và gay cấn cho cuộc bầu cử lần này.

VŨ HÙNG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Ông Trump tuyên bố chiến thắng
08:59 06/11/2024

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sau khi Fox News dự đoán ông đã đánh bại ứng cử viên Đảng Dân ...

Mỹ - Trung đều muốn hạ nhiệt?

Mỹ - Trung đều muốn hạ nhiệt?
00:19 03/11/2018

TP - Đã có những tín hiệu lạc quan về khả năng giải quyết các căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 25°C - 35°C
    Có mây, không mưa
  • 29°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long