Cập nhật:  GMT+7

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững

LÊ QUANG TÙNG, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Đó là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong thực tiễn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, suốt 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong từng giai đoạn lịch sử giải phóng dân tộc hay xây dựng và bảo vệ đất nước, MTTQ Việt Nam luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân, nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Trị đã luôn bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm vụ chính trị hằng năm để xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động, cùng với các tổ chức thành viên, Mặt trận đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng là lực lượng nòng cốt chính trị ở cơ sở; tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thu hút đông đảo các giai cấp, tầng lớp trong xã hội tham gia, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng -an ninh (QP-AN), xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh.

Mặt trận các cấp trong toàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì; lồng ghép, cụ thể hóa và thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 75/101 xã, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững

Cụm Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái với người nghèo. Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” đã huy động được 169.438 triệu đồng nhằm hỗ trợ sinh kế, xây dựng mới và sửa chữa 2.640 nhà ở cho người nghèo.

Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, Mặt trận các cấp trong toàn tỉnh đã vận động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chung tay phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh; huy động nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng COVID-19.

Tích cực chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên trong công tác vận động và phân phối cứu trợ hỗ trợ Nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Thông qua Cổng thông tin cứu trợ-thiện nguyện, việc vận động, ủng hộ được diễn ra công khai, minh bạch, đúng đối tượng, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định quan điểm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ.

MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án quan trọng của tỉnh. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, linh hoạt, kiên trì, thận trọng, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, lực lượng nòng cốt của các tôn giáo, già làng, trưởng bản ở địa phương vận động từng bước, kiên trì thuyết phục, chia nhóm để có hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời nắm bắt, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Từ đó, đề xuất cấp ủy, chính quyền từng bước tháo gỡ các “nút thắt” trong GPMB các dự án trọng điểm như: Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 1, Cảng hàng không Quảng Trị, cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ, Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng biển Mỹ Thủy...Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tạo quỹ đất sạch thu hút và triển khai nhiều dự án quan trọng để thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Vai trò của Mặt trận trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng rõ nét, đi vào thực chất hơn. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia chuẩn bị và vận động Nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật, góp phần để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp với 99.77 % cử tri đi bầu.

Mặt khác, MTTQ các cấp chú trọng tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của Nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, vận động, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác những hành vi sai phạm trong công tác thu hồi đất, GPMB, bồi thường, tái định cư.

Tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại, lập các tổ vận động với các thành viên là MTTQ Việt Nam, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ; xây dựng các điển hình tiên tiến thực hiện GPMB trong cộng đồng để nêu gương, tạo hiệu ứng lan tỏa, lấy Nhân dân vận động Nhân dân, chủ động giám sát việc chi trả tiền bồi thường, bố trí tái định cư cho người dân với phương châm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, nhất là công tác chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng vùng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết. Công tác giám sát, phản biện xã hội, vận động Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả bước đầu...

Hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển; tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đội ngũ cán bộ Mặt trận được củng cố, tăng cường, nhiệt huyết, bản lĩnh, năng lực, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và kỹ năng “dân vận” góp phần nâng cao chất lượng tổ chức, thực hiện hiệu quả các phong trào, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo nêu cao vai trò, trách nhiệm trong nội bộ hệ thống của mình, Mặt trận chủ động phối hợp xây dựng chương trình thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, điều hòa để nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn xã hội. Vì vậy, ngày càng khẳng định rõ hơn, xứng đáng là cầu nối và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Với những kết quả đã đạt được, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sức mạnh tổng hợp, phát huy nội lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Quảng Trị ngày càng phát triển giàu đẹp và văn minh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu đó rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng thuận của toàn xã hội, trong đó có vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển” được xác định tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024-2029, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của MTTQ và các thành viên, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết Nhân dân, tăng cường vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, kiều bào ở nước ngoài, con em người Quảng Trị trên cả nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng và hành động để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là triển khai sâu rộng trong Nhân dân Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo mọi người dân đều nắm đầy đủ, đúng tinh thần, nội dung các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; làm tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đảm bảo thiết thực, ý nghĩa, là nét đẹp truyền thống của dân tộc, khẳng định “thương hiệu” của Mặt trận các cấp.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã đề ra, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và có sản phẩm cụ thể, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, qua đó, lựa chọn, nhân rộng những mô hình hay, tiêu biểu trong Nhân dân.

Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội; vận động và điều phối hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ tốt nhất cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào có đạo. Mặt trận cần phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững; đặc biệt hoàn thành đề án nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, xây dựng và củng cố các tổ hòa giải cơ sở, thực hiện dân chủ, giảm thiểu mâu thuẫn, tranh chấp từ cơ sở, phản biện chính sách, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đứng trước những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với tinh thần trách nhiệm cao, hy vọng rằng MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh sẽ không ngừng vững mạnh, năng động, sáng tạo, là lực lượng chính trị nòng cốt ở cơ sở, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Tin liên quan:
  • Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững
    Phát huy sức mạnh đại đoàn kết để khơi dậy khát vọng phát triển quê hương

    Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự phối hợp và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết các dân tộc, hướng mạnh về cơ sở, vùng sâu, vùng xa; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

  • Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững
    Góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt

    Huyện Hướng Hóa có 21 xã, thị trấn; trong đó có 14 xã điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của huyện được ưu tiên dành nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 ra đời, cùng với CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới trước đó đã tiếp thêm nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện phát triển.

  • Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững
    Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng củng cố và phát huy

    Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết 04/NQ/ĐCT-MTTW lấy ngày 18/11 hằng năm tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó đến nay qua 20 năm, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã trở thành một thói quen, một ngày vui hằng năm của các cộng đồng dân cư trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Từ đó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được không ngừng củng cố và phát huy.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết