Cập nhật:  GMT+7

Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản

“Thầy thuốc như mẹ hiền” - lời dạy của Bác Hồ kính yêu luôn được bác sĩ người Pa Kô Trần Văn Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Vao, huyện Đakrông khắc sâu trong tâm suốt gần ba mươi năm gắn bó với nghề y của mình. Ở vùng đặc biệt khó khăn này, mỗi việc làm của bác sĩ Thiện đều chạm vào trái tim của những ai tiếp xúc với ông. Đó là sự gần gũi, ân cần, chu đáo, thương yêu người bệnh và người nhà bệnh nhân như anh em ruột thịt, tận tâm, tận hiến với Nhân dân...Tấm gương của bác sĩ Thiện đã góp phần lan tỏa phong trào thi đua trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ở rẻo cao Quảng Trị.

Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản

Bác sĩ Thiện khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã A Vao - Ảnh: K.S

Thay đổi cách chữa bệnh lạc hậu

Khi còn nhỏ, cậu bé Thiện đã cảm nhận được sự thiệt thòi của người dân trong bản bởi cuộc sống luôn bị cái nghèo đói bủa vây, cộng với bệnh tật thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, lúc bấy giờ do cơ sở y tế xa, đường sá cách trở nên việc chữa bệnh của bà con chủ yếu theo tâm linh hoặc phó mặc cho người bệnh tự đấu tranh sinh tồn.

Thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ mang thai , phải dựng chòi xa nhà tự sinh con nên sức khỏe người mẹ, trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng, có nhiều trường hợp tử vong mẹ hoặc con hay cả mẹ lẫn con rất thương tâm. Chứng kiến nhiều người dân mất mạng không đáng vì bệnh tật, Thiện quyết tâm theo học để trở thành bác sĩ. Chàng trai Pa Kô cần mẫn vượt đồi, băng suối đến trường. Và, giấc mơ ấy của Thiện đã trở thành hiện thực.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Huế (nay là Đại học Y Dược), bác sĩ Thiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông, hai tháng sau đó nhận nhiệm vụ tại xã A Vao. Lúc bấy giờ, cán bộ Trạm Y tế A Vao chỉ có mình ông. Đường đi lại vô cùng khó khăn, địa hình cách trở, nhất là mùa mưa lũ. Các bản trong xã cách nhau xa, vì thế để làm quen địa bàn, ông thường xuyên về với dân, cùng ăn, cùng ở với họ.

Đây là dịp ông vừa tuyên truyền, vận động bà con cách phòng tránh các bệnh thường gặp, ốm đau, sinh nở phải đưa đến trạm y tế, không nên chữa bệnh theo phong tục lạc hậu, không để phụ nữ sinh con một mình ngoài chòi. Nhiều trường hợp đến ngày sinh, ông đến tận nhà làm bà đỡ, giúp mẹ tròn, con vuông. Bác sĩ Thiện còn hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo các chất dinh dưỡng, nhất là đối với thai phụ và trẻ nhỏ cần chăm sóc kỹ về chế độ ăn.

“Mưa dầm thấm lâu”, tôi được người dân đón tiếp, đùm bọc trong những ngày đi cơ sở, đây chính là động lực để tôi yêu nghề hơn, tự nhủ phải nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ, tay nghề phục vụ tốt bà con”, bác sĩ Thiện chia sẻ.

Từ ngày có bác sĩ về với bản, người dân A Vao như vớ được chiếc phao cứu hộ, mỗi khi có bệnh đều đến trạm y tế để khám, bỏ dần lối chữa bệnh theo hủ tục. Chị Hồ Thị Liễu ở thôn Tân Đi 2 chia sẻ về điều này: “Nhờ bác sĩ Thiện tuyên truyền, vận động, chị em chúng tôi được quan tâm hơn, biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng hợp lý. Bản thân tôi cũng như nhiều chị thăm khám thai định kỳ, sinh nở đến trạm y tế cho an toàn và được chăm sóc tốt hơn”.

Nỗ lực xây dựng trạm y tế đạt chuẩn

Đứng trước thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh thiếu thốn, trạm y tế xuống cấp... bác sĩ Thiện ngày đêm trăn trở làm sao để công tác khám, chữa bệnh nơi vùng khó này thuận lợi hơn. Ông kiên trì kiến nghị, đề xuất các cấp đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trạm.

Sau bao năm chờ đợi, niềm vui đã đến với vị trưởng trạm y tế và người dân vùng khó, Trạm Y tế xã A Vao được đầu tư xây mới theo đúng tiêu chuẩn. Trạm y tế có các phòng chức năng như hội trường, phòng khám bệnh, phòng đông y, phòng sản, khám thai, phòng siêu âm xét nghiệm, tiêm chủng và hai phòng lưu nội trú với 15 giường bệnh... Khi đã có cơ sở khám chữa bệnh khang trang, hiện đại, bác sĩ Thiện dành thời gian nâng cao trình độ và ông trở thành một trong số bác sĩ chuyên khoa I đầu tiên của hệ xã.

Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản

Tác giả (ngoài cùng bên trái) phối hợp với bác sĩ Thiện (ngoài cùng bên phải) trao quà của một tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho địa chỉ giúp đỡ của Báo Quảng Trị - Ảnh: K.S

Nhiều năm nay, bác sĩ Thiện tham gia chương trình “Nồi cháo dinh dưỡng” cho những thai phụ, chống suy dinh dưỡng của sản nhi với nhóm những phụ nữ nguy cơ ở xã. Nhờ vậy, phụ nữ mang thai trên địa bàn được tiếp cận với món cháo đủ chất dinh dưỡng. Đi đầu nêu gương trong mọi việc, ông tích cực cùng với lãnh đạo, cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của trạm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, các chỉ tiêu Trung tâm Y tế huyện, xã giao, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó.

Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở xã đạt, vượt kế hoạch. Sự nỗ lực không mệt mỏi của bác sĩ Thiện đã góp phần vào thành tích chung ở địa phương, đơn vị như: Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe Nhân dân xã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc vì đã có thành tích trong thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2023; Trạm Y tế được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2018; nhiều năm liền được Sở Y tế tặng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Cá nhân ông được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, trong đó có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Ông bố có...nhiều con

Nói và làm để dân tin, dân mến, vợ chồng bác sĩ Thiện sinh đẻ có kế hoạch, dừng lại ở mức 2 con để nuôi dạy cho tốt. Tuy nhiên, ông thường được dân bản gọi là “ông bố có nhiều con” bởi trước đây trong nhà ông có nhiều học sinh người dân tộc Pa Kô ở các bản làng trong xã đến học chữ.

Do ở xa trung tâm, đi lại vất vả, chưa có trường học bán trú nên người dân trong xã khó đưa đón con đến trường. Chứng kiến cảnh đó, bác sĩ Thiện bàn với vợ dành hẳn 2 gian nhà phía sau cho các cháu có nhu cầu đi học ở lại cho tiện. Căn nhà cấp bốn giản dị của vợ chồng ông từ chỗ chỉ có 4 thành viên thì từ năm 2016-2019 có thêm 16 người con đến ở cùng.

Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản

Tranh thủ ngoài giờ làm việc, bác sĩ Thiện về tận nhà hướng dẫn người dân cách pha sữa cho trẻ nhỏ - Ảnh: K.S

Thế là ngày nào nơi đây cũng rộn ràng tiếng trẻ thơ. Thương các cháu xa bố mẹ từ nhỏ, vợ chồng ông thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn bài tập; nấu cơm phục vụ các cháu. Bà con ai cũng nghèo, cứ gửi con trước rồi đến mùa thu hoạch lúa mới đem gạo đến gửi sau, phần lớn vợ chồng ông bù thêm. Thỉnh thoảng cuối tuần, ông cùng bọn trẻ ra con suối gần nhà bắt ốc, tôm cá; lên đồi hái rau rừng bổ sung thêm cho bữa ăn. Đầu mỗi năm học mới, ông trích lương đặt may áo quần đồng phục cho các cháu.

Bác sĩ Thiện cho hay: “Ở đông như vậy nhưng các cháu rất ngoan và tự giác. Học hết bậc THCS, có cháu ra xã Tà Rụt học lên THPT, có cháu vì điều kiện quá khó khăn nên nghỉ học. 4 năm nay, trường học ở xã đã có bán trú nên nhà tôi dần vắng bóng bọn trẻ. Tôi rất nhớ và mong tất cả các con đều theo đuổi việc học để sau này có tương lai”.

Với tấm lòng nhân hậu của mình, bác sĩ Thiện thường xuyên kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ, động viên về tinh thần cũng như vật chất đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật ở xã, đặc biệt là trẻ em.

Tiếp bước bố, con gái đầu của ông vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế, trở về quê học việc tại trạm y tế xã. Con trai út hiện học năm thứ 3 Học viện Biên phòng. Tâm nguyện của bác sĩ Thiện vẫn nguyên vẹn như trước đây, đó là mong có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã vùng khó này.

Kô Kăn Sương

Tin liên quan:
  • Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản
    Người Pa Kô giữ lửa nghề rèn

    Người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị không nhớ rõ nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết rằng, hàng trăm năm trước, khi có nông cụ sản xuất bằng sắt xuất hiện họ đã gắn bó với nghề này. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dù cuộc sống ngày nay sản xuất phần lớn dựa vào máy móc, thiết bị hiện đại nhưng người Pa Kô vẫn cần mẫn giữ lấy nghề rèn thủ công, bảo tồn những giá trị văn hóa.

  • Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản
    Độc đáo trang phục cưới của người Pa Kô

    Cũng như bao dân tộc khác ở Việt Nam, lễ cưới là dịp đại hỷ nên người Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là trang phục của cô dâu, chú rể. Với trai gái người Pa Kô, được khoác lên mình những bộ áo, váy đẹp, trang sức quý trong lễ cưới cũng thể hiện kỳ vọng về một cuộc hôn nhân hạnh phúc, gia đình ấm no, con cháu đề huề.

  • Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản
    Bí thư chi đoàn người Pa Kô gương mẫu

    Năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào của đoàn và địa phương là hình ảnh để lại nhiều dấu ấn của Bí thư Chi đoàn thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông Hồ Văn Dung đối với tuổi trẻ vùng khó. Những việc làm xuất phát từ tâm, đầy tránh nhiệm của anh đã tạo động lực cho nhiều đoàn viên, thanh niên nơi đây học tập và làm theo, đặc biệt là góp phần thúc đẩy phong trào người trẻ giúp nhau vượt khó vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.


Kô Kăn Sương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mùa “săn” cá đồng ngược nước

Mùa “săn” cá đồng ngược nước
2024-10-05 05:55:00

QTO - Hằng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, xóa tan cái nắng hạn khô khốc, nước mưa từ các ruộng đồng dâng cao cũng là mùa của nhiều loại...

Giúp người nghèo an cư ở huyện Đakrông

Giúp người nghèo an cư ở huyện Đakrông
2024-10-04 05:40:00

QTO - Những năm qua, huyện Đakrông tích cực phối hợp, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long