
{title}
{publish}
{head}
Đặt mục tiêu phấn đấu loại trừ sốt rét (LTSR) vào năm 2026, nhưng ngày 30/6/2025, tỉnh Quảng Bình (cũ) đã được Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương công nhận đạt tiêu chí LTSR trên quy mô toàn tỉnh và chuyển sang giai đoạn “phòng, chống sốt rét quay trở lại”. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của ngành y tế trong thời gian qua với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bắt muỗi về nghiên cứu, đánh giá tình hình véc-tơ truyền bệnh. -Ảnh: H.LÊ
Bắt muỗi để nghiên cứu
Tháng 3/2021, trên địa bàn xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh cũ), xuất hiện một ca sốt rét nội địa tại bản Dốc Mây, sát biên giới Việt-Lào. Ngay lập tức, đoàn công tác đặc biệt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quảng Ninh và trạm y tế xã đã băng đèo, lội suối đưa các thiết bị y tế, thuốc men vào tận bản, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét. Người dân được khám chẩn đoán, lấy lam máu xét nghiệm, phát thuốc phòng ngừa sốt rét. Đoàn công tác đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, ngủ màn chống muỗi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, trưởng đoàn công tác đặc biệt ở bản Dốc Mây thời điểm đó chia sẻ: Nhằm sớm tìm ra cách ngăn chặn sự gia tăng ca mắc bệnh sốt rét, cán bộ Khoa Ký sinh trùng-Côn trùng của CDC tỉnh đã lấy thân mình “làm mồi” bắt muỗi về nghiên cứu, làm xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét để đánh giá tình hình véc-tơ truyền bệnh tại vị trí xuất hiện muỗi và các khu vực lân cận. Phương pháp này giúp ngành y tế có những đánh giá chính xác, kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Nhờ vậy, đã ngăn chặn được việc phát sinh ổ dịch tại nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Từng là địa phương có số ca mắc sốt rét ngoại lai nhiều nhất toàn tỉnh từ năm 2022 đến nay với 7 ca tại 10 xã trong vùng sốt rét lưu hành nhưng Bố Trạch cũng vừa được công nhận LTSR sau quá trình bền bỉ, nỗ lực thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh.
Theo bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (TTYT khu vực Bố Trạch), các ca mắc sốt rét ngoại lai trên địa bàn đến từ tỉnh Bình Phước (cũ) và các nước Thái Lan, Công Gô.
Sau khi nhận được thông tin từ trạm y tế xã và các bệnh viện, đơn vị đã tiến hành điều tra, báo cáo trường hợp bệnh cũng như lấy máu làm test chẩn đoán nhanh và xét nghiệm lam máu để xác định chính xác thể sốt rét bệnh nhân mắc. Các ca bệnh đều được phát hiện sớm, điều trị kịp thời trong vòng 48h, ngăn chặn việc lây truyền ra cộng đồng.
“Đối với những bệnh nhân biểu hiện sốt cao, rét run, vã mồ hôi, có tiền sử đi rừng, thường ngủ rẫy hoặc đi làm ăn ở các vùng có sốt rét lưu hành, chúng tôi khuyến cáo người dân phải đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán bệnh sốt rét và được điều trị sớm nhất”, bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm y tế Xuân Trạch (xã Phong Nha, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ kinh nghiệm.
Nhằm chủ động phòng, chống sốt rét trên địa bàn, TTYT khu vực Bố Trạch đã tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp đi lao động từ vùng có sốt rét lưu hành trở về. Các trạm y tế chủ động, tăng cường phát hiện, theo dõi và báo cáo kịp thời nếu có ca bệnh trên địa bàn; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sốt rét cho người dân. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, diệt loăng quăng, không để lây lan, bùng phát thành dịch.
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm hàng đầu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực loại trừ. Việc thanh toán bệnh sốt rét không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho sức khỏe cá nhân mà còn có tác động tích cực sâu rộng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào mục tiêu sức khỏe toàn cầu và tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức y tế trong tương lai. |
Tuyệt đối không chủ quan
Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (cũ) không ghi nhận ca mắc sốt rét nội địa, không có tử vong do sốt rét và không có dịch sốt rét xảy ra. Ngày 30/6/2025, Quảng Bình đã được Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương công nhận tỉnh đạt tiêu chí LTSR trên quy mô toàn tỉnh và chuyển sang giai đoạn “phòng, chống sốt rét quay trở lại”.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng. -Ảnh: H.LÊ
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Phó Giám đốc phụ trách CDC Quảng Trị: Để về đích sớm hơn so với dự kiến ban đầu, CDC đã có những giải pháp đồng bộ. Trước tiên, phải dồn tổng lực để về đích, xây dựng chiến lược LTSR để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương, duy trì tính bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách; duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn-hệ thống xét nghiệm; giám sát ca bệnh, lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế, chủ động giám sát và phòng chống véc-tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin.
Thành quả LTSR có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế; sự nỗ lực và nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ y tế cùng sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ, đầu tư về thuốc, vật tư, hóa chất, kinh phí... của Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin.
Việc được công nhận LTSR sớm hơn so với dự kiến thể hiện sự quyết tâm, những nỗ lực vượt bậc của ngành Y tế tỉnh. Song không vì vậy mà chủ quan với bệnh sốt rét. Đây vẫn là mối nguy cơ tiềm ẩn và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Các yếu tố là nguyên nhân gây lây lan sốt rét vẫn hiện hữu, như: Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất cùng với mầm bệnh luôn có trong cộng đồng; sự di biến động dân cư khó kiểm soát... Do đó, cần tiếp tục giám sát, xét nghiệm và nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm ngăn ngừa sự trở lại của bệnh sốt rét.
“Sau khi sáp nhập 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, công tác phòng, chống, LTSR sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn, bởi địa bàn rộng hơn, đặc biệt là có nhiều địa phương ở miền núi, biên giới, đường sá đi lại xa xôi, cách trở; một số vùng đang có sốt rét lưu hành. Dự báo trong thời gian tới, tình hình bệnh nhân sốt rét tại các xã ở huyện Hướng Hóa (cũ) diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. CDC tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm sớm hoàn thành LTSR trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị mới, theo lộ trình Bộ Y tế đề ra”, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh.
Hương Lê
QTO - Sáng nay 9/7, tại Khu đô thị La Celia City, Bán đảo Bảo Ninh, phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông tổ chức lễ khởi...
QTO - Trải qua 6 năm không ngừng nỗ lực, iSchool Quảng Trị đã và đang phát triển mạnh mẽ, có vị thế ngày càng vững chắc. Trên hành trình chinh phục đỉnh...
QTO - Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, cập nhật thông tin các tuyến vận tải hành khách sau sáp...
QTO - Từng thu mình trong im lặng và tổn thương sau biến cố gia đình, Hồ Thành Đô (SN 2010), cậu bé người Bru-Vân Kiều ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn đã dần...
QTO - Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình (cũ) đã hoàn...
QTO - Đại diện báo Dân trí cùng đại diện chính quyền phường Đồng Sơn, Quảng Trị vừa trao số tiền gần 265 triệu đồng cho em Lê Nữ Khánh Linh (SN 2007), ở tổ...
QTO - Sinh sống lâu đời ở địa phương, song đến nay người dân nhiều làng quê vùng trũng của các xã Mỹ Thủy, Vĩnh Định vẫn chưa có nguồn nước đảm bảo để sinh...