Cập nhật:  GMT+7

Mùa “săn” cá đồng ngược nước

Hằng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, xóa tan cái nắng hạn khô khốc, nước mưa từ các ruộng đồng dâng cao cũng là mùa của nhiều loại cá đồng ngược nước sinh sản. Cá len ngược dòng nước tràn lên ruộng đồng, những vùng nước nông, yên tĩnh, quy tụ thành đàn, thành cặp nên dễ dàng đánh bắt hơn. Dẫu thời gian đánh bắt cá đồng không kéo dài bao lâu, nguồn thu không lớn nhưng nhiều người dân ở các vùng đồng bằng vẫn háo hức chờ đợi mùa cá đồng ngược nước...

Mùa “săn” cá đồng ngược nước

Vào mùa mưa, cá rô đồng, cá diếc luôn tươi chong, béo ngậy, bụng căng tròn trứng - Ảnh: N.B

Quảng Trị có vùng đồng bằng trải dài, khá rộng lớn với hệ thống ao, hồ, hói, đầm nước ngọt cùng hệ sinh thái đa dạng. Ở những ao, hồ, hói, đầm nước ngọt đó có nhiều loài cá có giá trị kinh tế, dinh dưỡng sinh sống quanh năm. Vào mùa hè nắng nóng, lượng nước trong ao hồ, đầm, hói cạn dần, hệ sinh thái, nguồn thức ăn, môi trường sống có phần khắc nghiệt khiến các loài cá tìm cách sinh tồn, trong đó ẩn mình dưới lớp đất bùn khô chờ mùa mưa đến cũng là một “giải pháp” khá đặc biệt.

Và khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, nước ở ao hồ, hói, đầm bắt đầu lớn dần cũng là lúc nhiều loài cá nước ngọt “hồi sinh”. Các loài cá bơi ngược dòng nước mưa, len lỏi cằn lên các ruộng đồng, những vùng nước nông, yên tĩnh, quy tụ thành đàn, thành cặp và bắt đầu mùa sinh sản. Điển hình trong số những loài cá đồng ngược dòng nước tìm nơi sinh sản vào mùa mưa có cá rô, cá lóc, cá diếc, gáy, ngạnh...

Sau khi ngược dòng nước thành công, nhiều loài cá nước ngọt bắt đầu đẻ trứng. Mùa mưa đến, ở nhiều vùng bãi ngang, hễ bước chân ra những thửa ruộng, ao hồ sát các đầm, hói đều có thể bắt gặp từng đàn cá đồng bơi lội tung tăng. Nếu đánh bắt cá đồng ở các ao, hồ, đầm, hói có phần khó khăn bởi mực nước sâu thì mùa mưa đến, nhiều người có thể dễ dàng hơn trong đánh bắt cá đồng trên ruộng, vùng nước nông. Dụng cụ đánh bắt chủ yếu là nơm, lưới bén, thời gian đánh bắt có thể cả ngày lẫn đêm đều mang lại hiệu quả.

“Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa cá đồng ngược nước sinh sản là anh em chúng tôi lại rủ nhau ra đồng thả lưới bén bắt cá diếc, gáy, rô, lóc, ngạnh. Đánh bắt cá đồng chỉ diễn ra vài ngày, có khi kéo dài vài tuần nhưng nói thật hiệu quả, giá trị kinh tế chẳng là bao vì chúng tôi đánh bắt thô sơ, ham vui là chính.

Mùa này có không ít cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng tranh thủ ngày nghỉ về quê thả lưới, nơm cá, soi cá đêm như là thú vui. Có người còn xem đây là dịp để ôn lại kỷ niệm đẹp của một thời gắn bó với ruộng đồng, quê hương. Cá đồng vừa ngon, vừa sạch và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, anh em, gia đình quây quần bên mâm cơm ngày mưa cũng lắm điều thú vị.

Nếu có dịp, các anh có thể ghé về trải nghiệm và thưởng thức cá đồng đầu mùa quê em để cảm nhận được sự thú vị của mùa “săn” cá đồng ngược nước”, em Trương Văn Tiện, ở thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong vui vẻ mời chào.

Ban ngày, người dân chủ yếu đánh bắt cá đồng bằng lưới bén. Người đánh lưới thường chọn những thửa ruộng, vùng nước nông và dựa vào kinh nghiệm, sự phán đoán để quyết định thả lưới. Thời gian thả lưới khoảng chừng 10 phút và sau khi hoàn tất sẽ quay vào bờ ngồi chờ đợi. Lưới bén thường được “ngâm” ở vùng nước có cá qua lại tầm 15 - 30 phút hoặc có thể lâu hơn, tiếp đó người dân sẽ thu lưới, gỡ cá rồi tiến hành thả lại lưới ở nơi tùy thích; cũng có người không thu lưới mà chỉ thích giữ nguyên ở vị trí cũ, họ chỉ lần theo từng đoạn lưới để bắt cá rồi lại quay vào bờ ngồi chờ đợi đợt kế tiếp.

Khi màn đêm buông xuống, nhiều người còn rủ nhau rọi đèn pin siêu sáng lần theo những vùng nước nông sát ao, hồ, đầm, hói, để soi, dùng nơm bắt cá lóc, cá diếc, cá gáy, thậm chí bắt cả lươn, ếch đồng. Soi cá vào ban đêm thường bắt đầu khi trời chập choạng tối và kéo dài đến tận khuya, tùy vào nhu cầu, sự hứng thú của mỗi người.

Soi cá đêm có phần thú vị, hồi hộp, hào hứng hơn đánh lưới bén bởi người soi phải có kỹ năng, tuân thủ nguyên tắc đi nhẹ, nói khẽ, thậm chí dùng ngôn ngữ cơ thể ra hiệu cho “đồng đội” hỗ trợ bắt cá khi cần thiết để tránh gây tiếng động làm cá hoảng sợ chạy trốn. Nếu không may nơm hụt hoặc chưa kịp nơm mà cá đã chạy thoát thì người nơm phải nhanh chân chạy đuổi theo cá để kịp thời vung nơm chụp lấy. Nhiều trường hợp mải mê đuổi theo cá, nơm hụt rồi ngã sõng soài trên ruộng, toàn thân ướt nhẹp, bùn đất lấm lem nhưng vẫn thích thú, đứng dậy tiếp tục chuyến soi đêm.

Đánh bắt cá đồng vào mùa mưa cũng lắm hên xui. Khi đánh bắt cá được số lượng nhiều thì có thể đem bán, cho tặng, khi ít hơn thì để dành làm thức ăn trong gia đình. Cá đồng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Cá rô được nấu canh với khế, cải xanh, rau đắng hoặc chiên xù chấm nước mắm gừng, kho tiêu; cá lóc thì nấu cháo bột hoặc chiên xù, khô tộ; cá diếc um măng chua, nấu cháo; cá ngạnh kho lạt, nấu cháo gạo tẻ...

Những món ăn từ cá đồng tuy dân dã nhưng hấp dẫn đến lạ lùng. Ẩn chứa trong các món ăn đó không chỉ là vị ngọt, béo ngậy của thịt, trứng cá mà còn có hương vị của ruộng đồng, khói bếp, quê hương và cả những câu chuyện vui, kỷ niệm của một mùa “săn” cá đồng ngược nước...

Vân Trang

Tin liên quan:
  • Mùa “săn” cá đồng ngược nước
    Mùa “săn” cá nâu con

    Hằng năm, khi mùa mưa bão bắt đầu cũng là thời điểm nhiều người dân ở các xã vùng bãi ngang, cửa lệch rủ nhau đi “săn” cá nâu con về bán cho các chủ đầm, ao hồ nước lợ hoặc các hộ nuôi cá lồng bè trên sông để làm con giống. Tuy là nghề thời vụ kéo dài tầm 2 - 3 tháng nhưng đã đem lại thu nhập khá cao cho nhiều người dân...

  • Mùa “săn” cá đồng ngược nước
    Săn mực nhện mùa biển động

    Trong những ngày lang thang qua nhiều làng biển dọc theo miền chân sóng, tôi được gặp và trò chuyện với nhiều lão ngư nắm giữ những “độc chiêu” đánh bắt thủy, hải sản gần bờ được lưu truyền qua bao đời. Và nghề săn mực nhện (có nơi gọi là bạch tuộc, mực trùm, mực dù, mực địu) vào mùa biển động là một trong những “độc chiêu” được nhiều lão ngư ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng gìn giữ.

  • Mùa “săn” cá đồng ngược nước
    Mùa đánh bắt cá hố

    Vùng khơi hay vùng lộng luôn có loài cá hố được ngư dân ví là loài “cá biển mình rồng” do thân hình dài lấp lánh ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng. Thời điểm này đang là vụ đánh bắt cá hố, nhiều ngư dân trong tỉnh có thu nhập khá từ việc đánh bắt loài cá này bằng lưới rê siêu bùng nhùng.


Vân Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giúp người nghèo an cư ở huyện Đakrông

Giúp người nghèo an cư ở huyện Đakrông
2024-10-04 05:40:00

QTO - Những năm qua, huyện Đakrông tích cực phối hợp, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình

Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình
2024-10-03 05:45:00

QTO - Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết