Cập nhật:  GMT+7

Lãng phí đất đai vì dự án nông nghiệp công nghệ cao 6 năm chưa triển khai

Được kỳ vọng sẽ tạo một dự án sản xuất nông nghiệp có quy mô, chất lượng cao và hiện đại nhằm phát triển kinh tế của địa phương, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sau hơn 6 năm triển khai, Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị (gọi tắt Dự án FAM Quảng Trị) tại huyện Cam Lộ vẫn “đắp chiếu”. Thực trạng này đã làm lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong Nhân dân.

6 năm triển khai nhưng chỉ mới phong hóa mặt bằng

Dự án FAM Quảng Trị được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2018, điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 1 sau đó một năm để thực hiện. Trên diện tích khoảng 200 ha tại Tiểu khu 764 và 765 thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị thuộc Tập đoàn FLC có kế hoạch đầu tư số vốn khoảng 371 tỉ đồng để xây dựng dự án. Với mục tiêu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn có ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, cơ giới hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp theo công nghệ mới.

Lãng phí đất đai vì dự án nông nghiệp công nghệ cao 6 năm chưa triển khai

Một góc 60 ha Dự án FAM Quảng Trị đã được GPMB nhưng doanh nghiệp chưa triển khai nên người dân tận dụng để trồng cây keo tràm -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, tạm ứng hơn 5,2 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (GPMB) được khoảng 60 ha. Theo cam kết, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị sẽ đưa dự án vào hoạt động, sản xuất từ tháng 4/2019, điều chỉnh lần 1 thành tháng 10/2020. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp chỉ tổ chức san gạt thực bì, phong hóa đối với diện tích đã GPMB rồi ngừng thi công cho đến nay.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ, tính đến nay, dự án đã chậm tiến độ hơn 6 năm so với phê duyệt lần đầu và 4,5 năm so với thời hạn điều chỉnh lần 1. Mặc dù địa phương nhiều lần đôn đốc, yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành việc bổ sung kinh phí để hỗ trợ GPMB diện tích còn lại nhằm chi trả dứt điểm cho các gia đình bị ảnh hưởng để khoanh vùng dự án nhưng phía doanh nghiệp không thực hiện.

Chính vì vậy, một số hộ dân tại xã Cam Tuyền đã tận dụng trồng cây keo tràm trên vùng đất dự án để tránh lãng phí việc sử dụng đất. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý đất đai cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn dự án. Mặc dù chính quyền, các đoàn thể địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, lập biên bản, cưỡng chế, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Nguyễn Anh Tuân cho biết, hiện có khoảng 50 hộ dân đã trồng cây keo tràm trên diện tích 60 ha đất đã GPMB thuộc dự án và diện tích keo tràm này cũng được vài năm tuổi. Vì thấy đất dự án bỏ hoang năm này sang năm khác, trong lúc người dân thiếu đất sản xuất nên cứ vào ban đêm, người dân lén lút vào trồng cây keo tràm.

Tuy vậy, với mong muốn không để đất đai bỏ không gây lãng phí, người dân mới tận dụng trồng cây keo, nếu dự án tiếp tục triển khai, bà con sẵn sàng trả lại đất. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị có phương án xử lý đối với Dự án FAM Quảng Trị này, bởi lẽ, nếu không thể triển khai thì cần thu hồi, giao đất cho địa phương để quản lý, cấp cho người dân canh tác.

Đề xuất chấm dứt dự án để tránh lãng phí đất đai

Theo thông tin từ Sở Tài chính, Dự án FAM Quảng Trị hiện còn nhiều thủ tục liên quan sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa thực hiện. Đơn cử như thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, công tác phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng...

Mặc dù nhà đầu tư đánh giá đây là một dự án khả thi và mong muốn được tiếp tục thực hiện với những cam kết về phương án, kế hoạch phối hợp với các đối tác chiến lược có kinh nghiệm, năng lực; đồng thời, nhiều lần viện dẫn các lý do và tiếp tục đề nghị gia hạn các thời điểm báo cáo phương án triển khai thực hiện nhưng thực tế doanh nghiệp chưa thực sự tích cực, chủ động và thiếu quyết tâm trong triển khai dự án.

Cụ thể là chưa chứng minh được trường hợp áp dụng để tiếp tục được gia hạn tiến độ thực hiện đầu tư theo quy định; chưa có nội dung đề xuất về tiến độ thi công, thời gian dự án đưa vào hoạt động; chưa hoàn thành nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; không có các văn bản phản hồi và không thực hiện các nội dung đã cam kết được cơ quan nhà nước yêu cầu; chây ì, trì hoãn, nhiều lần cam kết và kéo dài thời gian báo cáo với chính quyền địa phương. Trong khi đó, quy mô sử dụng đất dự kiến của dự án tương đối lớn với khoảng 200 ha, nhiều hạng mục đầu tư cần phải có thời gian để thi công xây dựng và hoàn thành.

Lãng phí đất đai vì dự án nông nghiệp công nghệ cao 6 năm chưa triển khai

Cây keo tràm được người dân xã Cam Tuyền tận dụng trồng lên diện tích đất Dự án FAM Quảng Trị được khoảng vài năm tuổi - Ảnh: Lê Trường

Trên cơ sở đó, mới đây, vào ngày 15/4, Sở Tài chính có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất phương án xử lý đối với Dự án FAM Quảng Trị nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của dự án này góp phần quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực dự kiến thực hiện dự án.

Cụ thể, Sở Tài chính đề nghị xem xét, đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động toàn bộ Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị. Qua đó, để đơn vị có cơ sở thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.

Ngoài ra, kiến nghị giao UBND huyện Cam Lộ quản lý, có phương án sử dụng phù hợp, hiệu quả đối với 60 ha đất đã được GPMB; tích cực thu hút các nhà đầu tư khác để nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án triển vọng. Song song với đó, địa phương tiếp tục liên hệ với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị để hoàn trả số tiền hơn 351 triệu đồng chưa giải ngân trong GPMB.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thương cho biết: Dự án FAM Quảng Trị là một trong nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất chủ trương thực hiện. Quá trình triển khai, các sở, ngành và chính quyền huyện Cam Lộ cũng như người dân khu vực bị ảnh hưởng đã đồng thuận, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư các bước để nhanh chóng hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khiến chủ đầu tư quá chậm trễ thực hiện dự án. Đây là điều đáng tiếc, dù vậy, chúng tôi sẽ xem xét, đối chiếu các quy định một cách thấu đáo về tính khả thi, năng lực của nhà đầu tư. Từ đó, đề xuất phương án tối ưu nhằm tạo điều kiện cho các dự án khác, đảm bảo tiến trình phát triển KT-XH của tỉnh, không để lãng phí nguồn lực đất đai, mất lòng tin trong Nhân dân.

Lê Trường

Tin liên quan:

Lê Trường

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bảo tồn sản vật tinh hoa của núi rừng

Bảo tồn sản vật tinh hoa của núi rừng
2025-04-18 07:56:00

QTO - Từ bao đời nay, gạo Ra Dư và chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông được xem là những sản vật trưng của núi rừng phía Tây Quảng Trị. Những sản vật đó là...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long