Cập nhật:  GMT+7

Lan tỏa tinh hoa của núi rừng

Từ bao đời nay, nếp than ở huyện Đakrông và men lá ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa được xem là những sản vật trưng của núi rừng phía Tây Quảng Trị. Những sản vật đó là sự kết tinh từ thổ nhưỡng, khí hậu, mạch nước từ khe suối và sự lao động, sáng tạo của người dân. Giờ đây, nếp than, men lá đã trở thành hàng hóa và không chỉ tiêu dùng trong phạm vi bản làng mà còn được lan tỏa giá trị tinh hoa của rừng đến những miền xa trên khắp cả nước...

Giữ hạt “ngọc đen” của núi rừng

Nếp than từ lâu được ví như những hạt “ngọc đen” của miền núi rừng Đakrông bởi giống lúa nếp này phải trồng ở đồi cao, ở lưng chừng núi, chịu đựng đủ cung bậc khắc nghiệt của thời tiết hanh khô, rét buốt, sương giá. Có lẽ do phải thích nghi để sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt nên giống lúa nếp than đã tự “rèn giũa” mình để có màu sắc đẹp, độ dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng mà không một giống nếp nào sánh kịp.

Lan tỏa tinh hoa của núi rừng

Lúa nếp than trĩu hạt trên những thửa ruộng thiếu nước ở xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: TIẾN SỸ

Theo lời kể của những vị cao niên người đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Đakrông thì khi họ lớn lên đã biết đến giống lúa nếp than này. Có lẽ từ thuở bản làng sơ khai, giống lúa nếp than đã theo chân các bậc tiền nhân khai khẩn đến đây lập nghiệp.

Ngày ấy, muốn trồng được giống lúa nếp than thì vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 dương lịch hằng năm, người dân nơi đây phải lên đồi núi cao phát quang cây cối, cỏ dại tạo thành từng đám rẫy tương đối bằng phẳng sau đó đến tháng 4 mới bắt đầu mang hạt giống lên gieo. Lúa nếp than cứ thế lớn lên một cách tự nhiên và được thu hoạch từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch.

Sau mùa vụ, người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chọn ra những hạt lúa chất lượng để dành làm giống cho vụ sau. Do đặc tính của giống lúa nếp than và quan niệm sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, không bón phân nên năng suất thấp vì thế ngày càng ít người gieo trồng. Hầu như đồng bào ở các xã trên địa bàn huyện miền núi Đakrông chỉ trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu gia đình, lễ hội.

Trước thực trạng giống lúa nếp than có nguy cơ bị thoái hóa, mai một dần, thời gian qua huyện Đakrông đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa nếp có giá trị kinh tế này. Qua đó, góp phần lưu giữ nguồn gen quý và phát triển nếp than thành sản phẩm OCOP đặc trưng.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Đakrông đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, mô hình thí điểm trồng lúa nếp than ở vùng chân ruộng thiếu nước, cạnh các công trình thủy lợi và đã đem lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng lúa nếp than ở vùng chân ruộng thường xuyên thiếu nước của xã Tà Long đã cho năng suất 38-39 tạ/ha.

Từ đó, có khoảng 20 hộ dân ở các thôn trên địa bàn xã Tà Long mạnh dạn mở rộng diện tích trồng giống lúa nếp than. Tại xã A Ngo, qua nhiều vụ gieo trồng giống lúa nếp than có hiệu quả, chính quyền đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất từ 7-10 ha và dự kiến lên tới khoảng 20-30 ha.

Không chỉ riêng xã Tà Long, xã A Ngo mà nhiều xã trên địa bàn huyện Đakrông đã mạnh dạn mở rộng diện tích và gieo trồng giống lúa nếp than theo mùa vụ như các giống lúa thông thường trên ruộng nước. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện Đakrông còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. Đồng thời, quảng bá thương hiệu, liên kết đầu ra sản phẩm nếp than nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Men lá, hương vị đặc trưng vùng Lìa

Vùng Lìa gồm các xã: Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi và Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Ở vùng đất này, hàng chục năm nay, người dân bản địa vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn bí quyết làm men lá nấu rượu truyền thống và dần phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện. Men lá là loại men truyền thống dùng để nấu rượu từ sự kết hợp của nhiều loại lá, rễ cây, cây dược liệu quý.

Lan tỏa tinh hoa của núi rừng

Men lá tiếp tục được hong khô trên giàn bếp khoảng 8 - 10 ngày để men khô kiệt, sử dụng được lâu hơn - Ảnh: N.B

Để làm men lá truyền thống, người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng Lìa đã lặn lội nhiều ngày vào các khu rừng sâu để tìm lá, rễ, vỏ cây... đến khi nào đủ thành phần mới có thể làm được loại men đặc trưng này.

Theo các bậc cao niên, để làm men lá cần có ít nhất 12 loại lá, rễ cây, vỏ cây, thân cây dược liệu như: cây kurưng (riềng), tăn-tiêu, kurai, rangil (tuế rừng), la baq (trầu không), pliêm părdang, tiêu (ớt), ka tao (mía), bák noi (cây sương sâm lông), a-pin (cây núc nắc), si râm (hà thủ ô trắng)...

Khi đã tìm được đầy đủ nguyên liệu, đồng bào nơi đây đem về chọn lọc kỹ càng từng loại rồi rửa sạch, thái nhỏ, trộn lẫn vào nhau và đem phơi khô. Có người còn đem nguyên liệu đã rửa sạch bỏ chung vào cối dùng chày giã sơ qua rồi mới đem phơi khô.

Khi nguyên liệu đã khô, để tiếp tục làm men thành phẩm thì lấy gạo nếp nương ngâm trong nước sạch khoảng nửa ngày sau đó vớt ra cho vào cối gỗ giã thành bột mịn. Lá và rễ, thân cây sau khi phơi khô sẽ được chia làm 2 phần, một phần trộn đều với bột gạo nếp, men giống (được giữ lại từ các đợt trước) giã nhỏ.

Phần lá, rễ, thân cây còn lại được ngâm trong nước khoảng 4-5 giờ để lấy nước làm men lá. Bước tiếp theo là dùng tay nhào trộn đều hỗn hợp vừa giã với nước làm men đã ngâm trước đó đến khi sánh dẻo đạt yêu cầu. Tiếp đến, rải trấu sạch lên mặt nia, hoặc mâm, ván gỗ bằng phẳng với độ dày khoảng 2-3 cm nhằm giữ ẩm cho men và làm cho men ráo nước. Tiếp đó, người làm men lá sẽ dùng tay vo, nặn từ hỗn hợp lá, thân, rễ cây và bột nếp đã nhào trộn trước đó thành những viên men nhỏ với đường kính từ 3-4 cm, hoặc có thể lớn hơn rồi đặt nhẹ xuống nia, mâm, ván đã lót trấu.

Công đoạn kế tiếp là ủ men dưới lớp rơm mỏng, rồi phủ lớp bạt kín lên trên giúp giữ ấm men trong 2 ngày. Khi viên men có hiện tượng phồng ra và có màu trắng xốp bao phủ trên bề mặt thì gạt bỏ bớt trấu phía dưới rồi dùng dây xâu thành từng xâu nhỏ đem phơi nắng khoảng 8 giờ. Men sau khi phơi nắng xong, được đem vào treo trên gác bếp khoảng 8-10 ngày để men được tiếp tục hong khô là có thể sử dụng.

Lan tỏa tinh hoa của núi rừng

Lá, thân, vỏ, rễ cây dược liệu sau khi rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô sẽ đem trộn lẫn với bột nếp rồi cho vào cối giã nhỏ để làm men lá truyền thống - Ảnh: N.B

Chủ tịch UBND xã Thuận Hồ A Dung cho biết; “Xã Thuận, huyện Hướng Hóa là một địa phương thuộc vùng Lìa có nghề làm men lá truyền thống từ lâu đời. Hiện nay, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ gia đình giữ gìn và phát huy nghề làm men lá truyền thống, trong đó có gia đình làm theo quy mô khá lớn, cung ứng sản phẩm ra thị trường như hộ: Hồ A Khiêm, Hồ Văn Lin, Pỉ Ta Lữ...

Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ phát triển nghề làm men lá truyền thống cho nhiều địa phương trên vùng Lìa trong đó có xã Thuận. Trong thời gian tới, địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, phát huy nghề làm men lá truyền thống, đồng thời tiếp tục quảng bá, kết nối đầu ra sản phẩm để khuyến khích người dân sản xuất, phát triển kinh tế”

Bây giờ có thể khẳng định, thực phẩm làm từ nếp than vùng miền núi Đakrông và rượu từ men lá ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa đã có vị trí của riêng mình, có sức níu giữ và làm say lòng người thưởng thức. Nếp than, men lá không còn là sản phẩm đặc trưng của miền núi Quảng Trị mà còn xuống núi về xuôi lan tỏa hương vị của núi rừng, mang cả tâm tình của người vùng cao gửi đến những miền xa trong và ngoài nước.

Nhơn Bốn

Tin liên quan:
  • Lan tỏa tinh hoa của núi rừng
    Huyện Đakrông bảo tồn và nhân rộng cây trồng địa phương có giá trị kinh tế cao

    Trước thực trạng nhiều giống cây trồng nguồn gốc tại địa phương, có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Chuối lùn, nếp than... đang bị suy thoái, mai một dần, thời gian qua huyện Đakrông đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển giống cây trồng này góp phần lưu giữ nguồn gen quý và mở ra hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm đặc trưng này...

  • Lan tỏa tinh hoa của núi rừng
    Đổi A-lỗq, món ăn đặc trưng của người Pa Kô

    Khi còn thơ bé, tôi đã biết đến món Đổi A-lỗq (cơm nếp ống tre) của người Pa Kô qua những lần được bố đưa về thăm quê nội ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, nằm cạnh dòng Krông Klang thơ mộng. Những vị thơm ngon đặc trưng của món cơm nếp ống tre còn in sâu trong tâm trí sau những lần tôi may mắn được tham gia các dịp lễ, hội, cùng người dân quê hương thưởng thức món ăn truyền thống này.

  • Lan tỏa tinh hoa của núi rừng
    Tar lốq - Món ăn đặc trưng của người Pa Kô

    Người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị có rất nhiều món ăn truyền thống mang hương vị đặc trưng thể hiện sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Trong đó, Târ lốq (cá suối nướng ống tre) là một trong những món ngon được người dân lựa chọn đưa vào thực đơn vào những dịp lễ, Tết...


Nhơn Bốn

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tăng cường quản lý các cụm công nghiệp

Tăng cường quản lý các cụm công nghiệp
2025-01-13 05:30:00

QTO - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tích cực hoạt động, chấp hành quy định của pháp luật trong sản...

Tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng miền núi

Tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng miền núi
2024-12-09 14:20:00

QTO - Vùng miền núi tỉnh Quảng Trị nổi bật với đặc trưng địa lý, nơi hội tụ nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện tiềm...

Vinh danh cà phê Arabica Khe Sanh

Vinh danh cà phê Arabica Khe Sanh
2024-12-09 09:45:00

QTO - Khe Sanh (Hướng Hóa) là một vùng đất đỏ ba dan với truyền thống trồng cây cà phê từ thế kỷ 19. Cà phê Arabica Khe Sanh là một trong tám vùng cà phê...

Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững
2024-12-09 05:37:00

QTO - Thời gian qua, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Quảng Trị huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ...

Trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng

Trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng
2024-12-08 13:25:00

QTO - Hai huyện Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng; du lịch homestay, farmstay và du...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long