{title}
{publish}
{head}
Thời gian qua, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường không ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hộ nuôi tôm thu được hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi nhiều giai đoạn.
Người dân xã Hải An, Hải Lăng thu hoạch tôm nuôi theo hướng công nghệ cao, nhiều giai đoạn - Ảnh: L.A
Năm 2023, bà Cao Thị Thúy ở thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn với quy mô 1 ha. Trong đó, diện tích ao ương và ao nuôi là 0,3 ha, còn lại là diện tích ao chứa và xử lý nước. Sau gần 4 tháng nuôi, gia đình bà thu về hơn 12 tấn tôm thương phẩm, tương đương năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng.
Theo bà Thúy, với mô hình nuôi 2 giai đoạn này, ban đầu tôm giống được thả nuôi trong ao ương với mật độ 500 con/m2 , sau khoảng 1,5 tháng, khi tôm đạt kích cỡ từ 150 - 170 con/kg sẽ được chuyển sang ao nuôi. Lúc này mật độ nuôi được giảm xuống còn từ 150 - 160 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, khi tôm đạt kích cỡ 38 con/kg thì bà tiến hành thu tỉa bớt tôm trong ao để giảm mật độ cũng như đảm bảo về mặt kinh tế. Sau khi thu tỉa xong, bà tiếp tục nuôi thêm gần 1 tháng, khi tôm đạt kích cỡ 26 con/kg thì thu hoạch toàn bộ.
Thực tế mô hình tại hộ bà Thúy cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình 2 giai đoạn có nhiều ưu điểm. Ở giai đoạn 1, tôm được nuôi trong ao ương có diện tích nhỏ, có mái che giúp các yếu tố môi trường ổn định, tôm phát triển tốt, tỉ lệ sống cao. Ao có diện tích nhỏ nên chi phí hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm vi sinh, khoáng, bơm nước thấp hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống. Khi sang giai đoạn 2 thì xác định được chính xác khối lượng tôm nuôi để định lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa thức ăn, giảm lượng chất thải xả ra môi trường.
“Đặc biệt, với diện tích ao chứa lớn nên nguồn nước cấp vào ao ương và ao nuôi được xử lý kỹ, giảm thiểu mầm bệnh gây hại. Nuôi theo phương thức tuần hoàn nước nên kích cỡ tôm thu hoạch lớn, năng suất cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống”, bà Thúy cho hay.
Vùng nuôi tôm tập trung tại Hợp tác xã (HTX) Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm có tổng diện tích trên 23 ha, trong đó có khoảng 10 ha áp dụng nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2, 3 giai đoạn, các ao nuôi đều có hệ thống mái che.
Theo đánh giá của các hộ nuôi tôm, đây đang là lựa chọn phù hợp, giúp khắc phục được các yếu tố bất lợi về thời tiết, môi trường nước, giúp điều hòa được nhiệt độ, đặc biệt là vào mùa hè, những lúc thời tiết chuyển mùa, oi bức. Bình quân đầu tư một ao nổi có mái che diện tích từ 800 - 1.000 m2 chi phí từ 300 - 400 triệu đồng tùy vật liệu sử dụng.
Bên cạnh đó, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao còn có hệ thống ao chứa với diện tích lớn, chiếm khoảng 70% diện tích khu nuôi tôm nên nguồn nước cung cấp được xử lý tốt, đảm bảo an toàn, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tổ trưởng Tổ nuôi tôm HTX Quảng Xá Hoàng Đức Huấn cho biết, 2 năm qua, nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại HTX phát triển mạnh. Sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt trên 93 tấn, doanh thu đạt khoảng 16,5 tỉ đồng; trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 8 tỉ đồng. Đáng chú ý là do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước sông Sa Lung nên hầu hết các hộ nuôi tôm thâm canh thông thường đều bị thua lỗ. Năng suất, sản lượng và lợi nhuận tập trung chủ yếu vào các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi theo quy trình 2, 3 giai đoạn.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh đã có trên 100 ha nuôi tôm công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và TP. Đông Hà. Hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đều được triển khai thành công và mang lại hiệu quả cao cho người nuôi nhờ hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, giảm thiểu chi phí sản xuất.
Đơn cử như năm 2023, trong khi các hộ nuôi tôm theo phương thức truyền thống tại huyện Vĩnh Linh thất thu với trên 250 ha tôm nuôi bị chết do dịch bệnh, môi trường nước bị ô nhiễm thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao, theo quy trình 2, 3 giai đoạn vẫn đạt hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh khẳng định, nuôi tôm công nghệ cao đã giải quyết được phần nào khó khăn về quản lý môi trường nuôi, nhất là xử lý chất thải và khí độc trong ao nuôi thường gặp phải khi nuôi theo phương thức truyền thống. Cụ thể, thông thường khi tôm nuôi được khoảng 60 ngày tuổi thì lượng chất thải tích tụ dưới đáy ao khá lớn. Đây là thời điểm dễ phát sinh các loại khí độc, ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của tôm nuôi.
Do vậy, việc chuyển từ ao ương sang ao nuôi giúp đáy ao nuôi luôn mới, thời gian nuôi tại mỗi ao ngắn nên lượng chất thải, khí độc phát sinh không lớn. Mặt khác, thời gian nuôi 1 vụ của các ao không dài, thông thường khoảng 2 tháng, ao nuôi được luân chuyển theo hình thức cuốn chiếu nên người nuôi có thể tăng số vụ nuôi trong năm.
Theo ông Vinh, nuôi tôm công nghệ cao là giải pháp hữu hiệu hiện nay giúp người nuôi tôm hạn chế dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghệ cao cũng gặp những khó khăn nhất định như phải có diện tích khu nuôi tôm đủ lớn, phải xây dựng thêm ao ương, cao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, nhất là hệ thống quạt nước, ô xy đáy...; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống mương cấp, thải... nên chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao.
Do vậy, bên cạnh sự chủ động của người nuôi tôm, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng, khuyến khích phát triển nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao như quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, ứng dụng công nghệ bioflock, VietGAP... nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và từng bước hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm.
“Thực tế, trong những năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm theo phương thức truyền thống, nuôi trong ao đất liên tiếp gặp thất bại. Nhưng những mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đa phần đem lại hiệu quả cao, nhất là các mô hình nuôi theo quy trình 2, 3 giai đoạn”, ông Vinh nhấn mạnh.
Lê An
QTO - Những năm gần đây, huyện Hải Lăng đã hình thành nhiều cơ sở may gia công ở nông thôn. Đây là mô hình không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao...
QTO - Từng đợt gió mùa đông cùng với bọt sóng từ biển phả vào bờ làmc ho cái lạnh thêm buốt giá vẫn không ngăn được ngư dân vùng biển bãi ngang lặn ngụp...
QTO - Đến cuối năm 2023, huyện Cam Lộ có 6/7 xã hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Hiện nay, địa phương đang tập...
QTO - Huyện Cam Lộ có 20.099 ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó đất có rừng 18.954 ha. Thời gian qua, UBND huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các cơ quan...
QTO - Tuy có tên khoa học hẳn hoi nhưng ngư dân địa phương thường gọi hàu răng cưa là “hàu vua”, ý chỉ chất lượng hàng đầu, dùng để chế biến thành món ăn...
QTO - Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường, nắng, mưa xen kẽ, tiết trời âm u, có sương mù, mưa phùn, ẩm độ cao, nhiệt độ từ 22-260 C... là điều kiện...
QTO - Nhận thấy chăn nuôi bò 3B có nhiều ưu điểm, đặc biệt là dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với một số loại vật nuôi khác,...
QTO - Là địa phương có thế mạnh về biển nên thời gian qua, huyện Gio Linh luôn xác định phát triển kinh tế vùng biển là yếu tố quan trọng, quyết định đến...
QTO - Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”
QTO - Từ năm 2011, huyện Vĩnh Linh bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Suốt 13 năm qua, bằng tinh thần...
QTO - Nhằm tạo bước đột phá góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, Huyện ủy Vĩnh Linh xác...
QTO - Hiện nay, tình trạng vi phạm thương hiệu, nhãn mác đối với sản phẩm nông sản diễn ra khá phổ biến trên phạm vi toàn quốc, không chỉ làm cho người...