Cập nhật:  GMT+7

Những mùa quả ngọt

Nằm bên tuyến đường Hồ Chí Minh là cơ ngơi khang trang của gia đình ông Lê Quang Lợi, xã Bố Trạch, tỉnh Quảng Trị. Là một cựu chiến binh (CCB) từng trải qua những năm tháng khốc liệt tại chiến trường biên giới phía Bắc, trong thời bình, người lính Cụ Hồ ấy tiếp tục bước vào cuộc chiến chống đói nghèo và một lần nữa giành chiến thắng. Từ vùng đồi hoang hóa năm nào, hôm nay đã xanh ngút ngàn màu hồ tiêu, vải thiều, na, sắn..., mang lại những mùa quả ngọt trên quê hương.

Những mùa quả ngọt

Gốc vải u hồng được gia đình ông Lợi gìn giữ, chăm sóc nhiều năm.-Ảnh: N.M

Từ chiến trường đến vườn vải

Rời chiến trường biên giới phía Bắc sau những năm tháng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 426, Sư đoàn 306, Quân đoàn 2, người lính Lê Quang Lợi nên duyên với một cô gái Bắc Giang. Năm 1994, ông cùng vợ con trở về quê hương, bắt đầu hành trình lập nghiệp trên vùng kinh tế mới với 5ha đất đồi hoang hóa.

Không chỉ mang theo tình yêu và ký ức một thời trận mạc, ông còn đưa về giống vải thiều u hồng nổi tiếng, đặc sản quê vợ, để gieo trồng nơi vùng đất nắng gió. Mặc dù có “gốc gác” từ Bắc Giang xa xôi, nhưng với quyết tâm của một người lính, tấm lòng yêu đất, yêu quê và khát vọng vượt khó làm giàu chính đáng, cây vải đã bén rễ, đơm hoa, kết trái ngọt lành trên đất quê hương.

Nhiều người dân và cán bộ địa phương tự hào cho biết, ông Lợi là một trong những người đầu tiên đưa cây vải thiều về trồng trên vùng đất này. Vườn ông hiện có 220 gốc vải, trong đó có những cây “vải cụ” với tuổi đời trên 30 năm. Từ những gốc vải đầu tiên, ông cần mẫn chiết cành, nhân rộng trong khu vườn của mình. “Hữu xạ tự nhiên hương”, hiệu quả kinh tế từ mô hình của ông lan tỏa, góp phần đưa cây vải phát triển không chỉ tại địa phương mà còn vươn ra các xã lân cận.

Năm nay, chúng tôi lỡ hẹn với mùa vải tại vườn ông Lợi. Bởi theo ông, giống vải u hồng trồng trên đất Bố Trạch thường cho thu hoạch sớm. Khi nhiều nơi đang vào chính vụ thì vườn vải của ông đã thu hoạch xong. Chính điều này đã mang lại lợi thế về giá bán khi đầu vụ, vải bán được giá 40.000 đồng/kg, còn giữa và cuối vụ dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Với sản lượng 8 tấn, năm nay gia đình ông thu về khoảng 240 triệu đồng từ vườn vải.

“Chăm sóc vải không khó, chỉ cần làm cỏ, bón phân và tỉa cành đúng cách. Nhiều năm qua, thương lái gần xa biết tiếng nên đến tận vườn thu mua. Mùa vải thiều đang rộ thì vườn tôi đã xong vụ nên gần như không phải lo đầu ra”, ông Lợi chia sẻ.

Từ 5ha đất đồi hoang hóa, ông Lợi đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả. Mỗi năm, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng và trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân trong phát triển kinh tế nông thôn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là người "truyền lửa", góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân trong vùng, tiếp thêm động lực để họ vươn lên từ tiềm năng của quê hương.

Kinh tế tổng hợp, hướng đi bền vững

Một trong những thế mạnh của Bố Trạch là cây hồ tiêu, và CCB Lê Quang Lợi đã phát huy tối đa lợi thế này khi dành phần lớn diện tích đất đồi để trồng tiêu theo hướng bền vững, cho năng suất ổn định và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện vườn ông có 1.200 gốc tiêu đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng khoảng 3 tấn. Ở mức giá 160.000 đồng/kg, vụ mùa năm nay mang lại cho ông gần 500 triệu đồng.

Gắn bó nhiều năm với cây tiêu, trải qua không ít thăng trầm, ông Lợi vẫn giữ vững niềm tin vào loại cây chủ lực này. Hiện, ông đang chuẩn bị trồng mới thêm 600 gốc tiêu, tiếp tục mở rộng quy mô và đầu tư cho những mùa vụ bền vững hơn trong tương lai.

Những mùa quả ngọt

Mô hình kinh tế tổng hợp giúp ông Lê Quang Lợi xây dựng cơ ngơi khang trang.-Ảnh: N.M

700 gốc na dai, cũng là giống cây ông mang từ quê vợ Bắc Giang, đang vào vụ, được thương lái thu mua với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg. Trên mảnh đất đồi khô cằn năm nào, ông Lợi còn trồng 1ha sắn, nuôi 50 tổ ong lấy mật, trồng xen dưa hấu, hàng nghìn gốc chè và đào ao thả cá... Sau khi trừ chi phí, từ 5ha đất, ông thu về khoảng 500-600 triệu đồng/năm.

Tất cả không đơn thuần chỉ là cây trái, vật nuôi, mà là kết quả của một quá trình gắn bó bền bỉ, sáng tạo và quyết liệt của người lính Cụ Hồ trong thời bình. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch, vườn nhà ông còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương, góp phần tạo thu nhập cho bà con.

Nguồn thu nhập ổn định, đa dạng ấy không chỉ giúp gia đình ông vươn lên khá giả mà còn khẳng định hiệu quả thiết thực của mô hình kinh tế tổng hợp, hướng đi bền vững giữa vùng đất đồi nắng gió Bố Trạch hôm nay.

Lan tỏa những “mùa vàng”

Phó trưởng phòng Kinh tế xã Bố Trạch, ông Trần Tiến Dũng, tự hào chia sẻ: “Ông Lợi là CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Nhiều năm liền, ông được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từng đảm nhiệm nhiều vai trò như chi hội trưởng chi hội CCB, chi hội nuôi ong, chủ tịch hội làm vườn xã..., ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tụy, trách nhiệm và hết lòng vì cộng đồng. Ông là chỗ dựa tin cậy của hội viên và bà con nông dân trong chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Ông Hoàng Văn Khang, thôn Dài, xã Bố Trạch, một trong những hộ đang sở hữu vườn vải u hồng từ giống cây do ông Lợi nhân giống, cho biết: Tôi bắt đầu trồng vải từ năm 2010. Nhờ được ông Lợi hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật tận tình nên vườn vải của gia đình tôi phát triển ổn định. Do diện tích hạn chế, chúng tôi chỉ trồng sắn xen 30 gốc vải. Năm được mùa, sản lượng đạt khoảng 4 tấn, thu về gần 100 triệu đồng; năm kém hơn cũng vài chục triệu đồng. So với cây sắn, cây vải vừa nhàn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi cũng đã chiết cành, cung cấp hàng trăm cây giống cho bà con trong vùng, góp phần phát triển kinh tế từ giống vải quý này.

Từ người lính trở về sau chiến tranh, ông Lợi tiếp tục khẳng định mình trên trận tuyến phát triển kinh tế nông thôn. Mỗi mùa quả ngọt hôm nay không chỉ là thành quả của mồ hôi công sức mà còn là minh chứng cho tinh thần vượt khó, phẩm chất bền bỉ và trái tim nhân hậu của người lính Cụ Hồ trong thời bình.

Ở nơi từng là đồi hoang hóa, một “mùa vàng” đang lan tỏa, mùa vàng của tri thức, nghĩa tình và khát vọng vươn lên từ chính bàn tay người nông dân chân chất, kiên cường.

Ngọc Mai

Tin liên quan:
  • Những mùa quả ngọt
    “ Mùa quả ngọt” của Duy Anh

    Tuy còn trẻ nhưng cái tên Nguyễn Duy Anh (sinh năm 1991), công tác tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị (cũ) đã gắn liền với nhiều danh hiệu, giải thưởng. Để có “mùa quả ngọt” ấy, ít ai biết, anh từng trải qua quá trình học tập, lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy đam mê.

  • Những mùa quả ngọt
    Mấy mùa quả ngọt trên đất Tân Long

    Trong sâu thẳm ký ức của các di dân xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) vẫn còn khắc sâu những ngày đầu khốn khó khi “họ gánh theo tên xã, tên làng” lên phía Tây tỉnh Quảng Trị, rồi chọn đất Tân Long (huyện Hướng Hóa) để “bén rễ, xanh cây”. Cái tên Tân Long có nghĩa là “con rồng mới”, cũng là “Long” lấy trong tên xã Triệu Long để nhớ về nguồn cội, còn “Tân” là khát vọng đổi mới, phát triển không ngừng trên quê hương mới.


Ngọc Mai

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hiệu quả mô hình nuôi vịt trên sàn lưới

Hiệu quả mô hình nuôi vịt trên sàn lưới
2025-07-05 05:05:00

QTO - Với những ưu điểm vượt trội như thời gian nuôi ngắn hơn, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long