{title}
{publish}
{head}
Ngoài xung đột giữa nhu cầu giao thông và năng lực kết cấu hạ tầng thì thiên tai, thời tiết cực đoan khiến mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuống cấp nhanh chóng. Trong khi đó nguồn lực duy tu bảo dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu và nhiều phương tiện vận tải cũ lạc hậu đã tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là hạ tầng giao thông cần phải được quan tâm đầu tư hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, tương xứng với vai trò huyết mạch, thúc đẩy nền kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.
Nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Qua số liệu đánh giá hiện trạng về hạ tầng giao thông cho thấy hệ thống giao thông của tỉnh phát triển còn chậm, liên kết với các tỉnh còn hạn chế. Mạng lưới giao thông, nhất là giao thông địa phương còn ở mức thấp và chưa vào cấp kỹ thuật, chất lượng còn xấu và nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hoặc đầu tư nâng cấp.
Tuyến giao thông DH02 đoạn Trường Kỳ-Mỹ Tú đã hư hỏng nặng -Ảnh: H.N.K
Tuyến đường ĐT.575a nối Quốc lộ 1 với các xã phía Đông của huyện Gio Linh, theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn từ Km5+400 đến Km6+700, mặt đường bê tông nhựa bị bong tróc, rạn nứt, đặc biệt xuất hiện nhiều “ổ gà”, làm mất an toàn giao thông và gây khó khăn cho việc đi lại. Đáng chú ý, trên tuyến đường này có nhiều công trình công cộng như trường học, trụ sở hành chính xã Gio Thành (cũ) nên mật độ phương tiện tham gia giao thông rất đông.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì tình trạng xe chở đất, cát phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn lưu thông hằng ngày khá nhiều. Từng đoàn xe chở đất lưu thông đêm ngày khiến người dân lo lắng trước sự xuống cấp nhanh chóng của đường giao thông. Bề mặt đường nhiều đoạn bị xe tải cày nát, làm bong tróc nên những lúc trời mưa gây ứ đọng nước, tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông nên đã có không ít vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường này.
Ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Nhĩ Trung, xã Gio Hải phản ánh: “Đây là tuyến đường quan trọng từ trung tâm huyện không chỉ kết nối với các xã vùng Đông của huyện mà còn kết nối đến các điểm du lịch biển; là huyết mạch vận chuyển hàng hóa nông, hải sản trao đổi giữa vùng biển với các địa bàn trong huyện cùng với lượng xe chở vật liệu xây dựng nên số lượng vận tải lưu thông hằng ngày lớn, do đó tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải được đầu tư nâng cấp”.
Không chỉ ở khu vực đồng bằng mà ở địa bàn miền núi hiện nay có nhiều tuyến giao thông đã xuống cấp. Trên các tuyến đường miền núi như tuyến ĐT.571, ĐT.585a, ĐT.586 hầu hết được thiết kế xây dựng các ngầm, tràn kết hợp đường giao thông. Vào mùa mưa bão, nước tại các ngầm tràn dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.
Đáng chú ý là Tỉnh lộ 587 (còn gọi là tuyến đường Khe Sanh-Sa Trầm) có chiều dài gần 18 km. Tỉnh lộ 587 được xây dựng từ lâu và qua một thời gian dài sử dụng, chịu ảnh hưởng của mưa lũ, xe qua lại nhiều nên hiện nay đã bị hư hỏng nặng. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi chứng kiến những đoạn đã bị bong tróc, hư hỏng nặng; nhiều đoạn đường tạo thành những rãnh sâu. Ở một số đoạn, lớp nhựa đường bị bong tróc hết chỉ còn đất đá lổn nhổn, một số nơi hình thành nhiều “ổ voi”, “ổ gà” rất nguy hiểm cho các phương tiện khi tham gia giao thông.
Thầy giáo Trương Quang Điệp ở Trường THPT A Túc cho biết, vì đường hư hỏng nặng nên người dân vận chuyển nông sản rất khó khăn; học sinh đi học cũng rất vất vả và nguy hiểm, đặc biệt về mùa mưa. Nguyên nhân khiến tuyến đường bị hư hỏng nặng là do tác động của bão lụt, sạt lở đất và các xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng trong quá trình xây dựng điện gió. Do đó, người dân trong vùng mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa con đường để đi lại được an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Mạng lưới giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển
Hiện nay tỉnh Quảng Trị có tổng số 8.395 km đường giao thông, bao gồm các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường chuyên dùng và mạng lưới giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, nội đồng). Trong đó, quốc lộ có 9 tuyến với tổng chiều dài 505,5 km, đường tỉnh 22 tuyến với tổng chiều dài 282,5 km.
Tuy nhiên, chỉ có 22,87 km được đầu tư vào cấp hoàn chỉnh từ cấp III trở lên, chiếm tỉ lệ 8%, các đoạn còn lại mới đạt cấp IV đến cấp VI. Mạng lưới đường đô thị với tổng chiều dài 871,4 km, tập trung chủ yếu tại TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và trung tâm các huyện lỵ. Mạng lưới đường huyện có tổng chiều dài 1.331km, mạng lưới đường chuyên dùng có chiều dài 98,8 km, còn lại là hệ thống đường xã và các loại đường nông thôn có tổng chiều dài là 5.306 km, chiếm tỉ lệ 63% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, còn có tuyến đường bộ cao tốc BắcNam đoạn qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 69,8 km. Nhìn chung, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường quan trọng, mang tính kết nối vùng và khu vực đã được đầu tư, nâng cấp. Mạng lưới đường tỉnh về cơ bản đã hình thành kết nối với mạng lưới đường quốc gia, kết nối trung tâm hành chính các huyện, thị xã, thành phố.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt là sự kết nối giao thông vùng, liên vùng, kết nối trục ngang theo hướng Đông-Tây còn hạn chế.
Để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, tỉnh Quảng Trị đã lập quy hoạch các tuyến đường kết nối các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng với các huyện phía Tây Quảng Trị như Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa và đang huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, các tuyến giao thông trục ngang kết nối các vùng chưa được đầu tư đồng bộ, một số tuyến chưa được đầu tư nâng cấp vì qua thời gian khai thác đã bị hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, nhất là trong mùa mưa bão.
Trong đó, phải kể đến tuyến trục ngang như: Đường ĐH.03 (Hồ Xá-Vĩnh Tú-Vĩnh Thái) với chiều dài toàn tuyến 10 km, điểm đầu tại Km724+700/Quốc lộ 1, điểm cuối giao đường ĐH.16 tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái mới chỉ được đầu tư xây dựng 970 m từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ tỉnh. Dự án “Đường tránh lũ, cứu hộ và phát triển kinh tế phía Tây huyện Triệu Phong và phía Nam huyện Cam Lộ” với tổng chiều dài khoảng 23 km dự kiến khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Triệu Phong đi Cam Lộ, hiện nay mới chỉ được đầu tư xây dựng 6 km, còn lại vẫn đang chờ triển khai do thiếu vốn...
Tuyến giao thông DH03 (Hồ Xá-Vĩnh Thái) đã xuống cấp -Ảnh: H.N.K
Bên cạnh đó, cần phải kể đến dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là một trong những dự án giao thông trọng điểm, kết nối các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh với vùng Đông Bắc huyện Hướng Hóa. Dự án này nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo thành trục ngang phía Bắc của tỉnh kết nối khu vực miền núi với đồng bằng; phá thế độc đạo Quốc lộ 9 từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và ngược lại.
Tuyến đường nối liền này có điểm đầu tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh và điểm cuối là xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa với tổng chiều dài 63,7 km. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng hoàn thành 40,7 km, còn 23 km từ trung tâm xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập chưa được xây dựng. Để hoàn thiện trục ngang giao thông trên địa bàn tỉnh thì ngoài các tuyến đường nối trên cần phải quan tâm đầu tư hoàn thiện các tuyến đường trục ngang trong tỉnh như Hướng Lập (Hướng Hóa) về đến Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Đường 579 từ thị trấn Ái Tử đi Khe Lấu, Quốc lộ 9E nối ngã ba Long Hưng lên Ba Lòng...
Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, do nguồn lực của địa phương có hạn nên nhiều tuyến đường đã đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn. Trong đó phải kể đến tuyến đường Phạm Văn Đồng nối trung tâm thị trấn Hồ Xá về các xã ven biển nhằm kết nối với tuyến đường ven biển Quảng Bình-Vĩnh Linh-Gio Linh giai đoạn 1 đã đầu tư 120 tỉ đồng hoàn thiện phân khúc đầu ở thị trấn Hồ Xá và đoạn cuối xã Vĩnh Thái đã hoàn thành, còn đoạn giữa từ xã Trung Nam đi Vĩnh Thái đang cần khoảng 400 tỉ đồng để hoàn thiện nhưng nay vẫn chưa tìm ra nguồn đầu tư.
Tuyến Hồ Xá-Vĩnh Tân (cũ) do WB làm chủ đầu tư đã qua 25 năm sử dụng nay đã xuống cấp nhưng vẫn chưa có nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa. Ở khu vực phía Tây của huyện có đoạn từ thị trấn Bến Quan đi Vĩnh Ô đường nhỏ, hẹp và xuống cấp cần được đầu tư, mở rộng để hoàn thiện tuyến đường kết nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, trong năm qua huyện đã ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ xã Vĩnh Chấp 10 tỉ đồng, xã Vĩnh Sơn 8 tỉ đồng để đầu tư mở rộng hệ thống giao thông nông thôn; đầu tư nâng cấp các tuyến đường miền núi ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà để đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương có hạn nên rất cần được tỉnh và trung ương quan tâm hỗ trợ huyện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tuyến giao thông trên địa bàn, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương.
Phát triển hạ tầng giao thông đang có bước khởi động tích cực
Để hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thiện, tỉnh Quảng Trị lập Quy hoạch giao thông tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án giao thông quốc gia quan trọng như Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng biển Mỹ Thủy, các tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-La Sơn, Vạn Ninh-Cam Lộ, Đông Hà-Lao Bảo theo đúng lộ trình quy hoạch đề ra.
Cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, chuẩn bị đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tuyến đường sắt Mỹ ThủyĐông Hà-Lao Bảo (kết nối với Lào). Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh, tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường bộ địa phương đảm bảo kết nối hiệu quả với các loại hình giao thông quốc gia và khu vực. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc liên kết giữa các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ tới các đầu mối giao thông quan trọng như Cảng biển Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị...
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất, mặt bằng sạch cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, nhà đầu tư cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thành công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, góp phần tạo đột phá, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cùng với đó, các địa phương cần chủ động quỹ đất và phương án tái định cư để người dân sớm bàn giao mặt bằng sạch. Đồng thời, khảo sát các mỏ đất tại địa phương để lập phương án khai thác, phục vụ công trình giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định: “điểm nghẽn” trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chính là lực cản đối với sự phát triển kinh tếxã hội của địa phương. Do đó, việc khẩn trương triển khai các dự án giao thông sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của tỉnh và thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH.
Vì vậy, tỉnh nỗ lực kêu gọi vốn từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau gồm đầu tư công, đầu tư nước ngoài, vốn FDI và cả nguồn tư nhân để phát triển hạ tầng giao thông. Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh để theo dõi, chỉ đạo thực hiện tốt tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt về giao thông, nhờ đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2023-2030, tỉnh chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét về công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất, mặt bằng sạch, kịp thời giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hồ Nguyên Kha
QTO - Với những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho vùng dân tộc miền núi, cùng tinh thần chịu khó học hỏi, nỗ lực vươn lên, thời gian qua,...
QTO - Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 được Thủ tướng...
QTO - Theo chia sẻ của anh Lê Văn Vĩnh, Bí thư Xã đoàn Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, trên địa bàn xã hiện có 30 đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi với...
QTO - Bị ngập úng dài ngày do ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hàng chục héc ta trồng cây ném và các loại hoa màu khác của nông dân xã Hải Định, huyện...
QTO - Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nội dung quan trọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng...
QTO - Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông,...
QTO - Thanh niên nông thôn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu lao động của tỉnh. Vấn đề lao động và việc làm nói chung, việc làm của thanh niên nói riêng, nhất...
QTO - Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các đề án về công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hải Lăng, thời...
QTO - Năm 2023 là năm đầu tiên nông dân Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ liên kết với doanh nghiệp để trồng một số cây dược liệu. Dù diện tích chưa...
QTO - Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh ở huyện Đakrông vừa cho ra mắt mô hình thương mại hai...
QTO - Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản hoàn thiện, góp phần quan trọng phục vụ phát triển KT-XH địa...
QTO - Nhằm giúp người dân cải thiện một phần sinh kế khi tham gia quản lý và bảo vệ rừng, được sự hỗ trợ của Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng...