
{title}
{publish}
{head}
Anh Nguyễn Đình Phúc (sinh năm 1983) thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, là nghệ nhân quốc gia và nhà sáng lập thương hiệu Gia Nguyễn với hàng trăm sản phẩm độc đáo như mấn, vương miện và trang sức cao cấp. Mỗi tác phẩm của anh không chỉ khắc họa vẻ đẹp truyền thống mà còn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa và nhan sắc Việt Nam trên các sân khấu nghệ thuật từ trong nước đến quốc tế. Không chỉ giỏi nghề, thiện tâm, câu chuyện về hành trình vượt khó chinh phục giấc mơ của anh còn là nguồn động lực cho nhiều bạn trẻ bước tiếp với đam mê.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Phúc (ở giữa) trong vai trò ban giám khảo và thiết kế vương miện cho cuộc thi Miss&Mister FPT - Ảnh: NVCC
Niềm đam mê đặc biệt
Giờ đây, khi nhắc đến tuổi thơ của mình, anh Phúc vẫn không khỏi bồi hồi bởi những kỷ niệm khó quên của một thời nghèo khó. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở vùng trũng Hải Lăng, như bao đứa trẻ khác, Phúc quen với cảnh đói ăn, thiếu mặc. Thế nhưng, từ lúc còn học tiểu học, cậu bé đã có một niềm đam mê khác hẳn với bạn bè đồng trang lứa. Cứ sau mỗi buổi học, chưa kịp về nhà thì Phúc đã chạy qua nhà hàng xóm để xem họ làm đồ trang sức mỹ nghệ. Có hôm, cậu bé xem say sưa đến mức quên cả ăn uống. “Thời ấy, nghề làm trang sức mỹ nghệ rất độc hại vì làm trên chất liệu kim loại, có sử dụng các chất tẩy rửa đậm đặc, nguy hiểm. Cũng vì lý do này, tôi thường xuyên bị “ăn đòn” vì không lo giữ em mà suốt ngày ở nhà hàng xóm”, anh Phúc kể.
Lớn hơn một chút, dường như niềm yêu thích cái đẹp từ những thứ trang sức cũng lớn dần theo trong Phúc. Mỗi khi rảnh rỗi, anh thường vẽ lên cát hình thù những chiếc nhẫn, đôi bông tai hay mặt dây chuyền vô tình thấy được. Phúc cũng tự mày mò, học lóm từ người chú hàng xóm để làm ra được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tay. Đó cũng là bước đi đầu tiên để anh đến với con đường học nghề kim hoàn. Anh Phúc kể lại, có lần đang học cấp 2, khi được vào TP. Huế tham quan, anh đứng ngẩn ngơ ngắm các bức phù điêu chạm trổ hoa văn tuyệt đẹp. Rồi từ đó, anh ấp ủ thêm giấc mơ sau khi thành thạo nghề kim hoàn sẽ học thêm nghề chạm trổ.
Ngoài giá trị vật chất, nghệ nhân Nguyễn Đình Phúc muốn sản phẩm của mình mang nhiều giá trị tinh thần hơn khi tự tay làm từng chi tiết nhỏ - Ảnh: NVCC
Ước mơ là vậy nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khiến Phúc chẳng biết phải bắt đầu từ đâu để hiện thực hóa ước mơ. Khi đang học dở chương trình phổ thông, nhận thấy ba mẹ không thể nuôi một lúc 5 anh em ăn học, Phúc quyết định xin nghỉ học để đi học nghề. Sẵn có niềm yêu thích và đam mê, anh kiên trì thuyết phục ba mẹ cho mình học nghề kim hoàn và khăn gói ra thị xã Quảng Trị để bắt đầu hành trình mới...
Chuyến đi thay đổi cuộc đời...
Vừa học, vừa làm gần 2 năm tại thị xã Quảng Trị, anh Phúc quyết định “Nam tiến” với vỏn vẹn 200 ngàn đồng trong túi. “Lúc mới vào TP. Hồ Chí Minh, tôi ở nhờ nhà người quen và xin được việc làm thợ cho một cửa hàng trang sức ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Với tôi, đó là những tháng ngày vất vả nhất khi vừa đi làm, vừa lo đủ thứ chi phí sinh hoạt. Các mẫu mã trang sức ở TP. Hồ Chí Minh thì quá phong phú khiến anh thợ tỉnh lẻ như tôi không theo kịp và phải học thêm rất nhiều để nâng cao tay nghề”, anh chia sẻ. Ban ngày đi làm, ban đêm anh Phúc còn tranh thủ đi học thêm bổ túc văn hóa để hoàn thành hết những kiến thức phổ thông đã từng bị dang dở. Khó khăn là vậy, song với nghị lực và tinh thần vượt khó, không ngại khổ, chàng trai quê nghèo Quảng Trị đã dần có được chỗ đứng trong làng nghề mỹ nghệ kim hoàn. Năm 2015, sau khi hoàn thiện về tay nghề, anh tiếp tục nâng cao, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã độc đáo ở lĩnh vực chạm trổ, thu hút được nhiều khách hàng khó tính. Với mong muốn giúp đỡ những người có cùng đam mê, anh Phúc nhiệt tình hướng dẫn, giảng dạy miễn phí cho hàng trăm học viên và các bạn sinh viên khoa thiết kế trang sức của một số trường đại học khu vực phía Nam.
Anh Nguyễn Đình Phúc luôn dành tình cảm đặc biệt cho người yếu thế, đặc biệt là những người phụ nữ khuyết tật - Ảnh: NVCC
Dấu son trong sự nghiệp của anh là vào năm 2017 có dịp đóng góp cho Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Tại đây, anh và cộng sự ghi dấu ấn với thiết kế 23 chiếc ghế dành cho các nguyên thủ quốc gia được dát vàng. Các họa tiết đặc sắc gắn liền với văn hóa của từng quốc gia đã được anh Phúc cùng ekip tỉ mỉ thực hiện và được đánh giá rất cao. Cũng trong năm 2017, anh được trao bằng nghệ nhân quốc gia vì những cống hiến cho công trình văn hóa, nghệ thuật quốc gia.
Miệt mài cố gắng với mục tiêu đã vạch sẵn, năm 2019, anh Phúc quyết định thành lập thương hiệu Gia Nguyễn hoạt động trong lĩnh vực chế tác và kinh doanh những sản phẩm trang sức, quà tặng cao cấp, đồ mỹ nghệ độc đáo, độc quyền do anh và ekip tự tay làm ra. Các tác phẩm chạm trổ theo phong cách phù điêu mang thương hiệu Gia Nguyễn với trị giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng được đón nhận rất trân trọng với nhiều phản hồi tích cực. Đó cũng chính là động lực để anh tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm độc đáo, mang dấu ấn riêng cho từng khách hàng.
Bên cạnh những mặt hàng mỹ nghệ, phong thủy truyền thống, anh Phúc đẩy mạnh các sản phẩm phục vụ cho trang trí nội thất các công trình khách sạn, biệt thự hạng sang với những thiết kế được dát hoặc mạ vàng 24K. Đặc biệt hơn, nghệ nhân quốc gia Nguyễn Đình Phúc cũng chính là người trực tiếp chế tác ra những chiếc vương miện tinh xảo và quý giá, mấn, phụ kiện biểu diễn cao cấp bằng vàng, bạc, đá quý cho nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước và quốc tế; các show trình diễn thời trang áo dài của những nhà thiết kế hàng đầu...
Anh cho hay: “Tôi có ấn tượng đặc biệt mỗi khi nhìn những cô gái Việt Nam đội mấn hoặc vương miện kiêu hãnh bước đi trên sân khấu. Nét đẹp đó đã thôi thúc tôi nghiên cứu và tìm hiểu về việc chế tác vương miện mỗi khi rảnh rỗi. Các sản phẩm do tôi thiết kế thủ công dựa trên cảm xúc và tâm tình của nghệ nhân chứ không chạy theo lợi nhuận hay thị hiếu.
Ngoài giá trị vật chất, tôi muốn sản phẩm của mình mang nhiều giá trị tinh thần hơn khi tự tay chạm trổ từng chi tiết nhỏ như hoa sen, cánh chim lạc, trống đồng hay rồng, phượng...”. Bằng sự tận tâm, tỉ mỉ cùng tâm huyết của mình, đến nay, anh Phúc cùng cộng sự đã thiết kế hàng trăm vương miện cho nhiều đấu trường nhan sắc, làm ban giám khảo tại các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa và nhan sắc Việt Nam. Nổi bật như Cuộc thi Hoa hậu doanh nhân quốc tế mùa 4; Cuộc thi Miss&Mister FPT; Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam; Hoa hậu và Nam vương thần tượng Việt Nam 2024...
Tiếp sức cho những người yếu thế
Tháng 1/2025, anh Phúc phối hợp với các tổ chức, cá nhân có tâm huyết và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tổ chức Lễ công bố Cuộc thi Hoa hậu Trăng khuyết 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cuộc thi này với thông điệp: “Tôn vinh vẻ đẹp, tài năng và nghị lực của những người phụ nữ khuyết tật”.
Thông qua đó cũng tạo diễn đàn truyền tải những câu chuyện đầy cảm hứng về ý chí phi thường, vượt qua nghịch cảnh của những con người yếu thế. Vòng chung kết diễn ra tại Nhà hát Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương ngày 3/5 với sự tranh tài của top 30 người đẹp.
Với vai trò là trưởng ban tổ chức, trong suốt quá trình tổ chức cuộc thi, anh Phúc là người trực tiếp tài trợ và đứng ra vận động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân đến giới truyền thông để tạo sân chơi ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng người khuyết tật. Anh cũng là người trực tiếp thiết kế vương miện cho các hoa hậu.
“Đảm nhận vai trò trưởng ban tổ chức cuộc thi hoa hậu cho những người khuyết tật là “một đề bài rất khó”, so với những cuộc thi nhan sắc khác tôi từng tham gia. Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình đang được chính các bạn thí sinh truyền động lực rất nhiều khi họ đều mang trên cơ thể những khiếm khuyết nhưng đã vượt qua mặc cảm, tự ti để tự tin tỏa sáng trên sân khấu theo cách riêng”, anh Phúc cho biết.
Với nghệ nhân Nguyễn Đình Phúc, nâng đỡ cho người yếu thế là một tâm nguyện thường trực kể từ khi anh tạo dựng được chỗ đứng vững chắc cùng với đam mê của mình. Nhiều năm qua, anh luôn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện; thường xuyên gặp gỡ, liên hệ với các nhà thiết kế, nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng và những người bạn để kết hợp làm các dự án từ thiện; chương trình đấu giá gây quỹ; dự án âm nhạc kết hợp truyền thông vì cộng đồng...
“Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu cho ra nhiều dòng sản phẩm quà tặng cao cấp, độc quyền của thương hiệu Nguyễn Đình Phúc. Bản thân tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp phần đưa ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam vươn ra thế giới, đồng thời tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện hướng về người yếu thế”, anh Phúc nói.
Nguyễn Minh Đức
QTO - Với sự sáng tạo, năng động, biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội trong thời đại 4.0, nhiều người trẻ ở Quảng Trị có những cách làm riêng để quảng...
QTO - Những năm trở lại đây, nhờ tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây lúa nước trên địa bàn huyện miền núi...
QTO - Hiện nay, phầm mềm Olympia RĐ đang được nhiều ngôi trường trên toàn quốc lựa chọn để góp phần mang tới cho học sinh, sinh viên những sân chơi trí tuệ...
QTO - Năm nay tròn 90 tuổi, ông Hồ Văn Triêm ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Li nh, vẫn nhớ tường tận những câu chuyện lịch sử hào hùng năm xưa của mảnh đất...
QTO - Dịp 30/4 – 1/5 năm nay mặc dù được nghỉ lễ 5 ngày, nhưng trên công trường Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn...
QTO - Mấy tuần trước, Báo Tiền Phong vừa tổ chức giải Marathon truyền thống lần thứ 66 của tờ báo này ở Quảng Trị mang tên “Khúc khải hoàn” nhân dịp 50 năm...
QTO - Trên nền trời trong veo, cây cầu Hiền Lương, biểu tượng của chia ly và đoàn tụ hiện lên trong mắt tôi như một chứng tích bất tử của lịch sử, như một...
QTO - Khi tôi viết những dòng này thì mẹ đã thành người thiên cổ. Mẹ thanh thản yên nghỉ trên cánh đồng làng quê mẹ ngay cạnh chân cầu Hiền Lương. Đầu mẹ...
QTO - Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam...
QTO - Quảng Trị có rất nhiều thác nước đẹp kết hợp với rừng, hồ, suối rộng, nước trong veo để phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thác...