
{title}
{publish}
{head}
Năm nay tròn 90 tuổi, ông Hồ Văn Triêm ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Li nh, vẫn nhớ tường tận những câu chuyện lịch sử hào hùng năm xưa của mảnh đất Vịnh Mốc quê mình. Từ những hồi ức đó, ông chép lại rồi bỏ tiền thuê người đánh máy in thành tư liệu, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu về truyền thống anh hùng cách mạng của cha ông, để tiếp nối mạch nguồn dựng xây quê hương...
Ông Hồ Văn Triêm với cuốn hồi ký “Người chở hàng ra đảo” do ông ghi chép và in thành tư liệu - Ảnh: Đ.V
Nhớ một thời tiếp tế đảo Cồn Cỏ
Khi vừa 18 tuổi, ông Triêm tham gia đoàn thanh niên rồi dân quân địa phương. Một thời gian sau ông được cử đi học trung cấp thủy sản ở tỉnh Nghệ An, sau đó về làm ở HTX nghề cá Vịnh Mốc, phụ trách mảng kỹ thuật khai thác hải sản.
Ông Triêm cho biết, từ năm 1959, bộ đội ta bắt đầu ra giữ đảo Cồn Cỏ, ban đầu việc tiếp tế đảo do lực lượng hải quân đảm nhiệm. Bắt đầu từ năm 1965, Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cồn Cỏ là một trong những điểm chúng tập trung đánh phá ác liệt hòng chiếm đảo. Do chỉ cách Cồn Cỏ 28 km nên Vịnh Mốc trở thành địa điểm tiếp tế thuận lợi nhất cho đảo.
Ông Triêm kể thời điểm này, xe vận chuyển hàng hóa, vũ khí ngày đêm cấp tập chở hàng về Vịnh Mốc để đưa ra tiếp tế bộ đội giữ đảo. Ước tính đã có hàng nghìn tấn gồm lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, vật liệu xây dựng, nước ngọt và cả bộ đội đã được quân dân thôn Vịnh Mốc đưa ra đảo Cồn Cỏ. “Do là bến chính tiếp tế đảo Cồn Cỏ nên Vịnh Mốc trở thành mục tiêu đánh phá đêm ngày của giặc Mỹ. Vì chúng hiểu rằng, muốn tiêu diệt và chiếm được đảo thì phải cắt đứt đường tiếp tế từ Vịnh Mốc”, ông Triêm nói.
Ông Triêm kể chuyến hàng tiếp tế vào đêm 28/5/1965 là chuyến đi không bao giờ quên của quân dân Vịnh Mốc. Lúc đó, ta táo bạo tổ chức ra đảo với 12 thuyền, do đồng chí Nguyễn Thuyết là trung đội trưởng chỉ huy. Nhờ gió Đông Nam thuận lợi, chuyến thuyền cập bến an toàn, giao xong hàng và quay vào đất liền. Nhưng khi quay vào thì một thuyền bị gãy cột buồm nên còn 11 thuyền rời đảo lúc 24 giờ. Khi cách đảo 12 cây số, đội thuyền ta bị tàu chiến Mỹ phát hiện đánh xáp lá cà, cả đội đánh trả quyết liệt. Hai bên đánh nhau được 40 phút thì gió mùa Đông Bắc tràn về làm nổi sóng to, gió lớn, trời mưa tầm tã, địch bỏ chạy.
Thuyền ta nhỏ không chống được sóng to gió lớn, cứ thả trôi lênh đênh trên biển. Qua hai ngày đêm, gió Đông Bắc vẫn thổi mạnh và sóng to gió lớn đã đánh chìm 5 thuyền làm mất tích 30 đồng chí. Còn 6 thuyền với 45 đồng chí trôi dạt vào Nam, sa vào tay địch. Cũng từ đây, việc tiếp tế ra đảo rất khó khăn. Trong khi tình hình ở đảo càng khó khăn hơn về lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt đều phải tiết kiệm, đạn chiến đấu phải tích từng viên. “Trước tình thế này, ngày 3/6/1965, tôi và một số đồng chí thành thạo việc đi biển ở Vịnh Mốc đã viết đơn tình nguyện đi tiếp tế cho đảo”, ông Triêm kể.
Ông Hồ Văn Triêm trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Trị - Ảnh: Đ.V
Ông Triêm được giao làm thuyền trưởng của một trong số 2 chiếc thuyền ra đảo. Mỗi thuyền được biên chế 6 người, vũ khí trang bị gồm có: 1 khẩu trung liên RDB, 1 khẩu B40 và 2 khẩu tiểu liên AK. Riêng thuyền trưởng trang bị 2 quả lựu đạn đã mở nắp và rút dây sẵn. Qua ba tháng luồn lách ra vào đảo đầy ác liệt, thuyền ông Triêm đã chở được 20 chuyến hàng tiếp tế đảo Cồn Cỏ thành công. Đến chuyến thứ 21 thì đội thuyền 4 chiếc bị địch phát hiện tấn công dữ dội.
Trước hỏa lực mạnh của địch, đội thuyền bị đánh chìm, nhiều đồng chí hy sinh và bị thương nặng. “Trận đó, từ cách bờ 8 km tôi đã cố hết sức để bơi vào. Đến 5 giờ sáng, khi chỉ còn cách bờ 2 km, tôi được quân dân ra cứu vớt, lúc này mới biết mình còn sống”, ông Triêm nhớ lại. Trong số hàng chục chuyến thuyền vượt đạn bom tiếp tế Cồn Cỏ, ông Triêm nhớ nhất là vào đêm 19/8/1965 khi thuyền ông vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ mang quà Bác Hồ tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.
“Chuyến đi này an toàn, cập đảo sớm. Chúng tôi đã bàn giao chiếc đài nhãn hiệu National Panasonic cho chỉ huy trận địa pháo cao xạ Bến Nghè. Đồng chí chỉ huy mở đài mang đi khắp các trận địa ở Bến Nghè, các chiến sĩ hết sức vui mừng khi biết đó là món quà động viên của Bác Hồ, từ đó càng vững tin bám trận địa quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”, ông Triêm kể. Từ tháng 6/1965 đến cuối năm 1966, ông Triêm trực tiếp tham gia 41 chuyến thuyền tiếp tế đảo Cồn Cỏ, bản thân ông đã được xét cấp Huân chương chiến công Hạng Ba.
Điều làm ông Triêm day dứt nhất chính là người anh trai Hồ Tỷ của ông đã hy sinh trong cùng chuyến tiếp tế đảo Cồn Cỏ vào ngày 26/6/1966. Chi tiết về những năm tháng quân dân Vịnh Mốc tiếp tế đảo Cồn Cỏ dưới mưa bom bão đạn, với những trận đánh bi hùng trên biển với giặc Mỹ đã được ông Triêm bắt đầu ghi chép lại từ năm 2022 trong cuốn hồi ký có tựa đề “Người chở hàng ra đảo”.
“Xây làng” trong lòng đất...
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Triêm khoe tập bản thảo vừa hoàn thành kể về quá trình dân làng Vịnh Mốc đào hầm và đời sống, sinh hoạt, chiến đấu của quân dân ở hầm địa đạo. Theo đó, từ giữa năm 1965, sự đánh phá của quân Mỹ ngày càng ác liệt hơn, Vịnh Mốc và một số làng ở Vĩnh Thạch bị bom đạn cày xới.
Với sự minh mẫn còn lại của mình, ông Hồ Văn Triêm cố gắng ghi chép những sự kiện lịch sử của quê hương Vịnh Mốc - Ảnh: Đ.V
Đứng trước tình thế gay go và quyết liệt đó, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Thạch thực hiện quyết tâm của Khu ủy Vĩnh Linh “Quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”. Cùng với không khí sẵn sàng chiến đấu trong toàn dân, thời điểm đó Vịnh Mốc đã xây dựng một hệ thống hầm hào, trận địa rộng khắp, nhất là trận địa 12,7 ly, trận địa pháo 57 ly, các điểm chốt dọc bờ biển và hàng trăm mét giao thông hào chằng chịt, liên hoàn. Hàng trăm thứ hầm các loại được xây dựng khắp nơi: hầm trong nhà, hầm dọc đường, hầm nơi sản xuất và đủ các loại hầm như hầm lán, hầm chữ L, hầm móoc, hầm bằng, hầm chữ A... Nhưng giặc Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt với nhiều loại bom đạn nguy hiểm, trong đó có bom khoan nên một số loại hầm không được an toàn. Với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân Vịnh Mốc quyết bám đất giữ làng để sản xuất, chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ quê hương, bảo vệ Cồn Cỏ cũng như chi viện cho chiến trường miền Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc hoàn thành là kết quả của sức mạnh tổng hợp với 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom bão đạn và vận chuyển ra ngoài hơn 6.000 m3 đất đá của quân, dân trên địa bàn Vịnh Mốc. Địa đạo Vịnh Mốc là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê trong lòng đất, có độ sâu từ 12 - 25 m, tổng chiều dài hơn 2.000 m, lòng địa đạo cao từ 1,6 m - 1,8 m, rộng 1,2 m. Có tất cả 13 cửa ra vào, lên xuống và 7 cửa thông ra biển. Địa đạo có cấu trúc 3 tầng, tầng 1 là nơi sinh sống của Nhân dân, tầng 2 là nơi hội họp của lãnh đạo; tầng 3 chủ yếu là kho hậu cần. Trong địa đạo có các công trình thiết yếu như: trạm gác phòng không ở các cửa thông; phòng cứu thương, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, hội trường, bếp... |
Ông Triêm kể, ngày 23/5/1965, Chi bộ Vịnh Mốc họp ra nghị quyết: “phải đào địa đạo” và phân công công việc cụ thể cho các thành viên. 7 giờ ngày 25/5/1965, những nhát cuốc đầu tiên được bổ xuống để đào địa đạo. Qua hai ngày đào thí điểm đạt kết quả rất khả quan: sâu 3,8 m, rộng 1,2 m, cao 1,7 m. Từ kết quả đó, Thường vụ Đảng ủy phổ biến cho các đơn vị tiếp tục triển khai rộng rãi trong toàn xã. Riêng đơn vị Vịnh Mốc, chi bộ phát động toàn dân 4 vùng trong địa phương phải quyết tâm đào thêm 4 địa đạo.
“Việc đào địa đạo gặp nhiều khó khăn khi đào xuống sâu. Nhưng trong cái khó thì ta ló cái khôn. Thiếu ánh sáng thì ta đốt đuốc, thiếu cuốc xẻng thì ta lấy mảnh bom, vỏ đạn làm cuốc xẻng”, ông Triêm kể. Đào địa đạo là nhiệm vụ cấp bách hơn lúc nào hết, là nhiệm vụ của toàn dân nên bà con thay phiên nhau đào liên tục theo nhiều ca, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Thời điểm đó, cụ già thì chẻ tre đan rổ, làm triêng gióng gánh đất. Chị em phụ nữ thì gánh đất đá ra ngoài. Các mẹ thay nhau giữ con trẻ để bố mẹ các cháu đào địa đạo.
“Đào địa đạo là sức mạnh và trí tuệ của toàn dân. Không có la bàn, máy móc, vừa đào, vừa rút kinh nghiệm. Khó nhất là khi đào để các nhánh nối lại khớp với nhau mà không lệch cao thấp, trái phải... Nhưng khó khăn mấy, với sự mưu trí, sáng tạo của mình, chúng tôi đều đã hoàn thành tốt việc đào địa đạo chính xác, hiệu quả”, ông Triêm cho hay. Có thời điểm địch đánh phá khốc liệt làm một số cửa hầm bị sạt lở, Nhân dân Vịnh Mốc đã tháo dỡ những nóc nhà còn sót lại để chống các cửa hầm cho vững chắc hơn. Cuối năm 1966, do yêu cầu trú ẩn an toàn cho Nhân dân và lực lượng vũ trang, bán vũ trang và dự trữ lương thực cần thiết cho chiến đấu lâu dài nên các nhánh địa đạo được đào nối lại với nhau, tạo nên một hệ thống hầm địa đạo liên hoàn.
Theo ông Triêm, địa đạo ngày nay được trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan du lịch là địa đạo đội 4 - một trong 5 địa đạo thôn Vịnh Mốc đào gần nhánh địa đạo quân dân Sơn Hạ và Đồn công an 140. Toàn bộ tập bản thảo ghi chép về địa đạo Vịnh Mốc cơ bản đã được ông Triêm hoàn thành và chuẩn bị in thành tư liệu.
“Đến nay thế hệ hiểu biết rõ về việc tiếp tế đảo Cồn Cỏ, đào hầm Vịnh Mốc như tôi không còn nhiều. Mong rằng, những tư liệu này sẽ giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ, tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của Vịnh Mốc để chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Triêm tâm sự.
Đức Việt
QTO - Dịp 30/4 – 1/5 năm nay mặc dù được nghỉ lễ 5 ngày, nhưng trên công trường Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn...
QTO - Mấy tuần trước, Báo Tiền Phong vừa tổ chức giải Marathon truyền thống lần thứ 66 của tờ báo này ở Quảng Trị mang tên “Khúc khải hoàn” nhân dịp 50 năm...
QTO - Trên nền trời trong veo, cây cầu Hiền Lương, biểu tượng của chia ly và đoàn tụ hiện lên trong mắt tôi như một chứng tích bất tử của lịch sử, như một...
QTO - Khi tôi viết những dòng này thì mẹ đã thành người thiên cổ. Mẹ thanh thản yên nghỉ trên cánh đồng làng quê mẹ ngay cạnh chân cầu Hiền Lương. Đầu mẹ...
QTO - Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam...
QTO - Quảng Trị có rất nhiều thác nước đẹp kết hợp với rừng, hồ, suối rộng, nước trong veo để phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thác...
QTO - Khi trò chuyện với chị phụ nữ dân tộc Thái có cái tên rất đẹp: Lò Thị Tiên về dãy núi Pú Huốt mà xã Mường Phăng tựa lưng, uống nguồn nước mát; Chỉ...
QTO - Giữa núi rừng Trường Sơn, nơi những nếp nhà sàn ẩn mình dưới tán cây xanh thẳm, những vùng hoa trắng bỗng trở thành điểm sáng dịu dàng. Trong vô vàn...
QTO - Em Hồ Thị Diệu Huyền (sinh năm 2001), một người con Quảng Trị trú tại tỉnh Saitama, Nhật Bản không thể nhớ hết số lần mình thức dậy từ mờ sáng, đạp...
QTO - Trước khi đi La Habana, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được gặp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Cuba tại Việt Nam Rogelio Polanco...