{title}
{publish}
{head}
Tôi đến Seoul, thủ đô của Hàn Quốc vào cuối Thu, đầu Đông. Là thành viên đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài thời gian làm việc với Hội Nhà báo Hàn Quốc, chúng tôi được đi thăm một số địa danh ở xứ sở Kim chi. Từ các ngã đường Seoul, những hàng cây ngân hạnh chạy dài tít tắp nở hoa vàng rực dưới nền nhiệt 3 độ C. Hoa vàng rực các đường phố, hoa trải thảm nơi cố cung, hoa rải đầy dọc lối đi ở nhà Xanh - nơi làm việc của các tổng thống Hàn Quốc một thời; hoa rụng, trải một màu vàng triền dốc con đường lên Đại sứ quán Việt Nam nằm ở trên đồi cao... Ở bất cứ nơi đâu trong thành phố cũng thấy một màu vàng rực của hoa ngân hạnh.
Thăm nhà Xanh
Buổi sáng ở khách sạn New Seoul, nơi chúng tôi lưu trú xuất hiện một cô gái nở nụ cười tươi tự giới thiệu với các nhà báo Việt Nam tên cô là Yunhee Choi, làm việc ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Cô được phân công đưa đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đi thăm nhà Xanh (dinh tổng thống) cùng một địa danh khác ở Seoul.
Các ngã đường thành phố Seoul ngập tràn màu vàng hoa ngân hạnh - Ảnh: M.T
Trên đường đi, Yunhee kể cô học Đại học Du lịch ở Đài Loan. Cô cũng từng học tiếng Việt 3 tháng, nay còn nhớ một ít. Yunhee cho biết cô có tên Việt Nam là Dạ Ngân. Rất tinh nghịch, cô hay khoác tay trưởng đoàn của chúng tôi - nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và nói bằng giọng Hà Nội ngọt lịm: Em yêu anh!
Nhà Xanh mở cửa đón du khách cách đây chưa lâu. Sau khi Tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chuyển nhà làm việc đến nơi mới, nhà Xanh ở Seoul được mở cửa cho du khách tham quan. Có 12 đời Tổng thống Hàn Quốc từng làm việc ở đây. Dù có tổng thống từng bị phế truất, bị bắt vì cáo buộc tham nhũng, phải ngồi tù theo pháp luật nhưng ảnh chân dung của họ vẫn được đặt theo thứ tự 12 đời tổng thống tại nhà Xanh. Có một điều thú vị khi đến thăm nơi này, mọi người đều có thể được nghe giới thiệu, hoặc chính bản thân mỗi người dân Hàn Quốc có thể được tự do bày tỏ tình cảm yêu - ghét tổng thống của họ theo cảm nhận riêng.
Nhà Xanh - Phủ Tổng thống Hàn Quốc - Ảnh: M.T
Ở các phòng làm việc nhà Xanh được bày biện bàn ghế theo thiết kế cổ của người Hàn Quốc nhưng có pha nét hiện đại qua hệ thống điện, giá treo cờ. Ở phòng tổng thống tiếp nguyên thủ nước ngoài đến thăm Hàn Quốc cũng vậy. Chúng tôi dừng lại ở một phòng ở phía sau nhà Xanh, có trưng bày ảnh 12 phu nhân các tổng thống được xếp theo thứ tự. Ở đây khách tham quan được người hướng dẫn giới thiệu về phẩm chất đạo đức và tài năng của các phu nhân tổng thống nổi bật.
Trong khuôn viên nhà Xanh còn có nơi ở của tổng thống và gia đình tổng thống; tất cả đều được bố trí trên các quả đồi, đường đi lối lại được lát đá, kiến trúc nhà theo truyền thống của người Hàn Quốc. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà là Trung tâm báo chí, nơi tổng thống và phát ngôn viên của tổng thống tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí. Ngôi nhà màu trắng đục, rộng rãi, thoáng đãng, người hướng dẫn nói rằng bất cứ khi nào các nhà báo đến phỏng vấn hoặc lấy tin tức của nhà Xanh cũng được chào đón. Bây giờ Tổng thống Hàn Quốc chuyển đến nơi làm việc mới, ngôi nhà này là một địa chỉ cho khách tham quan, nhất là nhà báo đến thăm, check-in.
Trung tâm cung cấp thông tin cho báo chí trong dinh Tổng thống Hàn Quốc - Ảnh: M.T
Khi đã thấm mệt với quãng đường đi bộ trong khuôn viên nhà Xanh vòng qua cố cung, dưới thảm hoa ngân hạnh ẩm ướt sau cơn mưa, chúng tôi được cô Yunhee đưa đi ăn đặc sản Seoul. Cô nói ở đây món gà hầm sâm cũng nổi tiếng như món phở ở Việt Nam. Xe chạy loanh quanh một lúc rồi dừng lại ở bãi đỗ xe của một khu phố cổ. Chúng tôi đi vào một nhà hàng có chiều sâu nhưng mặt tiền hẹp, có rất nhiều khách đang chờ đợi. Mặc dù đã được cô Yunhee đặt chỗ trước nhưng khi đến đây chúng tôi cũng phải đợi rất lâu mới có người ra đưa vào, còn như khách du lịch mới đến thì phải xếp hàng đợi dài dài.
Khi đã ngồi vào bàn ăn, lát sau mỗi người được đặt trước bàn một nồi hầm nguyên một con gà, trong con gà có một củ sâm, hạt táo đỏ... Khi ăn, khách phải tự dùng dao, nĩa để tách từng miếng gà hầm ra đĩa ăn cùng với muối tiêu, kim chi, ớt dầm, còn cháo thì ăn trong nồi. Món gà hầm sâm này nổi tiếng không chỉ ngon, bổ, tốt cho sức khỏe mà còn hấp dẫn thực khách bởi nhà hàng này là nơi Tổng thống Hàn Quốc thường mời khách đến ăn, kiểu như nhà hàng bún chả được Tổng thống Mỹ Obama đến ăn ở Hà Nội vậy.
Còn hỏi rằng ăn món gà hầm sâm có ngon hay không thì rất khó nói, vì không phải ai cũng có thể ăn hết con gà hầm to đùng, lại ít cay, nóng, màu mè như người miền Trung Việt Nam vẫn thường ăn. Có điều, khi rời nhà hàng này, nhìn ra tôi thấy hàng trăm du khách xếp hàng dài chờ đến lượt. Phục thay tính kiên nhẫn của mọi người, xếp hàng rất trật tự để chờ đến lượt trong cái lạnh dưới 3 độ C.
Trên đài quan sát núi Odusan
Có thể nói Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc với dân số hơn 10 triệu dân, diện tích 605 km2, nằm cách biên giới Công hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên 50 km về phái Nam. Đây là thành phố có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Nếu tính vùng thủ đô Seoul bao gồm thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi thì có tổng cộng 25 triệu dân sinh sống, là vùng đô thị lớn thứ hai thế giới sau vùng thủ đô Tokyo - Nhật Bản, là nơi chiếm một nửa dân số Hàn Quốc. Seoul đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc và được xem là “Kỳ tích sông Hàn”.
Trần Hưng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Seoul nói rằng bạn ấy đã ở đây 5 năm mà chưa có điều kiện đi hết vùng Seoul. Nói chuyện một lúc mới biết Hưng là con rể của một đồng nghiệp thân thiết của tôi ở Việt Nam. Điều mà Hưng ấn tượng nhất là chính sách an sinh xã hội ở Hàn Quốc rất tốt, như thời gian bị dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã trợ giá cho khí đốt lò sưởi và tiền điện cho người dân hoàn toàn, gần như khỏi phải thanh toán tiền cho bên điện lực cũng như trung tâm khí đốt của thành phố.
Lên thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, tọa lạc trên một ngọn đồi cao ở Seoul, đường lên ngập tràn màu vàng của hoa ngân hạnh, chúng tôi rất xúc động khi thấy ngôi chùa Một Cột được xây dựng trên đồi, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam được giữ gìn qua nhiều thời kỳ ở xứ sở Kim chi. Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nói rằng ông rất vui mừng vì hiện tại quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc rất tốt đẹp, từ quan hệ chính trị, kinh tế đến giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Có một chi tiết thú vị mà đại sứ cho chúng tôi hay, Hàn Quốc là đất nước nhập khẩu sản phẩm nước mắm Việt Nam nhiều nhất, vì trong món Kim chi, đặc sản của đất nước này khi chế biến phải có nước mắm, mà loại thực phẩm này ngon nhất chỉ có ở Việt Nam.
Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc - Ảnh: Trần Hưng
Có thể nói Seoul là thiên đường mua sắm với nhiều mặt hàng có giá cả hợp lý. Du khách đến đây có thể mua nhiều đồ dùng cần thiết và đồ lưu niệm ở bất kỳ gian hàng nào trong số hàng trăm siêu thị và phố mua sắm ở Seoul. Ở các cửa hiệu, khách có thể trả giá với các mặt hàng không niêm yết giá nhưng họ chỉ đồng ý giảm giá nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
Có một điều khác lạ như ở Việt Nam, khi cha mẹ vào siêu thị có thể mang theo con nhỏ, còn các siêu thị lớn ở Seoul, tôi thấy các cô cậu tầm tuổi trưởng thành chỉ đẩy những con thú cưng trên xe như chó, mèo, được mặc áo chải chuốt rất đẹp dạo hết cửa hiệu này đến cửa hiệu khác trong siêu thị.
Hôm trước, một anh bạn đồng nghiệp ở Hàn Quốc còn cho biết, rất nhiều người trong giới trẻ Hàn Quốc hiện chỉ chạy theo việc làm, đời sống tiêu dùng, rất ít quan tâm đến việc lập gia đình. Và kinh tế, thu nhập của các gia đình ở Seoul rất cao, nhưng số người mắc bệnh tâm thần và tự tử cũng... rất cao.
Tác giả thăm, giao lưu tại Đài Truyền hình KBS - Ảnh: Trần Hưng
Còn nhớ hôm vào ăn tối ở một nhà hàng Hàn Quốc, chúng tôi bắt gặp một cô gái đến bắt chuyện khi thấy trong đoàn có người nói tiếng Việt. Hỏi ra mới biết tên cô gái này tên là Tường Vi, quê miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Tường Vi vào báo với bà chủ nhà hàng và lập tức bà chủ đưa ra chiêu đãi mỗi người trong đoàn chúng tôi một chai nước ngọt. Trong khi vừa bày biện thức ăn, Tường Vi vừa kể chuyện cô lấy chồng Hàn Quốc và sang đây đã hơn 10 năm. Giờ đây chồng Tường Vi đã mất, con còn nhỏ, cô đi làm thuê ở nhà hàng này để kiếm tiền nuôi con và bị cuốn vào nhịp sống ở thành phố này. Tường Vi nói ở đây dù vất vã nhưng kiếm ra tiền nuôi con và cô cũng chưa có ý nghĩ sẽ quay về Việt Nam.
Trong những ngày đến thăm, làm việc tại Seoul, phía Hội Nhà báo Hàn Quốc sắp xếp những ngày cuối cho đoàn chúng tôi đến thăm Đài quan sát thống nhất nằm trên núi Odusan. Ở đây chúng tôi gặp một đoàn khách gồm nhiều người Nhật Bản, hầu hết còn rất trẻ. Họ đến để tìm hiểu về khát vọng hòa bình, thống nhất hai miền của người dân Hàn Quốc. Trên đài quan sát, nhiều người dán mắt vào ống kính viễn vọng nhìn về phương Bắc để chứng kiến cuộc sống của người dân Triều Tiên ở bên kia sông Hàn. Chúng tôi lên đây xem thử và cũng thấy được sinh hoạt thường ngày của người dân Triều Tiên ở bắc sông Hàn.
Du khách xem kính viễn vọng trên núi Odusan quan sát cuộc sống, sinh hoạt của người dân Triều Tiên ở bờ bắc sông Hàn - Ảnh: M.T
Còn ở dưới đài quan sát, người ta trưng bày mỹ thuật sắp đặt gồm những chiếc vỏ đạn pháo, trên đó nảy nở mầm cây hòa bình, thể hiện khát vọng thống nhất hai miền, gác lại quá khứ đau thương để chung sống hòa bình. Ở đây còn có phòng chiếu phim giới thiệu về những tiềm năng, thắng cảnh của cả hai miền Triều Tiên; lịch trình bằng đồ họa quá trình hòa giải giữa hai miền trong mấy chục năm qua.
Cũng ở trên núi Odusan, chúng tôi thấy xa xa bên bờ Nam sông Hàn là những tòa nhà cao chọc trời, còn ở bắc sông Hàn chỉ là những ngôi nhà thấp tầng, màu trắng xám. Dọc theo bờ sông ở phía Nam, chúng tôi bắt gặp những hàng rào thép gai cao dựng đứng, cứ cách vài trăm mét có một vọng gác với những đôi mắt thẳm sâu của người lính nhìn xa xăm về bờ Bắc sông Hàn...
Trước khi trở về Việt Nam, hôm đó tôi mới có thời gian nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm với phiên dịch của đoàn - Hoàng Giáp. Giáp người Hà Nội, sang đây học ngành kinh tế của Đại học Seoul. Ra trường, Giáp ở lại làm việc cho nhiều nơi mà chưa về nước vì ba mẹ em đang công tác ở châu Âu. Một thân một mình ở Seoul nhưng Giáp vẫn tìm được niềm vui, kể cả thu nhập qua rất nhiều công việc không tên. Vậy mà hôm đó chúng tôi nói lời chia tay và cảm ơn em đã giúp phiên dịch cho đoàn trong những ngày qua, chúc em ở lại giữ gìn sức khỏe, làm ăn thuận lợi, may mắn, thấy em lặng đi, nước mắt rưng rưng.
Chợt nghĩ, người Việt mình vì hoàn cảnh mà lưu lạc, bươn chải kiếm sống ở nơi chân trời góc bể vẫn luôn thương nguồn nhớ cội. “Dù làm gì ở đâu, người Việt vẫn là những người được mọi người yêu quý với tinh thần cầu tiến, giỏi giang và làm việc, sống hết mình...” - Đó là nhận xét của một người bạn đồng nghiệp Hàn Quốc nói với tôi về những người bạn Việt Nam hôm gặp ở Seoul trong mùa hoa ngân hạnh.
Vậy đó, có những con người thân thương và một mùa hoa ngân hạnh vàng rực trải dài các con phố ở xứ sở Kim chi ngày tôi đến, rồi đi...
Minh Tứ
QTO - Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị nói riêng rất phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Trong đó, nhiều...
QTO - Trong 7 ngày, từ ngày 27/4 - 3/5/2024, Đoàn công tác của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt...
QTO - Dọc miền biên ải từ Bắc chí Nam, tôi hay dừng lại ở những thị trấn ven sông, nhất là những dòng sông phân định ranh giới quốc gia. Cái cảm giác bồi...
QTO - Với kỹ năng diễn xuất linh hoạt, sống hết mình trong từng nhân vật để mang đến cảm xúc chân thật nhất cho khán giả, Ngô Quang Tuấn (sinh năm 1985),...
QTO - Những ngày cuối tháng 3, vùng biển bãi ngang xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tấp nập thuyền làm nghề cào ốc ruốc (còn gọi là ốc gạo, ốc...
QTO - Tuy không lương thưởng, phụ cấp nhưng thời gian qua, 8 đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG ở Quảng Trị đã dồn toàn tâm, toàn sức cho công việc. Sinh...
QTO - Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận, từ mặt trận Cánh Đồng Chum... Tôi chiến đấu thực thụ ở đây...
QTO - Từng bôn ba làm đủ nghề để mưu sinh, thậm chí đi làm việc theo diện hợp đồng lao động ở nước ngoài nhưng đều không thành công, phải đến khi khởi...
QTO - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tích cực triển khai công tác hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân...
QTO - Cũng như nhiều bạn trẻ, Nguyễn Minh Đình Thiên (sinh năm 2007), học sinh lớp 11C, Trường THPT Đông Hà từng lo sợ và không muốn đối diện với thất bại....
QTO - Cô chị có duyên với kinh doanh, cô em lại có niềm đam mê với nấu nướng, từng ấy “vốn liếng” là động lực to lớn để hai chị em Lê Tố Uyên (sinh năm...
QTO - Từ thực tế phát triển của tỉnh cùng với khát vọng, tâm huyết của một doanh nhân, mô hình “Vườn ươm khởi nghiệp” do Công ty Cổ phần Tổng Công ty...