{title}
{publish}
{head}
Quảng Trị, một ngày đầu tháng 9, mùa khai trường. Bên dòng sông Thạch Hãn, có một ngôi trường, Trường Bồ Đề - không bao giờ còn nghe tiếng trống. Khóa học cuối cùng cách đây hơn năm mươi năm. Ngôi trường giờ đã trở thành một phần ký ức chiến tranh. Những bông phượng cuối cùng của mùa hè bên ngôi trường này khiến tôi nhớ đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói: “Màu phượng ở miền đất này đỏ hơn bất cứ nơi nào”. Màu hoa phượng đỏ thắm nhưng sông Thạch Hãn mùa này thì xanh trong vô ngần. Lặng lẽ và sâu thẳm, cả một đời sông chan chứa những lời sử thi.
Sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây và đổ ra Biển Đông qua Cửa Việt, sông Thạch Hãn là dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Theo nhiều tài liệu cũ thì dòng sông này phía thượng nguồn có mạch đá ngầm chắn ngang nên mới có tên là Thạch Hãn. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: ... “Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở Bảo Trấn Lao chảy về Đông, đến tuần Ngưu Tất, có khe Trà Nê đến từ phía Bắc châu Lang Thìn chảy vào, lại chảy về phía Đông đến huyện Thành Hóa, có khe Tam Lưu từ phía Bắc chảy vào, quẹo tiếp về phía Đông, qua phía Bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn”...
Người dân Quảng Trị còn có tên gọi chệch về sông Thạch Hãn là nguồn Hàn. Cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí thì bởi sông Thạch Hãn dài gần 170 dặm, ít phù sa nên nguồn nước quanh năm thường trong xanh. Bởi vậy mà dân gian Quảng Trị có câu: “Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.
Sông Thạch Hãn từ xưa đến nay được coi là huyết mạch giao thông đường thủy và là nguồn nước tưới quan trọng cho vựa lúa ở vùng đồng bằng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Ngược dòng lịch sử, Thạch Hãn từng có vai trò quan trọng với công cuộc mở mang xứ Đàng Trong.
Sử cũ chép, khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa vào giữa thế kỷ XVI đã theo thủy lộ của dòng Thạch Hãn. Các chiến thuyền của Chúa Nguyễn đi theo đường biển từ phía Bắc vào, sau đó từ Cửa Việt vào đất Quảng Trị tìm nơi lập Dinh Trấn. Bến Ghềnh của dòng Thạch Hãn chính là nơi đoàn thuyền của Chúa Nguyễn Hoàng năm xưa cập bến. Dấu tích vẫn còn sau gần 500 năm dâu bể.
Thời kháng chiến chống Pháp, ngay ở đầu nguồn Thạch Hãn, chốn núi rừng heo hút mờ xa này là chiến khu Ba Lòng nổi tiếng. Trong 9 năm ròng rã của cuộc kháng chiến, Ba Lòng là nơi che giấu những ban, ngành, cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Trị đóng quân. Ngoài ra còn có các xưởng quân giới đúc rèn vũ khí cho các lực lượng vũ trang.
Nhiều nhà hoạt động cách mạng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng có thời gian hoạt động ở chiến khu Ba Lòng sau đó tiếp tục đi khắp mọi miền đất nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chiến khu Ba Lòng cũng từng được nhiều người biết đến qua bài thơ nổi tiếng “Cô lái đò” của nhà thơ cách mạng người Quảng Trị Lương An với những câu: “Đò em lên xuống Ba Lòng/Đưa người cán bộ qua vùng chiến khu.../Ai về Bến Trấm thì lên/Về cho sớm sớm mưa đêm khó chèo”...
Có thể nói, từ đầu nguồn đến cuối bể, sông Thạch Hãn còn có rất nhiều câu chuyện gắn với mỗi tên đất, tên làng. Có những ngôi làng kiên trung, một lòng đi theo cách mạng, có những ngôi làng khoa bảng dằng dặc suốt mấy trăm năm, hay những ngôi làng non sông cẩm tú, sinh thành những bậc hiền tài làm rạng danh miền gió Lào cát trắng.
Nằm ở phía bờ Nam sông Thạch Hãn, một trong những địa chỉ được nhiều người biết đến là Thành Cổ Quảng Trị, nơi diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị giữa lực lượng Giải phóng quân và Nhân dân tỉnh Quảng Trị với quân đội Sài Gòn có sự yểm trợ hỏa lực tối đa của Mỹ. Đây là một trận đánh kéo dài, khốc liệt và những hy sinh mất mát khó ai có thể hình dung.
Sau cuộc chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm, toàn bộ thị xã Quảng Trị gần như bị san phẳng, Thành Cổ chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.
Trong cuộc chiến này, cùng với Thành Cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn đã chứng kiến một trong những trang hào hùng, bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước ở thế kỷ XX của quân và dân ta. Ngày nay, Thành Cổ Quảng Trị trở thành di tích quốc gia đặc biệt với nhiều hạng mục, trong đó quan trọng nhất là Đài Tưởng niệm và Bảo tàng Thành Cổ.
Nhiều năm qua, hàng triệu lượt người từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có cả những du khách từ các quốc gia xa xôi cũng đã về đây viếng thăm. Thành Cổ bên dòng Thạch Hãn trở thành “miền đất tâm linh”, miền đất của những linh hồn yên nghỉ theo cách mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.
Nhiếp ảnh gia Nick Út sáng tác tại di tích Trường Bồ Đề, thị xã Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Hơn nửa thế kỷ sau chiến tranh, những dấu tích đạn bom một thời cũng đã dần khép lại nhường chỗ cho màu xanh của sự sống. Sông Thạch Hãn một thời hiển linh dường như lắng lại những thăng trầm lịch sử để tiếp tục một đời sông nuôi dưỡng giấc mơ thanh bình. Còn nhớ, những năm đầu sau giải phóng, cả đất nước đứng trước bộn bề khó khăn, nhất là việc thiếu ăn trầm trọng.
Quảng Trị bấy giờ thuộc tỉnh Bình Trị Thiên là vùng đất hoang hóa, đạn bom cày nát nương vườn. Để cứu đói, để sản xuất nhiều lương thực, cả tỉnh Quảng Trị phải trông mong vào dải đất đồng bằng của huyện Triệu Hải, tức Triệu Phong và Hải Lăng ngày nay. Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn hình thành và từ đây nguồn nước Thạch Hãn làm sống lại màu xanh ruộng vườn, hoa trái của đồng bằng Triệu Hải, giúp người dân Quảng Trị vượt qua cơn bĩ cực.
Những năm tháng công trình đang thi công, nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng có mặt ở công trình này, về sau ông đã kể lại trong bút ký “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba”. Bằng con mắt chan chứa nhân tình pha màu sắc triết lý, ông đã nhìn thấy vẻ đẹp của vùng đất và những con người đang đổ mồ hôi cho sự sống.
Trong bút ký có đoạn viết: “Đoàn quân chân đất khuôn mặt hiền từ nhưng thách đố. Mỗi bàn chân có năm ngón. Mười ngón chân bám chặt mặt đất như những câu móc bằng thép nguội. Không gì gỡ ra nổi. Những bàn chân bỗng chốc dạy cho tôi biết vì sao mặt đất quê hương này không bao giờ mất được. Những ngón chân rễ cây đại ngàn đã cắm sâu vào lòng đất nước”.
Vâng, hơn năm trăm năm kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng đặt bước chân đầu tiên trên hành trình khai mở xứ Đàng Trong và gần năm mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, một phần đời dâu bể của dòng Thạch Hãn như phù sa gắn kết với vùng đất và con người Quảng Trị. Như là định mệnh, có những vùng đất mang trong mình số phận của lịch sử và dân tộc. Vùng đất mà dòng sông Thạch Hãn chảy ngang qua là vậy.
Để chiều nay, tôi về thăm lại ngôi trường Bồ Đề bên dòng Thạch Hãn nay đã trở thành di tích lịch sử. Cũng như nhiều người khác, tôi đến đây để được đối diện với những gì còn lại của quá khứ chiến tranh, để thấy lòng mênh mang như con nước Thạch Hãn, ôm vào lòng những trang sử đau thương, bi hùng của cả dân tộc và chảy tiếp đời sông trong khát vọng thanh bình.
Bút ký: Phạm Xuân Hùng
QTO - Không có điều kiện được đào tạo chuyên sâu, em Võ Thanh Thảo (sinh năm 2009), trú tại Khu phố 1, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, từng nghĩ mình...
QTO - Đâu đó trong các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP. Đông Hà, có những người phụ nữ suốt mười mấy năm qua vẫn mưu sinh bằng nghề buôn bán cá, tôm được...
QTO - Cái tên Quảng Trị gắn với cuộc đời tôi như một cơ duyên trời định. Mùa hè năm 1974 tôi nhập ngũ, chỉ ở mảnh đất Quảng Bình quê hương mấy tháng sau đó...
QTO - Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương cũng như của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước; đồng thời phát huy sức mạnh...
QTO - Ngược trở về thế kỷ XVI, năm 1558, Nguyễn Hoàng từ xứ Thanh đã vào Quảng Trị ở cửa biển Việt Yên, rồi theo sông Thạch Hãn lên Ái Tử lập nên dinh trấn...
QTO - Tôi còn nhớ vào tháng 7/1989 khi biết tin tỉnh nhà Quảng Trị được lập lại, tôi vội viết thư báo cho các đàn anh quê mình đang là phóng viên Đài PT -...
QTO - Gần 10 năm bén duyên với nghệ thuật, Nguyễn Gia Nhật (ở thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh) đã để lại trong lòng những người yêu nhạc ấn...
QTO - Anh Lê Văn Hoàng (sinh năm 1988) quê ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, hiện là Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Kaopiz Holdings (Kaopiz) có trụ sở...
QTO - Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và để lại nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá...
QTO - Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và mang nặng nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa...
QTO - Chúng tôi đến Hà Giang không vào mùa hoa tam giác mạch để được chìm trong sắc tím hồng giữa bạt ngàn cao nguyên đá; cũng không vào mùa đổ nước vô...
QTO - Trong chiến tranh gian khổ và ác liệt, từ lòng địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch cũ), nay thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã có 17...